Home Bình Luận Lang Gia Bảng – Quyền mưu và hai nửa chính tà (1): Mai Trường Tô

Lang Gia Bảng – Quyền mưu và hai nửa chính tà (1): Mai Trường Tô

“Lang Gia Bảng”, không còn gì phải bàn cãi, chính là bộ phim truyền hình cổ trang đỉnh cao nhất của Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây. Bộ phim có thể sánh ngang với những tác phẩm truyền hình kinh điển như “Thủy Hử” (1996), “Tiếu ngạo giang hồ” (2001), “Anh hùng xạ điêu” và “Thiên long bát bộ” (2003). “Lang Gia Bảng” tạo nên một không khí hoàn toàn khác hẳn với những bộ phim truyền hình trước đó: Một câu chuyện tranh quyền đoạt vị được diễn ra trên tông màu thủy mặc trong nền nhạc bi tráng – câu chuyện của chàng thư sinh ốm yếu Mai Trường Tô với tấc lòng ưu thời mẫn thế, của Tĩnh Vương khẳng khái muốn đòi lại chính nghĩa, của Lận thiếu các chủ, Mông đại thống lĩnh… một lòng vì bạn, của những cô gái đẹp một cách phi thường trong khí chất  như Nghê Hoàng quận chúa,  Cung Vũ, Hạ Đông…v…v… Đã lâu lắm rồi, trong những bộ phim đấu đá chính trị, cái đẹp và chính nghĩa mới có vị trí thắng thế như vậy.

Phân tích quyền lực thật sự của Mai Trường Tô

Mở đầu bộ phim là hình ảnh Mai Trường Tô thức dậy sau cơn ác mộng “gió tanh mưa máu” về ký ức năm xưa. Mai Trường Tô chính là tướng quân Lâm Thù của đội quân Xích Diệm năm nào, vì quá xuất sắc trên chiến trường, nên đã trở thành nạn nhân của những cuộc đấu đá quyền lực trong triều đình. Chỉ bằng một sắc lệnh, toàn bộ quân Xích Diệm đã bị giết chết. Cha của Lâm Thù là tướng quân Lâm Tiếp cũng tử trận. Cả nhà họ Lâm bị xếp vào tội phản tặc, bị xử tử. Ngay cả Kỳ Vương, một vị vương tử ôm ấp mộng mang lại sự thái bình thịnh trị cho dân cho nước, cũng vì liên đới đến Lâm gia mà bị ép vào tội âm mưu phản nghịch. Lâm Thù may mắn còn sống, nhưng bản thân bị trúng độc Hỏa Hàn, nên phải từ bỏ dung mạo của mình, từ bỏ võ công của mình, làm một cuộc lột xác, những mong quay trở lại, phơi bày sự thật. 13 năm, Lâm Thù sống với hình hài mới, danh tính mới, phận vị mới, và được đỡ đầu bởi Lang Gia Các – một thế lực giang hồ có khả năng thu thập mọi thông tin trong thiên hạ và đưa ra những bảng xếp hạng cao thủ trong từng lĩnh vực.

Ý tưởng về Lang Gia Các là một điểm rất khác biệt trong cách xây dựng cơ cấu quyền mưu của bộ phim này. Một trong những quyền lực lớn bao trùm toàn bộ bộ phim chính là Thông Tin. Sức mạnh của Lang Gia Các dựa trên việc thu thập thông tin từ rất nhiều nguồn, phân bố và chọn lựa việc cung cấp thông tin ra bên ngoài, và từ đó chiếm luôn quyền lực của thẩm định. Lang Gia Các có thể chỉ bằng một vài thông tin là có thể thao túng được quyền lực trong các triều đình và trong các tổ chức bang phái giang hồ. Cùng với Lang Gia Các cũng có một số tổ chức khác trong phim đi săn tin như Huyền Kính Ty và Hồng Tụ Chiêu. Huyền Kính Ty dựa vào hệ thống an ninh điều tra, trung thành với triều đình. Bởi vì hệ thống Huyền Kính Ti này chủ yếu dựa trên giám sát bá quan, cho nên thông tin có phần hạn hẹp hơn. Bản chất của hệ thống này tập trung vào việc kiểm soát hành vi và độ trung thành của bá quan, cho nên rất cần thiết với người cai trị, nhưng lại dễ dàng trở thành công cụ cho các thế lực tranh quyền đoạt vị. Hồng Tụ Chiêu là hệ thống tình báo dựa trên năng lực của những cô gái làng chơi và nữ tì. Mỗi cô gái trong Hồng Tụ Chiêu đều là gián điệp, nghe ngóng thông tin từ ông chủ và khách làng chơi, rồi báo tin lại cho người đứng đầu là Tần Ban Nhược.  Tần Ban Nhược cũng là kỹ nữ nổi tiếng kinh thành, trá hình để che đậy cho mưu đồ phục quốc của Hoạt tộc.  Tần Ban Nhược làm quân sư cho Dự Vương, một tay điều khiển và lợi dụng Dự Vương để đạt được quyền lực cho riêng mình. Ba mô  hình quyền lực thông tin ấy, mỗi bên tác động đến triều chính theo một cách khác nhau và có những mục tiêu khác nhau. Huyền Kính Ty và Hồng Tụ Chiêu đã gây ra vụ án oan Xích Diệm. Trong khi đó, Lang Gia Các vì ân tình với quân Xích  Diệm năm xưa mà đỡ đầu Mai Trường Tô (tức Lâm Thù) lập nên Giang Tả Minh và tìm cách đưa Mai Trường Tô quay lại triều đình.

Câu chuyện chính diễn ra khi Hoàng đế Đại Lương bắt đầu già yếu, Thái tử và Dự Vương (vị Hoàng tử được vua yêu chiều nhất) tranh nhau ngai vị. Thái tử xây dựng quyền lực dựa vào Ninh Quốc Hầu (quản lý quân đội), còn Dự Vương dựa vào Hồng Tụ Chiêu mà đứng sau là Huyền Kính Ty (một dạng giống như An ninh). Đây là một tình thế quen thuộc trong chính trị hiện nay mà bất cứ ai quan tâm đến chính trị có thể nhận ra.  Bất cứ vị quan nào đi theo hai thế lực này đều sẽ dễ dàng thăng tiến, còn nếu không, dù tài năng đến đâu cũng không thể được ân sủng của Hoàng đế. Đỡ đầu Thái tử là Việt quý phi (cung phi được sủng ái nhất), đỡ đầu Dự Vương là hoàng hậu (người đứng đầu cung cấm). Giữa bối cảnh ấy, Mai Trường Tô xuất hiện bằng một tin đồn do Lang Gia Các tung ra: “Ai có được Kỳ lân tài tử sẽ có cả thiên hạ”. Bốn chữ “Kỳ lân tài tử” ấy dùng để ám chỉ “mưu trí vô song” của Mai Trường Tô.

Trong lịch sử Trung Hoa, không ít mưu sĩ nổi tiếng sử dụng mưu trí của mình để phò trợ minh quân, bình định thiên hạ. Tôn Vũ, Trương Lương, Quách Gia, Gia Cát Lượng, Ngô Dụng… đều chỉ một thân áo vải có thể điều khiển ba quân tướng sĩ, dẹp loạn quần hùng. Nhân vật Mai Trường Tô cũng được xây dựng dựa trên hình mẫu này. Tuy nhiên, chúng ta không nên nhầm lẫn Mai Trường Tô với những mưu sĩ chỉ dùng ba tấc lưỡi thao túng thiên hạ như Ngũ Tử Tư, Tô Tần, Trương Nghi. Điểm nổi trội Mai Trường Tô, cũng như Tôn Vũ, Trương Lương, Quách Gia, Gia Cát Lượng, Ngô Dụng, đó là dù có thể dùng mưu kế âm hiểm, nhưng tâm vẫn giữ một lòng trinh bạch. Trong khi ấy, loại quân sư như Ngũ Tử Tư, Tô Tần, Trương Nghi chỉ vì lợi ích cá nhân mà thôi. Trong Lang Gia Bảng, những quân sư như thế có thể kể đến Tôn Hạ Giang của Huyền Kính Ty, Tần Ban Nhược của Hồng Tụ Chiêu, Tạ Ngọc của Ninh Quốc phủ…v…v… Mai Trường Tô phải đối phó với những kẻ âm hiểm như vậy.

Sức mạnh thật sự của Mai Trường Tô thật sự không đến từ mưu trí vô song. Nếu xét về mưu trí, Mai Trường Tô không hơn Tạ Ngọc hay Hạ Giang. Sức mạnh thật sự của chàng đến từ tấm lòng trinh bạch đại diện cho chính nghĩa của chàng. Nhờ tấm lòng ấy, Mai Trường Tô có những người bạn hết lòng vì chàng  như Mông đại thống lĩnh, Lận thiếu các chủ, Ngôn Dự Tân, Tiêu Cảnh Duệ…; có những người con gái sẵn sang liều mạng vì chàng như Nghê Hoàng quận chúa, Cung Vũ cô nương; có những người anh em chẳng ngại vào sinh ra tử để thực hiện mưu đồ cùng chàng. Trong khi ấy, Tạ Ngọc nhờ mưu kế mà chiếm đoạt công chúa làm phu nhân, nhưng phu nhân của ông ta không hề nghĩ tới ông dù chỉ mảy may bận tâm, thậm chí còn có chút oán hận. Tôn Hạ Giang nuôi ba đứa trẻ mồ côi là Hạ Xuân, Hạ Thu, Hạ Đông, thì chính Hạ Đông khi biết được mưu kế thâm hiểm của Hạ Giang đã đứng về phe Mai Trường Tô. Hai người đàn ông mưu trí tột đỉnh ấy, tưởng rằng có thể dùng  mưu trí để thâu tóm thiên hạ, bất chấp thủ đoạn gây hại đến chính những người thân tín nhất bên cạnh mình. Trong khi ấy, Mai Trường Tô luôn có được nhân tâm vì tấm chân tình của chàng với những người ở bên chàng. Bằng mọi mưu kế, điều tâm niệm của chàng đều là bảo vệ người mình thân yêu nhất, không chỉ là tính mạng mà còn nhân phẩm. Còn nhớ cảnh Mai Trường Tô nói chuyện với Mông đại thống lĩnh:

Mông Chí: “Tĩnh vương bẩm sinh không giỏi mưu mô, lại chán ghét tranh đấu đoạt quyền vị, Đoạt ngôi là việc vô cùng nguy hiểm. Với tính cách như vậy của ngài ấy, sao ngài ấy có thể đọ lại được với Dự vương và Thái tử thủ đoạn nham hiểm, thế lực hùng hậu chứ?”

Mai Trường Tô: “Chẳng phải vẫn còn ta sao, những tội nghiệt và đau khổ này, Tĩnh vương không chịu đựng nổi thì cứ để ta gánh vác. Những việc đen tối, nhuốm đầy máu tươi, thì cứ để ta làm.”

Nhận về mình mọi cái ác, để những người quanh mình giữ được bản tính thiện lương… Chấp nhận mình như một kẻ mưu đồ thâm hiểm, để vị minh quân của mình trong tương lai nguyên vẹn là viên ngọc trai không tì vết. Đó là điều tâm niệm mà cũng là sự dằn lòng trong đau đớn của chàng. Cứ mỗi một mưu kế được bày ra thì độc tố trong người chàng đều phát tác đến mức không thể chịu đựng được. Những giây phút ấy, không ai có thể chịu thay chàng, chỉ có thể ở bên ngoài săn sóc và chờ đợi.

Hơn nữa, so với Tạ Ngọc, Hạ Giang và Tần Ban Nhược, Mai Trường Tô có 13 năm lên kế hoạch kỹ lưỡng cho kế hoạch trở về. 13 năm ấy, Mai Trường Tô giống như nằm trong kén bướm đợi ngày xuất hiện. Sau 13 năm, tất cả những kẻ đã từng đẩy quân Xích Diệm và gia tộc của chàng vào biển máu đều chỉ là những quân bài bị tiêu diệt dần dần. Trước mọi sự cố, chàng đều có một sự định tâm hơn người thường. Sự định tâm ấy thể hiện ở thái độ an nhàn trước mọi sự. Xung quanh khua đao múa kiếm, chàng vẫn ngồi ăn quýt. Kẻ khác mời chào, chàng vẫn bình tâm uống trà. Kẻ địch ám sát, chàng vẫn thản nhiên đọc sách. Sự định tâm ấy không đơn giản có từ việc chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch, mà có từ khả năng thấu rõ thế sự và niềm tin chắc chắn vào khả năng giải quyết tình huống của bản thân. Có lẽ, đây sẽ là vấn đề trừu tượng, chúng ta có thể có một cách diễn đạt khác. Trong truyện mô tả Mai Trường Tô không biết chơi cờ, nhưng mưu trí của chàng không ai có thể hơn được, tại sao? Kẻ chơi cờ thắng được nhờ biết luật và tuân thủ luật. Nhưng, trên thực tế, người chơi cờ bị chính luật trên bàn cờ điều khiển. Người chơi cờ, ở góc nhìn toàn thể, cũng chỉ là một quân cờ mà thôi. Còn Mai Trường Tô ở bên ngoài toàn bộ thế cục đó, cũng không cần biết đến luật của bàn cờ. Chính chàng đã biến hai thế lực của Thái Tử và Dự Vương thành những kẻ chơi cờ mà không biết rằng họ cũng chỉ là quân cờ. Từ tâm thế của người đứng ngoài cuộc, chàng nhìn rõ thế cục. Rõ thế cục đã khiến chàng định tâm hơn những kẻ đang lao vào cuộc chơi cờ kia. Trong lúc hai kẻ chơi cờ lao vào cuộc chiến, Mai Trường Tô mới dốc sức đào tạo Tĩnh Vương, tìm người tài về dưới trướng Tĩnh Vương mà không hề lộ ra biểu hiện phe cánh. Một sự phân định rõ ràng đã được sắp xếp: Kẻ tham lam chạy theo tranh quyền đoạt vị, người có tâm sẽ một lòng dốc sức vì dân vì nước. Và những người một lòng dốc sức vì dân vì nước, không cần ràng buộc quyền lợi, cũng sẽ luôn hỗ trợ nhau. 13 năm nằm trong kén, Mai Trường Tô đã ngẫm ra chân tướng của cuộc đấu đá, nhờ thế mà có thể đứng ở bên ngoài cuộc đấu đá mà vẫn thao túng được thiên hạ.

Đối nghịch lại với Mai Trường Tô là Hoàng đế Đại Lương (Lương Đế). Lương Đế bị ám ảnh về cân bằng quyền lực, bởi vậy mới cố tình tạo ra thế cục hai bên đấu đá nhau ở trong triều. Nhưng càng đẩy các bên vào đấu đá để giữ vững quyền lực cho bản thân mình, ông ta càng mất đi những người thật sự thân tín. Những người thật sự một lòng với ông như Kỳ vương hay tướng quân Lâm Tiếp của quân Xích Diệm đều trở thành nạn nhân của những mưu hèn kế bẩn.  Còn bản thân ông ta lại không thể phân biệt được thị phi. Lương Đế kích thích đấu đá và cũng vì thế mà triều đình của ông ta suy yếu, gian thần lộng hành tham nhũng khắp nơi. Mai Trường Tô xuất hiện, lợi dụng thế cục đấu đá ấy, mượn tay các bên để diệt trừ gian thần. Sức mạnh giúp Mai Trường Tô thanh trừng đối thủ đó chính là sự thật. Trong khi ấy, hai thế lực kia lại xây dựng quyền lực dựa trên dối trá và dùng sự dối trá để triệt tiêu nhau. Sự thật giống như quả bộc phá có thể đập tan mọi bức tường thành kiên cố nhất mà dối trá chất chồng dối trá đã tạo nên, quyền lực ấy, chỉ Mai Trường Tô là người thực sự hiểu.

Mai Trường Tô dàn xếp thế lực, không chỉ bằng quyền lực và mưu trí, mà còn bằng tình nghĩa. Mai Trường Tô chọn minh quân dựa trên rất nhiều tiêu chuẩn. Thứ nhất phải không tham, thứ hai phải nhiều công trạng, thứ ba phải có động lực trong việc đòi công bằng và lật lại vụ án oan, thứ thư, quan trọng nhất, phải là người mà Mai Trường Tô thực sự tin tưởng. Bởi vì, chàng biết hơn ai hết, chàng sẽ qua đời sớm, chàng không thể ở bên để xây dựng triều chính, thế nên, người lên ngôi phải là người thân tín, người chàng có thể chắc chắn sẽ không phản bội lý tưởng chính nghĩa của chàng. Bằng tấm lòng đó, chàng đã thuyết phục được Tĩnh Vương cố chấp vốn chán ghét mưu kế. Cũng bằng tấm lòng đó, Tĩnh Vương không sợ mất quyền lực đã gây dựng được mà liều chết cứu chàng. Dự Vương không thể làm thế vì Hạ Giang, Thái tử cũng không thể làm vậy vì Tạ Ngọc.

Như vậy, quyền lực thật sự của Mai Trường Tô dựa trên ba yếu tố: Sự hiểu biết, tình nghĩa và tấm lòng trung chính. Các bậc quân sư xưa đều cho rằng có hai dạng mưu kế. Một là âm mưu thủ đoạn dùng để triệt hạ địch thủ. Hai là dương mưu, vốn là những kế hoạch kiến thiết, xây dựng. Kẻ mưu sĩ thâm sâu là người vừa dùng cả âm mưu, dương mưu và không tham quyền lực. Kẻ mưu sĩ thấp hèn là loại người chỉ biết tranh quyền đoạt vị, ám toán hại người. Âm mưu có thể tranh đấu với âm mưu nhưng không thể thắng. Chỉ có ai ở trên tất cả những thứ âm độc ấy mới có thể dẹp yên loạn lạc, khiến cho thiên hạ thái bình. Với cách sử dụng quyền mưu của Mai Trường Tô, ta có thể thấy bộ phim vượt trên các phim đấu đá chính trị cùng thời điểm, thậm chí ngay cả khi so sánh với bộ phim bom tấn của Holywood là “Game of Thrones”.

(Còn tiếp)

Hà Thủy Nguyên

Trailer phim: 

LANG GIA BẢNG – QUYỀN MƯU VÀ HAI NỬA CHÍNH TÀ (2): TĨNH VƯƠNG TIÊU CẢNH DIỄM

Tĩnh Vương – hình mẫu chính trị gia hoàn hảo Nếu Mai Trường Tô là đại diện cho những quân sư áo vải ốm yếu ngồi trong màn trướng mà định thiên hạ thì Tĩnh Vương  là nguyên mẫu điển hình cho bậc quân vương chí nghĩa chí tình. Điều đặc biệt trong việc khắc họa nhân vật Tĩnh Vương đó là tác giả tiểu thuyết cũng như các nhà làm phim vượt ra khỏi khuôn mẫu quân vương thông thường của chính trị cổ

LANG GIA BẢNG – QUYỀN MƯU VÀ HAI NỬA CHÍNH TÀ (3): NỮ NHÂN TRƯỚC THỜI CUỘC

“Lang Gia Bảng” không chỉ đưa ra  sự va chạm giữa các hình mẫu nam nhân một tay dàn xếp đại sự, mà còn tạo ra một không gian mà trong đó các hình mẫu nữ nhân khi đứng trước thời cuộc lại có những phản ứng khác nhau. Nữ nhân trong “Lang Gia Bảng” tuyệt nhiên không sến súa, không hành hạ các nam nhân đến mức thổ huyết như các bộ truyện ngôn tình thường thấy của Trung Quốc. Nữ nhân của phim