Khổ

Khổ…

Không phải là một cảm xúc, bởi cảm xúc lan tỏa rung động, cho dù là vui hay buồn, giận dữ hay an lạc.

Không phải một trạng thái, bởi khi ở trong trạng thái nào đó, dù khoái lạc hay tuyệt vọng, say sưa hay lý trí, yêu hay hận… ý thức của con người hòa làm một với toàn bộ các cảm giác và vận hành toàn bộ thân thể, tạo nên một tổng thể tâm trí.

Không phải một hành động, bởi chẳng ai thừa nhận mình tạo ra đau khổ cho bản thân hay bất cứ ai khác.

Trong Khổ, ý thức mong muốn đào thoát, nhưng mọi ý nghĩ, mọi hành vi đều muốn tiếp tục ở lại thật sâu trong đó. Một sự phân ly của tinh thần. Và trong sự phân ly của tinh thần, chẳng rung động nào được tạo ra. Linh hồn bị xé tan thành muôn mảnh, vung vãi theo các chiều hướng đối lập nhau để rồi tự triệt tiêu lẫn nhau. Bởi thế, người đang trong Khổ không thể thực hiện được bất cứ điều gì, dù là cảm, tiếp nhận, suy nghĩ, và bởi thế họ không thể hành động. Họ có thể bị điều khiển để làm thứ nọ thứ kia, nhưng họ không hành động, bởi hành động cần ý thức mãnh liệt, cần sự rung động mãnh liệt, cần một trạng thái để duy trì.

Con người rơi vào Khổ không phải vì ngu muội, vô minh. Khi ngu muội, vô minh, người ta dễ dàng bị rung động theo chiều hướng bất lợi và ở trong trạng thái xấu, dẫn đến hành động lầm lạc, nhưng dù vậy người ta vẫn không cảm thấy Khổ. Đó có thể là một thất bại, một lần đặt cửa sai cho quyết định đời mình, có thể rất đau đớn, nhưng không Khổ, bởi vì người ta có thể đúc rút được điều gì đó từ cái sai. Nhưng Khổ tồi tệ hơn thế, người ta rơi vào đó khi ý thức biết rằng mọi điều đều sai nhưng cứ tiếp tục làm mọi điều, làm trong tình trạng không chút rung động, không ở trong bất cứ trạng thái nào, làm trong dằn vặt, làm không ý thức (bởi ý thức chỉ mong muốn đào thoát khỏi Khổ).

Để chấm dứt Khổ, thật dễ ! Ngừng mọi điều đang làm lại, bất kể điều ấy là gì. Ngừng lao động, ngừng tiếp xúc, ngừng yêu đương, ngừng chịu đựng, ngừng tiếp nhận, ngừng…ngay cả là hơi thở. Dù chỉ dừng hơi thở trong vài giây, ta sẽ có lại cảm giác với hơi thở, có lại rung động với cuộc sống. Ngừng là hành động đầu tiên cần làm để kết nối ý thức trở lại với mọi phần bị vương vãi của linh hồn, là khởi đầu cho tái sinh. Mọi thứ sẽ chuyển động theo cách mới với cảm nhận mới.

Đương nhiên, con người sẽ không thích Ngừng, họ nghiện ngập Khổ và thích lải nhải mãi về Khổ. Khi nói về cái Khổ của người khác, ta tự huyễn rằng bản thân mình trí tuệ dường nào nên không bao giờ phải chịu đựng như kẻ kia. Khi nói về cái Khổ của bản thân, mọi điều trên đời đều là nguyên do dẫn đến cái Khổ. Và ngay cả sự ngu muội, vô minh dẫn đến cuộc thất bại của bản thân chắc chắn là lỗi của kẻ khác. Nhưng, Khổ không dính líu gì đến thất bại. Người ta có thể có nhiều lựa chọn thái độ đối diện với thất bại, và Khổ là một trong số các thái độ.

Thái độ Khổ dẫn dắt con người tới mọi điều lầm lạc, càng Khổ càng lạc lối, càng lạc lối càng Khổ. Một vòng hồi tiếp dương. Để Ngừng không dễ bởi quán tính của Khổ cứ thế văng đi, nhưng nếu không quyết tâm Ngừng thì sẽ không bao giờ có thể Hết Khổ. Lải nhải về Khổ có thể tồn tại theo hai chiều hướng : hoặc là một trạng thái quằn quại thèm muốn trong quá trình cai Khổ, hoặc người ta đang muốn tiếp tục gia tăng Khổ bởi Khổ có thể mang lại món lợi nào đó. Chiều hướng thứ nhất có thể dẫn đến chuyển hướng cuộc đời, còn với những kẻ đi theo chiều hướng thú hai, xin chúc họ tiếp tục mãi Khổ, và hãy cứ Khổ tận cùng.

Trong cuộc cai Khổ, người ta sẽ kiếm tìm, à không ý thức sẽ cố kiếm tìm một liều thuốc an thần : tôn giáo ư, bác sĩ trị liệu ư, chủ nghĩa khoái lạc ư, giết chóc ư, hay là nghiện một thứ khác… Nhưng chẳng có thứ gì trong số ấy thực sự hiệu quả, bởi vì điều quan trọng nhất cần làm đó là Ngừng, Ngừng và Ngừng, không chỉ Ngừng bên trong mà còn Ngừng cả bên ngoài, Ngừng như một hành động. Ngừng để cái mới, những rung cảm mới ngân lên tự bên trong, để hợp nhất toàn bộ trong một trạng thái nào đó chẳng cần dẫn hướng mà vẫn hình thành.

Đôi khi, Khổ sẽ quay lại, bởi ta đã nghiện nó, và ta có thể tái nghiện. Sự tái nghiện có thể còn trầm trọng hơn bởi vì ý thức biết rằng Khổ có thể cai và bởi thế nó không ngần ngại tái nghiện. Dần dần, biện pháp cai trở nên bất lực. Thế nên, khi chớm tái nghiện Khổ, thì hành động Ngừng càng phải cương quyết hơn, mãnh liệt hơn. Ngừng không khoan nhượng. Không được phép có chỗ cho các liều thuốc an thần.

Con người khi sinh ra không tự nhiên chìm trong đau khổ. Hãy lắng nghe toàn bộ tiếng khóc của đứa trẻ. Nó hết mình trong tiếng khóc ấy, rung động của nó khiến ta chấn động. Đừng nghĩ rằng Khóc là Khổ. Khóc có thể vì vui, có thể vì đòi hỏi, có thể đơn giản vì tuyến lệ cần được kích thích, có thể vì khó chịu đâu đó mà không biết dùng ngôn từ khác để diễn tả. Khổ tới khi  ta nghĩ một đằng làm một nẻo, khi ta muốn một điều nhưng lại bị trói buộc vào điều khác, và Khổ càng dày khi Khổ trở nên bình thường trong đời sống. Lúc ấy, mong muốn thoát khỏi những điều sai lầm của ý thức chẳng khác nào một sự trốn chạy khỏi trách nhiệm mà đáng lý ra phải gánh. Bởi vậy, người Khổ thường không ý thức được nhân quả, bởi ý thức lừa họ rằng họ không chịu trách nhiệm cho bất cứ thứ gì. Luôn có ai đó để đổ lỗi, vì theo những gì người Khổ nhớ, đó là mọi quyết định đều không phải thứ họ đưa ra mà là hoàn cảnh xô đẩy hoặc ai đó khác đã xô đẩy họ tới bước đường đó hay họ làm thế vì điều gì đó lớn lao hơn. Luôn có cái cớ nào đó để viện dẫn nhằm hợp lý hóa cho thất bại của họ và vì thế sự phân ly cách mãnh liệt bên trong họ. Người Khổ thậm chí không biết khóc, vì khóc đòi hỏi một sự chấp nhận, một sự tích tụ các mảnh vụn buồn đau hay uất ức trong mình. Họ chỉ biết lải nhải, lải nhải, nói đi nói lại, đổ lỗi, đôi khi là đổ lỗi cho trí tuệ của mình, vì họ tin rằng trí tuệ hẳn là thứ gì đó mà họ không có cơ duyên để có (đổ cho trí tuệ là cách tinh vi để nói rằng Khổ là do tạo hóa trêu ngươi.) Tất cả các lý do ấy không phải để trốn chạy cái Khổ mà là sự hèn hạ trong nhân cách, lén lút đào thoát khỏi trách nhiệm đời mình và giăng ra bao nhiêu lá chắn để bao biện.

Con người chìm trong bể khổ không phải vì vô minh, mà vì họ nghiện Khổ, nghiện quá lâu, quá sâu tới mức hôm nay vừa cai nghiện, ngày mai sẽ tái nghiện, tới mức phút này vừa rung động đẹp đẽ và được khải lộ trạng thái phúc lạc thì chỉ phút sau lại tiếp tục lải nhải về Khổ. Quay đầu không thấy bờ, bởi ngay cả khi đứng trên bờ vẫn lơ mơ mộng du rớt trở lại bể khổ. Vì nếu Khổ lại khổ đến vậy, tại sao không chết quách đi, níu bám đời sống để làm gì ! Nào, cứ lao đầu vào bể khổ đi và bị nhấn chìm trong đó cho tới khi mất hút, vứt toàn bộ ý thức đi, sẽ không còn khổ nữa. Tất nhiên là họ không dám ! Hèn hạ quá mà ! Kẻ không dám sống toàn bộ thì cũng chẳng bao giờ dám chết, kẻ không dám thực hiện mọi điều trong tính ý thức tuyệt đối thì cũng chẳng bao giờ dám vô thức hoàn toàn, kẻ không dám chịu trách nhiệm thì không bao giờ dám gánh nghiệp quả của mọi hành vi mình tạo ra… Chỉ vậy thôi mà ! Khổ có khổ không ?

Hà Thủy Nguyên

Đêm vô định

Tự bao giờ, một bàn tay vô hình đã tài tình kết vô vàn giọt lệ thành những bông hoa. Đêm nay, một bông hoa rụng cánh xuống mặt bàn gỗ xù xì, uế tạp, xỉn màu thời gian. Đêm nay, có loài hoa rưng rưng bật khóc. Hoa được sinh ra từ nước mắt để rồi cả cuộc đời chỉ biết khóc than. Ta không nhặt những cánh hoa rơi đem liệm trong túi vải như nàng Lâm Đại Ngọc, ta lại càng không

Ánh sáng trong lễ hội hóa trang

Chiều chủ nhật trễ nải trôi qua… Màn sương mờ giăng phố… Tôi ngồi nơi quán café trên con phố quen thuộc. Ai cũng đeo đuổi điều gì đó riêng biệt. Người với người không thực sự nói chuyện, họ chỉ phô diễn những chiếc mặt nạ của bản thân.  Hãy tưởng tượng, những chiếc mặt nạ đang nói chuyên với nhau. Không phải đêm hội hóa trang. Thôi không diễn xuất, như thể mình không tồn tại, chỉ nhận thức là tồn tại. Ta

Tự khúc cái chết

(Tôi viết cho bố ngày bố qua đời) Ngày lại ngày… ta thấy cái chết ở mọi ngóc ngách của cuộc sống… Một bản nhạc hay đi đến phần kết… Một tấn kịch hay đã khép hồi… Một vần thơ đi đến kiệt cùng cảm xúc… Cái đẹp của bông hoa bỗng úa tàn… Cái chết luôn hiện diện. Những kẻ không thể cảm nhận được sự bi thương trong từng khoảnh khắc của sự sống thì không thể hiểu được cái chết. Người ta

Ngồi…

Chiếc ghế - ấy là gông cùm. Ta bị trói chặt trong khuôn khổ. Khuôn khổ ấy tạo cho ta một vị thế cao hơn mặt sàn, an toàn trong một khoảng cách với xung quanh. Ngồi trên ghế là một trạng thái đơn độc. Khi ta cố mở rộng không gian ngồi của ta, ta như ở trong một tình thế chông chênh. Một chiếc ghế băng dài ư, tốt hơn cả là nằm nhoài ra mặc kệ sự đời. Có thể sẽ không