Home Bình Luận Kéo hàn lâm gần văn hóa đại chúng hay nâng đại chúng gần tri thức hàn lâm?

Kéo hàn lâm gần văn hóa đại chúng hay nâng đại chúng gần tri thức hàn lâm?

Trong quá trình vận động của văn hóa, dường như luôn luôn có sự phân cực giữa hàn lâm và đại chúng: Ở thái cực hàn lâm, các kiến thức và vấn đề được đề cập một cách phức tạp với những cấu trúc ngôn từ phức tạp và sự đa chiều. Ở thái cực đại chúng, cấu trúc của kiến thức bị giản lược hóa thành các chỉ dẫn bằng ngôn từ thông thường và dễ hiểu.

Khi giới hàn lâm của thế giới chạm vào văn hóa đại chúng và làm thay đổi nhận thức của người dân

Thế kỷ 20, cùng với bùng nổ của phương tiện thông tin đại chúng, tri thức hàn lâm đứng trước một sự xâm lấn của văn hóa phẩm phục vụ đại đa số. Cứ mỗi một phương tiện thông tin đại chúng ra đời, mỗi một giao thức trao đổi được hình thành, người đọc càng trở nên gặp nhiều khó khăn hơn trong tiếp cận các kiến thức phức tạp.

Từ khi có TV và truyện tranh, người ta càng trở nên ít đọc các tác phẩm kinh điển dày và càng khó đọc thơ hơn. Sự xuất hiện của facebook khiến các bài báo dài trở nên “lỗi thời” bởi người đọc quen dần với sự lướt tin nhanh chóng thay vì nghiền ngẫm thông tin và câu từ.

Nhà triết học người Canada Marshall McLuhan phát biểu: “Chúng ta định hình nên các công cụ để rồi những công cụ định hình chúng ta”, và càng ngày, sự phát triển của phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Internet, càng minh chứng rõ ràng cho luân điểm của ông.

Sách (bao gồm cả sách giấy và sách điện tử) bị cạnh tranh bởi các phương thức tiếp nhận thông tin khác như phim ảnh, video, truyện tranh, game, thậm chí là các đoạn văn  ngắn được đăng tải trên mạng xã hội (và chúng đang ngày càng ngắn đi).

Những phương thức tiếp nhận thông tin này tạo ra cho người thụ hưởng chúng thói quen tư duy khác, và việc sử dụng lặp đi lặp lại các phương tiện truyền thông đại chúng đã khiến tư duy của họ trở nên xa lạ với dòng sách khó đọc vốn thuộc về thế giới hàn lâm.

Cuốn sách "Nước Mỹ chuyện chưa kể" do Book Hunter dịch và ấn hành tháng 12 năm 2020.

Sự lên ngôi của văn hóa đại chúng bị dẫn hướng bởi một loạt các hoạt động quảng cáo và giải trí tại Mỹ vào đầu thế kỷ 20 đã mang đến tình trạng dân trí tệ hại ngay tại quốc gia được coi là cường quốc quan trọng nhất trên thế giới.

Trong cuốn sách “Nước Mỹ chuyện chưa kể” của hai tác giả Oliver Stone & Peter Kuznick đã phác họa lại một khung cảnh tồi tệ về tình trạng dân trí của Mỹ đầu thế kỷ 20 với người dân chỉ biết xem các chương trình truyền hình giải trí trên TV, dễ dàng tin các mẩu quảng cáo, và rồi đi đến kết quả là: Sau một thập kỷ quảng cáo và giải trí phù hợp thị hiếu đại chúng, chính phủ Mỹ đã tạo ra một thế hệ với 30% số binh lính không biết chữ, 47% người da trắng và 89% người da đen ở tình trạng “đần độn”.

Trước tình trạng ấy, các nhà làm phim, nghệ sĩ, trí thức Mỹ… đã tìm một lối đi: Thay vì tách biệt thế giới hàn lâm và thế giới giải trí, họ đã đưa ngôn ngữ, kiến thức và các chủ điểm vốn chỉ quen thuộc với giới hàn lâm đến gần với đại chúng.

Không hề xa lạ khi những bộ truyện tranh, phim hoạt hình, phim điện ảnh của Marvel và DC lại chứa trong chúng các kiến thức sâu sắc chỉ xuất hiện trong các cuộc thảo luân của những nhà vật lý hàng đầu, ví dụ như vật lý lượng tử, vũ trụ song song, khoa học tế bào…

Và không hề ngạc nhiên khi chúng ta bắt gặp trong một bộ phim giải trí như “The Matrix” (Tên tiếng Việt: Ma Trận) những câu hỏi triết học sâu sắc thách thức bất cứ bộ não triết học lớn nào…

Không chỉ Mỹ, thế giới manga của Nhật không chỉ dừng ở giải trí, mà là kênh để truyền tải mạnh mẽ các quan điểm triết học Á Đông, hệ thống thần thoại, các vấn đề thuộc phân tâm học…

Một câu thoại trong bộ truyện tranh Watchmen của DC. Tạm dịch: "Việc rủi xảy đến. Mọi người vẫn nói thế. Nhưng trong vũ trụ lượng tử, không có điều gì là tai nạn, chỉ là các khả năng và xác suất bị ý niệm thiết lập".
Một câu thoại trong phim Ma Trận. Tạm dịch: "Không phải cái thìa bị cong. Chỉ là chính anh thôi!"

Trung Quốc trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ và mở cửa với thế giới cũng nhanh chóng nhận ra rằng thay vì cần đại chúng hóa các kiến thức hàn lâm để phù hợp với tình trạng dân trí thấp, thì nên hàn lâm hóa đại chúng.

Lấy nền tảng từ các tiểu thuyết chương hồi kinh điển, kết hợp với thủ pháp dân gian từ sân khấu kinh kịch, cùng nghệ thuật làm phim phương Tây, những bộ phim truyền hình dài kỳ đã hấp dẫn độc giả bình dân và dần dần tạo cho họ những nhận thức về lịch sử, chính trị, văn hóa truyền thống…

Cùng với đó, Trung Quốc đại lục đã tiếp nhận những tiểu thuyết kiếm hiệp “ba xu” đã từng chinh phục giới anh chị giang hồ tại Hồng Kông với các cây bút lớn như Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh…tạo ra dòng phim truyền hình kiếm hiệp với chất lượng quay tầm cỡ điện ảnh có tính thẩm mỹ cao, đạt được tính nhã nhặn – đặc trưng của văn hóa hàn lâm Trung Hoa thời phong kiến.

Với nền tảng ấy, cho đến nay, các tiểu thuyết ngôn tình cổ trang, tiểu thuyết trinh thám đạo mộ, âm nhạc cổ phong và Trung Quốc phong, phim truyền hình cổ trang, phim truyền hình trinh thám… đều ẩn chứa các điển tích phức tạp trong văn học trung đại cổ; triết học của Bách gia chư tử; Thiền học; các thú chơi tao nhã như cổ cầm, cờ vây, trà nghệ, thư pháp…

Sự đầu tư để duy trì việc đưa các yếu tố hàn lâm vào sản phẩm đại chúng ở Trung Quốc không hề giảm mà ngày càng tăng với cấp độ phức tạp hơn.

Điều đặc biệt là khán giả đại chúng của Trung Quốc không hề quay lưng với các sản phẩm văn hóa đòi hỏi độ phức tạp của tư duy, thậm chí đòi hỏi họ phải đọc thêm tài liệu, đọc thêm sách…để có thể hiểu.

Điều này tương tự với công chúng tại Mỹ, Nhật, hay các nước phát triển khác trên thế giới, nhưng dường như lại quá khó khăn đối với văn hóa đại chúng Việt Nam.

Nếu công chúng khó hiểu các chi tiết, chỉ cần lược bỏ đi?

Năm 2009, bộ sitcom “Những người độc thân vui vẻ” (VFC sản xuất, phát sóng giờ Vàng VTV3) bị ngừng sản xuất. Đây là bộ hài kịch truyền hình được Việt hóa từ một bộ phim ăn khách của Trung Quốc, thế nhưng đã hoàn toàn thất bại khi chinh phục khán giả Việt, bởi vì những yếu tố gây hài của Trung Quốc đã bị lược bỏ.

Những yếu tố gây hài ấy lại nằm trong lối chơi chữ, câu đối, điển tích, điển ngữ… – các yếu tố mà người Việt đã lãng quên từ lâu. Khi bị gọt bỏ các yếu tố gây hài này, “Những người độc thân vui vẻ” không còn vui vẻ nữa.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, trong lần trả lời phỏng vấn báo Công An Nhân Dân đã chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi thấy Trung Quốc – Việt Nam là hai quốc gia láng giềng có cách sống gần gũi nên tưởng có những nét tương đồng về văn hóa nhưng hoàn toàn không phải…Khi chúng tôi nhận thấy điều này và muốn thay đổi bằng cách lược bớt các nhân vật cũ, đưa nhân vật mới vào với các vấn đề của xã hội Việt Nam để phim tươi mới hơn, gần gũi hơn, chúng tôi lại tính sai.”

Cách tính toán phù hợp với đại chúng này khá phổ biến trong giới giải trí và các sản phẩm truyền thông đại chúng. Nỗ lực giản lược hóa tối đa các yếu tố hàn lâm như lịch sử, văn chương, Thiền học, triết học… để phù hợp với nhân thức của đại đa số người đọc, người xem không khiến một sản phẩm văn hóa trở nên hấp dẫn hơn mà chỉ khiến nó mãi mãi là một sản phẩm, không thể bước lên hàng tác phẩm.

Trong khi ấy, không ít sản phẩm văn hóa của Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản có xuất phát điểm thuần giải trí nhưng nhờ các nghệ sĩ vượt qua cơn ám ảnh vừa lòng đại chúng để vươn tới tầng sâu của trí tuệ mà sản phẩm đã trở thành tác phẩm.

Trong xã hội giao thoa liên tục hiện nay, khán giả và độc giả Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp cận với nền văn hóa đại chúng trên thế giới. Dẫu rằng giữa thị hiếu của họ và văn hóa hàn lâm vẫn còn một khoảng cách lớn, nhưng họ đã quen thuộc với các văn hóa phẩm có chất lượng nội dung tốt hàm chứa nhiều kiến thức phức tạp.

Trong khi ấy, văn hóa giải trí tại Việt Nam vẫn đang loay hoay với những vấn đề được cho là “gần gũi với cuộc sống”.

Nếu chúng ta thấy các siêu anh hùng trong phim Mỹ bàn về vũ trụ song song hay vật lý lượng tử, các soái ca trong phim ngôn tình Trung Quốc bàn về Đạo học, nhân vật truyện tranh của Nhật bàn về lẽ hư vô, ca khúc nhạc thị trường cổ phong phổ thơ Lý Bạch hoặc bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng, thì các sản phẩm giải trí Việt vẫn chỉ dừng ở chuyện gia đình và công ăn việc làm, với ngôn ngữ giao tiếp đơn giản thuần túy.

Liệu trong tương lai, có hay chăng tình trạng khán giả và độc giả sẽ tiến nhanh và xa hơn trên nấc thang thị hiếu so với những người sáng tạo?

Hà Thủy Nguyên

 

Mời các bạn đọc thêm 3 bài viết review phim "Lang Gia Bảng":

Cái bi và cảm hứng sử thi trong phim ảnh đại chúng đương đại

Thế kỷ 19 và 20, nhân loại liên tiếp ở trong những cuộc chuyển dịch về tâm thức. Bước ra khỏi thời kỳ Trung cổ, được truyền cảm hứng nhân bản từ các nhà Khai Sáng, con người hướng tới các giá trị bình đẳng. Từ đó, thân phận của những người cùng khổ, những tầng lớp thấp, các bi kịch cá nhân trong đời sống bình thường bắt đầu trở thành đề tài của các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là trong văn

Zootopia – Ẩn ức bình đẳng trong thế giới lý tưởng

Bộ phim “Zootopia” đã trình chiếu hơn 1 tháng nay và nhận rất nhiều lời khen về nội dung dễ thương, hài hước, hình ảnh thiết kế đẹp. Qủa nhiên, “Zootopia” là một tác phẩm kỹ lưỡng trong từng thước phim và chắc hẳn số tiền đầu tư cũng không nhỏ. Nhưng tôi tin, các nhà làm phim của Mỹ không đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức chỉ để làm mộ tác phẩm “dễ thương” hay “đẹp”, bộ phim luôn có thông

Ma cà rồng & Người sói – Biểu tượng tình dục hoang dã

Nếu ở những thế kỷ trước Ma cà rồng hay Người Sói là nỗi ám ảnh sợ hãi của con người thì ở cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, những tạo vật độc ác này lại trở thành biểu tượng cho một vẻ đẹp gợi dục đầy khao khát và đam mê. Trào lưu này bắt đầu từ khi hình ảnh của Ma cà rồng mà đại diện là Bá tước Dracula (1950s) và Người Sói (1960s) xuất hiện trên màn ảnh

Khi đời sống ngôn ngữ thiếu tính cảm xúc và ngôn từ gợi tả

“Tôi yêu tiếng nước tôi…từ khi mới ra đời…à ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời…”(Trích “Tình ca” của Phạm Duy) Mơ màng trong tiếng ru với giai điệu êm ái, một đứa trẻ lớn lên trong không gian ấy luôn có điểm chạm ngôn ngữ sâu sắc trong tâm trí. Dễ chịu trong vòng tay yêu thương của mẹ, lim dim để mặc những cảm xúc ấm áp dưới biểu hiện của ca từ ngấm vào tâm hồn non nớt, từ đó, lớp

Tại sao người Việt cuồng xem bóng đá (và người dân thế giới cũng chẳng hề kém)

Bài đã đăng tại Book Hunter, và đăng lại tại website cá nhân sau sự kiện bạo lực bóng đá khủng khiếp tại Indonesia và 1/10/2022. Xin đăng lại bài này để chúng ta nhớ rằng bạo lực bóng đá và nguyên nhân thực sự của nó đến từ chính sự kích thích tính bạo lực ngoài kiểm soát của chính bộ môn thể thao này (và cả các bộ môn thể thao thi đấu khác). *Nguồn ảnh minh họa: Malaysia eats humble pie after