Home Bình Luận Bàn về cái Khịa của Táo Quân & mô hình giải trí fastfood của VTV

Bàn về cái Khịa của Táo Quân & mô hình giải trí fastfood của VTV

Sự trở về của chương trình “Táo Quân” trước Giao Thừa năm nay đóng vai trò rất quan trọng với VTV. Dễ dàng nhận thấy, “Táo Quân” sẽ là “cú nổ” đầu tiên đánh dấu sự trở lại của chuỗi gây hài kinh điển “Gặp nhau cuối tuần” một thuở làm mưa làm gió. Tiếp nữa, chương trình là show quan trọng nhất kể từ khi giải thể và sáp nhập một loạt các đài truyền hình vào VTV. Thành công của “Táo Quân” là một cú “lấy le” cho nhà đài và minh chứng tốt nhất trong ngắn hạn cho quyết định sáp nhập này. 

Với rất nhiều gánh nặng như vậy, “Táo Quân” không được phép thất bại, và thật may nó thành công ở mức cho phép. Cụ thể là chương trình nhận được rất nhiều lời khen từ người xem đại chúng và mang lại doanh thu quảng cáo cụ thể. Đằng sau sự thành công này là một lựa chọn khôn ngoan của nhà đài: “bổn cũ soạn lại”. Điều đó có nghĩa là: không cần cách tân gì hết, sử dụng đạo diễn gạo cội, biên kịch quen thuộc, dàn Táo cũ, theo đúng format chương trình cũ… đột phá duy nhất chỉ là giảm những màn quảng cáo vô duyên xen vào. Thực ra sau 4 năm “Táo Quân” nhạt nhẽo, sự trở về an toàn này cũng thỏa mãn người dân vốn chẳng có gì để giải trí trong một cái Tết hạn chế rượu bia và ngần ngại ra đường. Hơn nữa, ngay trước Tết, các chính sách về giao thông và tình trạng kinh tế tối tăm khiến nhiều người chán nản và tức giận, món “khịa” trước Giao Thừa là cách khôn ngoan để giúp người dân “xì hơi”. Tuy nhiên, món nào mà chẳng đến lúc ngấy, nếu năm sau, “Táo Quân” vẫn chỉ có thế thì sự đón nhận có lẽ không chỉ vậy. 

Chọc hài để “khịa” – khôn hay hèn?

Từ khóa gặp nhiều nhất trong các post khen chương trình Táo Quân xuân Ất Tỵ chính là “khịa hay”. Thực ra “Táo Quân” năm nào cũng “khịa”. Và xa xôi hơn, hầu hết các chương trình hài (từ hài kịch đến phim hài), đều mang phong cách “khịa”. 

Cấu trúc của các miếng “khịa” rất đơn giản: Biến những hiện thực cần phải tố cáo thành một lối nói bóng gió uyển chuyển bằng một số từ khóa hoặc hình ảnh liên đới. Những trò “khịa” này chúng ta có thể bắt gặp nhiều trong những cỗ bàn chốn quê nhà, bia hơi vỉa hè, quán trà đá, comment trên mạng, video trên Tiktok… Ngày xưa, các bậc “túc nho” xứ ta cũng thích “khịa” vì “khịa” là cách để đả kích mà không bị vua quan bề trên trách phạt. 

Nhìn chung, người ta chọn “khịa” như một cách để tỏ thái độ, bởi vì người ta tin rằng nó an toàn mà cũng “sướng miệng”. Tức là, khi khịa, cái khoái cảm được chửi thứ mình ghét được thỏa mãn, hơn cả thế, lại có cảm giác rằng mình trí tuệ hơn người mới nói được lời sâu cay như thế (khiến thằng khác tức mà chẳng làm gì được mình), và nếu được người khác hưởng ứng để hùa vào thì càng đắc chí. Người khịa đã sướng, người hùa vào nghe khịa cũng sướng, vì cứ như là nói hộ lòng mình. Nhưng khịa xong thì sao? Dù có xem đi xem lại các đoạn khịa cả chục lần, vẫn chẳng có gì đổi khác cả. Người khịa không trở nên thông minh hơn, người xem khịa không sâu sắc hơn, còn kẻ bị khịa vẫn nhơn nhơn, điều đáng bị đả kích vẫn vậy. Cười hềnh hệch với nhau một cuộc khịa rồi ai lại về nhà nấy. 

Truyền thống biểu diễn “Táo Quân” để khịa này có lẽ có xuất xứ từ nhà tù Hỏa Lò trong kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1944, các tù binh chính trị trong nhà tù Hỏa Lò đã cùng nhau tổ chức biểu diễn màn Táo Quân chầu thiên đình để tố cáo chế độ thực dân. Đến năm 1953, màn diễn kiểu này cũng trong nhà tù Hỏa Lò vẫn được tổ chức và được thuật lại như sau: ““Đêm giao thừa Tết Quý Tỵ 1953, các trại giam đều bày bàn thờ Tổ quốc có đủ cả cờ đỏ sao vàng và chân dung Hồ Chủ tịch được tù chính trị vẽ và cất giấu từ nhiều ngày trước. Sáng Mùng 1 Tết, các trại chuyển sang trang trí cờ hòa bình và hoa đào, hoa cúc bằng giấy. Ban lãnh đạo các trại tổ chức thi kéo co, đấu cờ tướng, biểu diễn văn nghệ. Vở kịch “Táo Quân lên thiên đình” đã được các đồng chí dàn dựng và biểu diễn. Quần áo diễn viên đóng vai Táo Quân và Ngọc Hoàng được làm tỉ mỉ, màu sắc rực rỡ tuy chỉ bằng giấy báo bôi màu xanh đỏ. Bọn Giám thị Tây, ta cũng đứng xem. Họ không hiểu hoặc có hiểu cũng khó lòng bắt bẻ những câu nói ẩn ý, đả kích khéo của tù nhân kháng chiến mong ước độc lập, tự do.”(Trích sách “Nhà tù Hỏa Lò Trường học yêu nước và cách mạng” (1896 – 1954), Nxb Hà Nội, tr.232)

Đội ngũ làm “Táo Quân” từ những chương trình đầu đã là bậc thầy của “khịa”. Họ bới móc mọi vấn đề xã hội nghiêm trọng, lồng ghép với các miếng trò chọc hài thường thấy khác như hát chế, nói lái, thơ châm biếm, ngoại ngữ ngô ngọng, động tác ngờ nghệch, giả vờ ngã… thậm chí là đem cả vấn đề đồng tính để chọc. Các miếng hài này vốn đã rất phổ biến trong cộng đồng, nhưng khi lồng ghép với các vấn đề thời sự, chính trị, xã hội… bỗng dưng khiến miếng trò “sâu” hơn một chút. Lặp đi lặp lại công thức khịa này từ năm này qua năm khác, từ thời kịch bản do Đỗ Trí Hùng viết cho đến giờ là Cù Trọng Xoay, đội ngũ “Táo Quân” đã thực sự “quen tay”. Cứ mỗi năm, các miếng trò mới từ cộng đồng mạng, gần đây nhất là Tiktok lại được tích hợp vào mỗi màn khịa.

Vấn đề là, ngay từ đầu “khịa” đã là một thái độ khá “lươn” trong quá trình vạch trần hiện thực xã hội. Tất yếu, những vấn đề được “khịa” là những vấn đề được phép lên sóng, ở mức độ vừa phải và có phần điều hướng đến thái độ của người dân. Sự phân vai trong mỗi vở “Táo Quân” rất rõ ràng: Ngọc Hoàng đại diện cho “chính quyền của dân”, các Táo là tầng lớp chuyên môn, Tào – Đẩu đại diện cho các hoạt động nội vụ, ngoài ra Thiên Lôi thì lúc nào cũng là anh An ninh trật tự võ biền bị bôi xấu… Chính sách luôn do các Táo đề xuất dựa trên thực trạng trong dân sinh, nhưng những chính sách này sẽ bị “gõ đầu” bởi Ngọc Hoàng hoặc Tào – Đẩu hoặc đôi khi là các Táo đấu tố lẫn nhau… Nhưng chung quy lại, chính sách vẫn được thực thi và lý giải theo lối: “…là cần thiết nhưng phải xem xét…” Kỳ thực, mục tiêu đại diện tiếng nói của người dân để “khịa” đã bị thay bằng “khịa” để điều hướng dư luận, một phần vừa giúp “xì hơi” cơn tức giận của dân vừa kiểm soát bức xúc của dân trong phạm vi cho phép. Đương nhiên, điều này không có nghĩa là loại bỏ hết những cống hiến và tài năng của đội ngũ Táo Quân, mà phải thừa nhận rằng đội ngũ Táo Quân đảm bảo đúng tiêu chí “Vừa hồng, vừa chuyên”. Chỉ là, họ chưa bao giờ đại diện cho tiếng nói tố cáo của người dân, và sẽ không bao giờ. 

Sự thích thú dài lâu của dân Việt (không rõ là bao nhiêu người, tôi không tin là dân miền Nam thích “Táo Quân”) không cho thấy tài năng của đội ngũ Táo Quân mà chỉ cho thấy đời sống giải trí nghèo nàn của người dân. Sự nghèo nàn này thể hiện trong hai yếu tố: Thứ nhất là, họ chẳng biết xem cái gì khác. Thứ hai là, họ tưởng rằng cười hềnh hệch là thứ duy nhất mang lại niềm vui gia đình ngày Tết. Hai yếu tố này có qua lại lẫn nhau, mà ở phần dưới đây tôi sẽ phân tích rõ hơn.

VTV đầu tư vào chương trình fastfood hay nên hướng tới những giá trị lâu dài hơn?

Tôi vẫn gọi “Táo Quân” và nhiều chương trình giải trí khác của VTV là “fastfood”. Bởi vì gần như nó chỉ dùng được một lần, chẳng mấy ai có nhu cầu xem đi xem lại, mà cũng không mang ý nghĩa PR cho một loại hình văn hóa nào cụ thể hướng tới mục tiêu lâu dài. “Táo Quân” và toàn bộ các phim hài Tết đều vậy. Kết thúc đợt Tết, được mấy người sẽ xem lại, và đến Tết năm sau cũng không thể sử dụng để chiếu lại. Nó nhanh chóng lỗi thời như một hiện tượng viral trên Tiktok vậy. 

Xét về kinh tế, dù nó có thể mang lại khoản doanh thu nhanh chóng nhờ quảng cáo (hồi trước còn có thêm bán đĩa, bán vé), nhưng nếu so với các khoản chi đầu tư vào kịch bản, diễn xuất, dàn dựng, sân khấu, PR, phát sóng… thì khoản lãi ấy có thực sự đáng kể không? Xét về chính trị, nó có thể xoa dịu nhất thời cơn bức xúc của dân nhưng sau đó thì sao? Vấn đề không được giải quyết thì cơn tức giận vẫn còn đó. Xét về văn hóa, đây là khoản đầu tư lỗ nhất khi dồn toàn lực cho “Táo Quân”. “Táo Quân”, đại diện cho VTV, lại xiển dương và chính thống hóa mọi trò lố bịch trên Tiktok hay các ca sĩ thị trường “xôi thịt” vốn chẳng gia tăng vốn văn hóa của người dân một chút nào. Chẳng một quốc gia nào có văn hóa mà phương tiện truyền thông trong tay chính quyền lại đi làm việc ngược đời như thế. Thay vì nắn chỉnh các ngôi sao thị trường trở nên có văn hóa hơn, đóng góp nghệ thuật có giá trị hơn, thì lại nhảm nhí hóa môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Một hệ lụy tồi tệ của chính sách “nghệ thuật quần chúng”. 

Màn biểu diễn múa “Ương ca” của robot trong chương trình “Xuân Vãn” 2025 của CCTV 4

Chúng ta hãy thử so sánh chương trình Tết của Việt Nam với chương trình Tết của Trung Quốc – một đất nước mà chúng ta thường “bảo” với nhau rằng đất nước này phèn lắm chỉ giỏi tẩy não dân. Họ không có màn “Táo Quân” xách mé, đêm hội ”Xuân Vãn” của họ có một cấu trúc phức tạp rất nhiều các màn từ ca múa, tiểu phẩm, nhạc kịch, biểu diễn võ thuật, talkshow, ngâm thơ cổ… “Xuân Vãn” không chỉ quy tụ dàn sao giải trí của Trung Quốc và thế giới, mà còn là cơ hội để Trung Quốc xiển dương các di sản văn hóa, từ múa Đôn Hoàng, hí kịch, Việt kịch… Đặc biệt, tiết mục viral nhất của “Xuân Vãn” năm nay chính là màn múa dân gian giữa người và robot theo điệu múa “Ương ca” của vùng Đông Bắc Trung Quốc. Điệu múa tươi vui với màu sắc rực rỡ, vừa phô trương được thành tựu công nghệ của quốc gia, vừa giới thiệu nét văn hóa bản địa tới toàn dân… rõ ràng có giá trị lâu dài hơn gấp nhiều lần mấy màn mắt lé và sáp nhập Tào – Đẩu của “Táo Quân”. 

Chương trình Tết của Việt Nam thật sự nhạt nhẽo, không phải vì thiếu tiền, mà vì tầm cỡ tư duy giải trí vẫn theo lỗi cợt nhả vỉa hè. Đã rất lâu rồi, không phải chỉ trong thời buổi khó khăn kinh tế này, chương trình Tết không hề có bất cứ màn biểu diễn dân gian nào đáng kể, không có nổi một tích tuồng – chèo – cải lương – ca trù… đáng xem. Các dân tộc khác cũng chẳng có cơ hội được xuất hiện trong các màn biểu diễn Tết của VTV để thể hiện bản sắc của họ. Ngay cả đến chương trình Táo Quân còn chẳng sắm sửa cho đàng hoàng bộ trang phục đúng theo cổ phục để tạo phong cách Việt một chút, mà chỉ mặc mấy bộ trang phục lòe loẹt lai tạp có lẽ chỉ xuất hiện trong những phiên hầu đồng. Sự lố bịch trong phông màn sân khấu thì mỗi năm một vẻ, nhưng chỉ có thể gọi chung bằng một từ “lòe loẹt”. Thôi thì, với món ăn tinh thần dạng “fastfood” có lẽ không nên đòi hỏi thêm. Tương tự với chương trình Tết, VTV liên tục sản xuất các chương trình giải trí fastfood mà chủ yếu là các gameshow. Vấn đề của gameshow đó chính là không ai xem đi xem lại cả. 

Ta có cũng thể so sánh với cách các loạt phim Giáng Sinh của Holywood được thực hiện. Phim Giáng Sinh rất đa dạng về sắc thái, không nhất thiết là cái hài cà khịa, nó có thể hài hước hoặc đơn giản là tạo cảm giác ấm áp, có khi thì kinh dị, có khi thì lãng mạn, lúc lúc truyền cảm hứng… Dù ở sắc thái nào, phim Giáng Sinh có một điểm hay đó là mỗi năm người xem đều xem đi xem lại trên các nền tảng bởi họ tìm thấy trong đó sự thân thuộc hoặc an ủi, hoặc một sự tương thích về cảm xúc. Mỗi lần xem lại, nhà sản xuất lại thu về được doanh thu dù không còn mất thêm chi phí quảng bá. Trong khi ấy, phim hài Tết và Táo Quân không thỏa mãn được mong muốn đa dạng và dài lâu này của người dân, và chẳng bao giờ đạt đến tầm cỡ kinh điển.

Có thể nói, hiện nay, VTV chỉ đảm nhiệm được hai chức trách: Một là đưa tin và bàn luận thời sự; hai là giải trí. Tốc độ đưa tin và bàn luận thời sự của VTV hiện nay ngày càng thụt lùi vì mất thời gian cho kiểm duyệt và thiếu ý kiến trái chiều. Thế nhưng, trước khi có Internet, lưu lượng xem thời sự trên VTV vẫn chiếm chủ đạo. VTV thực sự lạc hướng khi muốn thay thế sự hụt người xem thời sự bằng lượng khách xem giải trí, vì giải trí chẳng bao giờ nên là chức năng chủ đạo của một đài Trung Ương. Vị thế của một đài Trung Ương được chứng minh bằng tính chính luận và hữu ích, mà ở trường hợp VTV, chính chính luận bị khỏa lấp bởi nhiệm vụ đưa tin tuyên truyền nhạt nhẽo, còn tính hữu ích bị cắt giảm do không lồng ghép được các hoạt động tri thức vào chương trình của đài. Sự thất bại của VTV2 cho thấy VTV thiếu khả năng thực hiện các chương trình khoa giáo như thế nào. Chức năng văn hóa của VTV cũng bị giản lược hóa thành giải trí, và gần như không phải là sân chơi nghệ thuật dù là nghệ thuật truyền thống, hàn lâm, học thuật hay các thử nghiệm mới. 

> Đọc thêm: Truyền thông và nâng cao dân trí – Book Hunter

VTV đang rơi vào nghịch lý của chạy theo kiếm tiền nhanh, đó là càng ăn xổi để nhặt tiền nhanh thì càng không tích lũy được vốn văn hóa và tri thức để có thể nâng cấp năng lực của mình. Hiện trạng này giống như các nhân viên đi làm vì tiền, chọn việc lương cao và sẵn sàng bán sức lao động cho đến khi kiệt quệ và đối diện với kết cục thải loại. Trong bối cảnh này, chương trình “Táo Quân”, và có thể là cả series “Gặp nhau cuối tuần” được tái sinh tới đây chỉ là bào nốt thứ vốn văn hóa duy nhất tích lũy được từ sau WTO đến nay: cái hài, cái khịa. 

Với định hướng nội dung “fastfood” như vậy, dù có sáp nhập tất cả các đài vào một mối và triệt tiêu tất cả các đối thủ bằng chính sách kiểm duyệt văn hóa, VTV sẽ vẫn đối diện với sự quay lưng dần dần của người xem, và sẽ vẫn là một khoản chi ngân sách lãng phí từ nhà nước để duy trì hoạt động của đài. Tai hại hơn, VTV vẫn là bệ phóng cho những thói quen giải trí lố bịch, nếu không muốn nói là vô tri và hạ cấp, góp phần làm sụt giảm trình độ dân trí vốn đã chẳng cao mấy của người Việt. 

Hà Thủy Nguyên

* Ảnh đại diện: Tranh vẽ Tù chính trị diễn kịch “Táo quân lên thiên đình” trong phòng giam Nhà tù Hỏa Lò. Nguồn ảnh: CAND.

Truyền thông đã định hướng 9 truyền thống của văn hóa Tết Nguyên Đán dẫn đến chủ nghĩa tiêu dùng, hài rẻ tiền và tâm thức nguyên thủy tại Việt Nam

Văn hóa Tết Nguyên Đán được định vị bằng một loạt những hình ảnh: bánh chưng, sum vầy, mâm cúng, lì xì, lời chúc, quà Tết, màu đỏ, cầu may, chơi hoa. Hết năm nay qua năm khác, người dân lặp đi lặp lại những thói quen và tự gọi đó là “truyền thống cha ông để lại”, dần dần trở thành một văn hóa Tết ăn sâu vào tâm thức xã hội, thành một định chế áp đặt lên toàn bộ người dân. Định

Ma cà rồng & Người sói – Biểu tượng tình dục hoang dã

Nếu ở những thế kỷ trước Ma cà rồng hay Người Sói là nỗi ám ảnh sợ hãi của con người thì ở cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, những tạo vật độc ác này lại trở thành biểu tượng cho một vẻ đẹp gợi dục đầy khao khát và đam mê. Trào lưu này bắt đầu từ khi hình ảnh của Ma cà rồng mà đại diện là Bá tước Dracula (1950s) và Người Sói (1960s) xuất hiện trên màn ảnh

Tại sao người Việt cuồng xem bóng đá (và người dân thế giới cũng chẳng hề kém)

Bài đã đăng tại Book Hunter, và đăng lại tại website cá nhân sau sự kiện bạo lực bóng đá khủng khiếp tại Indonesia và 1/10/2022. Xin đăng lại bài này để chúng ta nhớ rằng bạo lực bóng đá và nguyên nhân thực sự của nó đến từ chính sự kích thích tính bạo lực ngoài kiểm soát của chính bộ môn thể thao này (và cả các bộ môn thể thao thi đấu khác). *Nguồn ảnh minh họa: Malaysia eats humble pie after

“Lịch sử các lý thuyết truyền thông”: thao túng hay khách quan?

Tôi muốn mượn cuốn sách “Lịch sử các lý thuyết truyền thông” (Armand & Michèle Mattelart – dịch giả Hồ Thị Hòa, Trần Hữu Quang hiệu đính) để trò chuyện đôi chút về vấn đề truyền thông (communication). Truyền thông trong suốt thế kỷ 20 đã đóng vai trò quan trọng ngang ngửa với năng lượng hạt nhân trong sự tác động đến thế giới và sức mạnh cũng như sức hủy diệt của nó vẫn chưa thực sự lường tính được.  Sự phát triển

TẾT THÌ LÀM GÌ?

Gần đến Tết rồi, người ta vẫn bàn cãi nhau về chuyện giữ Tết hay không giữ Tết. Bên thì cho rằng gần “gìn giữ bản sắc dân tộc” nên phải giữ, bên thì cho rằng Việt Nam cần “phát triển” nên tốt nhất là “gộp chung Tết tây Tết ta”. Cãi qua cãi lại, mất đi cái vui ngày Tết. Không có gì tốn năng lượng bằng tranh luận, mấy năm làm “keyboard warrior” đã dạy cho mình điều ấy. Mình không hiểu nghĩa