Home Dịch thuật Phỏng vấn Milan Kundera: Tiếng cười và Lãng quên của một quốc gia

Phỏng vấn Milan Kundera: Tiếng cười và Lãng quên của một quốc gia

(Bài phỏng vấn của Philip Roth và Milan Kundera vào ngày 30/11/1980)

Bài phỏng vấn này được đúc rút từ hai cuộc đối thoại của Philip Roth với Milan Kundera sau khi đọc bản viết tay cuốn “Book of Laughter and Forgetting” Sách Cười và Lãng quên): một cuộc trong khi ông tới thăm Luân Đôn lần đầu, và cuộc kia khi ông lần đầu đến Mỹ. Milan Kundera sống tại Pháp, ông và vợ đã từng sống như một Èmigrès Émigré (Người tị nạn) – ở  Reenes (tiếng Pháp là Rennes – ND) nơi ông giảng dạy tại trường Đại học, và hiện đang sống ở Paris. Trong suốt cuộc đối thoại, Kundera nói một ít tiếng Pháp, mà chủ yếu là tiếng Czech, và vợ ông Vera giúp ông phiên dịch. Một văn bản tiếng Czech đã được dịch sang tiếng Anh bởi Peter Kussi.

PR: Ông nghĩ gì về việc thế giới sẽ sớm hủy diệt?

MK: Điều đó phụ thuộc vào việc anh cho thế nào là “sớm”.

PR: Là ngày mai hoặc ngày kia.

MK: Cảm giác rằng thế giới nhanh chóng tàn phế là một việc xưa như Trái Đất rồi.

PR: Do đó chúng ta không có gì phải lo lắng về nó.

MK: Trái lại là khác. Nếu một nỗi sợ đã tồn tại trong tâm trí con người trong thời gian quá lâu, chắc chắn phải có một điều gì đó.

PR: Dù thế nào chăng nữa, có vẻ như mối quan tâm này là bối cảnh mà  trên đó tất cả các cuốn sách gần đây nhất của ông diễn ra kể cả những cuốn có bản chất hài hước rõ ràng.

MK: Hồi tôi còn bé, khi ai đó nói với tôi rằng: Một ngày nào đó quốc gia của cháu sẽ biến mất khỏi thế giới, chắc tôi sẽ cho rằng chuyện đó thật vô nghĩa, một điều tôi không thể tưởng tượng nổi. Một người biết rằng anh ta không bất tử, nhưng anh ta coi là đương nhiên sự sống vô hạn mà quốc gia của anh ta sở hữu. Nhưng sau cuộc xâm lược của Nga năm 1968, mỗi người Czech đều đối diện với suy nghĩ rằng quốc gia của họ có thể bị xóa sổ khỏi Châu Âu, giống như trong khoảng 5 thập kỷ vừa qua, 40 triệu người Ukraina đã lặng lẽ biến mất khỏi thế giới mà không có ai chú ý. Hay như trường hợp Lithuania. Bạn có biết vào thế kỷ 17, Lithuania là một quốc gia hùng mạnh ở Châu Âu? Ngày nay người Nga duy trì Lithuania trong giới hạn như một bộ lạc đứng trước nguy cơ diệt vong; họ bị cách ly khỏi những du khách để ngăn thông tin về sự tồn tại của họ vươn ra bên ngoài. Tôi không biết rằng tương lai nào xảy đến với quốc gia của tôi. Nhưng chắc chắn rằng nước Nga sẽ làm mọi thứ có thể để làm nó tan dần dần vào nền văn minh của họ. Không ai biết rằng liệu họ có thành công hay không. Nhưng “có khả năng” là điều đang tồn tại. Và tôi chợt nhận ra rằng việc tồn tại khả năng này là quá đủ để thay đổi toàn bộ cảm quan của người ta về cuộc sống. Giờ đây tôi thậm chí thấy Châu Âu dường như mong manh và không phải là bất tử.

PR: Vậy mà chẳng phải là số mệnh của Đông Âu và Tây Âu là hai vấn đề rất khác nhau hay sao?

MK: Theo quan điểm lịch sử văn hóa, Đông Âu là là nước Nga, cùng với lịch sử gắn liền với Byzantine. Bohemia, Ba Lan, Hungary, cũng như Áo chưa bao giờ là một phần của Đông Âu. Từ thuở ban đầu, họ đã tham gia vào hành trình phiêu lưu vĩ đại của văn minh phương Tây, cùng với Gothic, Phục Hưng, Cải cách Tin Lành – một phong trào bắt rễ từ khu vực này. Chính tại đây, Trung Âu, văn hóa hiện đại đã tìm thấy lực đẩy vĩ đại nhất; Phân tâm học, Chủ nghĩa cấu trúc, Lý thuyết âm nhạc 12 cung (Nguyên văn: dodecaphony), âm nhạc của BartÛk (tức Bela Bartok – ND), mỹ học mới về tiểu thuyết của Kafka và Musil. Sự sát nhập sau chiến tranh của Trung Âu (hoặc ít ra cũng phần lớn Trung Âu) vào văn minh Nga đã khiến văn hóa phương Tây mất đi trọng tâm thiết yếu của nó. Đó là sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử phương Tây trong thế kỷ của chúng ta và chúng ta không thể bỏ qua khả năng rằng sự kết thúc của Trung Âu đã mở đầu cho sự cáo chung của toàn bộ châu Âu.

PR: Trong suốt thời kỳ Mùa xuân Praha, cuốn tiểu thuyết “The Joke” và những truyện ngắn trong “Laughable Loves” của ông đã xuất bản đến 150.000 ấn bản. Sau sự xâm lược của Nga, ông đã bị tước mất vai trò giảng dạy tại Viện hàn lâm Điện ảnh và tất cả các tác phẩm của ông đều bị vứt bỏ khỏi các thư viện công cộng. Bảy năm sau đó ông và vợ quẳng vài quyển sách và vài bộ quần áo vào xe riêng rồi chạy sang Pháp, nơi ông trở thành một trong số các tác giả nước ngoài được đọc nhiều nhất. Ông cảm thấy thế nào với tư cách một người tị nạn?

MK: Đối với một nhà văn, trải nghiệm cuộc sống ở nhiều nước khác nhau rất có ích. Bạn chỉ có thể hiểu thế giới nếu bạn nhìn nó từ nhiều góc nhìn khác nhau. Cuốn sách gần đây nhất của tôi ra đời ở Pháp, mở ra một không gian địa lý đặc biệt. Các sự kiện  diễn ra ở Praha được chứng kiến bởi con mắt người Tây Âu, trong khi những gì xảy ra ở Pháp lại được nhìn bằng con mắt của người Praha. Đó là một cuộc va chạm của hai thế giới. Một bên là quê hương bản quán của tôi: Trong tiến trình cả nửa thế kỷ, nó đã trải qua dân chủ, phát xít, cách mạng, khủng bố của Stalin cũng như sự phân rã của chủ nghĩa Stalin, sự chiếm đóng của Đức và Nga, những đám đông bị lưu đày, cái chết của phương Tây trên mảnh đất của chính mình. Do đó nó chìm sâu dưới sức nặng của lịch sử, và nhìn vào thế giới với thái độ hoài nghi vô bờ bến. Bên kia là nước Pháp: Hàng thế kỷ nó là trung tâm của thế giới và ngày nay lại phải trải qua sự thiếu vắng các sự kiện lịch sử. Đó là lý do tại sao nó thích thú những điệu bộ tư tưởng cấp tiến. Đó là sự kỳ vọng, vừa trữ tình vừa tâm thần về một chiến công kỳ vĩ dù cho nó không xảy đến và sẽ chẳng bao giờ đến.

PR: Ông sống ở Pháp như một người lạ hay là ông cảm thấy tự nhiên như ở nhà?

MK: Tôi rất thích văn hóa Pháp và tôi cảm thấy mang nợ. Đặc biệt đối với văn chương cổ xưa. Rebelais gần gũi với tôi nhất trong số các nhà văn. Và Diderot. Tôi yêu tác phẩm “Jacques, người theo thuyết vận mạng”  của ông cũng như với Laurence Sterne. Đó là những nhà thực nghiệm vĩ đại nhất mọi thời đại trong hình thức tiểu thuyết. Và những thực nghiệm đó, phải nói là, hưng phấn, tràn ngập hạnh phúc và niềm vui, những điều đã quá vãng trong văn chương Pháp và không có chúng thì nghệ thuật đã đánh mất đi ý nghĩa của nó. Sterne và Diderot hiểu rằng tiểu thuyết giống một trò chơi lớn. Họ khám phá ra tính hài hước của hình thức tiểu thuyết. Khi tôi nghe những tranh luận rằng tiểu thuyết đã kiệt quệ tiềm năng, tôi thấy rõ cảm xúc đối lập: Trong tiến trình lịch sử của mình, tiểu thuyết đã bỏ qua nhiều tiềm năng. Ví dụ như, những thúc đẩy cho sự phát triển của tiểu thuyết ẩn giấu trong Sterne và Diderot đã không được những người đi sau tiếp nhận.

PR: Cuốn sách mới đây của ông không thể gọi là tiểu thuyết, và chính ông cũng tuyên bố: Cuốn sách này là một tiểu thuyết trong dạng các biến khúc. Vậy thì, liệu nó có phải là tiểu thuyết hay không?

MK: Đứng ở góc độ phê bình mỹ học hoàn toàn cá nhân, đây thật sự là một tiểu thuyết, nhưng tôi không mong áp đặt quan điểm này lên người khác. Có sự tự do lớn lao tiềm ẩn bên trong hình thức tiểu thuyết. Thật sai lầm nếu coi một cấu trúc khuôn mẫu như bản chất bất khả xâm phạm của tiểu thuyết.

PR: Nhưng chắc chắn rằng có nhiều điều khiến một cuốn tiểu thuyết là một tiểu thuyết, và giới hạn sự tự do?

MK: Tiểu thuyết là một thứ văn xuôi tổng hợp dài dòng dựa trên kịch tính với các nhân vật tưởng tượng. Giới hạn chỉ có thế thôi. Bằng thuật từ tổng hợp, tôi quan tâm đến ham muốn của tiểu thuyết gia trong việc thâu tóm chủ đề từ tất cả các khía cạnh và trong sự toàn vẹn nhất có thể. Tiểu luận mỉa mai, tiểu thuyết trần thuật, phân mảnh tiểu sử, sự thật lịch sử, sự bay bổng của phóng tưởng: Sức mạnh tổng hợp của tiểu thuyết chính là khả năng kết hợp mọi thứ thành thể thống nhất giống các giọng hòa âm trong âm nhạc. Sự thống nhất của một cuốn sách không cần dựa vào cốt truyện mà có thể do đề tài đem lại. Trong cuốn sách gần đây nhất của tôi, có hai đề tài chính: tiếng cười và sự quên lãng.

PR: Tiếng cười luôn gắn liền với ông. Sách của ông làm bật cười qua sự hài hước hoặc mỉa mai. Khi các nhân vật của ông rơi vào bi kịch thường là do họ đụng phải cái thế giới đã mất đi tinh thần hài hước.

MK: Tôi học được giá trị của sự hài hước trong suốt thời kỳ khủng bố của Stalin. Khi đó tôi 20 tuổi. Tôi luôn có thể nhận ra một người không theo Stalin, một người mà tôi không cần phải sợ hãi, qua cái cách anh ta mỉm cười. Tinh thần hài hước là một dấu hiệu đáng tin cậy. Từ đó, tôi đã bị khủng bố bởi một thế giới mất đi tinh thần hài hước.

PR: Dẫu vậy, trong cuốn sách mới nhất của ông, có một điều gì khác đã tham dự. Trong một ẩn dụ nhỏ, ông đã so sánh tiếng cười của  thiên thần với tiếng cười của quỷ dữ. Qủy dữ cười bởi vì thế giới của Chúa dường như vô nghĩa đối với anh ta, còn thiên thần cười vui bởi vì mọi thứ trong thế giới của Chúa đều có ý nghĩa.

MK: Vâng, con người sử dụng cùng sự biểu lộ sinh lý – tiếng cười – để thể hiện hai thái độ siêu hình khác nhau. Chiếc mũ của ai đó rơi trên quan tài trong một huyệt mộ vừa mới đào, đám tang mất đi ý nghĩa và tiếng cười nảy sinh. Hai người yêu nhau đuổi nhau trên đồng cỏ, nắm tay nhau, vui cười. Tiếng cười của họ không phải là đùa cợt hay hài hước, đó là tiếng cười nghiêm túc của thiên thần thể hiện niềm vui sống. Cả hai kiểu cười đều nằm trong những niềm vui thú của cuộc đời, nhưng nó cũng bao hàm một đại họa kép: tiếng cười nhiệt hứng của những thiên thần cuồng tín, những kẻ quá tin ở cái ý nghĩa mà họ gán cho thế giới đến nỗi sẵn sàng treo cổ bất cứ ai không chia sẻ niềm vui của họ. Và tiếng cười khác, vang lên từ phía đối lập, tuyên bố rằng mọi thứ đều đã trở nên vô nghĩa, rằng ngay cả đám tang cũng thật nực cười và làm tình tập thể cũng chỉ là một tấn kịch câm khôi hài. Đời sống con người bị giới hạn bởi hai bờ vực: hoặc là sự cuồng tín, hoặc là tuyệt đối ngoài nghi.

PR: Thứ mà ông gọi là tiếng cười của thiên thần là thuật ngữ mới cho “thái độ trữ tình đối với cuộc sống” trong các tiểu thuyết trước đó của ông. Một trong những cuốn sách ông nêu bật đặc tính kỷ nguyên khủng bố Stalin như sự ngự trị của tên treo cổ và nhà thơ.

MK: Chế độ toàn trị không chỉ là địa ngục, mà còn là giấc mơ thiên đường – tấn kịch già nua của một thế giới mà mọi người sống trong hòa hợp, hợp nhất bởi một ý chí và niềm tin chung. André Breton cũng mơ về thiên đường này khi ông nói về nhà kính nơi mà ông khao khát được sống. Nếu chủ nghĩa toàn trị không khai thác những nguyên mẫu này từ bên trong chúng ta và bắt rễ sâu từ rất sâu trong tôn giáo, nó không thể thu hút nhiều người đến vậy, đặc biệt trong những giai đoạn đầu của nó. Tuy nhiên, một khi giấc mơ thiên đường bắt đầu được hiện thực hóa thì  đây đó con người bắt đầu hiểu ra và do đó các nhà cai trị của thiên đường phải tạo ra một cái trại cải tạo nhỏ ở rìa vườn Eden. Trong tiến trình lịch sử trại cải tạo này ngày càng lớn hơn, hoàn hảo hơn, trong khi thiên đường ngày càng nhỏ đi và nghèo nàn hơn.

PR: Trong cuốn sách của ông, nhà thơ vĩ đại Pháp Eluard bay lên cao bên trên thiên đường và trại cải tạo, cất cao tiếng hát. Đây có phải là phần lịch sử chính hiệu mà ông đề cập đến trong sách của mình?

MK: Sau chiến tranh, Paul Eluard bỏ rơi chủ nghĩa siêu thực và trở thành người độc tấu vĩ đại của thứ mà tôi có thể gọi là “ thơ toàn trị”. Ông ca ngợi tình bằng hữu, hòa bình, công lý, một ngày mai tươi sáng, tình đồng chí và chống lại sự cô lập, niềm vui, chống lại sự u sầu, ca ngợi sự hồn nhiên và chống lại sự yếm thế.

Vào năm 1950, các nhà cai trị của thiên đường kết án tử hình bằng cách treo cổ một người bạn ở Praha của Eluard là nghệ sĩ siêu thực Zalvis Kalandra, Eluard đã nén tình bạn riêng tư vì những lý tưởng siêu cá nhân, và tuyên bố công khai rằng ông tán thành việc xử tử đồng chí của mình. Người treo cổ đã giết trong khi nhà thơ cất cao tiếng hát.

Và không chỉ nhà thơ. Toàn bộ thời kỳ khủng bố Stalin là cơn mê sảng trữ tình tập thể. Đến nay điều này hoàn toàn đã bị quên lãng nhưng nó là điểm then chốt. Người dân thích nói: Cách mạng tuyệt đẹp, chỉ có bạo lực nảy sinh từ đó là xấu xa. Nhưng điều này không thật. Cái xấu xa đã có sẵn trong cái đẹp, địa ngục đã chứa sẵn trong giấc mơ thiên đàng. Thật dễ dàng để lên án trại cải tạo, nhưng để từ bỏ sự lãng mạn của toàn trị dẫn chúng ta tới trại cải tạo, theo cách của thiên đường, mới là điều khó khăn.  Ngày nay, người dân trên toàn thế giới công khai chối bỏ ý niệm về trại cải tạo, nhưng họ vẫn sẵn sàng để bản thân bị thôi miên bởi tính lãng mạn toàn trị và diễu hành tới trại cải tạo mới rồi ngân lên khúc lãng mạn của Eluard khi ông bay lượn trên bầu trời Praha như một tổng lãnh thiên thần với cây đàn lyre, trong khi khí tro của cơ thể Kalandra bốc lên trời từ ống khói nhà hỏa táng.

PR: Cái gì là cá tính trong văn xuôi của ông tạo ra sự đối nghịch giữa riêng tư và đại chúng? Không chỉ trong các câu truyện chống lại sự suy thoái chính trị mang tính cá nhân, mà cả những sự kiện chính trị lấn át đời sống cá nhân. Thậm chí, ông tiếp tục chỉ ra rằng các sự kiện chính trị bị điều khiển bởi những điều luật tương tự như vấn đề riêng tư diễn ra, để rồi văn xuôi của ông là một loại hình phân tâm học chính trị.

MK: Siêu hình học của con người tương tự như tinh cầu riêng tư trong một tinh cầu đại chúng. Hãy nắm bắt chủ đề khác trong cuốn sách: sự quên lãng. Đây là vấn đề riêng tư của con người: chết như thể đánh mất chính bản thân mình. Nhưng cái gì là bản thân? Đó là bài toán đố về mọi thứ mà chúng ta ghi nhớ. Vì vậy điều đe dọa chúng ta về cái chết không phải là đánh mất quá khứ. Lãng quên là một dạng của cái chết biểu hiện trong cuộc sống. Đây là vấn đề của nữ nhân vật chính, trong tuyệt vọng cố gắng xóa bỏ trí nhớ về người chồng quá cố. Nhưng quên là vấn đề lớn nhất của chính trị. Khi một quyền lực muốn tước đoạt một quốc gia nhỏ khỏi nhận thức về quốc gia, nó sử dụng biện pháp quên lãng có tổ chức. Đây là những gì đang diễn ra ở Bohemia. Văn học Czech hiện nay, trong chừng mực nào đó cũng có giá trị của nó, trong suốt 12 năm không in ấn, 200 nhà văn Czech đã bị bài trừ, bao gồm cả Franz Kafka quá cố, 145 nhà sử học bị đuổi việc, lịch sử bị viết lại, tượng đài bị phá hủy. Một quốc gia mất đi nhận thức về quá khứ dần dần mất đi chính mình. Và vì vậy chúng ta đối mặt với thời gian, hàng ngày, mà không chú ý bất cứ điều gì. Chính trị lột mặt nạ đời sống siêu hình riêng tư, đời sống riêng tư lột mặt nạ siêu hình học của chính trị.

PR: Trong phần sáu có đề cập đến sự biến chuyển của nhân vật nữ chính, Tamina, đến một hòn đảo nơi chỉ có trẻ em. Ở phần cuối chúng săn đuổi cô tới chết. Đây có phải là một giấc mơ, một câu truyện cổ tích, một sự tượng trưng?

MK: Không có gì xa lạ với tôi hơn sự tượng trưng, câu chuyện được tạo ra bởi tác giả để mô tả luận đề nào đó. Các sự kiện, dù là hiện thực hay tưởng tượng, cần phải tự nó có nghĩa, và người đọc không bao giờ chủ động bị quyến rũ ngây thơ bởi quyền lực hay thơ ca. Tôi luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh này, và trong suốt cuộc đời tôi nó diễn ra liên tục trong giấc mơ: Một người tìm thấy chính mình ở thế giới trẻ thơ, nơi mà chính anh ta không thể thoát khỏi. Và nghiễm nhiên thời thơ ấu, thứ mà chúng chúng ta đều lãng mạn hóa và sùng bái, bộc lộ chính nó như một nỗi kinh hoàng thuần khiết. Như một cái bẫy. Câu chuyện này không hề tượng trưng. Nhưng cuốn sách của tôi là một hợp âm mà các câu chuyện trong đó cùng giải thích, khai mở, bổ sung cho nhau. Sự kiện căn bản của cuốn sách là câu chuyện về chế độ toàn trị đã tước đoạt trí nhớ của người dân và vì vậy biến họ thành một quốc gia trẻ con. Tất cả các chế độ toàn trị đều làm điều này. Và có thể toàn bộ kỷ nguyên máy móc làm điều này, với sự gieo trồng tương lai, sự khác biệt của nó với quá khứ và sự hồ nghi của suy nghĩ. Giữa một xã hội vị thành niên, một người trưởng thành với đầy đủ ký ức cảm thấy mỉa mai như Tamina trên ốc đảo trẻ con.

PR: Hầu hết tiểu thuyết của ông, thực tế là các phần đơn lẻ của tác phẩm mới đây, tìm thấy đoạn kết của chúng trong cảnh giao hợp. Thậm chí phần đó đã nhắc qua đến cái tên ngây thơ của “Mẹ” mà cảnh sex ba chiều dài nhất, kéo từ đề từ đến lời kết. Cái gì khiến tình dục biến ông thành một tiểu thuyết gia?

MK: Những ngày này, khi tính dục không còn là điều cấm kỵ, chỉ mô tả, chỉ thú nhận ám ảnh tính dục thì sẽ trở nên nhàm chán. Lawrence đã hợp thời như thế nào, hay Henry Miller với việc trữ tình hóa sự thô tục! Và chắc chắn hành trang khiêu dâm của George Bataille đã gây ấn tượng lâu dài với tôi. Có thể chỉ bởi chúng không trữ tình mà rất triết lý. Bạn đã đúng rằng, với tôi mọi thứ đều kết thúc bằng cảnh khiêu dâm. Tôi có cảm xúc với một cảnh yêu đương vật lý phát sinh ánh sáng rõ nét đột nhiên tiết lộ bản chất của nhân vật và tổng hợp lại vai trò của họ. Hugo làm tình với Tamina trong khi cô tuyệt vọng nỗ lực nghĩ về khoảng trống bị đánh mất với người chồng quá cố. Cảnh làm tình là tâm điểm hội tụ của toàn bộ chủ đề và chính là chỗ bí mật sâu kín nhất được thiết lập.

PR: Trong phần cuối, chương 7, thật ra không có gì khác ngoài tính dục. Tại sao phần này lại khép lại cuốn sách mà không phải phần khác, có thể kịch tính như phần 6, khi nhân vật nữ chết?

MK: Tamina chết đi, nói một cách bay bướm, trong tiếng cười của các thiên thần. Mặt khác, trong suốt phần cuối của cuốn sách, tái hiện sự mâu thuẫn của tiếng cười, thứ tiếng cười vang lên khi mọi thứ mất đi ý nghĩa. Có một hình dung chắc chắn vạch rõ những gì xuất hiện vô cảm và lố bịch. Một người tự hỏi mình: Liệu có vô nghĩa khi dậy vào buổi sáng? Làm việc? Phấn đấu vì điều gì đó? Thuộc về một quốc gia chỉ bởi vì đã sinh ra ở đó? Con người sống gần như bị giới hạn trong đường biên này, và có thể dễ dàng tìm thấy bản thân ở phía bên kia. Đường biên này tồn tại ở mọi nơi, ở tất cả các khu vực và thậm chí tận nơi sâu thẳm nhất, sinh lý nhất: Tính dục. Và chính xác bởi vì đó là vùng sâu kín nhất của đời sống đang trình ra trong tính dục chính là câu hỏi sâu sắc nhất. Đó là tại sao cuốn sách của tôi về sự chuyển dịch có thể kết thúc mà không có bất cứ sự chuyển dịch nào.

PR: Thế thì có phải ông đã chạm tới điểm xa nhất trong chủ nghĩa bi quan của ông?

MK: Tôi thận trọng với ngôn từ bi quan và lạc quan. Một tiểu thuyết không đòi hỏi bất cứ thứ gì; một cuốn tiểu thuyết tìm kiếm và phơi bày các câu hỏi. Tôi không biết liệu quốc gia của tôi sẽ suy tàn hay tôi không biết nhân vật của tôi đều đúng. Tôi tạo ra các câu chuyện, đối chất chúng với nhau, và bằng cách này tôi đặt ra các câu hỏi. Sự ngu ngốc của con người đến từ việc tìm một câu hỏi cho mọi thứ. Khi Don Quixote đi ra với thế giới, thế giới trở nên bí ẩn trước con mắt cảu anh ta. Đó là di sản của tiểu thuyết phương Tây đầu tiên mở ra lịch sử của tiểu thuyết. Các tiểu thuyết gia khiến người đọc hiểu thế giới như một câu hỏi. Với sự thông thái và lòng bao dung. Trong một thế giới được kiến tạo trên sự chắc chắn bất khả xâm phạm, tiểu thuyết sẽ chết. Thế giới toàn trị, cho dù dựa trên chủ nghĩa Marx, Hồi giáo hay bất cứ điều gì khác, là một thế giới của các câu trả lời chứ không phải câu hỏi. Do đó, tiểu thuyết không có chỗ đứng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, với tôi dường như người dân trên toàn thế giới thích phán xét hơn là tìm hiểu, thích trả lời hơn là hỏi, cho nên tiếng nói của tiểu thuyết rất khó được lắng nghe giữa cái ngu ngốc ồn ào của sự võ đoán.

Hà Thủy Nguyên dịch

Nguồn: https://www.kundera.de/english/Info-Point/Interview_Roth/interview_roth.html

Thị trường sách Việt Nam (10): Đắt rẻ giá sách và quan niệm kinh tế bao cấp

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 ập đến khiến các đơn vị xuất bản sách lao đao, nhưng ngay lập tức, thị trường sách Việt Nam đã chuyển mình thích nghi với dịch bệnh. Chính trong thời điểm cách ly, nhu cầu đọc sách tăng (cả về số lượng và đòi hỏi chất lượng), và nhờ thế các đơn vị làm sách cũng xuất bản nhiều cuốn sách thuộc dòng "khó đọc" hơn. Trong hai năm 2020 và 2021, kéo dài đến hết quý I -2022,

Requiem Mưa

Mưa Rải gam đêm Là Vô Tận Ta Đếm thời trôi Là Hư Vô Yêu Khẽ dần buông Là Quá Khứ Mây rơi kìa Mưa bay Hà Nội chẳng ai hay điệu ả đào vẳng đêm vắng lặng Í ơi lơi lả cợt cười Vọng Lòng đất nảy mưa rơi Giai nhân đã thõng một đời Thành phố cũ mòn hồn mặc khách Gốc cây khô trơ trọi Rạch nét sầu lên mưa Trắng mấy vần thơ ủ dột Xì xào tục khách Ai mất

Điềm tôi

Có cơn mưa chưa tới kịp chiều nay Tôi tết vần thơ lên mây Mây vắt một nhịp trời say gió bão Và chẳng ai say rồi sao? Tôi đợi chờ cơn mưa bao chiều qua Mà thơ chẳng rụng như lá Khách lại qua mải mê la hò chi Lời lời rồi cũng bay đi Muôn dòng tuôn giọt giọt thi ca đọng Nơi vùng trời chẳng hửng đông Lời tôi rơi giữa mênh mông ồn ã Mưa không đến như tình xa Và

Trường ca Hồ Khúc

I - Hồ mộng Ta gẩy đàn khung trời đã cũ Khúc trăng sao xao động đáy Tây Hồ Ta ẩn mình nơi sương Cửu vĩ hồ ve vuốt tơ sen Duyên ai ấy à se dang dở Cho ai ấy à tương tư Trăng ấy à ánh bạc Thơ ấy à đang nhen Ký ức dâng lên tràn căng bầu ngực Ứa tình nhân gian   Hỡi ai chính nhân quân tử Luyến ái ta ư? Sợ ta ư? Có nghe ta cười nói

Đôi mắt tôi

Có những thế giới tôi dạo bước Chẳng ai lai vãng Họ lờ đi như không có trên đời Hai con mắt bịt hai thôi còn một Giả ngắm nhìn nhân gian ở cõi kia Kẻ vô lý trí thấy tất thảy Chẳng hiểu gì tất thảy Lao và lao và lao và lao Nào có sao Lạc vào vô vàn thế giới Xoá nhoà bản thân thành hạt bụi Đúc nên tầng tầng thế giới   Tôi yêu đôi mắt tôi Lý trí tôi