Home Sáng tác mới LONG ĐIỂU TRUYỆN – CHƯƠNG 11: Bướm rợp quan san

LONG ĐIỂU TRUYỆN – CHƯƠNG 11: Bướm rợp quan san

Rừng dưới chân núi Tụ Linh Phong vào cuối thu, lá dệt thành một màu vàng mênh mông. Mỗi khi một cơn gió thoảng qua, cả cánh rừng như dải lụa vàng lung lay dưới nắng nhạt. Càng đi lên trên, những cây lá vàng thưa dần, thay bằng từng phiến đá chen tùng xanh thẳng đứng vươn chọc trời. Mây bị vướng vào tán lá kim của cây tùng khiến cả ngọn núi mang bầu không khí u tịch. Thỉnh thoảng, một tiếng chim vút lên rồi mất hút theo gió thổi.

Điểu Âu dẫn Thần Cơ, Thiên Phụng và Thái Sơn bám theo từng phiến đá leo lên Tụ Linh Phong. Gió thổi phần phật nhưng lũ trẻ vẫn không bỏ cuộc. Điểu Âu và Thiên Phụng là hăng hái nhất. Điểu Âu leo thoăn thoắt đu mình trên những phiến đá chông chênh. Thiên Phụng vừa trèo vừa giục:

– Nhanh lên chứ! Lên đến động mới có nhiều thứ hay!

Thái Sơn cảnh giác hơn:

– Liệu có lên kịp trước tối không?

Thần Cơ thì làu bàu:

– Bảo là ra thành chơi, ai ngờ lại dụ người ta lên núi thế này. Biết vậy ở trong phủ cho xong!

Điểu Âu cười hì hì, thoắt cái đu người tới, ủn mông Thần Cơ lên:

– Nhanh nào nhanh nào… Chuyện vui còn ở phía sau chứ! Ta nghe cha ta nói, đỉnh núi này là nơi cha ta và cha ngươi thường gặp nhau bàn chuyện đấy. Không khéo trên đó còn có rượu ngon thịt ngon chờ sẵn.

Nghe tới đó, Thái Sơn dừng lại ngẩn người ra. Thiên Phụng cầm tay Thái Sơn kéo xềnh xệch lên:

– Đi thôi, còn ngẩn người ra đó làm gì.

Thái Sơn nhìn xuống dưới chân núi, nhận thấy có ngôi nhà của dân nghèo thấp thoáng trong rừng. Càng lên cao, cậu càng nghe rõ tiếng gió rít, càng cảm thấy rờn rợn ở gan bàn chân.

Trèo đến lưng chừng núi, bốn đứa gặp một đoạn thác nhỏ. Ở đây thác đổ vào một khe đá, tạo thành ao nước nông trong vắt và lạnh buốt. Ao nước lộ rõ những phiến đá tròn trịa bị nước mài mòn theo thời gian. Thiên Phụng chẳng ngần ngại gì cả, cởi giày nhảy xuống ao nước, cười khanh khách. Thần Cơ thấy vậy cũng nhảy xuống theo, nước bắn tung tóe. Điểu Âu thấy vậy nhăn nhó:

– Ơ hay… đích đến ở trên kia cơ mà!

Thiên Phụng hắt nước vào người Điểu Âu, cười ha hả:

– Không đến được đích thì xuống núi đi về, có sao đâu!

Điểu Âu bực bội, khoanh tay quát:

– Không lên là ta bỏ hai người lại đấy nhé!

Thần Cơ dùng năng lượng hút nước lên rồi ném thẳng cuộn nước vào mặt Điểu Âu khiến cậu ướt ròng ròng. Điểu Âu phun nước phì phì rồi cũng nhảy xuống té nước vào Thiên Phụng và Thần Cơ. Ba đứa bé vừa hò hét vừa cười sằng sặc vang động cả một góc núi. Nước lạnh ngắt nhưng chúng chẳng quan tâm. Thái Sơn lại không quan tâm đến chúng. Cậu bé mải nhìn xuống phía dưới.

Cả một khoảng mênh mông rừng cây vàng rực, mây bay nhịp nhịp về phía tây nam, quả thực là một khung cảnh tráng lệ. Dòng suối từ trên thác đổ xuống từ trên cao chỉ thấy một màu xanh lam uốn lượn phủ lên mặt đất đá vùng sơn cước.

Gió đột ngôt lặng. Lá cây phía dưới thôi xào xạc. Phía dưới, những con chim hốt hoảng rít lên rồi bay tán loạn. Lúc trước khi leo lên Tụ Linh Phong, Điểu Âu đã buộc hai con ngựa ở một gốc cây gần đó, tự dưng bây giờ, chúng hí lên từng tràng. Tiếng hí của chúng dữ dội và hoảng loạn. Thái Sơn chau mày, lòng nhen lên sự lo lắng. Thái Sơn thầm nghĩ: “Tại sao lũ ngựa lại thế… Cha nói rằng ngựa có cảm nhận nguy hiểm rất tốt. Chúng đang cảm thấy cái gì… không lẽ có nguy hiểm…?” Tiếng ngựa hí bỗng nhiên im bặt. Khu rừng lại rơi vào vắng lặng. Nhưng không phải cái vắng lặng yên bình ban đầu mà có gì đó rợn mình.

Bất chợt, từ lùm lá vàng dưới cánh rừng, một đàn bướm đen bay vống lên. Thái Sơn hốt hoảng. Cậu bé nhận ra đó chính là những con bướm đen đã hút năng lượng của cha mình đến chết. Cậu bé hét lên:

– Bướm đen! Có bướm đen!

Thần Cơ nghe tiếng hét của Thái Sơn, giật mình. Cô bé cũng chứng kiến sự nguy hiểm của loài bướm này, nên khi nghe đến chúng không khỏi hãi hùng. Cố bé nhảy ra khỏi ao nước lạnh, chạy đến gần Thái Sơn, cũng nhìn xuống phía dưới núi:

– Nguy rồi! Chúng ta phải mau tìm chỗ nấp thôi. Đàn bướm này sẽ hút năng lượng của người đến chết đấy!

Điểu Âu và Thiên Phụng cũng thôi không ồn ào, lồm cồm bò lên. Điểu Âu làu bàu:

– Chỗ nấp duy nhất là cái hang ở trên đỉnh núi đó! Tại hai người mà ta không lên đó kịp rồi!

– Sao phải nấp! – Thiên Phụng nghênh ngang – Ta cứ cho mồi lửa là xong. – Cô bé xòe bàn tay ra, trên bàn tay hiện lên ngọn lửa nhỏ xíu.

Thần Cơ bĩu môi:

– Đốt được tầm chục con chứ đốt sao hết được cả đàn bướm thế kia. Đốt được một lúc chắc quận chúa cũng thành quận chúa quắt queo vì chết khô rồi.

Qủa nhiên, đó là một đàn bướm to lên đến cả ngàn con. Con nào con nấy to bự như bàn tay. Chúng to như vậy sở dĩ là nhờ hút đủ năng lượng. Điểu Âu giục:

– Mau chạy lên hang còn kịp…

– Không được đâu! – Thái Sơn sẵng giọng – Không kịp!

Điểu Âu lầm bầm:

– Trẻ con thì biết gì…

– Bướm không sống được dưới nước. Chúng ta chỉ cần chịu khó chui xuống nước đợi chúng bay qua. – Thái Sơn nói. – Nhưng chúng ta không nhịn thở được lâu, nên phải đợi chúng tới gần hẵng nhảy xuống ao.

Điểu Âu nghĩ một lúc cũng gật gù. Cậu thôi không lăm lăm trèo lên nữa. Thay vào đó, căng mắt quan sát đàn bướm đang bay ngược lên núi. Điểu Âu thấy hơi sờ sợ trong lòng, vì cậu bé không muốn bị mấy con bướm kia hút năng lượng của mình. Nhưng giờ đã rơi vào tình thế leo lên không được, tụt xuống không xong này, cậu còn biết làm gì nữa. Cậu đành tự nhủ: “Thôi kệ, dù gì cũng đỡ nhàm chán. Chơi đủ trò rồi, bây giờ chơi trò vượt qua nguy hiểm ấy mà!”

– Xuống nước! – Tiếng Thái Sơn hét lên.

Đàn bướm đã đến gần lưng chừng núi. Cả bốn đứa trẻ nhảy xuống ao, lặn xuống đáy. Từ dưới đáy nước, chúng ngước mắt nhìn lên. Những con bướm bụng đen sì đang rập rờn gần thác nước. Đàn bướm đen kịt, che khuất cả ánh mặt trời. Bốn đứa trẻ nín thở, cắn răng chịu nước lạnh cóng. Đàn bướm vẫn bay bay quanh thác nước, chưa có vẻ gì là di chuyển đi chỗ khác.

Ngâm nước nghịch ngợm một lúc lâu thì Thiên Phụng không có gì khó chịu, nhưng nằm trốn dưới nước nhịn thở thì quá sức chịu đựng của cô bé. Thiên Phụng quen sống trong nhung lụa, không bao giờ phải chịu khổ mà chính cô bé cũng không bao giờ cố gắng rèn luyện bản thân thành người có thể chịu đựng gió sương. So với việc cắn răng chịu khổ thì Thiên Phụng thấy rằng thà chết còn hơn. Ở tình huống này, cô bé cũng tự khuyên mình rằng thà để bọn bướm hút cạn sinh khí còn hơn ngồi cắn răng nhịn thở thu lu dưới nước. Mà giả dụ như lũ bướm không chịu rời khỏi khu vực ao nước thì chẳng phải là cũng chết đuối hay sao. Nghĩ thế, Thiên Phụng ra dấu hiệu cho ba đứa trẻ biết rằng cô bé sẽ trồi lên.

Thái Sơn thấy vậy, níu chặt tay cô bé lắc đầu. Thiên Phụng nhún vai, lắc đầu quầy quậy hơn, hất tay Thái Sơn ra. Cô vươn người lên trên, trồi khỏi mặt nước. Vừa trồi lên, cô bé đã dang tay thành hai quả cầu lửa. Qủa cầu lửa không to nhưng cũng đủ giết chết bất cứ con bướm nào lại gần. Ba đứa thấy vậy, đành trồi lên khỏi mặt nước.

Bướm bu kín lại. Chúng thấy miếng mồi ngon, bất chấp mạo hiểm tính mạng, cứ thế lao vào. Mùi cánh bướm cháy khét lẹt. Mùi khét lẹt ấy kích thích tính máu chiến của Thần Cơ. Thần Cơ hút nước từ dòng suối hắt về phía những con bướm đang lao tới. Bướm bị dội nước ướt cánh, bay không nổi, rơi xuống mặt ao trôi dập dềnh.

Thiên Phụng thấy vậy, càng thích thú, nhưng không quên nhắc Thần Cơ:

– Đừng có mải nghịch nước mà tắt lửa của ta đấy!

– Nói thừa! – Thần Cơ lại bĩu môi.

Điểu Âu bấy lâu nay không chịu học hành các cách điều khiển năng lượng nên lúc này chẳng thể khoa trương như Thần Cơ và Thiên Phụng. Cậu bé chỉ có thể dùng tay bóp chết từng con bướm đến gần. Nếu không bóp kịp, cậu dìm chúng xuống nước. Nếu chẳng may bị con nào bám vào người, cậu lặn xuống nước, tức thì nó chết ngay.

Chỉ có Thái Sơn là không giết bướm. Cậu bé còn đang mải nghĩ. Cả đàn bướm đông như vậy, mấy đứa trẻ con không thể giết hết chúng được dù cho Thần Cơ và Thiên Phụng cũng có chút bản lĩnh. Muốn thực sự thoát ra khỏi chỗ này phải gọi được Trấn Tây tướng quân đến cứu, hoặc phải bằng cách nào đó giết được nhiều bướm hơn.

Thái Sơn nhìn quanh. Ven bờ suối có rất nhiều cành cây khô. Cậu lại nhìn lên trời xem mây, những khối mây đang di chuyển nặng nề. Thái Sơn hỏi Thần Cơ:

– Chị, cha dậy chị cách dồn mây làm mưa chưa?

Thần Cơ nhăn nhó:

– Học rồi, nhưng mà chỉ được một chỗ nhỏ thôi.

– Thế là được rồi!

Thiên Phụng thở hồng hộc:

– Này, ngươi nghĩ kế gì thì nghĩ nhanh, ta mệt chết đi được rồi!

Thái Sơn ra lệnh:

– Quận chúa đừng đốt bướm nữa, đốt mấy đống cỏ khô kia đi!

Thiên Phụng nghe theo, ném từng quả cầu lửa vào những đụn cỏ khô, cửi khô ở gần đó. Lửa bốc cháy lên ngùn ngụt. Lửa cháy lan ra thành một vòng vây tròn vàng rực, nóng hừng hực, vây quanh ao nước. Đám bướm đen không dám lại gần, phải bay lờ vờ lẩn với khói ở trên. Điểu Âu hết phải lăn lộn và Thần Cơ không cần phải phóng nước nữa. Thiên Phụng thở phào:

– Đỡ quá… dùng lửa thật nhanh mất sức… Nhưng xong rồi thì sao? Ngồi trong vòng lửa đợi đến sáng à!

Thái Sơn giảng giải:

– Môn công pháp nhà họ Chúc của chúng ta là môn công pháp có thể điều khiển được tự nhiên theo ý mình muốn. Năng lực càng giỏi thì càng điền khiển được những vùng tự nhiên rộng lớn, nhưng năng lực yếu thì chỉ làm được một khu nhỏ. Bây giờ chúng ta chỉ cần làm một khu nhỏ thôi. Chị Thần Cơ, em cần chị làm mưa thật to, to như trút nước ở quanh khu vực mà đàn bướm đen đang bâu kín!

Thần Cơ gật đầu. Cô bé nhắm mắt lại, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất. Bàn tay trái của cô bé xòe ra rồi chụm vào liên tục. Những khối mây trên trời bắt đầu di chuyển nhanh hơn. Những khối mây tụ lại ngay trên đầu lũ trẻ. Cánh bướm đen nhưng mây cũng xám xịt. Thần Cơ chuyển tay, tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống dưới đất. Những khối mây cọ vào nhau ầm ầm, phát ra tia sét.

Mưa ào ào trút xuống. Đàn bướm gặp mưa to, cánh ướt nhẹp, rụng lả tả. Nước khiến chúng nằm ngửa ra chết. Điểu Âu nói nhanh:

– Đi thôi! Chúng ta cần trèo lên hang… Ở đó có đường dẫn về gần phủ!

Bốn đứa bé chạy vội ra khỏi quầng mưa. Không con bướm đen nào thoát khỏi trận mưa do Thần Cơ tạo ra. Không còn thời gian cho vui chơi hay kêu ca, bốn đứa nhanh tay nhanh chân trèo lên đỉnh núi. Chúng không biết được rằng liệu có còn đàn bướm nào đột ngột lao đến nữa không.

Cửa hang hiện ra trước mắt. Lúc này trời đã hoàng hôn. Cả không gian rực vàng. Bốn đứa trẻ thở hổn hển. Điểu Âu chỉ vào cửa hang:

– Vào đây, ta biết cửa hang dẫn đến phủ…

Điểu Âu xông xáo bước vào, nhưng ngay lập tức lùi dần trở lại. Thần Cơ ngó vào trong cũng thất sắc chạy ra. Thiên Phụng định xông vào tiếp nhưng Thái Sơn giữ lại. Thần Cơ nói:

– Trong đó có nhiều đồ hình lạ lắm!

Thái Sơn ở trong thư viện cũng có đọc qua một số đồ hình. Cậu muốn kiểm tra xem những thứ mình đọc đúng sai ra sao. Thái Sơn bước rón rén từng bước vào. Thiên Phụng phụng phịu:

– Ta cũng muốn xem!

Thái Sơn nhăn mặt:

– Quận chúa biết gì mà xem!

– Cha ta giỏi về đồ hình lắm…

Thái Sơn cũng có lí, đành để Thiên Phụng đi theo vào. Trong hang là hàng vạn những vòng tròn bằng lòng bàn tay. Chúng bám đầy trên mặt đá và trên vòm hang. Càng nhìn sâu vào trong hang, vòng tròn càng to hơn. Thái Sơn chưa từng thấy cái đồ hình nào lạ như thế này, cậu tự trách mình không đọc sách nhiều hơn.

Thiên Phụng cúi xuống nhìn vòng tròn gần nhất. Đó là một vòng tròn màu trắng được làm bằng một loại tơ. Những lớp tơ xếp lên nhau khá dày. Chính giữa vòng tròn là một khối tơ nhìn như cột tháp. Khối tơ ở đáy tháp cựa quậy. Thiên Phụng giật mình lùi lại:

– Hình như không phải đồ hình đâu…

Á… Á… Á… Tiếng hét của Điểu Âu thất thanh vang lên. Thái Sơn và Thiên Phụng lập tức chạy ra khỏi cửa hang. Thì ra đó là tướng quân Điểu Tùng. Tướng quân Điểu Tùng xách tai Điểu Âu lên khiến cậu bé đau đớn la hét ầm ĩ. Thần Cơ đứng cười khúc khích bên cạnh. Hoàng Tế Thiên đi cùng Điểu Tùng, nét mặt có vẻ căng thẳng:

– Trời sắp tối rồi, chúng ta không nên ở đây lâu… Nếu trong rừng đã có bướm đen thì nguy hiểm lắm!

Thần Cơ vỗ ngực:

– Không lo, bọn con vừa giết cả nghìn con bướm rồi…

– Chưa về được đâu! – Thiên Phụng lên tiếng chẳng cần biết phép tắc gì – Trong hang này có một ổ sinh vật kỳ lạ!

Thiên Phụng chạy lại cầm tay Hoàng Tế Thiên kéo vào trong hang. Tất cả cũng lật đật chạy vào theo. Thiên Phụng tiếp lời:

– Nhìn thì tưởng đây là đồ hình gì kì quái, nhưng mà không phải. Vừa nãy ta thấy những cuộn tháp tơ trong vòng tròn cử động. Chứng tỏ có sinh vật sống.

Điểu Tùng và Tế Thiên kinh ngạc nhìn hang đầy rẫy những vòng tròn. Chỉ có một thời gian ngắn bỏ hoang hang động không dùng mà chỗ này đã bị kẻ khác chiếm thành chỗ nuôi quái vật. Tế Thiên rút trong người ra một cây kim. Tế Thiên ngồi xổm xuống, dùng kim chọc vào cái tháp tí hon đang cử động. Từ trong tháp ứa ra một dòng nước đen ngòm, tanh rình. Với cây kim ấy, Tế Thiên gạt lớp tơ bên ngoài ra. Trong lớp tơ là một con bướm đen đang chuẩn bị lột xác.

Hà Thủy Nguyên

Đọc các chương của Long Điểu truyện tại đâyhttps://hathuynguyen.com/tag/long-dieu-truyen/

LONG ĐIỂU TRUYỆN – CHƯƠNG 15: KHÍ ĐỘC

Lời khẳng định của Thiên Hoàng giống như một câu đố bất khả giải đáp đối với Điểu Tùng và Hoàng Tế Thiên. Địch lớn đang ở trước mặt, vậy mà một thành Trấn Tây phải đơn độc chống lại, không, nói chính xác là chỉ có mấy người bọn họ đơn độc đương đầu. Quân lính trong thành có đấy, nhưng xuất quân lúc này chẳng khác nào xua quân lính đi chết một cách vô ích. Đã có danh là tướng tài thì

Long Điểu truyện – Chương 4: Phủ Trấn Tây mờ sương

Hoàng Tế Thiên sau khi vứt hết số thuốc bổ mà Vương Minh mua về cho Thái Sơn uống thì hàng ngày đều phải vận công điều khí cho cậu bé. Sinh lực bị tổn thương sao có thể dùng thuốc để chữa trị được. Thuốc chỉ là chữa trị bên ngoài, điều khí mới là cách trị tận gốc. Nhưng hiềm một nỗi, năng lượng của Hoàng Tế Thiên không đủ để trị  cho Thái Sơn. Chàng nguyện học nghề y để chữa bệnh

Long Điểu truyện – Chương 19: Phượng Hoàng Ca

Khúc đồng ca vang vọng, vọng sâu tới cõi lòng Dã Vương. Cõi lòng hắn cuộn lên trăm muôn ký ức của Chúc Thịnh Lai. Hắn vừa né đòn của Thiên Phụng vừa bay về phía tường thành. Thiên Phụng lập tức đuổi theo, nhưng do bị thương nên bị bỏ lại một đoạn. Dã Vương từ hai lòng bàn tay toé ra tia lửa đen. Hắn ném hai cuộn lửa về phía Vương Minh. Dưới chân thành chỉ vang lên tiếng hét: - Cha!

Long Điểu truyện – Chương 1: Non cao cao, nước xanh xanh

Nghĩa quân của Chúc Thinh Lai nằm ở khu rừng Bạch Tùng ngay biên giới Tây Bắc của Điểu tộc trên dãy Đại Sơn. Rừng Bạch Tùng nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá cao chót vót, mây mù giăng kín. Người thường không dám qua lại rừng Bạch Tùng bởi đàn sói lúc nào cũng lẩn quất săn mồi. Đàn sói ấy lại không dám xâm phạm đến trại của nghĩa quân. Người ta đồn rằng Chúc Thịnh Lai từ lâu đã luyện

Long Điểu truyện – Chương 5: Điểu Kinh

Tin đồn nữ thần Thanh Nguyệt bị Dã Quốc sát hại bay đến Điểu Kinh theo những cánh quạ của Ô Thị. Ngay khi Ô Thị nhận được tin báo rằng Dã Quốc bắt được nữ thần Thanh Nguyệt thì tin tức đã gửi tới cho Điểu vương. Điểu vương là kẻ đa nghi, nên trước tin ấy vẫn giữ vẻ bình lặng. Thậm chí, còn lập tức cho triệu hồi Điểu Thiên Hoàng về cung để mưu tính. Điểu Thiên Hoàng đành để lại