Home Bình Luận Tiếng ồn trong các đô thị – suy giảm sức khỏe, thiệt hại kinh tế & văn hóa tụt hậu

Tiếng ồn trong các đô thị – suy giảm sức khỏe, thiệt hại kinh tế & văn hóa tụt hậu

Tập hợp một lượng lớn dân cư trong một không gian nhỏ hẹp như các đô thị, một mặt vừa tạo ra cơ hội, nhưng mặt khác lại gây ra rất nhiều nguy cơ lớn như dịch bệnh, chất thải, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội… Trong nhiều thế kỷ sinh tồn, không chỉ học giả mà ngay cả những cư dân có trình độ thấp mưu sinh tại các đô thị đều nhận thức được các nguy cơ này, nhưng gần như, họ lãng quên một nguy cơ khác: tiếng ồn.

Cơn ác mộng của mật độ dân cư đông đúc, và tiếng ồn gia tăng thêm kịch tính

Không phải chỉ tại Việt Nam, trên thế giới, vấn đề tiếng ồn gần như không được quan tâm. Nếu các nhà khoa học và hoạch định chính sách tốn rất nhiều giấy mực để bàn về khói bụi, ô nhiễm, và sự xuống cấp của cảnh quan, thì tiếng ồn gần như không được đề cập đến nhiều trong các nghiên cứu. Tiếng ồn thường bị xem là khó chịu, nhưng tác hại của nó tới toàn bộ sức khỏe của dân cư, kinh tế và văn hóa… lại không hề dễ nhận diện. Bởi thế, người dân đô thị dễ dàng chấp nhận tiếng ồn như một điều bình thường trong cuộc sống thường nhật, thậm chí tiếng ồn được coi là một đặc trưng của đời sống đô thị.

Tiếng ồn đô thị thường đến từ nhiều nguồn. Phổ biến nhất là do động cơ xe cộ và công trình xây dựng, ít thường xuyên hơn là âm thanh từ loa đài. Tiếng ồn phổ biến mang tính chất thường nhật, gần như khó tránh, đặc biệt với những xã hội sử dụng các phương tiện có chất lượng kỹ thuật kém như Việt Nam hiện nay. Tiếng ồn thường xuyên này khi nghe quá nhiều, đều đặn, dần dần khiến mọi người quen thuộc. Người đi đường hầu như không hề khó chịu với tiếng xe cộ, tiếng còi… dù cho tiếng ồn và độ rung vượt quá ngưỡng quy định khi đo. Sau khi trải qua tiếng ồn thường nhật, vào khoảng thời gian nghỉ ngơi, chúng ta lại chịu đựng một loạt các tiếng ồn từ loa đài do vặn âm lượng quá cỡ khi xem TV, nghe nhạc, karaoke… Tất cả các tiếng ồn ấy quen thuộc tới mức chúng ta không hề biết rằng tiếng ồn ấy đang gây hại cho sức khỏe của mình không hề kém ô nhiễm không khí hay dịch bệnh.

Những nghiên cứu được thực hiện bởi tiến sĩ nghiên cứu về sức khỏe giấc ngủ của Mỹ Mathias Basner , một chuyên gia về ảnh hưởng của tiếng ồn lên sức khỏe con người cho biết: Vì tiếng ồn, hơn 50% người trưởng thành Hoa Kỳ bị mất thính lực tần số cao và có 1,6 tỷ người bị mất thính lực trên toàn thế giới. Nhưng mất thính lực không phải tất cả, chứng ù tai do tiếng ồn cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, những người bị ù tai khó vào giấc hơn, thời gian ngủ ít hơn, ngủ không sâu… dần dần dẫn đến cơ thể bị suy nhược. Sự suy giảm thính giác gây ảnh hưởng lớn đến khả năng giao tiếp, con người sẽ không thể biết lắng nghe nếu tai họ không thể nghe rõ điều người khác nói, dẫn đến sự hiểu nhầm, tách biệt…nguy hại hơn cả, là ảnh hưởng đến năng lực tiếp nhận và học hành. Basner khẳng định “…những người bị mất thính lực đã được xác minh, họ cũng có nhiều khả năng bị suy giảm nhận thức hơn.” Ông cũng cho biết rằng tiếng ồn gây ra một loạt tổn thương khác như: “bài tiết của các hormone căng thẳng như adrenaline và cortisol, dẫn đến những thay đổi trong thành phần của máu và thay đổi cấu trúc của các mạch máu, được chứng minh là thực sự cứng hơn sau một đêm ồn ào. Nhưng có một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy những người tiếp xúc với mức độ tiếng ồn giống nhau trong một thời gian dài, họ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn như đau tim, cao huyết áp và đột quỵ.” (Sophia Ngo dịch bài trả lời phỏng vấn của Mathias Basner: Tiếng ồn ảnh hưởng tới não bộ như thế nào. Bài phỏng vấn thuộc Dự án Triệt để loại bỏ tiếng ồn đô thị, do Book Hunter thực hiện).

>> Đọc thêm: Triệt để loại bỏ tiếng ồn theo quy định của pháp luật – Cộng đồng Tác giả và Dịch giả (foxstudy.org)

Một đô thị không thể phát triển nếu như những cư dân, vốn là nguồn lực chủ đạo tạo ra đời sống và động lực tăng trưởng lại là những người bị suy giảm nhận thức và sức khỏe mỗi ngày. Năng suất công việc không thể đạt được mức cao nhất và tạo ra giá trị tốt nhất, cũng như văn hóa nghệ thuật không thể vươn tới các giá trị tầm cao khi chúng ta có những người dân lãng tai, đãng trí, liên tục bị căng thẳng, không thể tập trung, không thể lắng nghe. Nhận thức yếu kém và năng lực tương tác yếu kém, nguy hại hơn thế, còn có thể dẫn đến các xung đột giữa người với người. Chắc chắn không thể có một xã hội yên ổn, bình hòa khi các thành tố của nó thiếu gắn kết bắt đầu từ thiếu khả năng lắng nghe. Đó cũng là mối đe dọa lớn đến tương lai của trẻ nhỏ, khi những đứa trẻ với hệ thống thần kinh và thính giác non nớt lại thường xuyên bị người lớn vô ý gây tiếng ồn làm tổn thương đôi tai.

Từ nhận thức đến hành động, từ trung ương tới địa phương

Hiểu rõ tác hại của tiếng ồn tới sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt là ở các đô thị, chính quyền Việt Nam và các nhà báo đã nhiều lần lên tiếng về tình trạng tiếng ồn, coi tiếng ồn như một mối đe dọa xã hội.  Luật Bảo vệ Môi trường số 72/2020/QH14 (Luật đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020) có nội dung như sau: Khoản 4 – Điều 6: Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; khoản 1.c – Điều 60: Không phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh. Bản quy định về mức tiếng ồn trong khu dân cư cũng được quy định rõ ràng. Quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trong khu dân cư số 26:2010/BTNMT quy định rõ tại khu vực dân cư thông thường, người dân không được gây ồn > 70 dB trong khung giờ từ 6h-21h, và >50 dB trong khung giờ từ 21h00 đến 6h00. Tuy nhiên, từ quy định và mong muốn của những nhà hoạch định chính sách tới thực thi còn là một chặng đường dài.

Vốn là một quốc gia có xuất thân từ nông dân lâu đời, dân cư sống ở các làng bản có mật độ dân cư thưa thớt, những âm thanh lớn luôn được coi trọng, bởi âm thanh lớn có vai trò quan trọng trong ra tín hiệu với người ở khoảng cách xa. Khi chuyển đổi đời sống từ núi non, đồng ruộng, sông nước… sang thành thị, những cư dân phải rút ngắn khoảng cách với nhau, từ khoảng không mênh mông sang chen chúc chật chội trong các khu phố, người nông dân nhanh chóng học tập cách phương thức kiếm sống kiểu thành thị, nhưng không dễ để học cách tương tác ở nơi có mật độ dân cư dày đặc. Sự tương tác ở đô thị không cần âm thanh lớn, mà một khi thực tiễn không cần đến nhưng nó vẫn hiện diện thì nó sẽ là thứ phá hoại và gây cản trở. Nếu người dân đô thị ai cũng gây ra tiếng ồn theo sở thích cá nhân của mình thì tiếng ồn sẽ cộng hưởng với nhau tạo ra một không gian phá hủy thính giác, tương tự như vậy với vấn đề chất thải và tệ nạn… Tại đô thị, sự tương tác cần thiết, theo như Edward Glaeser trong “Chiến thắng của đô thị” (Book Hunter dịch, NXB Hội Nhà Văn), chính là sự giao tiếp, giao thương và học hỏi, mà yếu tố đầu tiên cần là thông tin và kiến thức phải được “lưu thông”. Hãy tưởng tượng xem, chúng ta không thể bàn luận và giao dịch với các thỏa thuận chính xác khi ngồi chốt các điều khoản tại các quán bia ồn ào, âm nhạc xập xình. Nhân viên không thể nhận lệnh chính xác từ sếp khi tiếng ồn trong khu làm việc vừa khiến thính giác bị yếu, vừa gây xao lãng thông tin. Học trò không thể tập trung tự học và tự đọc tại nhà khi bố mẹ tiệc tùng hát karaoke ầm ĩ.

Để học cách mưu sinh tại các đô thị, người dân có thể tiếp thu rất nhanh, nhưng để chuyển đổi thói quen hay nói cách khác là thay đổi văn hóa sống, thì cần một sự huấn luyện, không hẳn là các bài giảng cứng nhắc, mà có thể đến từ quy định tại các khu dân cư. Và quan trọng hơn thế, chính các cán bộ tại địa phương cần phải ý thức được rằng tiếng ồn là một mối đe dọa đến cộng đồng chứ không phải là thói quen thường nhật. Sự đô thị hóa ngày càng lan rộng, khu dân cư tại nông thôn giờ đây cũng chật chội hơn, vậy nên, có lẽ đã đến lúc cần quản lý tiếng ồn một cách chặt chẽ như như quản lý môi trường, y tế cộng đồng và an ninh khu vực.

Hà Thủy Nguyên

Bài đã đăng trên Báo Pháp Luật: https://baophapluat.vn/o-nhiem-tieng-on-do-thi-van-de-chua-duoc-quan-tam-post452483.html

Nguồn ảnh minh họa: TheNewyorker

“Giặc xấu” bắt đầu tàn phá Hội An?

Bài viết lên án dự án Công viên Ấn tượng và chương trình thực cảnh Ký ức Hội An Những ngày tháng 4 vừa qua, dư luận báo chí xôn xao về sự tàn phá môi trường và cảnh quan của dự án Công viên Ấn tượng và chương trình thực cảnh Ký ức Hội An trong khu vực Phố Cổ Hội An. Ở bài viết này tôi sẽ không đề cập đến vấn đề pháp lý hay những nguy hại về môi trường mà

Đô thị học tập – Nền tảng cho mọi định hướng phát triển

Bước chân tới một đô thị với những tiện nghi hiện đại và những tòa nhà bề thế, chúng ta dễ dàng bị choáng ngợp bởi sự phồn hoa và văn minh cùng dòng người và dòng tiền lưu thông liên tục, nhưng chúng ta ít khi để ý tới những yếu tố làm nên sự thịnh vượng đó. Đến nay, các nhà nghiên cứu đô thị học chắc chắn không còn ai ảo tưởng rằng những tòa nhà và hệ thống giao thông tạo nên

Tìm lại giao cảm tại các đô thị sau thời kỳ biệt lập vì dịch bệnh

“…cuộc sống đô thị luôn tồn tại lâu hơn dịch bệnh, nhưng không phải thành phố nào cũng được như vậy…” (Trích “Sinh tồn của đô thị”/Tác giả: Edward Glaeser & David Cutler/ Bản dịch của Book Hunter, NXB Đà Nẵng,2022) Thế rồi, dịch bệnh Covid-19 cũng dần dần bị đẩy lùi, và nhân loại bắt đầu rời khỏi bốn bức tường an toàn. Nếu như những ngày đầu của dịch bệnh từng khiến chúng ta xáo trộn, vừa hoảng loạn vì bị tách khỏi

Đi tìm “tính Việt” trong những tách trà

Nằm trong khu vực có khí hậu và thổ nhưỡng tốt cho sinh trưởng của cây trà, nhưng đến nay trà Việt vẫn loay hoay trong định vị văn hóa của mình trên bản đồ thế giới. Trong “Trà Kinh”, Lục Vũ viết về nguồn gốc của trà  như sau: “Trà là giống cây quý phương Nam”( Trần Quang Đức dịch), phương Nam ở đây ám chỉ một dải đất rộng lớn từ phía Nam sông Dương Tử, kéo dài xuống Ấn Độ và bán

Chiến thắng của đô thị hay sự thất bại của thị dân?

Mỗi khi đọc lại “Chiến thắng của đô thị” của nhà kinh tế học Edward Glaeser, tôi luôn nghĩ rằng có lẽ tác giả nên đổi tên cuốn sách thành “Sự thất bại của thị dân”. Vâng, những thị dân quần tụ trong các đô thị đông đúc và phồn thịnh đã thất bại trong cuộc tìm kiếm một cuộc sống thịnh vượng hơn, xanh hơn, lành mạnh hơn. Các đô thị trên thế giới, mà Việt Nam cũng nằm trong số đó luôn được