Không thể có Kỷ nguyên vàng Islam vĩ đại thế kỷ 9 nếu các học giả Ả Rập không kỳ công sưu tầm các trước tác của Hy Lạp, La Mã, Trung Đông, Ấn Độ cổ xưa. Cũng không thể có một thời đại Phục Hưng vĩ đại nếu các quốc gia giàu mạnh như Anh, Pháp, Đức không dịch lại tác phẩm Hy Lạp, La Mã và các tác phẩm hay thời ấy. Dịch thuật là cầu nối văn hóa và tri thức mạnh mẽ nhất, và là nền tảng cho nghiên cứu, sáng tác của một quốc gia phát triển. Chẳng có đất nước nào phát triển mà không có nền học thuật đồ sộ với lượng dịch phẩm khổng lồ cả, chẳng có quốc gia nào thành rồng thành hổ mà chỉ xúi trẻ con đi học ngoại ngữ để xuất khẩu lao động cho dễ hết.
Nước Việt mình trong suốt dòng lịch sử, hết bị chiến tranh tàn phá, lại bị các xu hướng ngu dân làm cho mê muội, thế nên nền tảng văn hóa của xã hội, đừng nói là lạc hậu 50 năm, 100 năm, mà kỳ thực là lạc hậu đến 3000 năm so với các nền văn minh khác. Dù công nghệ có đuổi kịp, kinh tế có khá khẩm, nhưng trình độ vẫn chỉ vậy thôi. Thực ra trong lịch sử nước ta cũng có đôi lần các học giả nỗ lực sưu tầm sách quý, tổ chức dịch thuật và phổ biến cho dân… nhưng chỉ cần một cuộc binh biến, loạn lạc thì vài chục năm đến trăm năm gây dựng đều tan thành mây khói, chỉ sót lại vài mẩu vụn rơi rớt. Chẳng biết cái nước mình bị cái nghiệp gì mà thành ra như vậy.
Nhưng suy đi nghĩ lại, mình thấy rằng nó đến từ việc quyền và các món lợi từ dịch thuật, hay nghiên cứu, sáng tác… ở nước mình trước kia chỉ đến từ một nhóm nhỏ những người đeo đuổi con đường khoa cử chính thống, ngồi chờ đợi tiền rót xuống từ triều đình; hoặc nếu không thì cũng con nhà quyền quý rảnh rỗi. Với sự bó hẹp ấy, hoạt động tri thức vừa chậm, vừa thiên kiến, vừa chẳng có ai thấy trân trọng để gìn giữ. Nên thôi, các dịch giả danh tiếng nức trời ở Việt Nam hiện nay, mình không dám với tới, để họ cho các đơn vị làm sách danh giá khác, còn Book Hunter chúng mình nỗ lực xây dựng những người trẻ dũng cảm bước vào con đường dịch thuật, làm sao để họ càng đông đảo càng tốt.
Họ có thể là bất cứ ai: một nhân viên văn phòng bình thường chán ngán công việc nô lệ và vô nghĩa, hay một bạn nhỏ yêu thích đọc sách, hay một người tu tập bỗng thấy hoài nghi những gì được sư phụ dạy, hay một người sống lang bạt ở nước ngoài tình cờ thấy các ý tưởng hay và muốn giới thiệu với độc giả trong nước… Với mỗi dịch giả, mình luôn hỏi họ về việc họ kỳ vọng gì ở hoạt động dịch thuật… chẳng ai quan tâm đến DANH TIẾNG cả. Họ chỉ muốn thầm lặng làm việc, bởi họ đều ý thức rằng sự nổi tiếng chẳng giúp ích gì cho con đường tri thức mà họ muốn đeo đuổi. Dù vậy chúng mình vẫn luôn đề tên họ ở mỗi cuốn sách.
Trong quá trình hoạt động của Book Hunter trong nhiều năm, mình gặp nhiều kiểu mẫu dịch giả khác nhau, có người lúc nào cũng vênh vang rằng ta có thương hiệu lớn, muốn áp đặt lựa chọn khái niệm theo cách của họ mà bất chấp độc giả có thể hiểu hay không; cũng có người ngồi mặc cả cò kè từng xu nhưng vẫn diễn vai trí thức nên nói giọng kẻ cả ban ơn; cũng có dịch giả lươn khươn hứa lèo rồi lại mang dự án của mình sang cúng cho đơn vị khác; à còn không ít người cho rằng thương hiệu của Book Hunter không xứng với họ nên chạy theo các đơn vị hoành tráng hơn… Nền học thuật Việt Nam phọt phẹt, xin nói thẳng, chính vì những dịch giả như thế lại đang được trọng vọng, mà cũng vì phọt phẹt cho nên mới có cửa cho những dịch giả như vậy. Mà thôi, đó là việc của họ, ta sẽ để họ lui vào quá khứ, còn ai thích tung hô họ thì kệ!
Book Hunter chúng mình trong những năm qua đã dần dần hoàn thiện quy trình dịch thuật làm việc theo nhóm. Cũng không có gì quá to tát ngoài những nguyên tắc căn bản:
– Đọc không hiểu thì lục lọi tìm kiếm, không dịch bừa cho mượt mà tiếng Việt.
– Chỗ nào bất lực không xử lý được thì có thể thỏa luận, trao đổi và tìm kiếm cố vấn phù hợp.
– Dịch thuật trước hết là để học cho bản thân, sau đó là vì độc giả. Một người dịch chỉ để dịch, để múa may câu chữ mà chẳng học hỏi được gì từ chính bản dịch của mình, thì dẫu bản dịch có êm tai mấy thì cũng đáng vứt vào sọt rác, bởi vì chúng chắc chắn sẽ đi xa khỏi tinh thần của tác giả.