Sếp là từ đọc trại đi của “Chief” hay “Chef”, có nghĩa tương đương với “leader”, hiểu nôm na là người dẫn dắt (ghét từ “lãnh đạo”, nên sẽ không dùng từ đó ở đây). Từ này có gốc từ “capus” trong tiếng Latin có nghĩa là thủ lĩnh. Nôm na có thể hiểu là người đảm nhiệm dẫn dắt một nhóm người. Đối với một công ty thì là người chủ công ty ấy (có thể là chủ tịch tập đoàn hoặc CEO), đối với một dòng tộc thì là tộc trưởng, đối với một Đảng thì là Tổng bí thư hoặc Chủ tịch Đảng, đối với một quốc gia là một nguyên thủ quốc gia…dẫu cho là một tổ chức dân sự thì rồi vẫn phải cử ra một người đại diện đảm nhiệm vị trí này.
Có lẽ, chưa bao giờ thế giới lại nhiều Sếp như bây giờ, ấy là bởi đời sống kinh tế phát triển và môi trường dân sự thì tự do hơn, nên số lượng sếp là các chủ doanh nghiệp hay người đứng đầu các tổ chức dân sự mọc lên như nấm sau mưa, mà mình cũng nằm trong số ấy. Làm sếp, dù là sếp ở quy mô nhỏ, nhưng chung quy lại là rất mệt, mệt vì phải lựa chọn cân nhắc nhiều.
Đầu tiên là phải cân nhắc xem mình có nên làm sếp hay không. 😰 Không làm sếp, có nghĩa là tự làm tự ăn, viết được gì hay dịch được gì thì đem bán. Bán được nhiều thì tốt, mà sách ế cũng chẳng sao. 😅 Còn nếu làm sếp, câu chuyện sẽ khác, không còn là những cuộc chơi nữa, vì mọi quyết định của mình đều phải chịu trách nhiệm cho nhiều người. Nhưng rồi thì mọi sự đưa đẩy, không thể tiếp tục chill chill sống vì mình được nữa, thế là buộc phải trở thành SẾP.
Phàm là SẾP, ai cũng muốn ra quyết định đúng, bởi vì ra quyết định sai dù chỉ một chút thôi thì mình sẽ gây ra những tác hại rất lớn đến nhiều người. Nếu là một cá nhân không gắn bó với nhóm hay tổ chức, một người hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì, ta có thể dễ đàng tâm đắc với Nietzches rằng cần phải vượt lên trên những ranh giới thiện ác (triết gia mà, có phải chịu trách nhiệm gì đâu), dễ dàng đồng ý với Thích Ca về một đời sống buông bỏ (ổng phải buông cái ngai vàng thì mới đi tu được đó thôi), nhất định là sẽ hào hứng để tiêu diêu như Trang Tử (nhà nghèo nên có gì để bận tâm đâu)…Nhưng một khi đã đảm nhận một vị trí SẾP thì điều ta cần nhất lại chính là những tư tưởng cho ta hiểu về cơ chế ra quyết định đúng. Bởi thế mà “Luân Lý học” của Aristotle được các quý tộc châu Âu ưa thích và bản thân Aristotle là thầy của Alexandre Đại Đế, “Bhagavad Gita” là triết lý quan trọng cho các vị vua, Tứ Thư Ngũ Kinh của Khổng Tử dù bị chê là không thiết thực nhưng vẫn cần thiết với không chỉ các vị vua trong quá khứ mà với các chủ doanh nghiệp Trung Quốc ngày nay… Giá trị lớn lao nhất của những cuốn sách này nằm ở những biện luận đa chiều xoay quanh quyết định đúng.
Các lãnh đạo của các tập đoàn và công ty hiện nay ở Việt Nam đều đi lên nhờ tận dụng những nguồn lực có sẵn, mối quan hệ và chớp thời cơ khi mở cửa. Làm giàu nhanh chóng nhờ độc đoán ra quyết định chớp thời cơ, những người này ít khi phải cân nhắc đúng sai khi ra quyết định, bởi vì hậu quả mà họ đáng lý ra phải gánh, thì họ sẽ tiếp tục sử dụng tiền bạc và các mối quan hệ quyền lực để lấp liếm, chứ không phải giải quyết. Nhưng con đường này sẽ không dài, vì khi hậu quả tích lũy đến một ngưỡng nào đó, thì nhất định sẽ gây ra sự sụp đổ hệ thống nhẹ là của chính họ, mà nặng thì gây ảnh hưởng trên toàn diện xã hội. Xã hội mà loạn lạc thì việc làm ăn cũng khó lâu bền. Những người như vậy, họ không xứng đáng với vị trí SẾP, mà thực ra chỉ là những con buôn, buôn hàng hóa, buôn tiền, buôn sức lao động… Đừng nhầm lẫn giữa con buôn và những chủ doanh nghiệp, cũng đừng nhầm lẫn giữa thủ thuật buôn bán với cai quản cả một hệ thống.
Khi còn là một cố vấn lông bông đảo qua hết công ty này đến công ty khác, mình đều thấy các SẾP rất dễ dàng xử lý công việc, nhưng lại vô cùng kém trong quan hệ đối nhân xử thế với đối tác, cổ đông và nhân viên, và đặc biệt mù mờ với quan hệ cộng đồng. Thực ra các sếp mà mình đã chọn để “phò tá” dù ngắn ngủi đều là những chủ doanh nghiệp có chuyên môn tốt, và họ dựng doanh nghiệp dựa trên nền tảng là sản phẩm tốt, tự bản thân họ không phải con buôn. Khi sản phẩm ở quy mô nhỏ, họ điều tiết rất dễ vì họ và sản phẩm còn gắn bó với nhau, các đối tác chọn sản phẩm vì chính con người cá nhân tử tế của họ chứ cũng không hoàn toàn hiểu lắm về sản phẩm. Nhưng khi doanh nghiệp quy mô lớn dần, các khách hàng không còn biết đến SẾP nữa, SẾP cũng không có thời gian xử lý trực tiếp nữa, mà phân chia dần cho các nhân viên, thì nhu cầu ra quyết định ĐÚNG lại càng gia tăng:
– Làm sao để chọn Đúng Người cho Đúng Việc?
– Làm sao để mọi việc Đúng Tiến Độ?
– Làm sao để dòng tiền dồi dào Đúng Nhịp?
– Làm sao để khách hàng nhận được sản phẩm Đúng Chuẩn?
– Làm sao để xoay xở cho Đúng Luật ?
– Làm sao để cư xử Đúng Mực mà không xa cách với nhân viên?
😒
Tóm lại, mệt…
Nếu không tu tâm dưỡng tính rèn luyện năng lực ra quyết định ĐÚNG thường ngày ở mọi lúc mọi nơi, thì khi cơ hội đến ta sẽ vì tham mà bất chấp hậu quả, khi biến loạn đến thì sẽ vì sợ mà vứt bỏ lương tri và phẩm giá, khi gặp đám người khua môi múa mép khoe khoang tài sản hay chữ nghĩa thì sẽ mê muội mà nghe theo khiến sai càng thêm sai, dần dần dẫn đến thất bại.
Buông bỏ để tiêu diêu vốn đã là việc không dễ, làm chủ bản thân mình để ra những quyết định không gây hại cho quá nhiều người thì còn khó hơn gấp bội phần.