Home Sáng tác mới Con đường Viết của tôi (7): Xây dựng nền tảng kiến thức cho người sáng tác văn chương

Con đường Viết của tôi (7): Xây dựng nền tảng kiến thức cho người sáng tác văn chương

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi” 

Nhiều người cho rằng những người sáng tác như nhà văn, nhà thơ phải như những kẻ “nhặt lá đá ống bơ”, ngơ ngơ ngác ngác như chú bê lạc giữa cõi đời. Hình ảnh ấy  thật dễ thương và dễ tạo thương cảm. Tuy nhiên, nếu bạn là người say đắm với các tác phẩm văn chương kinh điển, bạn có thể tưởng tượng rằng người sáng tác văn chương (nhà văn, nhà thơ, biên kịch…) có thể tạo ra cả một thế giới nghệ thuật bằng tâm trí và ngôn từ, có thể khám phá những chiều sâu tâm trí mà người thường ít dám bước vào, lại có thể là một kẻ ngu ngơ? Bất hợp lý đúng không! Vậy đấy, một người sáng tác văn chương không những phải hiểu biết nhiều  mà còn phải như những nhà điều tra cự phách, có thể khám phá ra nhiều góc khuất mà người thường bỏ qua. Để trở thành một “nhà điều tra cự phách”, người sáng tác văn chương buộc phải chuẩn bị cho mình những vốn kiến thức phong phú.

Người sáng tác văn chương có ba loại: Loại thứ nhất viết dựa trên vốn sống. Loại thứ hai dựa trên sự suy tưởng. Loại thứ ba là kết hợp cả vốn sống và suy tưởng. Ba loại người sáng tác văn chương này đều cần có kiến thức, dù các lĩnh vực kiến thức của họ có thể khác nhau.

Những người viết dựa trên vốn sống thường có thiên hướng viết về hiện thực xã hội hoặc khai thác bản chất của con người với vai trò là một phần tử cấu thành nên xã hội. Vốn sống thu thập được mấu chốt không phải ở chuyện đi nhiều, gặp nhiều mà là quan sát kỹ và phân tích rõ ràng. Khi gặp một người, nếu thông qua cử chỉ, cách ăn mặc, lời nói… , bạn có thể đoán ra được xuất thân, những ham muốn, nỗi tuyệt vọng, những ẩn ức đang cố che giấu, thì bạn có thể dễ dàng trở thành một nhà văn. Bởi khả năng phân tích tâm lý ấy có thể giúp ích rất nhiều cho nhà văn trong xây dựng nhân vật – một yếu tố quan trọng hàng đầu của viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Khi một cảnh tượng diễn ra trước mắt bạn, nếu bạn có thể có những hình dung liên tưởng hoặc phát hiện ra những tác nhân ẩn đằng sau, hoặc đơn giản là những sắc thái cảm xúc sâu sắc của bản thân bạn biểu hiện bằng ngôn từ… Tất cả những vốn sống ấy không tự nhiên mà có, không tự nhiên đi vào đầu chúng ta. Những vốn sống ấy đòi hỏi chúng ta phải thực sự dấn thân sâu vào cuộc sống, lăn lộn với mọi thử thách với một trái tim rộng mở và một lý trí tỉnh táo.

Viết dựa trên sự suy tưởng không phải là một lựa chọn dễ dàng dành cho kẻ lười biếng như người ta vẫn tưởng. Nếu những người viết dựa trên vốn sống phải lao vào cuộc đời để thu thập kiến thức thì những người viết dựa trên suy tưởng bước trên một hành trình vào cõi hư vô. Ở đó, họ phải đối mặt với các thang bậc cảm xúc của cá nhân, các ý nghĩ điên rồ, các ám ảnh bệnh hoạn, những ảo giác lý tưởng, những biểu tượng mơ hồ…v…v… Tất cả, họ phải tự lý giải, không lời chỉ dẫn. Cuộc chiến bên trong ấy khiến họ có vẻ như xa lánh với đời sống bên ngoài, thậm chí như ngơ ngơ không chú ý gì đến xã hội.  Những điều họ viết ra cho ta biết rất nhiều góc khuất bên trong tâm lý của chúng ta mà bấy lâu nay ta đã bỏ quên hoặc cố tình chối bỏ. Vốn kiến thức của những người suy tưởng chính là chiều sâu tâm lý con người mà họ đã khám phá ra trong cuộc chiến đơn độc của mình.

Một người sáng tác lão luyện thực sự sẽ không trói mình ở một trong hai cực, hoặc bên ngoài, hoặc bên trong. Họ sẽ đi trên cả hai con đường ấy, và điều đó đòi hỏi ở họ một bản lĩnh phi thường. Họ vừa chế ngự được những trạng thái tâm lý của mình lại vừa thực sự đang sống. Để có được bản lĩnh ấy, họ phải được rèn luyện. Từ nhỏ, họ đã tiếp xúc với nhiều thang bậc văn hóa qua sách vở và các tác phẩm nghệ thuật. Họ được thử thách qua các môi trường cộng đồng trí tuệ trong giai đoạn trưởng thành. Họ có cơ hội để tiếp xúc với cái đẹp của thiên nhiên, con người. Tư duy của họ có khả năng xử lý một lượng thông tin khổng lồ, trái tim của họ có thể chịu đựng mọi xung động tâm lý, lý tưởng của họ to lớn hơn bất cứ một chính trị gia nào, suy nghĩ của họ tương đương với các triết gia, những tư tưởng của họ không khác gì  một bậc chứng ngộ.

Vì thế, xây dựng nền tảng kiến thức rất cần thiết đối với người sáng tác văn chương. Không có những vốn kiến thức của riêng mình, bạn chỉ kể lể chứ không sáng tác. Những ai cho rằng họ có một năng khiếu thiên bẩm của việc viết, những người này đã sai lầm. Người sáng tác đơn giản là quan sát kỹ hơn, suy nghĩ sâu sắc hơn, và rèn luyện thói quen sử dụng ngôn từ nhiều hơn qua việc đọc sách. Thiên bẩm của họ không phải là “viết” mà là khả năng nhận thức thế giới bằng nhiều chiều chứ không phải bề mặt giống như đại đa số nhân loại.

Nhật ký Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống #4: Ngẫu hứng và ứng tác

Tôi tới thành Vinh và nhận lời tham gia sinh hoạt với một nhóm bạn đọc sách tại đây. Họ đều là những nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà báo, giáo viên… Không gian viết nằm trong tiệm thêu truyền thống ở một con phố nhỏ với bàn gỗ mộc mạc, trà thơm và mùi thảo mộc ấm cúng. Thành Vinh chìm trong cơn mưa rả rích, khí lạnh tràn vào từ biển, và lòng người có chút hoang mang.  Thời gian buổi tối không có

Con đường viết của tôi (5): Sáng tác văn chương như hành trình khám phá thế giới tâm trí

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi”  Ngày nay, văn chương không còn được ưa chuông nhiều nữa. Văn chương trở thành thứ vô dụng, đặc biệt là ở nước ta, bởi nó không mang lại nhiều tiền bạc và danh vọng. Văn chương chỉ còn là đam mê hoàn toàn rất cá nhân đến từ những ai muốn vượt trên đời sống tầm thường này để đi sâu khám phá thế giới tâm trí của mình. Đó là những

Con đường Viết của tôi (6): Diễn đạt loằng ngoằng và sự suy thoái của tư duy

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi”  Walt Whitman nói: “Nghệ thuật của nghệ thuật, niềm vinh quang của sự biểu hiện, ánh thái dương của vẻ đẹp ngôn từ, chính là sự mộc mạc”. Thơ Walt Whitman quả thực là một điển hình cho tiếng lòng được cất lên như nó vốn là. Tôi thích thơ ông chính ở điểm ấy. Nhưng tôi cũng rất thích các tác giả có lối diễn đạt kỳ lạ hoặc những ngôn từ

Con đường Viết của tôi (1): Viết cho mình hay viết cho người

Đọc thêm về chùm bại "Con đường Viết của tôi" tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/con-duong-viet-cua-toi/ Tôi bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên hồi lớp 3. Hồi đó tôi thường hay đi loanh quanh tìm lá cây, đem về ép, rồi viết những câu thơ vịnh loài cây ấy. Lên lớp 6, tôi bắt đầu viết tiểu thuyết đầu tiên, đó là một truyện khoa học viễn tưởng. Lúc đó, tôi nhìn lại những bài thơ viết hồi lớp 3, thấy ấu trĩ quá, nên vứt

Tại sao tôi viết – George Orwell (2): Văn chương và chính trị

Có thể thấy rằng những xung lực khác nhau này đã phải giao tranh với nhau như thế nào, và bằng cách nào chúng lan truyền từ người này sang người khác theo thời gian. Theo bản chất – cứ cho rằng “bản chất” là trạng thái bạn đạt được khi bạn lần đầu trưởng thành – tôi là người mà ba động lực đầu tiên mạnh mẽ hơn động lực thứ tư. Ở thời bình, tôi có thể đã chỉ viết những cuốn sách