Hôm nay, ngày 5/11, tôi bắt đầu buổi sinh hoạt Câu lạc bộ VIẾT MUÔN VẺ CUỘC SỐNG tại Trung tâm Book Hunter. Tôi ấp ủ tạo một không gian Viết như vậy đã lâu, nhưng cứ lần lữa mãi. Không hẳn là vì lười biếng, mà là vì sợ hãi, sợ rằng tấm lòng mình không đủ rộng lớn để thấu hiểu những cõi lòng từ người khác, sợ những suy nghĩ phán xét của bản thân vô tình vùi dập tinh thần phiêu lưu trong thế giới tâm trí của người khác… Nhưng rồi một hôm, trong một cuộc thiền, tôi bắt gặp chính mình cái thuở “nhặt lá đá ống bơ”, khi còn rất bé. Lúc ấy, tôi chẳng có nỗ lực nào cả, tôi lang thang trong khu vườn nhỏ, nhặt những bông hoa nhánh cỏ, đem ép vào trang sổ, và viết lên đôi ba dòng bất chợt, ấy mà nó trở thành thơ. Rồi đến một ngày, tôi chẳng còn nhớ cuốn sổ ấy đã biến mất từ khi nào.
Và Viết là như vậy đấy…
…khởi đầu không định trước, một sự cảm ứng với thế giới bên ngoài từ sâu kín trong mình thông qua các giác quan. Thế giới bên ngoài ấy có thể là bất cứ thứ gì: một cuốn sách, một bản nhạc, một bông hoa, một làn gió, một phút yêu đương, dăm ba người lạ… tất cả được tâm trí lưu lại dưới nhiều dạng thức: ký ức, tưởng tượng, ước ao… đôi khi lẫn lộn, đôi khi riêng biệt, đôi khi gián đoạn, đôi khi là một khoảng trống vô định.
Các quy tắc viết ngăn cản dòng cảm ứng này. Ngữ pháp ngăn cản. Thủ thuật để mê hoặc người khác ngăn cản. Nỗi ám ảnh về cái gọi là phong cách nhà văn cũng ngăn cản. Chúng còn phiền nhiễu hơn tất thảy những tiếng ồn náo động của đời sống đương đại hay những chật vật cơm áo gạo tiền. Tôi nghĩ rằng đó chính là lý do khiến Việt Nam chưa từng có, thậm chí sẽ chẳng bao giờ có những tác giả vĩ đại: họ quá quan tâm đến vĩ đại, tới mức luôn cố bắt chước theo những công thức vĩ đại mà quên mất nội tại của mình. Ngay cả với nội tại, họ chủ yếu cũng chỉ nhào nặn môt hình nhân bản thân mình vừa khít với công thức vĩ đại. Xin lỗi các tác giả Việt Nam, sự thật đắng lòng. Viết để mà viết, viết không mong cầu, không vụ lợi, như thể viết lên cát và để sóng biển cuốn trôi… thật hiếm hoi.
Tôi đã để các bạn học viên bắt đầu viết như thế…
Các bạn đã trải qua một mùa thu thế nào? Nó có đẹp đẽ như những áng văn thơ tưởng tượng hay không? Chúng ta đã từng chứng kiến một mùa thu sâu sắc tới mức quên đi toàn bộ những khuôn định về mùa thu hay chưa? Nếu chúng ta vẫn ở trong mùa thu với những nguyên mẫu về cảnh thu, cảm hứng thu, thì đó không phải là mùa thu hiện diện. Hãy đơn giản là chứng kiến, không nhất thiết phải khen thu đẹp, khen thu lãng đãng… cũng chẳng nhất thiết phải chê bai… Cứ đi sâu vào thu thôi… đi sâu bằng chính những giác quan và sự ghi nhận. Đâu đó trong giây phút ngất ngây cảm nhận hoặc trong giây phút bực bội khó chịu, ký ức bật lên một câu hát, một đoạn thơ, một bức tranh, một tình tiết tiểu thuyết, một cảnh phim… không sao cả, đó là sự cảm ứng. Chúng ta đã tình cờ chạm vào một khoảnh khắc thu trong giao cảm với quá khứ mà nghệ sĩ nào đó từng chạm tới. Nhưng đó không phải sự cố ý… Không sao cả, cứ ở sâu trong giao cảm ấy, rồi để nó qua đi… Thu vẫn hiện diện chân thực trước mắt ta… Viết tất cả những điều đó ra, nhiều nhất có thể, tuôn chảy đến tận cùng… Đừng để mạch nguồn nào chúng ta khơi ra bị cạn… Ý văn như dòng nước đổ vào những mạch nguồn to nhỏ của tâm trí, bất kể nó đổ về đâu, nó cần được lấp đầy. Nếu những dòng chảy ấy đồng hiện cùng nhau, trong một trật tự tự nhiên không sắp đặt, ta đã thành công. Khi một mạch nguồn mà ta đã khơi ra bị cạn, hãy quay trở lại với nó để khơi ra hoặc có thể ta lượt bỏ hẳn nó ra khỏi dòng chảy cảm hứng đang tuôn ra. Nếu dễ dàng để khơi lại, nếu ta vẫn còn chút dòng nước cảm hứng nào với mạch nguồn bị cạn ấy, thì hãy cứ khơi. Nếu ta thấy chẳng còn chút hứng thú nào, thì cứ lấp nó lại. Con lạch ấy chưa đến lúc được hé lộ, nó cần ẩn sâu hơn nữa và đến một lúc nào đó trong tương lai nó có thể lại cuồn cuộn nước… Đừng tiếc những gì cần phải lấp đi, vì chúng không mất đi, chúng chỉ ẩn mình tích tụ.
Cứ chọn công cụ mà bạn yêu thích nhất. Đừng nghe ai đó thuyết phục bạn rằng viết bằng bút và giấy thì cảm xúc hơn. Cũng đừng nghe ai đó nói rằng viết bằng máy cho tiện. Tất cả chỉ là công cụ, và không bao giờ có công cụ toàn năng, mỗi công cụ khác nhau lại vừa tay với những người khác nhau. Với tôi, tôi thích viết trên laptop, bởi vì tôi không phải mỏi tay gồng chiếc bút và cố giữ cho vở ngay ngắn. Nhưng laptop lại thật bất tiện nếu viết thơ, vì đôi khi thơ đến bất ngờ giữa đường, khi tôi đang ngồi trên xe máy, và thế là tôi viết bằng chiếc điện thoại di động của mình. Nhưng có những người bạn tôi lại cảm thấy tâm trí tụ lại được qua ngòi bút, lúc ấy cây bút như một chiếc neo không để tâm trí thả trôi bốn phương tám hướng. Thế đó, tùy ý đi… Chúng ta vốn đã có rất nhiều cản ngăn để lòng mình tuôn chảy, đừng để những công cụ viết cũng trở thành lực cản, điều ấy không đáng. Hãy chọn công cụ thuận tiện nhất cho bạn, gợi cảm hứng nhất với bạn.
Sau khi dòng chảy đã tuôn đến tận cùng, chẳng còn mạch nguồn nào cần khơi thêm nữa, tất cả đều đã tràn đầy, hãy tự đọc lại. Đọc lại và rà soát như một đấng tạo hóa. Kìa, thỉnh thoảng đôi chút thừa thãi. Chúng ta rất hay dùng từ thừa thãi. Tại sao phải viết là “cây cổ thụ”, “thụ” và “cây” cùng nghĩa. Tại sao phải khẳng định rằng mình yêu một cái gì đó bằng lời khi toàn bộ những câu văn đều biểu lộ sắc thái ấy. Hãy tự hỏi, liệu có cần đến những tứ văn này, hay diễn đạt này không? Lược bỏ đi thì có ảnh hưởng gì đến toàn bộ bài viết hay không? Chà, nếu lược bỏ chúng mà không ảnh hưởng gì đến toàn bộ bài viết, tức là chúng thừa thãi trong toàn bộ chỉnh thể này. Nào, lại lược bỏ, lại lấp đi. Hãy xem xét trật tự của những khối văn, chúng liệu có thể đảo với nhau chăng? Hay như vậy là ổn rồi! Thử đảo vào tạo ra những liên kết đoạn mới xem sao. Điều này không bắt buộc, khi chúng ta nhất quán trong dòng chảy của mình, thì trật tự giữa các đoạn cũng hình thành tự nhiên chẳng cần cố ý. Đừng quá ám ảnh về những cấu trúc, đôi khi chẳng cần tiến trình, cũng chẳng cần theo thứ tự, điều gì đến sẽ đến thôi. Và cuối cùng, có thể chọn lại sắc thái diễn đạt: có từ nào tốt hơn những từ thông thường bạn đang sử dụng không, có cách miêu tả nào sinh động hơn không… hãy suy nghĩ… nghiền ngẫm tác phẩm của riêng mình… Trau chuốt tác phẩm của riêng mình không phải là để “làm màu” với người khác, mà để luyện cách chế ngự sự bất kham của tâm trí.
Viết – để thả tâm trí bung tỏa không giới hạn, như thác lũ tuôn tràn…
Đọc lại và tự trau chuốt – để chế ngự cơn lũ ấy, để cơn lũ không tàn phá chính nội tâm của mình và người đọc tới mức nó lấn át cuộc sống của chúng ta, thành một bóng ma ám ảnh chúng ta…
Với tôi, một bài viết đơn giản là chuỗi biến sự đã đi qua và đi đến tận cùng. Hãy bắt đầu như thế. Và ở buổi khác, chúng ta sẽ đến với những sắc thái viết khác.
Hà Thủy Nguyên
Tìm hiểu thêm về CLB VIẾT MUÔN VẺ CUỘC SỐNG
Đường link: Câu lạc bộ Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống – Book Hunter Lyceum