Home Bình Luận LANG GIA BẢNG – QUYỀN MƯU VÀ HAI NỬA CHÍNH TÀ (3): NỮ NHÂN TRƯỚC THỜI CUỘC

LANG GIA BẢNG – QUYỀN MƯU VÀ HAI NỬA CHÍNH TÀ (3): NỮ NHÂN TRƯỚC THỜI CUỘC

“Lang Gia Bảng” không chỉ đưa ra  sự va chạm giữa các hình mẫu nam nhân một tay dàn xếp đại sự, mà còn tạo ra một không gian mà trong đó các hình mẫu nữ nhân khi đứng trước thời cuộc lại có những phản ứng khác nhau. Nữ nhân trong “Lang Gia Bảng” tuyệt nhiên không sến súa, không hành hạ các nam nhân đến mức thổ huyết như các bộ truyện ngôn tình thường thấy của Trung Quốc. Nữ nhân của phim này đều là những người biết cân nhắc đại sự, bất kể chính tà.

Những nữ nhân hi sinh vì đại cuộc

“Lang Gia Bảng” thực sự là một bộ phim về các nguyên mẫu lý tưởng. Những nhân vật nữ chính và thứ chính của phim đều thực sự hoàn hảo, và hoàn hảo theo những cách khác nhau. Một trong các cách hoàn hảo ấy chính là tấc lòng vì đại cuộc hiếm có ở các nữ nhân thông thường.

Sự xuất hiện ấn tượng nhất phải kể đến quận chúa Nghê Hoàng. Nghê Hoàng không phải một cô gái ngây thơ cành vàng lá ngọc. Nàng là điển hình cho mẫu phụ nữ mạnh mẽ, lo toan vạn sự của phủ Vân Nam Vương, lại có sức mạnh “giương cung bạt kiếm” chẳng thua kém nam nhân. Nàng được xếp thứ 7 trong bảng danh sách các cao thủ võ lâm cho Lang Nha các xếp hạng. Tưởng như, một nhân vật mạnh mẽ như thế sẽ có ham hố quyền lực, ám ảnh trả thù. Nhưng không, Nghê Hoàng không ham hố quyền lực. Mọi hành xử của nàng là vì trách nhiệm với gia tộc. Nàng giữ khoảng cách với hoàng hậu và các vương phi trong cung, bởi tự bản thân thấy rằng chẳng có chuyện gì để nói với họ. Những người phụ nữ như Nghê Hoàng, họ sống vì người khác nhưng không vì trách nhiệm mà mất đi bản tính của mình. Sự mạnh mẽ của Nghê Hoàng được đẩy lên đến đỉnh điểm vào lúc cả triều đình đang bị vây hãm bởi quân làm phản Dự Vương. Thật thú vị khi thấy cảnh “mỹ nhân cứu anh hùng”, vung thương phi ngựa diệt trừ phản tặc. Qủa là một cảnh kỳ thú trong phim ảnh Trung Quốc.

Ẩn sâu vẻ ngoài uy vũ chốn sa trường của Nghê Hoàng là một trái tim nhạy cảm. Khi Lâm Thù, người mà nàng đã dành trọn trái tim khi còn trẻ, bị vu oan là phản tắc rồi có tin chàng qua đời, Nghê Hoàng vẫn giữ một mối tình chung. Bao nhiêu năm, nàng không hủy hôn ước, vẫn khắc ghi chàng trong tim. Lâm Thù trở về với danh phận Mai Trường Tô, dù đã thay đổi hình hài, nhưng chính nàng là người nhận ra đầu tiên. Cảnh tượng Nghê Hoàng nhận ra thân phận thật sự của Mai Trường Tô, nước mắt tuôn trào đến nghẹn lời, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ bình tĩnh. Thật sự, đó là điều hiếm có ở nữ nhân. Chỉ những người đã từng xông pha trận mạc mới có được cái bản lĩnh ấy. Nàng ở bên cạnh Mai Trường Tô, không một sự đòi hỏi đáp trả bao nhiêu năm xa cách, không một cảnh ân ái, chỉ đứng bên cạnh ngậm ngùi nhìn chàng lo toan thế cục. Mai Trường Tô bệnh tình tái phát, không thể giữ được mạng sống, nàng cũng chỉ có thể rơi nước mắt trong thinh lặng mà không thể thốt lên lời. Nỗi lòng cuồn cuộn ẩn sau sự chừng mực ấy chỉ có thể có được ở những nữ nhân không bị tầm thường hóa. Lưu Đào vào vai Nghê Hoàng quả là đúng với những gì tôi mường tượng khi đọc “Lang Gia Bảng”. Có điều, tiểu thuyết “Lang Gia Bảng” cho Nghê Hoàng cái kết viên mãn quá, viên mãn đến mức làm hỏng hình ảnh Nghê Hoàng. Kịch bản phim có lý hơn, Nghê Hoàng chấp nhận rằng lần này Lâm Thù – Mai Trường Tô đã ra đi thật sự. Người xem hẳn sẽ cảm thấy tiếc cho đôi nam nữ chính hữu duyên vô phận này. Nhưng tiếc thì cứ tiếc, vẻ đẹp của Nghê Hoàng sáng rực trong sự dở dang ấy.

Một hình mẫu gần giống với Nghê Hoàng đó là Hạ Đông. Hạ Đông không thống lĩnh quân đội như Nghê Hoàng, mà từ nhỏ được nuôi dưỡng và huấn luyện để phục vụ cho Huyền Kính Ti – một nơi giống cơ quan tình báo của triều đình. Nếu Nghê Hoàng tránh xa mọi âm mưu thủ đoạn của triều đình thì Hạ Đông lại ở trong vũng bùn nhơ đó, ngày ngày đối mặt, thậm chí từng nhúng chàm, thế nhưng chưa bao giờ đánh mất phẩm giá của mình. Hạ Đông cùng với hai sư huynh Hạ Xuân, Hạ Thu luôn luôn quy phục sư phụ Tôn Hạ Giang của mình. Hạ Đông có một người chồng là phó tướng của Xích Diệm quân, bị cho là đã tử trận tại Mai Lĩnh năm đó. Hạ Đông luôn đau khổ vì chồng, lại ôm mối hận cho rằng gia đình Lâm gia đã ám toán phu quân của mình vì sợ âm mưu làm phản bại lộ. Đó chỉ là màn kịch Hạ Giang bày ra để đổ tội cho Xích Diệm và che giấu sự thật với Hạ Đông. Hạ Đông ôm mối thù nhưng lại không để mối thù che mờ mắt. Từng bước, từng bước, chứng kiến Mai Trường Tô lật mặt nạ của Hạ Giang, Hạ Đông bừng tỉnh và đứng về phía chính nghĩa. Ân tình với vi sư, nàng gác lại. Không phải nàng bất nghĩa, mà nàng thấu rõ rằng mình chỉ là quân cờ dưới tay Hạ Giang để Hạ Giang có thể lợi dụng đi làm việc hại người. Nhưng Hạ Đông may mắn hơn Nghê Hoàng, nàng có cơ hội để được hạnh phúc khi người chồng của nàng quay trở về, kể cả khi người ấy không nói được và hình hài bị biến đổi dị dạng. Nghê Hoàng không có cơ hội ấy, nàng chỉ có những giây phút ngắn ngủi ở bên Mai Trường Tô mà thôi.

Cung Vũ là một hình mẫu đối nghịch với Nghê Hoàng và Hạ Đông. Nàng yểu điệu thướt tha, xinh đẹp kiều diễm, luôn nhu mì dịu dàng, luôn tìm mọi cách để được ở bên người mình yêu. Nàng là một nữ gián điệp dưới trướng Mai Trường Tô, là hậu nhân của Kiệt tộc (kẻ thù của Mai Trường Tô), một ca nương nổi tiếng kinh thành. Cung Vũ luôn xuất hiện với tấm áo lụa mỏng tựa tiên nga. Người đời ít ai đề phòng nàng. Ngay cả Tần Ban Nhược, một nữ gián điệp sừng sỏ của Kiệt tộc cũng bị nàng thuyết phục. Nàng vào sinh ra tử vì Mai Trường Tô chỉ vì yêu chàng, những mong được chàng một lần đối xử nhu mì. Nàng biết trái tim Mai Trường Tô chỉ có Nghê Hoàng, nàng cũng chỉ có thể chấp nhận. Sự chấp nhận ấy không phải vì nàng không ghen tuông, không ích kỷ, mà bởi nàng chứng kiến tất cả những đau đớn của Mai Trường Tô, bởi nàng hiểu tính mạng của Mai Trường Tô như ngọn đèn trước gió, vậy thì so đo tranh giành sủng ái cũng để làm gì. Nàng chỉ có dốc hết tâm sức vì chàng mà thôi. Thế nên, Cung Vũ hi sinh vì thế cục không phải vì nàng mưu định thiên hạ, mà nàng vì người đàn ông nàng yêu say đắm. Chọn Cung Vũ hay chọn Nghê Hoàng, quả thực cũng khó cho Mai Trường Tô. Thôi thì, chết đi âu cũng là lựa chọn dễ dàng hơn cả.

Tĩnh Phi có phần nào cũng giống Cung Vũ, chỉ khác ở đối tượng mà vì họ bà sẵn sàng hi sinh. Cung Vũ hi sinh vì Mai Trường Tô, Tĩnh Phi cũng làm mọi việc vì Tĩnh Vương. Tĩnh Phi vốn bản tính hiền lương, không muốn tranh đấu chốn hậu cung. Bà chưa bao giờ được Lương Đế sủng ái, lại vì vụ án Xích Diệm năm xưa mà bị Lương Đế bỏ bê. Dù thân cô thế cô trong cung, nhưng bà vẫn sẵn lòng giúp các chị em chịu thiệt thòi do không biết cư xử. Thế nhưng, khi Tĩnh Vương nói với mẹ: “Con muốn tranh ngôi thái tử”, tức thì Tĩnh Phi đã thay đổi. Khi ấy, ta mới nhận ra rằng bà thông minh đến mức nào. Mọi âm mưu cung đều không qua mắt được bà. Thậm chí, chưa từng gặp Lâm Thù mà chỉ nhìn cuốn sách Tĩnh Vương mượn của Mai Trường Tô bà đã có thể dựa trên phân tích mà đoán ra Mai Trường Tô chính là Lâm Thù. Một cách tự nhiên, bà đoạt được sự sủng hạnh của Lương Đế. Cũng không phải mất nhiều tâm sức hay lời ngon tiếng ngọt, bà chỉ cần biết cho Lương Đế thứ mà các phi tần khác như Hoàng hậu và Việt quý phi không làm được. Tĩnh Phi không mè nheo đòi hỏi, chỉ lặng lẽ chuẩn bị các loại thức ăn, loại nước tắm có thuốc bổ nhằm bồi bổ cho sức khỏe của Lương Đế. Thuở trẻ trung, vị vua nào cũng ham mê nữ sắc, chứ đã có tuổi, cái cần lại là sự yên bình tĩnh dưỡng và một bàn tay chăm sóc. Đó lại là điều mà Tĩnh Phi giỏi hơn hẳn. Lương Đế tin cẩn bà, giao cho bà bí mật thờ cúng Thần Phi (một sủng phi họ Lâm của Lương Đế đã qua đời do liên đới đến vụ án Xích Diệm). Sự việc này bị Hoàng hậu phát hiện, làm om sòm, lại còn định kết tội bà. Thế nhưng, Tĩnh Phi vẫn không lên giọng nói rằng bà thờ Thần Phi theo lệnh Lương Đế, mà nhận tội hết về mình. Vậy là bà lấy được hoàn toàn niềm tin của Lương Đế. Lương Đế là kẻ đa nghi, điều ông ta cần nhất chính là một phi tử nhất nhất nghe lời mình, sẵn sàng bảo vệ mình. Từng bước một, Tĩnh Phi thuyết phục được Lương Đế giao quyền Thái tử cho Tĩnh Vương mà không hề mở miệng cầu xin lấy một lời. Tĩnh Phi quả thực là một phi tử cao tay, không cầu xin mà có tất cả. Sự cao tay của người thiện lương hơn hẳn sự cao tay của kẻ âm hiểm, bởi người thiện lương biết chừng mực, còn kẻ âm hiểm thì không.

Nữ nhân tham gia chính trị, dù là vì trách nhiệm của bản thân hay vì người mình yêu quý, rốt cuộc, điều quan trọng nhất chính là ở điểm gác lại thói quen ích kỷ và những ham muốn bình an yên ổn, vinh hoa phú quý lại. Nữ nhân đi giữa ngày tháng gió tanh mưa máu của triều đình giữ mình đã khó, bảo vệ người thân càng khó hơn, nếu không có óc phân tích và sự thâm trầm hơn người thì tuyệt đối không thể vượt qua được. Những hạng nữ nhân ồn ào, âm hiểm khiến thế cục rối ren, phần lớn đều là vì bản thân mà thôi.

Những nữ nhân tham quyền đoạt vị

Triều chính của Lương quốc bị thao túng bởi tay Thái Tử và Dự Vương, nhưng kẻ thao túng đằng sau hai vị hoàng tử ấy lại chính là Việt quý phi và Hoàng hậu. Việt quý phi được Lương Đế sủng ái, nhờ thế con trai được phong làm Thái tử. Nhưng Thái tử vô đức vô năng, không giỏi âm mưu, nên mọi sự dàn xếp đều do một tay Việt quý phi thực hiện.  Việt quý phi kiêu ngạo vì sự sủng ái, coi thường quy chế của hậu cung, coi thường Hoàng hậu, vậy là tự bà ta tạo ra thế đối lập cho mình. Hoàng hậu không có con trai nên coi Dự vương (vốn dĩ mồ côi mẹ) như con đẻ, muốn ủng hộ Dự vương lên ngôi. Nếu Việt quý phi không quá tự mãn, chịu cúi đầu trước Hoàng hậu thì có lẽ Hoàng hậu đã vui lòng ủng hộ Thái tử. Đó là cái ngu dốt thứ nhất của Việt quý phi. Thái tử dù sao cũng là thái tử, không dễ để bị phế, nhưng mẹ con Việt quý phi không an phận, luôn tìm cách  để tranh quyền và triệt hạ các thế lực khác, đến mức gây ra các sự việc kinh động. Thái tử mất đi chức vị chẳng qua cũng vì sự tư vấn sai lầm của Việt quý phi. Đó là cái ngu thứ hai. Hai cái ngu căn bản ấy đã kết thúc cho sự sủng ái của Lương Đế với bà ta. Hoàng hậu thâm hiểm hơn, thế nhưng cũng không khá hơn. Khi Tĩnh Phi được sủng ái, bà ta tìm mọi cách để triệt hạ Tĩnh Phi, mà không tìm hiểu xem sức hút của Tĩnh Phi thực sự nằm ở đâu. Cái đầu của bà ta không có gì khác ngoài tranh giành. Thời điểm bà ta đồng ý cho Dự Vương làm phản lật đổ Lương Đế thì bà ta cũng đặt dấu chấm hết cho tương lai của mình. Vậy nên, nữ nhân tham lam quá rất khó thành công. Thêm nữa, hai người đàn bà này, họ quá ồn ào bên tai Lương Đế, tranh giành hết điều này đến điều khác, tị nạnh từng li từng tí, dần dần họ là Lương Đế chán. Chính sự ồn ào của họ đã tạo điều kiện cho Tĩnh Phi được sủng ái vậy. Thế đó, phụ nữ muốn làm việc lớn thì không nên ồn ào.

Trái ngược với sự ồn ào của hai vị phi tử là Tần Ban Nhược. Tần Ban Nhược là mẫu nữ nhân tham gia chính trị với một lòng phục thù, không có chút tình cảm cá nhân, không chút thương tình, và đương nhiên cũng không từ thủ đoạn. Tần Ban Nhược muốn đưa Dự Vương lên ngôi để phục quốc chứ không hết lòng vì Dự Vương. Cô ta và nữ nhân Kiệt tộc của cô ta, ôm ấp mộng phục quốc mà sẵn sàng ám toán, hại người, không chút nương tình. Sư tỉ của Tần Ban Nhược muốn rút lui, đem lòng yêu người khác, cô ta cũng lợi dụng tình yêu ấy để được lợi cho mình. Cái thứ yêu nước bị đẩy tới mức thù hận đã biến toàn bộ nữ nhân của Kiệt tộc thành cỗ máy giết người. Nhìn hệ thống gián điệp của Kiệt tộc và các hành vi của Tần Ban Nhược, ta không khỏi rùng mình ghê sợ những đám đông được nuôi dưỡng bằng thù hận. Rốt cuộc, sự thù hận ấy cũng thất bại. Trăm phương nghìn kế không đọ lại được sự minh bạch các bí mật. Một khi sự thật bị phanh phui, những quyền lực dựa trên âm mưu sẽ sụp đổ.

Kết luận

Xoay quanh những nam nhân một tay dàn xếp thế cục và những nữ nhân có thể dùng nhan sắc và khả năng quyến rũ của mình để lật ngược tình thế, còn có rất nhiều những nữ nhân khác bị cuốn vào vòng xoáy tranh quyền đoạt vị. Họ không mong cầu quyền lực, họ không có tài năng tuyệt đỉnh, họ chỉ muốn được sống bình yên cùng người yêu thương. Họ là Lỵ Dương công chúa, là phu nhân của Dự Vương, là sư tỉ của Tần Ban Nhược… Họ không thể thay đổi số phận của họ, nhưng cũng không muốn mình trở thành quân cờ. Họ là những người đau đớn nhất. Đau đớn bởi họ yếu đuối, đau đớn bởi họ bất lực. Tôi dành phần kết luận để nói về những nữ nhân luôn muốn xa rời thế cuộc những mong yên bình, nhưng lại trở thành nạn nhân của thế cuộc. Họ là điển hình cho mấy câu thơ của Nguyễn Du: “Đau đớn thay, phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” vậy.

Hà Thủy Nguyên

Lang Gia Bảng – Quyền mưu và hai nửa chính tà (1): Mai Trường Tô

“Lang Gia Bảng”, không còn gì phải bàn cãi, chính là bộ phim truyền hình cổ trang đỉnh cao nhất của Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây. Bộ phim có thể sánh ngang với những tác phẩm truyền hình kinh điển như “Thủy Hử” (1996), “Tiếu ngạo giang hồ” (2001), “Anh hùng xạ điêu” và “Thiên long bát bộ” (2003). “Lang Gia Bảng” tạo nên một không khí hoàn toàn khác hẳn với những bộ phim truyền hình trước đó: Một câu chuyện tranh quyền đoạt vị được

LANG GIA BẢNG – QUYỀN MƯU VÀ HAI NỬA CHÍNH TÀ (2): TĨNH VƯƠNG TIÊU CẢNH DIỄM

Tĩnh Vương – hình mẫu chính trị gia hoàn hảo Nếu Mai Trường Tô là đại diện cho những quân sư áo vải ốm yếu ngồi trong màn trướng mà định thiên hạ thì Tĩnh Vương  là nguyên mẫu điển hình cho bậc quân vương chí nghĩa chí tình. Điều đặc biệt trong việc khắc họa nhân vật Tĩnh Vương đó là tác giả tiểu thuyết cũng như các nhà làm phim vượt ra khỏi khuôn mẫu quân vương thông thường của chính trị cổ