Nhu cầu biết trước về một tương lai có thể xảy ra luôn kích thích trí tò mò của con người, bởi thế quyền năng tiên tri là điều được ngưỡng vọng vào bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Thế nhưng, cơ chế để hình thành nên một lời tiên tri không giống nhau, hay nói một cách khác cơ cấu của từng hệ thống quyền năng tiên tri khác nhau rất nhiều.
“Tiên tri” có nghĩa là “biết trước”. Chữ “tri”, theo Từ điển Thiều Chửu, có nghĩa là khả năng phân biệt, phán đoán, ghi nhớ, nhận biết của con người. Luận về chữ “tri” này, có lẽ sẽ cần đến một cuốn sách triết học, nhưng ở đây ta có thể hiểu “tri” như một cách nhận thức về thế giới. Như thế, “tiên tri” có thể hiểu là khả năng nhận thức thế giới nhanh hơn và đi trước thiên hạ, nhà tiên tri là người có thể nhận thức được những điều mà người khác chưa thể nhận thức được, mà tương lai là một phần trong đó. Khái niệm “nhà tiên tri” trong tiếng Anh là “prophet” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “prophetes” có nghĩa là “người phát ngôn của các vị thần” hay “bậc thầy truyền cảm hứng”, trong đó “pro” có nghĩa là “trước”, cụm “phetes” có xuất phát cổ xưa hơn, từ “phanai” có nghĩa là “nói”. Vì thế, khái niệm “prophetes” ở phương Tây mang tính truyền tin, rao giảng nhiều hơn khái niệm “tiên tri” ở phương Đông. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, tôi không có ý định chọn một trong hai nghĩa để phân tích về loại quyền năng vừa kể trên, mà sẽ bao trọn cả hai nhóm nghĩa và gọi chung là “tiên tri”.
Xét về quyền năng tiên tri, ta có thể phân loại theo các cơ sở của dự đoán như sau:
#1. Tiên tri dựa trên dữ liệu
Những ai tìm hiểu về “big data” sẽ hiểu về cơ chế này. Khi người nào đó biết được càng nhiều dữ liệu trong quá khứ và hiện tại, lại có cơ chế xử lý và phân tích những dữ liệu ấy nhằm nhìn ra quy luật, người đó sẽ đoán trước được xu hướng những gì có thể xảy ra trong tương lai. Đây là lối “tiên tri” được các nhà xã hội học, kinh tế học yêu thích dù bước vào con đường này thì thử sai thất bại nhiều hơn là thành công. Tuy nhiên, trên thực tế, các cách tiên tri này còn có độ phổ rộng hơn nhiều, ở cả nhiều lĩnh vực của đời sống.
Sau này, người ta ghi chép lại những quy luật thành các hệ thống như astrology, numerology, tử vi, dịch số, xem tướng,… để cung cấp một bộ công cụ mà những người có ít dữ liệu hơn vẫn có thể sử dụng được, đỡ mất công đi khảo sát. Có thể nói, các bộ môn ấy chính là các hệ thống mô hình hóa một lượng dữ liệu khổng lồ (từ dữ liệu về các thành phần của xã hội, các chuỗi sự kiện, cấu tạo của con người cả về tinh thần và vật chất, và thậm chí là cả các biến động tự nhiên như thời tiết hay bầu trời sao…) một cách thông minh. Nền văn minh loài người bị tiêu hủy nhiều trong chiến tranh, thế nên người ta chỉ còn giữ được những thứ lập tức ứng dụng ngay chứ không hiểu được cơ chế mô hình hóa từ khối dữ liệu khổng lồ ấy cụ thể là như thế nào. Sau này, có thể khoa học phát triển, các ngành nghiên cứu vật lý lượng tử, công nghệ gene, khoa học não bộ… biết đâu lại có thể giải thích được cơ chế mô hình hóa ấy chăng? Nhưng đó là chuyện của tương lai. Tuy nhiên, loại công cụ ứng dụng tức thời dựa trên ghi chép cổ xưa này sẽ gặp phải vấn đề trục trặc khi có quá nhiều sai số do lượng dữ liệu bị tăng đột biến mà không theo các quy luật đã được định sẵn trong đó. Thế nên, người sử dụng chúng để tiên tri phải nhận biết được giới hạn của chúng và vừa sử dụng vừa lấy thêm dữ liệu từ bên ngoài rồi tạo nên các mô hình mới. Vấn đề là, không hiểu được cách mô hình hóa cổ xưa, làm sao có thể tạo ra cách mô hình hóa mới được. Thế nên, e rằng các hệ thống này sẽ bị lung lay trong thời gian tới.
Loại tiên tri này là nguồn cảm hứng cho không ít các nghiệp vụ điều tra đang thịnh hành trong điện ảnh Holywood hiện nay cũng như các hình mẫu quân sư trong tiểu thuyết và phim truyền hình Trung Quốc. Để có khả năng tiên tri dựa trên dữ liệu, chúng ta phải dựa trên sự hiểu biết, phân tích, phán đoán, không dễ dàng gì thực hiện được đối với những ai lười biếng.
#2. Tiên tri nhờ vào thế lực cõi vô hình
Một trong các nghĩa của “tiên tri” theo tiếng Hy Lạp, như đã nói ở trên, là “người phát ngôn của các vị thần”. Trong bài về muôn vẻ nhập đồng, tôi đã nhắc đến họ (Đọc thêm tại đây: https://nghiencuutongiao.info/2017/05/15/muon-ve-nhap-dong-hay-nhung-cai-bay-tam-linh/ ). Do một sự kết nối vô tình hay hữu ý, tâm trí của họ bị điều khiển bởi một thế lực tâm linh nào đó. Thế lực tâm linh này, có thể thiện hoặc ác, cho họ thấy những thông điệp hoặc viễn ảnh. Ví dụ như trong Kinh Thánh, Thượng Đế cho Noeh biết trước về trận đại hồng thủy; hoặc trong thần thoại Hy Lạp, những cô đồng Pithy của đền Delphi làm nhiêm vụ chuyển trao ý của thần Apollon và các vị thần Olympus; gần gũi hơn với chúng ta là các bà đồng xem bói hoặc các thày phù thủy nuôi vong hồn để lấy thông tin từ cõi âm… Những nhân vật lớn như Nostradamus, Vanga, Edgar Cayce … đều thuộc dạng này.
Thường thì, những người nói ra các thông điệp hoặc viễn ảnh này không ý thực được tại sao các thế lực tâm linh lại cho họ biết những điều ấy. Họ chỉ biết tuân phục hoặc trục lợi mà thôi. Thế tức là nếu các thế lực tâm linh vô hình mượn họ để thực hiện kế hoạch của mình, họ cũng không thể biết. Ví dụ như những lời tiên tri loại này đã hủy hoại các anh hùng Hy Lạp như Hercules, Oedipus và phần nào gây nên cuộc chiến thành Troy. Chúng ta thường chấp nhận lời tiên tri hoặc hướng dẫn từ thế lực thần thánh để giải quyết lợi ích trước mắt nhưng ít khi nào có thể tính toán được những diễn biến lâu dài có thể xảy ra từ những lời tiên tri ấy.
Nếu các bạn quan sát kỹ các kiểu bói lá, xóc quẻ hay bài tây, tarot, các bạn sẽ thấy rằng chúng bị chi phối bởi thế lực tâm linh nào đó, có thể thiện hoặc ác, thấp hoặc cao, mạnh hoặc yếu, tùy sự kết nối của người xem. Đa phần, chính những người bói cũng không ý thức được điều này. Một số người ý thức được, họ sẽ tạo ra sự đàm phán giữa bản thân và thế lực ấy hoặc chọn lựa thế lực phù hợp với mình, hoặc thậm chí là không tùy tiện bói toán nữa.
Những cách bói dựa vào thế lực vô hình này rất “hên xui”. Thường thì khi nào thế lực tâm linh vô hình ấy đủ mạnh để kết nối thì các thông điệp hoặc viễn ảnh sẽ chính xác, nếu không thì người tiên tri phải tự bịa ra thông điệp hoặc viễn ảnh. Trường hợp bị “mất kết nối” dẫn đến “mất linh” xảy ra khá thường xuyên. Thế nên, một áp lực không nhỏ đối với những người xem bói kiểu này là giữ sự kết nối ấy bằng việc tuân thủ một số luật lệ nhất định hoặc thường xuyên chủ động tạo sự kết nối bằng tiếp xúc biểu tượng hoặc cầu nguyện. Nếu không, họ sẽ phải từ bỏ nghề này hoặc bịa đặt các thông điệp theo kiểu dân gian ta vẫn nói đùa là “thày bói nói dựa”.
#3. Tiên tri bằng phát ngôn
Zarathustra, Moses, Jesus, Mohammed… đều được gọi là ngôn sứ hoặc “nhà tiên tri” mặc dù họ không đưa ra tiên đoán nào về vận mệnh nhân loại. Trong thần thoại Hy Lạp, nhân mã Chiron cũng được gọi là nhà tiên tri mặc dù ông ta chỉ làm mỗi việc là dạy dỗ cho các anh hùng. Vậy thì cách họ “tiên tri” là gì? Họ tiên tri bằng việc biến lời nói của mình thành hiện thực. Họ có một ý tưởng để cải tạo và thay đổi con người hoặc thế giới, họ tạo các ám thị trong tâm trí người nghe, khiến người nghe bị thuyết phục. Cứ thế, nhân rộng lên, họ tạo ra sự ảnh hưởng đối với thế giới và thay đổi thế giới. Tức là bằng lời rao giảng, họ thúc đẩy thế giới theo cách họ mong muốn.
Các nhà chính trị, nhà triết học, nhà văn đều có khả năng thực hiện điều này. Một khi lời nói ấy chứa đựng trong nó nhiệt huyết và niềm tin tưởng tuyệt đối, nó có thể thuyết phục được số đông quần chúng đi theo. Khi số đông quần chúng bị thôi miên bởi lời nói, họ sẽ hành động để biến lời tiên tri ấy thành hiện thực. Thế nhưng, thường thì lời tiên tri loại này có ảnh hưởng tích cực chẳng được bao lâu, và thường bị lợi dụng để tạo ra một thể chế toàn trị. Một số nhà giáo dục hay các nhà tâm lý học cũng thường đưa ra những lời tiên tri dạng này như một liệu pháp tâm lý và hậu quả là chúng tạo nên một cái tôi khác cho người được giáo dục hoặc điều trị. Cái tôi này nếu ở trong môi trường thích hợp sẽ ngày càng lớn tới mức người ấy ngày một xa rời bản thể của mình và trở thành robot vận hành theo đúng thứ lời tiên tri ấy đã cài đặt.
Lời tiên tri loại này có thể bị biến thành nguyền rủa khi có người dùng nó với mục đích xấu. Một lời nguyền rủa được tung ra với lòng thù hận sẽ trở thành một chuỗi các ám thị lên người xung quanh và đối tượng bị nguyền rủa . Họ bị lời nguyền thôi miên đến mức càng cố thoát khỏi lời nguyền rủa thì lời nguyền rủa càng phát tác. Nếu chúng ta không cẩn thận trong phát ngôn, một câu nói vô tình có chứa cảm xúc của chúng ta hướng tới một đối tượng nào đó cũng có thể trở thành lời nguyền rủa tới mức đối tượng ấy bị triệt hạ. Bởi thế, một khi ta càng có sức ảnh hưởng lớn thì ta càng phải cẩn thận lời nói của mình.
Tiên tri bằng lời nói cũng có thể trở thành những điềm báo ngụy tạo để làm chao đảo nhân tâm. Những điềm báo ngụy tạo này thường được tung ra khi người ta có ý định tiêu diệt một triều đại hay một tổ chức hay lật đổ một cá nhân nắm quyền nào đó; cũng có thể dùng để làm dư luận nhằm ủng hộ một người nào đó nắm trọng trách. Đây là một thủ thuật chính trị tầm thường, rất dễ phát hiện nhưng người ta lại thường dễ bị lừa gạt, nguyên nhân là do sự ngụy tạo ấy mang lại lợi ích cho người tiếp nhận nó, vì thế người ta sẵn sàng bỏ qua sự nghi ngờ và tính xác thực. Những điềm báo ngụy tạo này thường đóng vai trò như “giọt nước tràn ly” trong các tình huống mang tính thay triều đổi đại.
***
Mặc dù phân chia ra 3 loại cơ cấu tiên tri như thế, nhưng trên thực tế ba loại này đan xen với nhau khá phức tạp. Một người tiên tri bằng dữ liệu không chính xác lại có thể vô tình tạo ra loại tiên tri dựa trên lời nói. Một người tiên tri dựa trên lời nói có thể biết các dữ liệu nhưng vì muốn thay đổi tình thế nên cố tình tạo ra một lượng lớn các dữ liệu mới để gây sụp đổ hệ thống cũ. Một người tiên tri nhờ vào thế lực vô hình cũng có thể trở thành tác nhân dẫn đến việc cả nhân loại bị ám thị mà làm theo; hoặc lời tiên tri từ thế lực vô hình ấy cũng là dựa trên dữ liệu chúng ta không có khả năng tiếp cận được mà chỉ các vị thần mới có thể…v…v…
Ngoài ra, về cùng một sự việc diễn ra trên Trái Đất hoặc về số phận của một con người, từ rất nhiều hệ thống và cách thức khác nhau người ta có thể đưa ra các lời tiên tri khác nhau. Nếu tin vào một hệ thống thì chẳng phải chúng ta chỉ là vai diễn của vở bi hài kịch mà hệ thống ấy mong muốn ư? Nếu tin tất cả các hệ thống đưa ra tiên tri khác nhau ấy thì chẳng thà chúng ta không tin gì cả, mà chỉ ghi nhận có hơn không? Bạn muốn rơi vào trò chơi tâm trí ngớ ngẩn ấy ư?
Tóm lại, tiên tri là một trò chơi nguy hiểm mà loài người không nên lạm dụng và cũng không nên quá tin tưởng. Bởi lẽ, thế giới chúng ta đang sống là một thế giới của rất nhiều khả năng và con người có thể có rất nhiều lựa chọn nếu biết động não suy nghĩ. Thế thì tại sao phải biết trước tương lai để rồi bỏ qua vẻ đẹp của hiện tại?
Hà Thủy Nguyên