Ngay từ khi tung ra teaser và trailer, phim Kiều đã nhận không ít gạch đá từ dư luận vì sự lên hình kệch cỡm, cho đến khi phim công chiếu thì những lời “chỉ trích” phim đã nâng cấp lên thành tổng sỉ vả, một trận ném đá tập thể từ các nhà báo.
Khi báo chí đồng lòng chê một tác phẩm, tuyệt đối đừng tin
Vâng, đó là nhân định của tôi khi nghĩ về nền báo chí “ném đá tập thể” – nơi tập hợp những cây bút gạo cội của ngành giải trí và văn hóa. Tại sao tôi lại đưa ra nhân định như vậy? Bởi vì tôi đã từng là nạn nhân của một cuộc ném đá tập thể tương tự.
Năm 2008, khi bộ phim truyền hình Vòng nguyệt quế của tôi được phát sóng trên giờ Vàng VTV1, một trân mưa đá đã dội dồn dập vào tôi với những lập luận ngô nghê kiểu: “Những chi tiết ấy làm gì có thật”, “Bôi nhọ văn đàn”, “Bôi nhọ giới trí thức”… “Nhiều sạn” luôn là từ khóa ưa thích được các nhà báo sử dụng để chê bai một bộ phim, mà cái sạn ấy không bao giờ được phân tích bài bản bằng học thuật hay kỹ thuật làm phim mà bằng “quan điểm” (nếu không muốn nói là thiên kiến) của người viết. Cách phê bình phim theo lối này là minh chứng cho một nền báo chí chuyên chế của đa số, trong đó ngôn từ ngoa ngoắt và đanh đá một cách đầy ác ý để hả dạ bản thân và điều hướng đám đông tẩy chay một tác phẩm, trở thành phong cách điển hình. Tôi bắt gặp toàn bộ chuỗi diễn ngôn này trong cuộc ném đá tập thể phim Kiều (tôi cũng bắt gặp quy trình ném đá này đối với không ít bộ phim và cuốn sách có thiên hướng độc lập khỏi những nhóm lợi ích lớn trong làng giải trí và văn hóa).
Phim Kiều bị chê với lập luận phổ biến nhất: không gần với nguyên tác. Đây là lập luân cho thấy cái phông văn hóa của người viết quá tệ. Đòi hỏi một bộ phim gần với nguyên tác là điều lố bịch nhất, đặc biệt với trường hợp phim Kiều, khi mà chính Nguyễn Du khi viết “Đoạn trường tân thanh” cũng chẳng hề “gần với nguyên tác”, và thậm chí khi dân gian ta gọi vui mồm tên tác phẩm thành “Truyện Kiều” thì cũng tuyệt đối không coi trọng gì cái tên mà Nguyễn Du đặt. Biên kịch phóng tác dựa trên tác phẩm của tác giả, không giữ nguyên vẹn nguyên tác, âu cũng là điều bình thường, quan trọng là sự phóng tác ấy có giá trị hay không.
Nếu tìm hiểu về nền điện ảnh và giải trí thế giới, sự phóng tác dựa trên các nguyên mẫu nhân vật là điều hoàn toàn bình thường. Ta có thể bắt gặp hiện trạng phổ biến này ở các bộ phim của Marvel hay DC, khi nhóm làm phim điện ảnh, nhóm làm phim hoạt hình, nhóm làm TVseries… đều có những phóng tác hoàn toàn rất khác so với nguyên tác truyện tranh. Ta cũng có thể thấy những bộ phim kinh điển của Trung Quốc như “Tây Du Ký” (bản năm 1986), “Tam Quốc diễn nghĩa” (bản năm 2010), “Bá vương biệt cơ” (1993)… đều chẳng “gần với nguyên tác”.
“Gần với nguyên tác” là nỗi ám ảnh khiên cưỡng của những khán giả cực đoan – mà chủ yếu đến từ giới phê bình hoặc báo chí vốn có đặc quyền trong định hướng dư luận. Trong cơn tự huyễn về năng lực văn hóa của mình, họ đã quá coi trọng “nguyên tác” bởi đọc “nguyên tác” có vẻ như biến họ thành người có văn hóa hơn so với những người dám phóng tác. Bởi thế, họ cứ bám riết lấy “nguyên tác” và dùng “nguyên tác” như một thứ khuôn vàng thước ngọc để đánh giá các tác phẩm mà họ không ưa. Đây là lối phê bình hay đúng hơn là chỉ trích, chê bai vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết và hoàn toàn độc đoán, mà có lẽ chỉ tồn tại ở hệ thống báo chí thiếu các nghiệp vụ căn bản về học thuật và văn hóa.
Nếu kịch bản phim Kiều dở thì nền giải trí Việt Nam đích thực là lầu xanh
Người chắp bút kịch bản cho phim Kiều là đạo diễn Phi Tiến Sơn. Ông đã chọn một lát cắt nhỏ trong toàn bộ cuộc đời nàng Kiều: mối quan hệ tay ba Kiều – Hoạn Thư – Thúc Sinh. Tôi có thể mường tượng được tại sao ông lại chọn đoạn truyện này. Trọng điểm nằm ở vấn đề kinh phí.
Nếu dàn trải toàn bộ cấu trúc của “Đoạn trường tân thanh” thì nguồn kinh phí có lẽ sẽ đội lên rất lớn. Đoạn duyên với Thúc Sinh vừa có đủ các yếu tố của một mối quan hệ phức tạp nhiều kịch tính, không nhạt nhẽo như mối quan hệ Kim – Kiều; vừa tiết kiệm tài chính, bạn hãy thử hình dung những cảnh quay chiến trận trong mối quan hệ của Kiều và Từ Hải mà xem! Thân phận của biên kịch ở Việt Nam là thế đấy, vừa phải đảm bảo độ “drama” phù hợp với mô tuýp tư duy của đại đa số công chúng, lại vừa phải tiết kiệm chi phí tối đa cho nhà sản xuất.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn (sinh năm 1954, tại Hà Nội)
Phi Tiến Sơn là một đạo diễn gắn liền với những bộ phim theo sát vấn đề nóng của xã hội như: Nghề báo, Lưới trời, Người vác tù và hàng tổng, Xin thề anh nói thật…
Ông sinh ra tại Hà Nội. Từ nhỏ, ông đã được cha mẹ cho quyền lựa chọn nghề yêu thích. Ông từng ước mơ trở thành một nhà toán học hoặc làm một ngành gì đó liên quan đến kỹ thuật… Thế nhưng, số phận đã bất ngờ đưa ông rẽ từ trường Bách Khoa sang trường Sân khấu điện ảnh. Và ông vẫn luôn trung thành với nghề mà ông đã chọn dẫu biết rằng nó gập ghềnh gian khó.
(Trích: Người Nổi Tiếng)
Các nhân vật Kiều – Hoạn Thư – Thúc Sinh đã được xây dựng mới dựa trên góc nhìn của người biên kịch, vậy nên, không lạ khi người xem thấy ba nhân vật này đều “khác” so với nguyên tác. Biên kịch đã có lý khi tạo cho Hoạn Thư và Thúc Sinh bối cảnh để hình thành nên tính cách đặc trưng: Thúc Sinh sợ vợ bởi anh ta có xuất phát điểm thấp hơn so với nhà vợ (dân gian ta vẫn gọi là “chó chui gầm chạn”), Hoạn Thư ghen tuông độc ác bởi cô khao khát được hưởng ân ái vợ chồng trong vô vọng – một hình mẫu quen thuộc ở xã hội ngày nay. Mặc dù nhiều nhà báo đánh giá cảnh tự sướng của Hoạn Thư là thô tục, nhưng tôi cho rằng đó là thành công lớn nhất của bộ phim, bởi biên kịch đã dám tiếp cận khía cạnh đau thương nhất, sâu kín nhất của người phụ nữ ghen tuông chứng kiến người chồng của mình ngoại tình.
Ngược lại, nàng Kiều là sự thất bại. Phải thừa nhận, nàng Kiều quá nhạt. Kiều không có tính cách, chỉ như một cái giá áo xinh xắn ôm đàn đi đi lại lại và không biết làm gì ngoài…ngã, khóc, rồi mơ tưởng anh chàng “soái ca” Thúc Sinh. Kiều chấp nhận để người chị em tốt của mình rơi vào tay một gã bạo dâm, thế chỗ cho mình, đánh cược mạng sống của người chị em để đổi lấy tự do… toàn bộ điều này hoàn toàn mâu thuẫn với quá khứ “bán mình chuộc cha” của Kiều, và kể cả không có quá khứ, thì hành động này cũng phản ánh một Kiều ích kỷ, “trà xanh” (nói theo ngôn ngữ của cộng đồng mạng”).
Sự thất bại càng được nhân lên khi Kiều chẳng hề bị dày vò trong lầu xanh, bởi cứ mỗi khi gặp nguy hiểm, đã có “chị đại” Đạm Tiên lo. Và điều này khiến chẳng ai đau cho Kiều – nhân vật mà Nguyễn Du gửi gắm nỗi lòng của ông về cuộc đời phiêu bạt nay theo chủ này mai theo chủ khác mà ông đã trải qua vào giai đoạn Lê Mạt đến đầu Nguyễn. “Ướp trinh” cho Kiều không phải là cách khóc Nguyễn Du, bởi thế câu thơ được chọn để gây ấn tượng trên poster và generic của phim trở nên lố bịch: “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như”. Nhưng, công tâm mà nói, cách nhà làm phim bảo vệ cái màng trinh cho Kiều cũng không khác mấy cách các học giả thần thánh hóa Nguyễn Du, tự trói Nguyễn Du vào nguyên mẫu của một hàn nho yêu nước thương dân, trong khi ông cũng có đủ thói tật nhược của một con người bị thời đại mình sống chi phối.
Một điểm đáng thất vọng khác của phim Kiều lại chính là thiếu vắng cảnh tình dục chứ không phải tình dục thô bỉ. Lỗi này âu cũng không hoàn toàn của nhà làm phim mà là của hệ thống kiểm duyệt và cái nhìn phiến diện của dư luân Việt Nam với các cảnh quay tình dục. Giữ Kiều còn trinh dù sống giữa lầu xanh là một cách “lách” khéo léo của biên kịch để qua cửa kiểm duyệt để rồi vô tình giết chết cả Kiều và Tú Bà. Lầu xanh không còn là lầu xanh, mà đã trở thành sân khấu mãi nghệ của nàng Kiều. Nỗi đau bị dầy vò thân xác bởi những người đàn ông phũ phàng chỉ biết đến nhục dục bị thay thế bằng màn “ma ám” gây hài mà không cười nổi.
Khi xem đến phút cuối của bộ phim này, tôi không thương cho cô Kiều hay Nguyễn Du, mà tôi thương cho đạo diễn và biên kịch. Nỗi đau của họ phần nào đó lại giống cô Kiều, mà có khi còn khổ hơn Kiều. Kiều còn có thể biểu hiện nỗi đau của mình qua tiếng đàn, còn người làm kịch bản phim thì chỉ có thể “ngậm đắng nuốt cay” vì sự cay đắng của bản thân mà biểu hiện lên phim hẳn là sẽ không qua được cửa kiểm duyệt chứ đừng nói đến đứng vững trước miệng lưỡi cay độc của dư luân. Biên kịch, suy cho cùng, cũng là một cô gái bị gả bán vào lầu xanh mà cái lầu xanh này là thị trường giải trí Việt khốc liệt. Một ý tưởng kịch bản ban đầu dù hay đến đâu, sâu sắc đến đâu, qua cửa của các nhà đầu tư, chuyên gia marketing, nhà kiểm duyệt… đến cuối cùng cũng phải: bớt ngôn từ phức tạp đi, bớt khó hiểu đi, bớt vẽ vời tốn kém đi, bớt tình dục đi, bớt chính trị đi… rồi thêm tí gây hài, tí giọng miền nam, tí giọng miền trung, tí ngôn tình, tí tình tay ba, tí bạo lực, tí sướt mướt, tí Kungfu… Người biên kịch trải qua đủ sự dày vò ấy, chịu đựng nhiều năm trong nghề (cứ cỡ 10 năm gió bụi như Kiều hay Nguyễn Du) thì ắt sẽ lên lão làng đến mức tự gọt bản thân trước khi đem trình ý tưởng. Đương nhiên, ở đây tôi sẽ không đề cập đến những biên kịch sinh ra đã đầy đủ tố chất của một thứ điếm bợm, luôn chạy theo thị hiếu và tròn vo với mục đích bán hàng đắt khách hộ phòng vé, nhà đầu tư, đội ngũ marketing, PR… vốn toàn là phường Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, Bạc Bà, Bạc Hạnh… Vâng, họ là những biên kịch viết các bộ phim gây hài ngớ ngẩn, hay những bộ phim đời thường sến súa.
À quên, tôi quên đề cập đến nhà sản xuất. Họ cũng rất đáng thương, đáng thương như Thúc Sinh vậy. Tìm được ý tưởng kịch bản hay giữa làng giải trí, khác nào Thúc Sinh nghe được tiếng đàn của Kiều giữa lầu xanh. Họ cũng muốn thi triển để thỏa lòng tri âm, nhưng khốn nỗi tiền của họ không phải do họ quyết định và suy cho cùng để quay vòng vốn để tái đầu tư phim khác thì vẫn cứ phải dựa vào đội ngũ marketing, PR, phòng vé và nhà đầu tư. Thế nên, họ cũng yếu đuối và nhu nhược như Thúc Sinh: hữu tâm vô lực mặc nàng Kiều bị “vùi liễu dập hoa”.
Tại lầu xanh của ngành giải trí Việt, mọi thứ đều để bán, dù không hiểu hết giá trị
Hãy trung thực với nhau, đối với các đại gia của ngành giải trí, Nguyễn Du cũng để bán, Truyện Kiều cũng chỉ để bán, nỗi đau mà không bán được thì cũng vứt. Với tâm thức ấy, tác phẩm nghệ thuật, các nét văn hóa có giá trị đều bị coi như thứ vật trang trí để giúp bán hàng tốt hơn. Nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của Nguyễn Du, dự án chạy đua “bắt trend” Kiều đã vội vã bấm nút mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Tại sao tôi dám khẳng định điều này, bởi vì bộ phim được sản xuất quá hời hợt và thiếu tinh tế, thiếu các cảnh quay đẹp sắc nét, mà chỉ ở đẳng cấp như phim truyền hình ngôn tình của Trung Quốc.
Ví dụ, khi Kiều đứng ngóng chờ Thúc Sinh trở về, mấy câu Kiều được lẩy:
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường….
Câu thơ thể hiện cho nỗi nhớ nhung Thúc Sinh của Kiều, và trong đêm thì nỗi nhớ nhung này mới dày vò cực độ. Vầng bán nguyệt đại diện cho sự không trọn vẹn hiện lên giữa màn đêm tối tăm càng khoét sâu nỗi sầu chia biệt.
Ấy vậy mà câu thơ này lại được ngâm khi Kiều đứng trên núi như nàng Tô Thị hóa đá giữa ban ngày.
Nếu một nhà làm phim chuẩn bị kỹ lưỡng cả tài lực và vật lực, thì hẳn sẽ canh được một đêm trăng bán nguyệt để quay trường đoạn nhớ nhung này của Kiều. Nỗi nhớ của Kiều bỗng chốc chỉ là chút lóe qua và bốn câu thơ hay bậc nhất trong “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du trở thành lời minh họa để người ta biết đó là Kiều đang nhớ Thúc Sinh chứ không phải nữ chính trong phim ngôn tình Trung Quốc đang nhớ nam chính.
Và với tâm thức chẳng khác gì Tú Bà rao bán Kiều ấy, cùng với phông văn hóa thiếu thốn, những chi tiết đòi hỏi xử lý kỹ lưỡng về mặt văn hóa đều bị bỏ qua. Diễn viên ngâm thơ Kiều như đọc thuộc lòng, đôi khi bị đưa vào thoại mà diễn viên chẳng hiểu hết nội hàm ý nghĩa. Nhà làm phim pha trộn trang phục Việt và trang phục Trung Quốc một cách thiếu tính toán dẫn đến nghịch lý nực cười thế này: đôi nam nữ chính thì ăn mặc như phim cổ trang Trung Quốc còn diễn viên phản diện lại ăn mặc theo phong cách cung đình Huế. Nếu soi xét về mặt chính trị, có lẽ bộ phim sẽ còn gặp phải nhiều gạch đá nữa.
Theo như thông tin chính thức, đạo diễn Mai Thu Huyền đã ấp ủ dự án phim “Kiều” từ năm 2009 và đến 2019 mới bắt đầu khởi động. Tôi không muốn nghi ngờ độ chính xác của thông tin này, nhưng 10 năm chuẩn bị mà cái phông văn hóa về Kiều của nhà làm phim chỉ tới vậy, thì tôi cũng không rõ nên hiểu từ “ấp ủ” ở đây theo nghĩa nào. “Ấp ủ” có thể là bản mô tả dự án được liệt kê trong bản checklist của sự nghiệp và Mai Thu Huyền không hề chuẩn bị bất cứ nền tảng nào để hoàn thành bộ phim này ngoài cái bằng đạo diễn và chút vốn liếng dắt lưng.
Vị trí thực sự thiếu trong đoàn làm phim Kiều là một chuyên gia văn hóa, người đủ hiểu biết để phân tích những rủi ro trong lựa chọn phóng tác, bối cảnh, trang phục, thông điệp truyền thông… Sự thiếu này cũng dễ hiểu, bởi nhà làm phim hoặc coi thường nhận thức của khán giả, hoặc quá tự đắc với sự hiểu biết của mình, hoặc quá mải mê với sự sáng tạo… nhưng dù gì đi chăng nữa thì cũng là bởi nhân thức không đầy đủ về trách nhiệm bảo tồn văn hóa trong giải trí và truyền thông, tương tự với hầu hết các bộ phim giải trí Việt của các nhà làm phim miền Nam.
Giá như bộ phim chẳng liên quan gì đến Kiều
Nếu tách toàn bộ nội dung phim ra khỏi cái khung của Truyện Kiều, tôi cho rằng đây là một bộ phim tốt. Các diễn viên đều tròn vai, tâm lý nhân vật diễn biến sống động, bối cảnh đẹp, trang phục tuy hơi nhức mắt nhưng cũng kì công. Kịch tính trong phim được đẩy có nhịp độ , không bị vụn vặt. Đây sẽ là một bộ phim tình tay ba đầy tính nhân văn trong đó các nhân vật đều chỉ vì khao khát được yêu thương mà gây đau đớn cho nhau để rồi được hóa giải bằng lòng vị tha. Oan hồn can thiệp vào cuộc đời của nữ chính như một thứ bóng âm tinh thần, tạo nên phân cực và mâu thuẫn thú vị bên trong tâm lý của nữ chính. Nhưng không, cốt truyện này cứ phải khoác một cái áo “Truyện Kiều”, bất kể là rộng hay chật thì nó cũng không thích hợp và gây khó chịu.
Đến đây, tôi chợt nhớ đến bộ phim “Long thành cầm giả ca” của đạo diễn Đào Bá Sơn được công chiếu năm 2010 nhân dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long. Đây là một bộ phim giản dị, không có những pha gây hài nhếch nhác, thơ Nguyễn Du được lẩy hợp bối cảnh và nhiều cảm xúc… Khi xem phim, tôi cảm nhân được toàn bộ bầu không khí thành Thăng Long thời Lê Mạt, dù cho những hạn chế về bối cảnh. Phim cổ trang Việt hay, với tôi là một bộ phim như vậy, một bộ phim mà tuyến kịch bản gắn liền chặt chẽ với bối cảnh lịch sử và từng chi tiết đều gợi lên đời sống lịch sử ấy. Các nhân vật bất chấp áp lực phải vừa lòng khán giả hiện đại, được trọn vẹn với tâm tư của thời đại mình đang sống.
Sự so sánh này nói ra thì đau lòng và có phần tàn nhẫn. Một đằng là cố gắng xoay sở để tìm nhà đầu tư từ tầng lớp “Tú Bà” để cố thỏa đam mê làm nghề, một đằng là có sẵn ngân sách và chẳng phải lo áp lực bán vé, đương nhiên tâm thế làm phim sẽ rất khác nhau. Tình cảnh này ứng vào đúng mấy câu của Nguyễn Du, và tôi cũng xin được lẩy mấy câu Kiều khép lại bài viết cám cảnh của mình:
Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt là người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Hà Thủy Nguyên
Đọc thêm:
Men rượu – Thần thánh – Các hành tinh
Như cơn gió dạo chơi trên những thảo nguyên mênh mông, như âm thanh của biển lướt đi theo cánh sóng, hơi rượu quấn vào
Oẳn tù tì thì ra cái gì
Oẳn tù tì thì ra cái gì Ra gì nào biết làm gì đây Mình với mình, chọn mình nào nhỉ Thôi thì tất cả
Chiêu hồn ta
I- Có kẻ Gom góp những mảnh tàn linh hồn vãi vương giữa màn sương luân hồi chắp vá Phục dựng thời gian Gió về
Em hiểu là chị đang lên án ” dư luận” chĩa mũi dùi vào kịch bản và biên kịch. Em thì nghĩ là: phim do nhiều yếu tố cộng lại, trong đó có kịch bản. Phim dở cũng do nhiều yếu tố trong đó có kịch bản. Dư luận giờ ” khôn” lắm chị, hay dở ng ta nhìn ra luôn. Chị cũng công nhận là phim dở còn gì. Không biết khâu kiểm duyệt và nhà đầu tư kiểm soát kịch bản ra sao, nhưng nếu chú Sơn xảy tay một lần cũng là chuyện thường mà. Có thể chú hợp với những phim mang tính chính luận hơn tính ngôn tình tay ba diễm lệ yêu đương mùi mẫn