Home Trên truyền thông Một vài cảm nghĩ khi đọc nhanh tiểu thuyết “Thiên địa phong trần” của nhà văn Hà Thủy Nguyên

Một vài cảm nghĩ khi đọc nhanh tiểu thuyết “Thiên địa phong trần” của nhà văn Hà Thủy Nguyên

Viết văn, làm thơ thời nay là một nghề nặng nhọc, bạc bẽo, thu nhập thấp, nguy cơ thân bại danh liệt, không xứng đáng với tài năng và công sức bỏ ra, nhất là những người chọn cho mình con đường viết độc lập, chuyên nghiệp, ít phụ thuộc vào nhà nước nhưng mà như cụ Du đã nói: Đã mang lấy NGHIỆP vào thân thì cũng phải gánh gánh gồng gồng cho nốt kiếp văn nhân . Trước 1945 ( điều kiện tự do và thu nhập tốt hơn ngày nay) thi sỹ Nguyễn Vỹ còn phải thốt lên trong bài thơ Gửi Trương Tửu nổi tiếng:
Thời thế bây giờ vẫn thấy khó,
Nhà văn An nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút viết văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương,
Và nhìn chúng mình hì hục viết,
Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết,
Mà thương cho tôi, thương cho anh,
Đã rụng bao nhiêu mái tóc xanh!
Viết văn kiểu như người thư kí trung thành của thời đại đã khó, nắm bắt cái ĐANG LÀ vốn chẳng phải việc dễ dàng, nếu không có tài năng, trí tưởng tượng và lao động nghiêm túc vậy mà Hà Thủy Nguyên chọn viết tiểu thuyết lịch sử, nơi các con người, sự kiện ĐÃ LÀ, không gian, con người đều rất hạn hẹp, ít chỗ cho sáng tạo, tưởng tượng. Vậy mà trong tiểu thuyết Thiên địa phong trần Hà Thủy Nguyên ít nhiều đã làm tốt và làm khá thành công, phục dựng nên một KHÔNG- THỜI GIAN SỬ LỊCH mà người đọc bị cuốn vào không khí lịch sử như thật, như mơ nơi các nhân vật hiện lên sống động, cá tính và có da có thịt như đang sống trước mặt. Đó không phải việc dễ dàng, là tác giả quả thật công phu hàm dưỡng rất cao mới làm được như vậy.
Viết truyện lịch sử không hề dễ dàng. Một số sẽ chọn trung thành với các sự kiện lịch sử như Phan Kế Bính, Đặng Trần Phất, Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc, Thái Vũ, Hà Ân, Hoàng Quốc Hải….một số sẽ lựa chọn một lát cắt nào đó của lịch sử như Phạm Cao Củng, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp hay gần đây là Đinh Phương …sau đó đưa ra cái nhìn sử lịch của riêng mình. Mỗi cách đều có cái khó riêng nhưng tựu chung vẫn phải dựa vào sự thực lịch sử để đan cài điểm nhìn của nhà văn đối với cái ĐÃ LÀ do đó đòi hỏi vừa có trí tưởng tượng bay bổng vừa có tính chân xác nghiêm mật. Giữ được cả hai phẩm tính đó trong truyện lịch sử là một sự rất khó. Người thành công thì ít mà người thất bại như Phan Trần Chúc, Hoàng Quốc Hải.. thì nhiều. Nhìn chung trong tiểu thuyết TĐPT Hà Thủy Nguyên đã làm được điều đó. Không khí lịch sử trong tt TĐPT vừa chính xác, vừa thơ mộng, không có tài văn chương lịch sử thì không làm được. Tác giả lấy nhân vật lịch sử Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều làm trung tâm và đã tạo ra một Nguyễn Gia Thiều vừa tài hoa, kiêu bạc, vừa nhiệt huyết, vừa chán nản, vừa có đấy lại như không đấy, vừa là kẻ tham gia trò chơi vương quyền, vừa như kẻ ngoài lề, vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên, vừa như muốn làm chủ mệnh số lại vừa như buông bỏ cho phận số…dung hòa được biết bao mâu thuẫn như vậy trong con người tài tình đó Hà Thủy Nguyên lại làm cứ như không, cũng là một kiểu tài hoa không lẫn vào đâu được. Ngoài ra các nhân vật cùng thời đó như vua Cảnh Hưng, chúa Trịnh Sâm, thái tử Duy Vỹ, hoàng tôn Duy Khiêm, thế tử Trịnh Tông, Tuyên phi Thị Huệ, bà phi Ngọc Hoan, Nguyễn Khản, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Chí, Phi Mai Hồ Xuân Hương…đều hiện ra sống động, đầy tính cách riêng…
Ngoài ra Hà Thủy Nguyên cũng đặt ra các giả thuyết riêng của mình về các sự kiện lịch sử, việc đạo diễn các sự kiện cung đình của Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Khản, Cảnh Hưng, Trịnh Sâm, Trịnh Quốc mẫu, Thị Huệ…hay sự kiện quân Tam phủ khởi loạn bên ngoài kinh thành để phò tá Trịnh Tông, hay nàng Cầm trong bài thơ Long Thành cầm giả ca của Nguyễn Du cũng chính là Hồ Phi Mai Hồ Xuân Hương…là những giả thiết có phần táo bạo, có phần khác với các ghi chép của người đương thời về lịch sử lúc đó như Hoàng Lê nhất thống chí của họ Ngô Thì, Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực…
Tiểu thuyết có ưu điểm vững vàng về kết cấu, tác giả vốn là một cây viết phim truyền hình vững tay nghề nên đã kết cấu cuốn tiểu thuyết theo các phân cảnh cinema khiến tiểu thuyết luôn có không khí khép mở, lát cắt đan xen, từng phân cảnh, trường đoạn sáng rõ gây sự tò mò, phấn khích cho người đọc, tránh được sự lê thê, kể lể dài dòng mà vẫn hoạt. Chất kịch tính khép mở theo mỗi scene tương ứng mỗi chương sách..
Các nhân vật được xây dựng cá tính, đâu ra đấy, rất lịch sử nhưng cũng rất hiện đại. Tác giả lại cũng là một nhà thơ nên văn có chất thơ, rất tương thích với không khí huyền sử, dã sử trong tiểu thuyết..Chất thơ bàng bạc trong câu chữ nên đọc rất thú. Phần trích thơ văn cổ đan xen, đúng chỗ, đúng lúc giữ cho chất lịch sử đậm đà mà vẫn hiện đại.
Tiếc là vẫn có một hai câu văn còn nhầm lẫn, tối nghĩa do lỗi biên tập và xưng hô không đúng với lối cổ mà tác giả chưa có thời gian sửa chữa. Điều này nếu gặp BTV NXB cứng tay nghề và có tài thì tránh được đấy nhưng người tài thì đâu vì ba đấu gạo mà khom lưng làm công việc đó nên cũng khó trách.
Mấy lời lải nhải nhân một buổi xuân sớm biên ra đây mong được chia sẻ với tác giả và mong được đọc tiếp phần sau tiểu thuyết Thiên địa phong trần mà tác giả đang biên dở…

Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Xuân Khánh – Tác giả “Hồ Qúy Ly”, “Mẫu Thượng Ngàn”, “Đội gạo lên chùa”…

Lần đầu gặp nhà văn Xuân Khánh là lúc tôi mới học lớp 12. Tôi thường thấy ông đạp xe trên phố Bà Triệu. Lúc ấy, tôi hay lang thang đọc sách ở Thư viện Hà Nội. Một lần, vì quá thích cuốn tiểu thuyết "Hồ Qúy Ly", tôi đã đánh liều đạp xe đến gần ông để bắt chuyện, ông nói rất ít và rất cẩn trọng, chỉ khuyên một câu mấu chốt là: "Cháu muốn viết tiểu thuyết thì cần quan tâm đến

Dự án tiểu thuyết dã sử “Thiên địa phong trần” về những biến động chính trị và văn hóa thời Lê Mạt

Bộ tiểu thuyết dã sử “Thiên địa phong trần” Tác giả: Hà Thủy Nguyên Thời gian sáng tác: 2018 – nay Dự kiến:  3 tập Hiện đã hoàn thành: Tập 1 - Khúc Cung Oán & Tập 2 - Nổi gió  Link mua sách: Combo Thiên Địa Phong Trần (Tập 1&2) - Book Hunter Lyceum Tổng quan nội dung: Cuối thế kỷ 18, nước Việt ta đối mặt với một bối cảnh loạn lạc chưa từng có, đánh dấu sự suy tàn không chỉ của triều Lê

CÔNG CHÚA ĐỒNG XUÂN của nhà văn Trần Thùy Mai – Khi con người không thể chọn được cách ứng xử trong thời loạn

Một cách tình cờ, bộ tiểu thuyết "Từ Dụ" của nhà văn Trần Thùy Mai xuất bản cùng lúc với tập 1 "Thiên Địa Phong Trần" của tôi, và đến nay, khi tôi xuất bản tập 2, thì bà cũng xuất bản "Công Chúa Đồng Xuân", có thể nói là sự nối dài của "Từ Dụ". Khi đọc "Công Chúa Đồng Xuân", tôi có thể hiểu tại sao lại có cơ duyên như thế. Có lẽ số phận đã thúc đẩy để bà và tôi

Tiểu thuyết “Cầm thư quán”

Tiểu thuyết “Cầm thư quán” Tác giả: Hà Thủy Nguyên Thời gian sáng tác: 2005 Số trang:  171 trang Xuất bản lần đầu năm 2008, NXB Phụ Nữ và Nhà sách Kiến Thức ấn hành; tái bản có chỉnh sửa năm 2018, NXB Hội Nhà Văn & Book Hunter ấn hành; ấn bản mới nhất vừa được NXB Phụ Nữ Việt Nam ra mắt vào tháng 7 năm 2024.   Tổng quan nội dung: “Cầm thư quán”  là một cuốn tiểu thuyết cổ trang có

Nhà văn trẻ Hà Thủy Nguyên: “Tiểu thuyết dã sử góp phần hiểu thêm về lịch sử Việt Nam”

(PLVN) - “Giờ đây, viết tiểu thuyết dã sử thực sự như một thứ mốt thời thượng rồi. Mốt này có lẽ ảnh hưởng từ xu hướng tiểu thuyết mạng của nước bạn và kết hợp với tinh thần dân tộc hiện nay đang được đẩy mạnh trên truyền thông. Họ đều ý thức được rằng họ đang góp một phần để kích thích giới trẻ hiểu thêm về lịch sử Việt Nam” - Đó là nhìn nhận của nhà văn trẻ Hà Thủy Nguyên trong