Home Sáng tác mới Con đường Viết của tôi (8): Biết rõ mình đang viết gì

Con đường Viết của tôi (8): Biết rõ mình đang viết gì

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi” 

Việc viết văn xuôi cũng giống như một vị vua đang điều khiển dân chúng của mình (chính là các từ ngữ). Một vị vua, muốn cho đất nước trật tự và phát triển thịnh trị, không thể làm bừa làm ẩu mà cần phải có sự tính toán sao cho người dân từng bước đi theo từng lộ trình mà vị vua mong muốn. Vị vua muốn thuyết phục lòng người hẳn phải dùng thuật trị dân khác với vị vua muốn đánh chiếm nước khác, không phải lúc nào cũng giống nhau. Viết cũng vậy, mỗi bài viết với nội dung khác nhau lại cần các cách triển khai khác nhau và nhằm các mục đích khác nhau. Nếu không xác định rõ cách viết thì sẽ hoang mang không biết bắt đầu từ đâu, triển khai thế nào và như thế nào là một bài viết thành công.

Việc “biết rõ mình đang viết gì” không chỉ gói gọn trong việc xác định chủ đề của bài viết, mà thậm chí còn sâu xa hơn thế. “Biết rõ mình đang viết gì” còn là biết mục đích tại sao mình lại chọn chủ đề ấy, thái độ của mình với vấn đề mình đặt ra là gì, từ đâu ta hình thành nên thái độ ấy và ta sẽ hướng bài viết đến nhóm đối tượng nào, để thuyết phục được nhóm ấy ta nên dùng giọng văn như thế nào. Thế nên, “biết rõ mình đang viết gì” bản chất là có thể nhìn thấy rõ lộ trình của bài viết và sự ảnh hưởng của nó từ trước khi đặt bút viết.

Một nhà báo, một chính trị gia, một người phản biện xã hội, một người mong muốn nêu lên quan điểm của mình… nhất thiết phải nắm rõ điều này để chọn lựa lối viết cho văn bản của mình một cách hiệu quả. Nếu không, họ sẽ hướng tới sai mục tiêu và thu hút những người đọc không thích hợp với ý mình, đương nhiên cũng sẽ mất khá nhiều thời gian vào những cuộc tranh luận và biện minh không cần thiết. Một nhà văn sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn lại càng cần phải xác định rõ ràng mình viết gì, bởi tiểu thuyết và truyện ngắn là những siêu cấu trúc và quan trọng là phải khiến người đọc cảm thấy hấp dẫn. Những quan điểm cho rằng sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn chỉ cần… “tự nhiên mà có” là lối suy nghĩ của kẻ lười biếng. Không ai trở thành nhà văn vĩ đại mà không qua những quãng thời gian tự rèn luyện, tự trau dồi và tự xác định bản thân.

Chỉ riêng thơ là khác, bởi thơ là một dạng viết “vô chính phủ”, là cách thức để cho những suy nghĩ còn đang bị giấu kín của người viết được bộc lộ. Bởi thế, người viết đôi khi cũng không hiểu lắm những bài thơ do chính mình viết ra. Thậm chí, người viết thơ có thể còn thấy xa lạ với chính bài thơ của mình, bởi bài thơ ấy xuất hiện do một phút xuất thần của nhân cách ẩn giấu đột nhiên phát lộ. Do đó, những người viết thơ rất khó chuyển sang viết văn xuôi và ngược lại không dễ gì để một người viết văn xuôi đạt được thành tựu trong thơ ca.

Gần đây, thịnh hành lối “tản văn”, là lối văn xuôi nhưng cách tư duy viết lại “vô chính phủ” kiểu thơ. Thế nên, tản văn đa phần là vô nghĩa và không để lại nhiều dấu ấn sâu sắc. Những nhà văn viết tản văn thành công như Paustovsky, Giả Bình Ao hay Vũ Bằng thì lại có lối viết nghiêng hẳn sang thiên hướng văn xuôi, tức là viết có lề luật, có chiến lược. Một số ít các cây viết tản văn lại có màu sắc thơ, nên có thể gọi là một thứ thơ viết theo lối văn xuôi mà trong đó người viết được tự do thể hiện các phần nhân cách còn giấu kín của mình. Các bạn có thể tìm thấy lối viết này qua “Giọt rừng” của Mikhail Prisvin. Tôi cũng đã thử nghiệm lối viết này trong tập truyện ngắn và tản văn “Bên kia cánh cửa” của tôi. Cũng là một thử nghiệm thú vị, bởi lối viết này giúp tôi dễ dàng xâu chuỗi những phần còn ẩn giấu của mình. Nhưng nhược điểm của nó chính là ta rất dễ rơi vào phô diễn.

Nếu coi việc viết như một cách để rèn luyện tâm trí thì chúng ta lại càng cần phải biết rõ mình đang viết gì. Một phần của rèn luyện tâm trí chính là biết mình đang nghĩ gì và không để những suy nghĩ thừa thãi chạy vô tổ chức, không mục đích. Văn bản văn xuôi là sự biểu lộ của dòng suy nghĩ. Một văn bản văn xuôi gọn gàng, ý tứ rõ ràng, dùng từ đúng với bối cảnh, là minh chứng cho một tâm trí được điều khiển có sắp xếp, có chiến lược. Người viết được một bài như vậy, hiển nhiên là một người có thể điều khiển tâm trí của mình thay vì để tâm trí điều khiển bản thân.

Những lối viết dễ dãi, không đầu không cuối, tự bóp méo thông tin, ý tứ không rành mạch thường thấy ở những cây viết hoặc còn non tay, hoặc là bừa ẩu. Những cây viết này ít quan tâm đến độc giả, nhầm lẫn giữa tư duy thơ (lối viết mang tính cá nhân cao) và các hình thức văn xuôi (vốn thiên về diễn giải để người đọc có thể hiểu). Dù có thể những cây viết này thu hút được nhiều độc giả tức thời do thủ pháp truyền thông hoặc một số lối nói thân thiện và dễ đọc, nhưng tác động của những cây viết ấy đến với độc giả rất ít. Họ không làm thay đổi cách suy nghĩ của độc giả mà họ chỉ nói những điều độc giả muốn nghe mà thôi. Và thực tế là, những người còn non tay, không có cách nào khác ngoài việc luyện tập nhiều hơn không chỉ lối viết mà cả lối suy nghĩ.

Hà Thủy Nguyên

Con đường Viết của tôi (6): Diễn đạt loằng ngoằng và sự suy thoái của tư duy

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi”  Walt Whitman nói: “Nghệ thuật của nghệ thuật, niềm vinh quang của sự biểu hiện, ánh thái dương của vẻ đẹp ngôn từ, chính là sự mộc mạc”. Thơ Walt Whitman quả thực là một điển hình cho tiếng lòng được cất lên như nó vốn là. Tôi thích thơ ông chính ở điểm ấy. Nhưng tôi cũng rất thích các tác giả có lối diễn đạt kỳ lạ hoặc những ngôn từ

Con đường viết của tôi (2): Đúng ngữ pháp, đơn giản nhưng không dễ

Các bạn có thể đọc cả chùm bài "Con đường viết của tôi" Khi tôi bắt đầu dậy lớp “Viết để biểu hiện bản thân” do Book Hunter tổ chức, tôi đã đặt ra vấn đề viết đúng ngữ pháp tiếng Việt cho tất cả những ai đến học lớp của tôi. Đương nhiên, một câu hỏi lập tức bật ra trong đầu của không ít bạn: “Biểu hiện bản thân thì cần gì đúng ngữ pháp?”. Câu hỏi này không phải là không có

Con đường viết của tôi (3): Sự “hay” muôn vẻ, chi bằng cứ đúng lòng mình

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi”  “Hay” là một khái niệm rất chung chung. Đọc một áng văn tuyệt mỹ, anh bảo hay, tôi bảo dở, âu cũng là lẽ thường tình. Hay dở cũng như xấu đẹp, tùy vào trình độ cao thấp, và thói quen tư duy của người tiếp nhận. Bàn về lẽ hay dở, tôi đặc biệt tâm đắc với lời than của Hàn Phi Tử hơn hai ngàn năm về trước: “…lời nói thuận

Con đường Viết của tôi (4): Tại sao cần tuân thủ các nguyên tắc khi viết?

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi”  Có nhiều người coi việc viết nhằm mục đích để thuyết phục người đọc, thế nên chỉ cần viết sao cho bay bướm văn hoa hoặc văn phong kỳ dị là đủ hoặc lời lẽ êm tai như ru ngủ. Lối viết này được các nhân vật nổi tiếng của làng viết yêu thích, đặc biệt trong thời đại Internet. Tất cả các văn bản viết một khi đã đăng trên mạng thường

Nhật ký Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống #3: Viết là mơ về những giấc mơ

Trong đời sống hiện hữu với những sức ép sinh tồn và tương tác xã hội, mỗi người đều có cảm giác rằng chúng là thế giới thực, nơi các giác quan có thể chạm tới và gây cho chúng ta những cảm nhận rõ rệt. Nhưng khi ta nhắm mắt vào, mất đi ý thức hoàn toàn, chìm vào giấc ngủ, giấc mơ xuất hiện. Giấc mơ có vô vàn hình thái, được cấu tạo từ một mớ hỗn độn của những gì ta