Home Đọc Sách Đọc Nhanh “Leviathan” của Thomas Hobbes – Tác phẩm triết học chính trị kinh điển về mối quan hệ giữa con người và nhà nước

“Leviathan” của Thomas Hobbes – Tác phẩm triết học chính trị kinh điển về mối quan hệ giữa con người và nhà nước

Cùng với “Chính trị luận” của Aristotle, “Bàn về chính quyền” của Cicero, “Khảo luận thứ hai về chính quyền” của John Locke…, “Leviathan” của Thomas Hobbes được coi là tác phẩm triết học chính trị kinh điển, với ảnh hưởng mạnh mẽ tới các ngành khoa học chính trị, tâm lý học chính trị, luật học, thần học, luân lý học… sau này. “Leviathan” còn là tác phẩm sớm nhất và có ảnh hưởng nhất bàn về khế ước xã hội thông qua những luận giải của Hobbes về cơ cấu tâm lý của con người, cấu trúc xã hội và chính phủ hợp pháp. 

Nền tảng học thuật từ tinh thần khoa học thời Phục Hưng

Thomas Hobbes (1588 – 1679) viết “Leviathan” sau khi chứng kiến những cảnh tượng tàn phá kinh hoàng và tàn khốc của Nội chiến Anh giữa những người theo phe Nghị Viện và những người Bảo Hoàng từ 1642 đến 1651. Xuất thân từ một gia đình thất học, cha ông, thậm chí còn coi thường việc học mà chẳng ngại ngần tham gia vào các cuộc ẩu đả với các giáo sĩ địa phương, tuy vậy, Hobbes đã chọn lựa con đường học tập không chỉ như một con đường tiến thân mà còn như một hành trang quan trọng để hiểu rõ những bất ổn xã hội mà một thường dân như ông phải đối mặt. Với thành tựu học tập tốt, tuy không phải là quý tộc, nhưng ông được tin tưởng và trở thành gia sư của các gia tộc quý tộc tại Anh và Pháp lúc bấy giờ. Ông theo họ du ngoạn ở Châu Âu và tiếp cận với các xu hướng học thuật hoàn toàn khác với những gì được học tại Đại học Oxford vốn bị chi phối bởi giáo hội lúc bấy giờ. 

Ban sơ, Hobbes quan tâm đến lý thuyết vật lý về chuyển động, từ đó phát triển chuyên luận của riêng mình về các chuyển động của cơ thể, và đi xa hơn thế, Hobbes chỉ ra những chuyển động cơ thể có liên quan tới việc tạo ra cảm quan , kiến thức, tình cảm và đam mê ra sao, dần dần hình thành mối quan hệ giữa người với người và các con người tham gia vào xã hội. Đây chính là những tiền đề học thuật dẫn tới những bàn luận của ông trong “Leviathan”. Hobbes đã dành toàn bộ phần đầu tiên với 16 chương để bàn luận sâu về những sắc thái tâm lý và nhận thức của con người, từ cảm quan, đến tưởng tượng, lời nói, lý luận, đam mê, phẩm giá, cung cách… Xa hơn thế, ông coi hệ thống chính trị và cấu trúc xã hội của một quốc gia, như một tạo tác mô phỏng quá trình sáng tạo của Tạo hóa, trong đó: chính quyền tức quyền lực tối cao, là “linh hồn nhân tạo, đem đến sự sống và chuyển động cho toàn bộ cơ thể, các Pháp quan và các quan chức khác của cơ quan tư pháp và thi hành án là các khớp nhân tạo, phần thưởng và hình phạt là các dây thần kinh (qua đó các đầu mối và các thành viên gắn vào trung tâm quyền lực và được điều khiển để thực hiện nhiệm vụ của mình) tương tự như các chức năng trong cơ thể tự nhiên. Còn sự giàu có và của cải của tất cả các thành viên là sức lực; Salus Populi (an dân) là công vụ của nó; các cố vấn, người khuyên bảo nó về tất cả những gì cần biết, là trí nhớ; sự công bằng và các điều luật là lý trí và ý nguyện nhân tạo; sự hòa hợp là sức khỏe; sự nổi loạn là bệnh tật; và nội chiến là cái chết. Cuối cùng, các hiệp định và khế ước mà ban đầu đã hình thành, sắp đặt, và hợp nhất nên thành phần của thực tể chính trị này thì giống với sắc lệnh “ta hãy tạo nên loài người” mà Thượng Đế đã tuyên bố lúc sáng thế.” (Trang 13-14, “Leviathan” của Thomas Hobbes, Nguyễn Phương Anh dịch, NXB Đà Nẵng & Book Hunter, 2023)

Tư tưởng chính trị được khai sinh từ một thời kỳ tăm tối

Rất nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng Thomas Hobbes đã viết cuốn sách “Leviathan” do bị tác động từ cuộc Nội chiến Anh đã được đề cập ở trên, tuy nhiên, những nội dung mà Thomas Hobbes viết ra tại phần 4, có tựa đề “Vương quốc bóng tối” chắc chắn sẽ cho độc giả một cái nhìn rộng mở hơn về động cơ hình thành nên tư tưởng chính trị của ông. Đã từng là một người con chứng kiến cha của mình coi thường tri thức và xung đột cùng các giáo sĩ, một sinh viên không cam tâm chấp nhận những lý thuyết được diễn giải thông qua nhãn quan của giáo hội, một học giả chứng kiến sự o ép của ý thức hệ Công giáo dựa vào quyền lực sẵn có trong tay chi phối nền học thuật, Hobbes đãnh dành toàn bộ phần 4 này để chỉ trích định chế độc đoán và thứ học thuật vô bổ được nảy sinh từ nó. 

Hobbes không ngần ngại chỉ trích trong tác phẩm của mình “Giáo hội chưa hoàn toàn thoát khỏi bóng tối” (trang 522), và rằng Kinh Thánh đã bị giáo hội lợi dụng và diễn giải sai để thao túng đám đông ra sao, cùng với nhiều dạng thức mê tín dị đoan một cách u tối, bóp méo những điều tốt đẹp mà Kito giáo hướng tới thuở ban sơ. Tai hại hơn, theo Hobbes, bóng tối quyền lực của giáo hội, len lỏi vào quyền lực của các chính quyền và sự bình yên của dân chúng. Ông viết: “…nếu không có sự cho phép của họ thì từ đầu đã không thể có giáo lý nổi loạn nào được thuyết giảng một cách công khai cả. Tôi cho rằng lúc đầu họ đã ngăn chặn điều đó lại. Nhưng một khi người dân bị những nhà tâm linh này mê hoặc thì không ai có thể tìm được phương thuốc nhân đạo nào chữa nó.” (trang 592). Từ đó, xuyên suốt tác phẩm “Leviathan”, Hobbes đề xướng một chính quyền được tạo ra từ khế ước với người dân, thay vì bị chi phối bởi một ý thức hệ mang tính chuyên quyền chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người nhất định vốn tiến thân bằng sự thủ cựu và giả dối. 

Sự hình thành quyền lực chính trị, theo Hobbes đến từ sự ủy quyền của con người. Con người trong mối quan hệ tương tác xã hội của mình, tình cờ xuất hiện vai diễn của mình trong xã hội. Hobbes có sự phân biệt rõ ràng giữa chủ thể tức tác giả của những lời nói và hành động, với vai diễn trong xã hội. Đây là ý tưởng phổ biến xuất hiện rất nhiều trong các trước tác Phục Hưng tại Anh. Kịch gia William Shakespear cũng từng thốt lên: Đời này có gì ngoài một bóng ma lang thang, một diễn viên nghèo nàn, khuệnh khoạng và u sầu trên sân khấu” (Trích “Macbeth”, Hà Thủy Nguyên tự dịch). Con người, xét về tự nhiên, hoàn toàn có đầy đủ mọi quyền sinh tồn không chỉ về thân thể mà còn cả tinh thần, tuy nhiên, dần dần đã tự tước bỏ quyền lực của mình để ủy nhiệm cho chính vai diễn của mình trên sân khấu cuộc đời, và dần dần, thậm chí còn ủy nhiệm cho những “vai diễn” từ người khác, hay nói một cách ngắn gọn là ủy quyền cho đối tượng khác. Đối tượng khác có thể mang rất nhiều hình hài: một đám đông, một vị thần, một chức năng xã hội, một Thượng Đế…và chính quyền. Sự ủy quyền này chính là tiền đề cho sự hình thành khế ước xã hội và lý giải khía cạnh triết lý hình thức bầu cử và ý nghĩa của phiếu bầu. Hobbes gọi hiện tượng một đám đông từ bỏ quyền lực của mình và ủy nhiệm cho một chính phủ mang tính đại diện là Thịnh Vượng Chung (Tiếng Latin: Civitas) – tương đương nghĩa với một nhà nước. Và Thịnh Vượng Chung này chính là Leviathan, con quái vật biển hung hãn được nhắc đến trong cả Kinh Thánh Do Thái giáo và Kinh Thánh Cựu Ước, Hobbes cũng không quên nhắc nhở rằng chỉ có pháp luật là công cụ để giải quyết các mâu thuẫn giữa Leviathan đầy quyền lực do chính người dân tạo nên với chính những nguyện vọng tự do của mình. Toàn bộ chuỗi biện luận này của Hobbes là tiền đề cho chính trị học Khai Sáng với các luận bàn về khế ước xã hội, tinh thần pháp luật, chính phủ đại diện… sau này. 

Hà Thủy Nguyên

Bài đăng trên Ngày Nay: Leviathan – Tác phẩm kinh điển về mối quan hệ giữa con người và nhà nước (ngaynay.vn)

Youtube cuộc trò chuyện về “Leviathan” tại Book Hunter