Home Bình Luận “Mê hồn ca”, “Lạc hồn ca”, “Sông núi giao thần” – Ba trải nghiệm nhập định của Đinh Hùng

“Mê hồn ca”, “Lạc hồn ca”, “Sông núi giao thần” – Ba trải nghiệm nhập định của Đinh Hùng

Thơ Đinh Hùng là một thế giới kỳ quặc, bởi thơ ông không dừng ở cảm xúc, tư tưởng hay thủ pháp. Ông đi xa hơn những cơn điên tinh thần của trường phái thơ Loạn trước 1945 với những Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê. Ông đi xa hơn cả cơn say của người bạn thân Vũ Hoàng Chương. Vậy điểm đến của thơ Đinh Hùng ở đâu? Tôi xin được định vị: cõi siêu nhiên. Cõi siêu nhiên ấy được thể hiện qua tập thơ “Mê hồn ca”, mà tôi đã từng có dịp viết về yếu tố tâm linh trong đó. Nhưng Đinh Hùng không đứng ngoài cõi siêu nhiên để viết về siêu nhiên, ông là một phần của nó, nên thơ của ông là thứ thơ siêu nhiên, không phải đời thường. Nhìn vào “Mê hồn ca”, nếu ta chỉ thấy sự ma mị và hoang dại, thì ta chỉ thấy vẻ ngoài của thơ Đinh Hùng.  Hãy đọc thật kỹ, thật sâu, bộ ba bài trong chùm “Mê hồn”, bao gồm: “Sông núi giao thần”, “Mê hồn ca” và “Lạc hồn ca”.

Trước tiên hãy bàn về “Mê hồn”. “Mê hồn” là trạng thái rơi vào thứ ta vẫn gọi là ảo giác, kỳ thực, đó là sự nhập định để bước vào tần số năng lượng ở chiều không gian khác. Thế nên, so với các chùm khác trong “Mê hồn ca”, chùm “Mê hồn” là một thử thách với người đọc. Ta chấp nhận hay không chấp nhận những hình ảnh xuất hiện trong thơ Đinh Hùng là có thực ở một chiều không gian khác? Nếu chấp nhận, ta sợ hãi vì cho rằng bản thân mình hẳn điên loạn. Nếu không chấp nhận, ta sẽ thấy đó chỉ là những câu thơ xa lạ với những hình ảnh xa lạ và thứ cảm xúc điên rồ vô thực. Sẽ dễ dàng hơn với những ai đã trải qua trạng thái “mê hồn” ấy.

Tôi biết đến bài thơ “Mê hồn ca” trước các bài khác trong tập thơ. Ngay từ  những câu đầu đã gợi cho tôi những hình ảnh quen thuộc:

ta lạc hồn giữa lâu đài kỳ dị

suốt muôn đời không hiểu dẫy hành lang

dưới hiên tây từng thế kỷ điêu tàn

gạch ngói cũ nghe hoa thềm rụng cánh

Trong cơn “mê hồn” của tôi, tôi đã nhiều lần thấy mình men theo một dãy hành lang dẫn đến vô cùng trong tàn tích của một tòa lâu đài xưa cũ. Khi đọc thơ Đinh Hùng, tôi giật mình! “Dẫy hành lang” của Đinh Hùng có phải là nơi tôi đã bước qua. Chúng tôi có khi nào vào cùng một tòa lâu đài trong bỡ ngỡ. Đến gần đây, khi tôi đọc trải nghiệm nhập định của nhà huyền môn Miguel angel Ruiz được ghi lại trong cuốn sách “Bên kia sợ hãi”, tôi mới biết rằng không chỉ có Đinh Hùng và tôi bước đi trên “dẫy hành lang” ấy. Nơi đây, ông đã được học về các phương thức bí truyền. Nhưng khác với Miguel, Đinh Hùng bỡ ngỡ trên “dẫy hành lang” ấy. Ông đã đi sâu vào các tầng ký ức thay vì thực hành các huyền môn.

Và bước vào chùm “Mê hồn”, đó là bước vào những tầng rất sâu của ký ức, lẫn lộn giữa thực và ảo, giữa xa xưa và hiện thực, giữa ký ức của Đinh Hùng và ký ức của vũ trụ. Tôi không rõ ông đã trải qua bao nhiêu lần nhập định để có được bộ ba này. Có lẽ phải rất nhiều, và cuối cùng ông đã nhập định với ngôn từ để tạo ra thơ.

Đinh Hùng rất ý thức được rằng mình đang nhập định về các ký ức. “Mê hồn ca” là sự tái hiện các mảnh ký ức tiền kiếp trong ông. Chính bởi những mảnh ký ức này mà các nhà phê bình đã quy ông là một nhà thơ tượng trưng, bởi họ cho rằng những hình ảnh ấy là biểu tượng thể hiện cho những ám ảnh tâm lý của ông được khúc xạ qua thơ. Không dễ để những người vốn chỉ quen với thế giới đời thường chấp nhận rằng những hình ảnh ấy không phải là tưởng tượng, mà đến từ những mảnh vỡ của ký ức xa xưa.

Lời nói im, ta nằm chờ siêu thoát

mơ hoàng thành dựng lại bản thanh âm

mười ngón tay nhung

mở cửa đề cầm

ôi kiến trúc một chiêm bao thần bí!

Giấc mơ là một bí ẩn với những nhà nghiên cứu. Hiểu một cách thô thiển thì giấc mơ chỉ là sự phản chiếu những ký ức trong cuộc đời mỗi người. Nhưng giấc mơ bí ẩn hơn thế, đôi khi ta gặp những điều chưa bao giờ diễn ra với cuộc đời này của chúng ta. Giấc mơ có thể phản ánh những ký ức nhiều đời của một con người, hay thậm chí là ký ức của vũ trụ. Mơ, hay “mê hồn” một trạng thái nhập định thiếu vắng sự chủ động của con người.

“Mười ngón tay nhung/mở cửa đề cầm”, liệu có phải một hình ảnh tượng trưng hay không, hay là một cánh cửa tâm thức đưa Đinh Hùng vào trạng thái nhập định? Tôi cũng đã gặp những cánh cửa như thế, Miguel cũng vậy. Trước khi bước vào “dẫy hành lang” kỳ bí, chúng tôi đều phải đẩy một cánh cửa và bước qua.

Khi đối diện với ký ức, ta thấy một cảm xúc trỗi dậy trong Đinh Hùng: Nỗi Đau. Nỗi Đau, đó là phản ứng tự nhiên khi ông đứng giữa sự tương phản của một hiện thực trước mắt nhạt nhẽo, bất lực, tầm thường và những thị kiến về quá khứ xa xôi huy hoàng, mãnh liệt. Chia sẻ về nhập định của Miguel được ghi lại trong “Beyond Fear” cho tôi biết một kỹ thuật rằng ở bất cứ thứ gì đã lụi tàn thì đều lưu lại tần số ký ức, và khi chúng ta truy nhập vào tần số ấy, ta có thể thấy lại những ký ức ấy. Có lẽ Đinh Hùng đã truy nhập vào ký ức của chính mình, của những điện đài, của đêm ân ái… Và Nỗi Đau là biểu hiện cho trạng thái tỉnh trong cơn mê của ông, khi ông ý thức được rằng tất cả đều đã tan biến, lụi tàn. Nỗi Đau ấy được gói gọn trong hai chữ “tang thương”:

ta nằm trong di tích cuộc tang thương

khóc thâu đêm cho thấy lại thiên đường

thuở hưng phục – ôi! cõi lòng hoang phế!

Và từ đấy, ông điên cuồng “hưng phục” những ký ức về một thời huy hoàng xa xưa. Ông đánh thức cả những “hồn gỗ đá nặng nề”, “Kim Tự Tháp”, “tòa Vân Các”, “Phế Vương”, “đoàn ca vũ”. Nhưng nỗi đau vẫn đeo bám ông, tiếng gọi của “hư vô” đã ngăn ông tái hiện lại tiền kiếp, bắt ông phải chấp nhận rằng đó chỉ là những mảnh ký ức, rằng tất cả đã tan biến theo từng lớp biến loạn. Trong cơn mơ, ông đã phải thốt lên như cầu xin:

ôi hư vô! đừng gọi lòng ta nữa

ta phá tan hư ảnh, lại điên cuồng

mộng hoàng vương đâu? hỡi mộng hoàng vương!

Nhưng dường như đó không chỉ là giấc mộng của riêng ông. Đó là giấc mộng của vũ trụ. Mặt trời, mặt trăng, các vì sao xuất hiện nhiều lần trong thơ ông, và đặc biệt không thể thiếu trong chùm thơ “Mê hồn”. Tất cả những ký ức ấy là ký ức của một thời đại, của nhật nguyệt và tinh tú. Ông muốn đánh thức không chỉ là ký ức, ông muốn đánh thức toàn thể nhớ về ký ức ấy. Ông muốn hành tinh – biểu tượng của thực tại hiện hữu – tan vỡ, để ký ức hoàng kim được sống lại.

Tất cả những trần thuật ấy khiến người đời hoặc ghê sợ, hoặc khó hiểu, thậm chí khó chịu. Đinh Hùng viết thơ thậm chí còn chẳng phải để người đời thấu hiểu, ông viết thơ để mơ giấc mơ kiến thiết Lạc Hồn Thành. Ông đã gọi tên tòa kiến trúc kì bí trong ký ức của mình như thế:

ta đang nghe Thành Lạc Hồn kiến thiết

Nếu không đọc ba chữ này trong “Mê hồn ca” thì không thể hiểu được “Lạc Hồn Ca”. Trong “Lạc Hồn Ca”, Đinh Hùng đã hoàn toàn sống trong thành Lạc Hồn. Không rõ chữ “Lạc” ở đây có nghĩa là niềm vui, hay có nghĩa là đánh mất. Có thể nó bao hàm cả hai ý nghĩa ấy. “Lạc Hồn Ca” không chỉ là một bài thơ, đó là một khúc kinh cầu để bước vào thành Lạc Hồn, thành của niềm vui vĩnh cửu:

hãy thoát thân đi, đuổi bắt hình

hồn ơi, đừng lạc xứ U Minh

ai tìm ta đó trong đêm loạn

có gặp thơ về, nhạc hiển linh?

ta gọi thiên tai, cười mệnh số

đây lời hoan lạc viết nên kinh

đời anh hoa trước nghe thần mộng

còn giữ nguyên trang sách diễm tình

Nhưng ngay cả trong thành Lạc Hồn, tòa thành đã được kiến thiết, Đinh  Hùng vẫn không quên nỗi đau tang thương. “Lạc Hồn Ca” có 12 khổ, chia làm 4 phần: “Đời anh hoa”, “Huyền sử”, “Vô thường” và “Hồi sinh”, nhưng không phần nào mà cơn say sưa trong ký ức không chen lẫn với nỗi đau mất mát. Ông không thể quên được rằng đó chỉ là ký ức. Nếu ở “Mê hồn ca”, ký ức vũ trụ quá lớn, thì ở “Lạc Hồn ca”, ký ức cá nhân của Đinh Hùng đậm nét hơn với tình yêu và thân phận của chính ông khi ông mang theo những ký ức ấy vào thế giới hiện hữu.

Tàn ác, thời gian giục vó câu

mình ta lạc mộng, đứng trong sầu

ngẩn ngơ tình tứ, lòng hoang dại

mờ ảo dung quang, tóc đổi màu

xuân buổi thanh bình rung lệ sử

hội đêm phong kiến loạn vương hầu

người xưa dạo đến cười trong mộ

hờ hững, ta đi khuất nguyệt cầu

Sự tương phản giữa thế giới hiện hữu và thế giới trong ký ức thể hiện rõ nhất qua phần “Huyền sử”. Mới ban đầu ông còn hào hứng:

Thời đại Hoàng Kim đã phục hồi

ta mừng Bạo Chúa sắp lên ngôi

tìm thơ vương giả, xuân lưu huyết

mơ dáng cung phi, nước ngậm cười

nhìn suốt hư linh vừa thấy Mộng

thiện tâm về ẩn chốn nào vui?

buồn riêng một bóng trăng tiền sử

sao Thái Hòa xưa rụng xuống người

Thế nhưng, ngay sau đó ông đối mặt với một thực tế phũ phàng của sự thất bại của “thời đại Hoàng Kim”:

người đi, cắt chuyến đường qua núi

ta mất biên thùy, lạc thái dương

lấp bể danh truyền, quên sự tích

trở về, xin mộng giấc hiền lương

Và đau buồn hơn nữa, khi ông nhận ra rằng đây chỉ là một cuộc viếng thăm nấm mộ của người anh hùng đã quá cố:

Ta đến nghe đời sắp mệnh chung

giữa đêm về viếng mộ anh hùng

nghiêng trời hiện bóng đường xa mã

vượt nước in hình mái thủy cung

trở giấc bơ vơ hồn lạc quốc

lạ dòng trôi nổi bến phù không

người ôi! tỉnh dậy, đừng oan thác

lam khí bay lên lấp cửu trùng

“Vô thường” là trường đoạn ông thấm thía sự chuyển mình của thời gian. Thơ, hóa ra chẳng đủ mạnh để đánh thức thế giới đã tan biến, chẳng qua là “vẽ mặt sầu nhân, nét bút điên”.

Phần “Hồi sinh” là một cuộc khải huyền: “buồn nghiêng nội địa, cháy tà huân” . Trong đó thế giới tan vỡ, cũng giống như trong “Mê hồn ca”. Và Đinh Hùng xuất hiện như một “ác thần” hủy diệt vạn vật để hồi sinh vạn vật, hồi sinh “bộ lạc xưa”. Nhưng rồi, sau cơn khải huyền, chính “ác thần” lại thấy xa lạ với thiên đường mới, thấy cô độc trong đó. Thật là một nghịch lý, hóa ra thiên đường lại chẳng phải thành Lạc Hồn quen thuộc trong tâm trí của ông.

Một biểu tượng trong Kinh Thánh được ông nhắc đến nhiều ở “Vô Thường” và “Hồi Sinh”, đó là người chèo thuyền trong cơn Hồng Thủy. Ông liệu có giống như Noah cứu các sinh linh trên con thuyền lênh đênh giữa cơn Hồng Thủy nhấn chìm thế gian? Không, ông có một nhận thức khác đầy hoài nghi:

ta, đêm Hồng Thủy dạo con thuyền

giận công trác tuyệt trời khai thác

tay cuốn dòng sông, nổi sóng lên

hiện thân động mái chèo kim cổ

nửa mặt phù sinh nép hậu trường

Nhận thức rằng bản thân như một trò đùa của số phận. Con thuyền của ông không phải cứu độ các sinh linh, mà là con thuyền đi từ quá khứ đến tương lai. Ông là người chèo thuyền qua ký ức trong lặng lẽ, chống chọi không phải với người đời, mà với trời, với định mệnh.

Đến đây, ta thấy sự bế tắc, nhưng sự bế tắc này là tất yếu của một người biết quá nhiều mà không thể “học lấy quên”.  Đó là sự khác biệt của nhà thơ và các nhà huyền môn. Các nhà huyền môn muốn đưa giấc mơ vào hiện hữu, còn nhà thơ thì vừa chán ngấy hiện hữu nhưng lại không đủ lòng tin vào giấc mơ. Những cảm xúc mãnh liệt trong nhập định chỉ gia tăng thêm cô đơn nơi Đinh Hùng. Ông đã rất nhiều lần nhắc đến từ “nhập”:

 Ta để nguồn hương nhập xác này (Lạc Hồn ca)

ta thoát hồn về nhập xác em xưa (Mê hồn ca)

“Nhập” ở đây có thể hiểu như một sự đồng nhất về tần số năng lượng, như Miguel đã đề cập đến. “Nhập” để đánh thức lại những ký ức. Mong muốn được “nhập” vào những gì đã tàn lụi là biểu hiện cho nỗi đau mất mát, và rồi hiện thực vẫn tồn tại trong ý thức lại càng khiến Đinh Hùng bất lực. Hóa ra ẩn sau những câu thơ kỳ vĩ ấy là một nỗi đau giằng xé không gì có thể khỏa lấp được.

“Sông núi giao thần” là lần “mê hồn” hiếm hoi của Đinh Hùng không tồn tại nỗi đau, dù ông có nhắc đến “Vạn Lý thành sầu”. “Sông núi giao thần” không được viết ở thể tự do, mà viết ở thể lục bát, và có kích cỡ nhỏ bé hơn so với “Mê hồn ca”, “Lạc Hồn ca”:

Trăng ơi! đừng bỏ kinh thành

hồn cố đô vẫn thanh bình như xưa

nhỡn tiền chợt sáng thiên cơ

biết chăng ảo phố, mê đồ là đâu?

ta say ánh lửa tinh cầu

dựng lên địa chấn, loạn mầu huyền không

trận cười tan hợp núi sông

cơn mê kỳ thú lạ lùng cỏ hoa

hý trường đổi lớp phong ba

mượn tay nguỵ tạo xoá nhoà biển dâu

hưng vong Vạn Lý thành sầu

trăng ơi! đừng bỏ mái lầu nhân gian

ta chờ thiên địa giao hoan

nhập thần cây cỏ muôn vàn kiếp sau

Đó là khoảnh khắc hiếm hoi Đinh Hùng “chợt sáng thiên cơ”, có lẽ là lần đầu ông bước vào nhập định. Nơi đó ông không phân biệt được “ảo phố, mê đồ”, nơi ông thấy “lạ lùng cỏ hoa”. Trong đêm trăng, ông chợt nhập vào “hồn cố đô”, và nhận ra nó vẫn tồn tại dù cho “hý trường đổi lớp phong ba/mượn tay ngụy tạo xóa nhòa biển dâu”. Nhưng khoảnh khắc ấy có lẽ rất ngắn, bởi vì ông nài nỉ trăng hai lần:

Trăng ơi! Đừng bỏ kinh thành

Trăng ơi!  Đừng bỏ mái lầu nhân gian

Ông những tưởng rằng trăng đã đánh thức thị kiến của ông, nhưng thực chất đó là mặt trăng trong nhận thức. Mặt trăng trong huyền môn là đại diện cho phần tiềm thức thẳm sâu bên trong mỗi người. Vầng trăng trong tiềm thức của ông đã đưa ông vào cơn nhập định, mà mặt trăng bên ngoài chỉ là chất xúc tác, chỉ là một cái cớ khi tâm thức đã chín muồi. Và từ đó, “nhập thần” đã trở thành một thực hành của ông, ông bước vào con đường của một nhà thơ huyền môn.

Một điều đáng tiếc là Đinh Hùng đã không đi sâu vào con đường huyền môn của mình. Đáng lẽ Việt Nam đã có một Rumi, một William Blake… Ông dừng lại với tập thơ “Mê hồn ca” kỳ vĩ và bí ẩn. Về sau, những bài thơ của ông không còn khí chất của một “ác thần” như “Mê hồn ca” nữa. Có lẽ ông đã quá chán nản và mệt mỏi với những ký ức, cũng có thể khi ông thực sự đi sâu vào nhập định thì thơ ca trở nên không còn cần thiết nữa, và thay vì dùng thơ ca để đánh thức “bộ lạc xưa” thì ông lại viết những bài thơ tình đăng báo mưu sinh khi ông vào Nam sinh sống. “Cơm áo” không những “không đùa với khách thơ”, mà còn “không đùa” với những người nhập định lạc hồn vào một chiều không gian khác. Buồn thay!

Hà Thủy Nguyên

(Bài viết nhân dịp một bạn độc giả của Book Hunter yêu cầu tôi giải mã bài thơ “Mê hồn ca” và “Lạc Hồn ca” của Đinh Hùng)

Đối thoại với Shiva dưới ánh tà huy

Cuồng loạn giữa sự xoay vần, những vòng xoáy vô định nghiền nát không thời gian. Ta đơn độc như kẻ hành khất lang thang giữa dòng sông cuộn máu… Bốn bề đen kịt, ánh sáng tụ vào chính giữa vầng thái dương ứa rực đang vẫy gọi nhân gian lao vào như một lũ thiêu thân… Ta thốt lên trong vô thanh: – Ôi thế giới, có phải đã tới hồi tận diệt! Từ bốn bề đêm đen vọng lên tiếng trả lời: – Hỡi

Cơ chế của những lời tiên tri

Nhu cầu biết trước về một tương lai có thể xảy ra luôn kích thích trí tò mò của con người, bởi thế quyền năng tiên tri là điều được ngưỡng vọng vào bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Thế nhưng, cơ chế để hình thành nên một lời tiên tri không giống nhau, hay nói một cách khác cơ cấu của từng hệ thống quyền năng tiên tri khác nhau rất nhiều. “Tiên tri” có nghĩa là “biết trước”. Chữ “tri”, theo Từ

“Mưa rào không mây” – Osho bàn về chứng ngộ của phụ nữ

Nhi nữ đa tình nguyên thị PhậtAnh hùng mạt lộ bán vi Tăng Thời bé, khi đọc hai câu thơ này, tôi rất tâm đắc, tâm đắc một cách vô thức mà không hiểu vì lẽ gì mình lại thích thú đến thế. Tại sao nữ nhi say đắm vì tình thì đích thị là Phật, còn đấng anh hùng quy ẩn lại chỉ nửa là Tăng, trong khi giáo lý của Đức Phật luôn nhắc nhở các tỳ kheo đừng si mê, đừng bám

“MÊ HỒN CA” CỦA ĐINH HÙNG: CÕI CHIÊM BAO CỦA THỨC TỈNH TINH THẦN

Hà Thủy Nguyên Lần đầu tiên đọc thơ Đinh Hùng, khi ấy tôi vẫn còn ngồi trên ghế trường trung học, đó là bài thơ “Khi mới nhớn”. Bài thơ nằm trong một tuyển tập ở thư viện Hà Nội. Tôi đọc bài thơ với sự khoái chí khi tưởng tượng đến cậu học trò trốn học bởi nhận thức được những sự ngớ ngẩn của trường lớp và muốn giữ mãi sự mơ mộng nguyên thủy của bản thân. Thời ấy, tôi tâm đắc

Bhagavad Gita & Đối cảnh vô tâm

Năm 2009, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với kinh văn Ấn Độ ngoài Phật giáo, và đó là một trải nghiệm độc nhất vô nhị mà sau này tôi chẳng thể gặp lại ở bất cứ một tri thức nào khác nữa. Đó là những ngày tôi lưu lạc ở Sài Gòn, đã quyết định bỏ học ở trường Nhân Văn Hà Nội và quyết định đeo đuổi con đường kiếm tiền qua các hoạt động truyền hình và quảng cáo. Dù đắm