Home Sáng tác mới Con đường viết của tôi (5): Sáng tác văn chương như hành trình khám phá thế giới tâm trí

Con đường viết của tôi (5): Sáng tác văn chương như hành trình khám phá thế giới tâm trí

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi” 

Ngày nay, văn chương không còn được ưa chuông nhiều nữa. Văn chương trở thành thứ vô dụng, đặc biệt là ở nước ta, bởi nó không mang lại nhiều tiền bạc và danh vọng. Văn chương chỉ còn là đam mê hoàn toàn rất cá nhân đến từ những ai muốn vượt trên đời sống tầm thường này để đi sâu khám phá thế giới tâm trí của mình. Đó là những người mơ hồ nhận thức được rằng, tất cả những gì đang diễn ra ở ngoài kia đều sẽ có một hình chiếu trong tâm trí hoặc ngược lại, vạn sự diễn ra đều là phóng chiếu ở tâm. Như vậy thì, thành công ở đời sống bên ngoài có lẽ không lý thú bằng con đường khám phá và chinh phục thế giới tâm trí bên trong.

Nghe qua thì việc sáng tác văn chương có phần nào giống những người thiền định hay những bậc tu hành nhỉ! Điều này không sai. Nếu người thiền định hay bậc tu hành thông qua các phương pháp tĩnh lặng để đạt được tri kiến, thì người sáng tác văn chương thông qua hành vi chiêm nghiệm và viết, cũng để đạt được tri kiến. Có nhà văn chiêm nghiệm rồi viết, cũng có nhà văn vừa viết vừa chiêm nghiệm, nhưng dù thế nào, trong quá trình sáng tác, những tri kiến mới mẻ sẽ xuất hiện bên ngoài cái biết thông thường của chúng ta. Nếu sau khi viết xong một bài thơ, một truyện ngắn, một tản văn, một cuốn tiểu thuyết…v…v… mà ta không thấy mình trưởng thành hơn, tức là ta chưa thực sự sáng tác mà chỉ thông qua viết để mô phỏng lại những gì đã biết như một cái máy.

Viết thơ, truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết… như một cái máy là thói quen thường thấy của những nhà văn chuyên nghiệp hoặc ở cấp độ thấp hơn, là các cây viết thị trường. Các nhà văn chuyên nghiệp khi đã định hình phong cách, định hình tư tưởng, định hình lối tư duy rõ rệt, thì tâm trí của họ đã trở thành một phần mềm thông minh luôn vận hành tự động. Mọi dữ liệu đời sống tự động nạp vào tâm trí của họ, tự bố cục theo những gì tâm trí họ định sẵn. Nếu bạn thấy một nhà văn, nhà thơ nào có phong cách lặp đi lặp lại nhưng vẫn hấp dẫn thì đó là bởi họ đã bị mắc kẹt trong chính cái phần mềm thông minh mà họ tạo ra trong các tác phẩm thành công ban đầu. Đương nhiên, một tác giả chân chính sẽ nhận thức được điều này. Họ sẽ vùng vẫy để thoát khỏi sự “chuyên nghiệp” ấy. Họ sẵn sàng thử nghiệm những thứ mới hơn, đi vào các ngóc ngách khác lạ trong tâm trí mình, thậm chí sẽ dẫn đến các biểu hiện điên rồ trong lối viết cũng như trong đời sống. Các thử nghiệm này chưa chắc được số đông độc giả đón nhận, nhưng với tác giả đó là bước đi cần thiết để thoát khỏi cái bóng của chính mình. Các cây viết thị trường thì vừa giống lại vừa khác. Họ cũng chạy trên phần mềm, nhưng là phần mềm cải tiến lắp ghép từ rất nhiều người khác. Họ đủ hiểu độc giả muốn gì, các Nhà xuất bản yêu cầu gì, và từ những yêu cầu đó họ cải tiến thành một phần mềm. Thường trong các tác phẩm thị trường, tính cá nhân của nhà văn không cao, mà chỉ tuân thủ theo các xu hướng có sẵn của xã hội. Người đọc đọc tác phẩm của họ để ve vuốt cái tôi cá nhân của bản thân với những thói quen suy nghĩ đã sẵn có của họ.

Vậy thì vấn đề quan trọng nhất của sáng tác có phải là thoát khỏi những phần mềm tâm trí có sẵn hay không? Không hoàn toàn như vậy! Nếu người viết nhận ra rằng mình bị rơi vào phần mềm tâm trí, càng cố vùng vẫy thì càng khó thoát. Thực ra nếu chúng ta nhớ lại cái cảm giác run rẩy ban đầu khi bước vào con đường sáng tác, còn ngơ ngác trước mọi thủ thuật viết lách, còn non nớt trong diễn đạt, bạn sẽ thấy rằng quá trình sáng tác văn chương có chiều sâu hơn một cuộc vùng vẫy rất nhiều.

Còn nhớ những ngày đầu tôi viết cuốn tiểu thuyết “Điệu nhạc trần gian”. Lúc ấy, tôi chưa biết gì về các lý thuyết văn học, chưa giỏi các thủ thuật, còn nghĩ cuộc đời là màu hồng với những lý tưởng cao vời về tình yêu và chính nghĩa. Tôi tự hóa thân mình vào nữ nhân vật chính, tôi tưởng tượng ra kinh thành Thăng Long thời Lý, vùng núi phía Nam Trung Quốc, và cả mảnh đất  kỹ lưỡng từng chi tiết (thậm chí còn chả quan tâm đến sử liệu). Tôi tạo cho mình những người bạn, những kẻ thù; tạo cho mình một thời cuộc để sống; tạo ra những va đập và phản ứng của đời thường. Một cuộc đời giả lập đã được tạo ra, để trong đó tôi cho phép cá tính của mình thoải mái bộc lộ và xem xét những phản ứng. Tôi cũng để những nhân vật khác trong truyện có cá tính riêng dựa trên nguyên mẫu người tôi đã gặp và đưa vào đó những dự đoán của tôi về phản ứng phù hợp với cá tính nhân vật.  Tất cả những nhân vật va đập với nhau để tạo ra một thế cuộc của cuốn sách, rồi chính thế cuộc ấy lại tác động góp phần nổi bật nhân vật chính đại diện cho tôi. Nghe tưởng chừng như tôi kiểm soát toàn bộ cuộc chơi sáng tác và thế giới trong truyện do một tay tôi dàn xếp tất cả. Nhưng không phải vậy. Các nhân vật đều có đời sống riêng của nó, kể cả nhân vật đại diện cho tôi. Chúng luôn có những phản ứng bên ngoài sự sắp đặt. Tại sao lại vậy? Bởi lúc viết, tôi chưa hoàn toàn hiểu hết con người sâu thẳm bên trong minh và cũng chưa từng hệ thống hóa những gì tiếp thu được từ thế giới bên ngoài. Trong quá trình sáng tác, những nhận thức từ thế giới bên ngoài được lắp ráp lại với nhau để tạo thành một thế giới trong tưởng tượng. Nhân vật đại diện cho tôi, mà thực ra là chính tôi, đã đi vào thế giới tưởng tượng ấy, sống hoàn toàn trong đó, trải nghiệm từng thang bậc hỉ nộ ái ố trong đó, để rồi rút ra những tri kiến riêng cho mình. Suốt 2 năm viết tiểu thuyết, tôi sống song song hai cuộc đời: một cuộc đời trong truyện và một cuộc đời vật vờ ngoài đời thật. Có thể xem, việc sáng tác một cuốn tiểu thuyết giống như là một lần “lịch kiếp” vậy. Trải qua kiếp người giả lập ấy, nếu chúng ta không học được bài học gì cho bản thân, chúng ta sẽ lặp đi lặp lại kiếp ấy ở những cuốn tiểu thuyết khác. Chính bài học chúng ta không học được qua trải nghiệm sáng tác sẽ đẩy chúng ta vào phần mềm thông minh của chính mình.

Vậy thì sáng tạo văn chương thực sự là một cuộc dấn thân toàn bộ bản thân mình vào thế giới tâm trí bên trong. Càng dấn thân, càng liều chết xông lên mà không màng tới những gì đã bỏ lại ở thế giới bên ngoài, thì ta càng đạt được các nấc thang cao hơn của sự sáng tạo. Đôi khi, sự dấn thân này sẽ gặp bế tắc, bởi thế giới tâm trí dường như bị rơi vào tình trạng thiếu thông tin. Ta lại làm một cuộc hành trình ngược lại, đó là dấn thân toàn bộ vào một cuộc chơi bên ngoài. Thế nhưng, cuộc chơi bên ngoài này chỉ là một hướng đi đột phá. Bởi ta chơi trò chơi bên ngoài với cái nhìn nội tâm. Sau cuộc du ngoạn ngắn ngày ấy, ta lại quay vào thế giới nội tâm với các dữ kiện mới thu thập được, để có thể kiến tạo cho mình một thế giới mới hơn. Nhưng nếu với cuộc chơi bên ngoài, bạn không thể quăng quật bản thân mình vì sợ tổn thương, sợ đau đớn, thì bạn cũng không thể thu lượm được tri kiến nào mới mẻ. Và đến khi quay lại với việc sáng tác văn chương, bạn vẫn sẽ lặp lại cái phần mềm của mình với các dữ liệu góp nhặt khác.

Thế nên, con đường sáng tạo văn chương hay sâu xa hơn là hành trình khám phá nội tâm của mỗi cá nhân cần sự dũng cảm phi thường. Trên con đường này, người viết không sợ hãi sự cô độc, không hoảng hốt trước các ý nghĩ điên rồ, không ngại các cơn tra tấn tinh thần, không e dè trong việc đạp đổ các ý tưởng của chính mình. Thậm chí, con đường này có phần gai góc hơn tu hành, bởi vì không cái phao niềm tin nào để bấu víu. Người viết loay hoay giữa vô cùng, và chỉ những người dũng cảm phi thường mới có thể thích thú với vô cùng.

Hà Thủy Nguyên

Con đường Viết của tôi (1): Viết cho mình hay viết cho người

Đọc thêm về chùm bại "Con đường Viết của tôi" tại đây: https://hathuynguyen.com/tag/con-duong-viet-cua-toi/ Tôi bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên hồi lớp 3. Hồi đó tôi thường hay đi loanh quanh tìm lá cây, đem về ép, rồi viết những câu thơ vịnh loài cây ấy. Lên lớp 6, tôi bắt đầu viết tiểu thuyết đầu tiên, đó là một truyện khoa học viễn tưởng. Lúc đó, tôi nhìn lại những bài thơ viết hồi lớp 3, thấy ấu trĩ quá, nên vứt

Ai viết…

Viết đi viết lại một vài kiểu nội dung, nhiều tới mức bất an, tới mức thấy nghi ngờ: Nghi ngờ toàn bộ nội hàm của những câu từ ấy. Điều gì đứng sau những ý tưởng này? Điều gì đứng sau dạng tri thức này? Điều gì chi phối toàn bộ các thông điệp này? Ngòi bút không phải bị uốn cong, thứ bị nhào nặn, bóp méo, lỗ chỗ lồi lõm chính là lương tâm của kẻ viết. Tay ta đang viết, hay

Con đường Viết của tôi (8): Biết rõ mình đang viết gì

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi”  Việc viết văn xuôi cũng giống như một vị vua đang điều khiển dân chúng của mình (chính là các từ ngữ). Một vị vua, muốn cho đất nước trật tự và phát triển thịnh trị, không thể làm bừa làm ẩu mà cần phải có sự tính toán sao cho người dân từng bước đi theo từng lộ trình mà vị vua mong muốn. Vị vua muốn thuyết phục lòng người hẳn

Con đường Viết của tôi (6): Diễn đạt loằng ngoằng và sự suy thoái của tư duy

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi”  Walt Whitman nói: “Nghệ thuật của nghệ thuật, niềm vinh quang của sự biểu hiện, ánh thái dương của vẻ đẹp ngôn từ, chính là sự mộc mạc”. Thơ Walt Whitman quả thực là một điển hình cho tiếng lòng được cất lên như nó vốn là. Tôi thích thơ ông chính ở điểm ấy. Nhưng tôi cũng rất thích các tác giả có lối diễn đạt kỳ lạ hoặc những ngôn từ

Con đường viết của tôi (2): Đúng ngữ pháp, đơn giản nhưng không dễ

Các bạn có thể đọc cả chùm bài "Con đường viết của tôi" Khi tôi bắt đầu dậy lớp “Viết để biểu hiện bản thân” do Book Hunter tổ chức, tôi đã đặt ra vấn đề viết đúng ngữ pháp tiếng Việt cho tất cả những ai đến học lớp của tôi. Đương nhiên, một câu hỏi lập tức bật ra trong đầu của không ít bạn: “Biểu hiện bản thân thì cần gì đúng ngữ pháp?”. Câu hỏi này không phải là không có