Home Sáng tác mới Nhật ký Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống #2: Tìm kiếm nội tại

Nhật ký Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống #2: Tìm kiếm nội tại

Tâm trí của mỗi chúng ta là một sự đan xen phức hợp của rất nhiều những mảnh vỡ tâm trí của người khác. Nhưng đừng coi thường những mảnh vỡ, chúng găm chặt vào thế giới tâm trí của chúng ta. Chúng ám ảnh chúng ta, chi phối mọi hành động, mọi quan điểm, giật dây chúng ta theo những chiều hướng khác nhau. Đôi khi các sợi dây bị rối mù giằng co trong những chiều hướng đối nghịch, thì ta bế tắc, hoàn toàn chẳng thể dịch chuyển theo bất cứ hướng nào. Ở trạng thái ấy, ta bị đông cứng.

Mọi người đa phần không thể viết được, chẳng qua bởi sự đông cứng này. Có vô vàn các chiều hướng suy nghĩ đồng loạt xuất hiện và giằng co tâm trí, người viết không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng sự bế tắc này không phải quá tệ.

Có nhiều người họ viết rất bay, rất cuốn, không phải vì họ có thiên bẩm hay tài năng gì cả, họ chỉ đơn giản là dễ dàng chấp nhận một chiều hướng dịch chuyển của tâm trí. Ví dụ, ai đó hứng thú đến mức điên rồ với triết lý của Plato, họ có thể viết liên tục cả trăm bài về Plato để ca ngợi, để đào sâu nghiên cứu… Việc viết này, về bản chất giống như tín đồ cuồng tín, họ chỉ là công cụ cho những lý tưởng của Plato biểu hiện ra trang giấy. Xét về một khía cạnh nào đó, họ là công cụ của Plato, là AI đang cố học các công thức và dữ liệu từ Plato, hay một thầy đồng đang cố gắng để Plato nhập vào. Plato ở đây chỉ là một ví dụ thôi, rất nhiều các ý thức hệ, các quan niệm sống, các triết lý…đều trút vào ta theo cách ấy. Đây là một dạng tâm trí rất thô sơ, nhờ vào sự thô sơ mà họ dễ dàng bị một nền tảng khác áp lên và kéo mạnh theo một chiều hướng. Trong sự dịch chuyển thô sơ này, họ có thể có thành tựu, nhưng họ không phải họ. Việc viết trở tiếp tục trói buộc họ sâu hơn vào chuỗi ý niệm biểu đạt cho thứ mà họ để mặc cho sự giật dây. Thế nên, ta sẽ thấy có những tác giả cứ viết đi viết lại một điều, nói mãi theo một chiều hướng. Họ có thể thay đổi về hình thức biểu đạt nhưng nội dung thì vẫn thế. Và bởi vì nội tại của họ thực chất chẳng có gì nên họ sa đà vào các sáng tạo hình thức để lấp liếm cho sự lặp lại chính mình. Các cây viết như vậy chẳng khác nào như xác ướp được điểm trang theo thời gian để giữ quyền lực của mình.

Một con người phát triển bình thường trong mối quan hệ phức tạp của xã hội, ắt sẽ có một tâm trí thu thập đủ thứ. Chúng chồng chéo lên nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, vá víu với nhau, thậm chí triệt tiêu nhau… và hiện tượng này khiến ta cảm thấy như thể đó là tính cách của mình, phong cách của mình… nhưng không, chúng chỉ phản chiếu những gì mà ta đã tiếp xúc. Nhu cầu viết xuất hiện khi ta dần ý thức rằng ta đang mắc kẹt trong hiện tượng ấy, và ta muốn bước ra khỏi đó, nhưng không thể. Bởi ngay cả quá trình viết, ta cũng bị vướng víu, bế tắc. Chẳng một chiều hướng nào thực sự đủ mạnh để tuôn chảy. Đây mới là vấn đề, và đây mới là hành trình đáng suy ngẫm của người viết chứ không phải việc diễn đạt tốt hay không.

Cách dễ nhất để thoát khỏi sự bế tắc này là một trạng thái cảm xúc mạnh mẽ, vâng, cần một cú shock cảm xúc. Những cú shock cảm xúc này giống như một lực bất chợt lôi tuột, cắt đứt mọi dây nối và cuốn toàn bộ tâm trí của chúng ta vận hành theo chiều hướng của cảm xúc: một cơn giận dữ, một nỗi buồn, một cảm hứng vui tột độ, một lần lạc thú vì yêu… Tất cả chúng đều cuốn tâm trí ta trôi theo, như thác lũ, và đổ tràn ra mặt giấy thông qua Viết. Đây là cách thức nhiều nhà văn, nhà thơ phơi bày bản thân mình trong tác phẩm, thậm chí các nhà soạn nhạc, họa sĩ… cũng thế. Nhiều bạn hỏi tôi, có phải nghệ sĩ có thiên bẩm nào đặc biệt khiến tác phẩm của họ hay đến vậy. Vâng, thiên bẩm ấy đơn giản chính là có thể đi thật sâu vào các dòng chảy cảm xúc, hết trôi xuôi lại bơi ngược, ngụp lặn trong đó để rồi biến toàn bộ quá trình thành tác phẩm. Một khi họ mất đi sự dũng cảm, liều lĩnh và bất chấp này, viết hay sáng tạo nghệ thuật nơi họ cũng dừng lại. Bế tắc. Đông cứng. Vậy thôi!

Nhưng cách dễ nhất này lại khó thực hiện, bởi vì chúng ta sợ cảm xúc. Một khi chúng ta không dám để đời mình cuốn trôi theo cảm xúc, không dám buồn nên khi vui đến cũng chẳng dám hết mình vui, vì chẳng bao giờ dám tột cùng giận dữ nên lúc yêu đương chẳng thể cuồng si. Chúng ta cố gắng giữ ở mức trung tính, không biểu lộ, thậm chí vùi dập ngay khi cảm xúc đến, nhưng rồi lại than vãn rằng đời mình sao mà nhàm chán và nhạt nhẽo đến vậy. Đương nhiên buông thả bản thân theo cảm xúc là cuộc chơi của những người rảnh rỗi và khỏe mạnh, nếu không có hai điều kiện ấy, ta chẳng thể nào hồi phục được sau những cú shock cảm xúc, dẫu cú shock ấy ở chiều hướng hưng phấn hay tuyệt vọng. Thế nên những nghệ sĩ thường là kẻ lang thang nhàn rỗi và vơ vẩn, bởi vì chỉ trong trạng thái ấy, họ mới dễ dàng phục hồi sau những cuộc đẩy đưa cảm xúc.

Cách khó khăn hơn nhưng nghe chừng có vẻ dễ thực hiện hơn, và đương nhiên cũng được ưa chuộng hơn: tháo những mối rối tâm trí. Nếu bạn đã từng gỡ rối những sợi dây chồng chéo lên nhau và phát nản vì không biết bắt đầu từ đâu, thì hãy hình dung, việc gỡ rối tâm trí của mình khó cả ngàn lần hơn thế! Các nút thắt tâm trí đa phần không xác định rõ được duyên do, ấy vậy nó cản trở mọi dòng chảy suy nghĩ, năng lượng và hành động; và cũng từ đó lại liên tiếp tạo ra các nút thắt mới. Vậy thì ta cần kiên nhẫn hơn rất nhiều để bắt đầu. Đôi khi là thử gỡ một nút thắt, đôi khi phải phải ngừng lại lật lên lật xuống tâm trí, đôi khi cũng cần đôi chút liều mình để khám phá những bùng nhùng của ký ức trong mình.

Viết là một cách lần mò thử nghiệm các nút thắt. Mỗi một nút thắt trong lòng có thể được tiếp cận bằng cách sử dụng chuỗi suy nghĩ thâm nhập luồn sâu vào các giao điểm hay khoảng trống và khều các sợi dây bện xoắn đang giằng vào nhau. Trình bày toàn bộ sự rối mù quanh nút thắt ấy lên trang giấy, duỗi chúng ra bằng các câu văn, đôi khi lược bỏ chúng đi… và thế là dần dần một nút thắt được gỡ bỏ để rồi ta đi tới những nút thắt khác. Qúa trình này đôi khi để lại tuyệt tác, đôi khi chỉ là một bài tập luyện, sao cũng được! Quan trọng là những nút thắt đươc gỡ dần…

Khi những mù mờ rối loạn tan dần, nội tại sâu kín nhất của bạn sẽ hiển lộ. Phần nội tại đó khiến cho mọi ý tưởng tuôn chảy thành lời mà không bợn chút thô ráp nào. Nhưng đó là một chặng đường dài. Tới lúc ấy, ta mới thực sự biết rằng ta có thực sự dành cho nghiệp văn chương hay chăng. Nếu nội tại hiển lộ, ta chỉ đơn giản là quăng bút đi, không cần đến nữa, vậy thì tồn tại đã sắp đặt ta cho một việc gì đó khác, và viết đã làm tròn sứ mệnh của mình. Nhưng nếu nội tại hiển lộ mà ta trở nên đam mê với chữ nghĩa hơn, yêu thích trạng thái tuôn chảy của những ý tưởng và ngôn ngữ mà chẳng hề bận tâm hay vụ lợi, thế thì bây giờ mới đích thực là cái viết từ chính ta. Không có nhiều tác giả đi đến được trạng thái viết này, đa phần mắc kẹt ở các nút thắt (nhất là với nút thắt ấy họ đã có được tuyệt tác và được ưa chuộng rồi).

Suy cho cùng, tìm kiếm nội tại của mình là cốt lõi của mọi con người, và ở đây, tôi muốn dùng viết như một pháp tu để đạt tới điều ấy. Đương nhiên việc này không dễ, bởi đa phần mọi người đều coi viết là một thứ gì đó mang tính chất biểu đạt ra bên ngoài hơn là đi sâu vào bên trong. Thật sai lầm. Tôi muốn hỏi những người đam mê biểu đạt theo lối ấy một câu rằng: Nếu quả thực viết đơn thuần chỉ là sự biểu đạt, vậy thì, ai đang biểu đạt thế?

Và rồi, trong buổi thứ hai này, tôi đã để các bạn tham gia cùng nhau giải một nút thắt nguy hiểm: “Thế nào là một đời sống đáng sống?” Những quan niệm sống mà ta nghe người khác nhồi nhét, hay bị dư luận lôi kéo, hay bị ảnh hưởng bởi sách… tất cả đều như những sợi dây giật ta loạn nhịp khỏi chính cuộc sống hiện hữu trước mắt, khiến ta không thể cảm nhận mọi thứ bằng chính đôi mắt của ta. Nó càng khiến ta rối mù hơn trong mỗi lựa chọn. Vậy thì, hãy gỡ chúng ra, tìm xem chúng từ đâu mà có và chúng có thật là đáng để ta đeo đuổi tới vậy? Viết tất cả chúng ra, phơi bày lên đây, đào bới tâm trí và tìm kiếm xem từ đâu mà ta bị nhồi nhét nhiều tới vậy. Biết được nguồn tác động, ấy tức là một nút thắt đã được tháo hờ. Và cứ thế, có thể ta sẽ dần biết được sự quyết định trong cuộc sống của ta bị dẫn hướng bởi điều gì.

Hà Thủy Nguyên

Tìm hiểu thêm về CLB VIẾT MUÔN VẺ CUỘC SỐNG

Đường link: Câu lạc bộ Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống – Book Hunter Lyceum

Nhật ký Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống #1: Viết và để chính mình tuôn chảy

Hôm nay, ngày 5/11, tôi bắt đầu buổi sinh hoạt Câu lạc bộ VIẾT MUÔN VẺ CUỘC SỐNG tại Trung tâm Book Hunter. Tôi ấp ủ tạo một không gian Viết như vậy đã lâu, nhưng cứ lần lữa mãi. Không hẳn là vì lười biếng, mà là vì sợ hãi, sợ rằng tấm lòng mình không đủ rộng lớn để thấu hiểu những cõi lòng từ người khác, sợ những suy nghĩ phán xét của bản thân vô tình vùi dập tinh thần phiêu

Nhật ký Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống #3: Viết là mơ về những giấc mơ

Trong đời sống hiện hữu với những sức ép sinh tồn và tương tác xã hội, mỗi người đều có cảm giác rằng chúng là thế giới thực, nơi các giác quan có thể chạm tới và gây cho chúng ta những cảm nhận rõ rệt. Nhưng khi ta nhắm mắt vào, mất đi ý thức hoàn toàn, chìm vào giấc ngủ, giấc mơ xuất hiện. Giấc mơ có vô vàn hình thái, được cấu tạo từ một mớ hỗn độn của những gì ta

Nhật ký Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống #4: Ngẫu hứng và ứng tác

Tôi tới thành Vinh và nhận lời tham gia sinh hoạt với một nhóm bạn đọc sách tại đây. Họ đều là những nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà báo, giáo viên… Không gian viết nằm trong tiệm thêu truyền thống ở một con phố nhỏ với bàn gỗ mộc mạc, trà thơm và mùi thảo mộc ấm cúng. Thành Vinh chìm trong cơn mưa rả rích, khí lạnh tràn vào từ biển, và lòng người có chút hoang mang.  Thời gian buổi tối không có

Nhật ký viết muôn vẻ cuộc sống #5: Sau rất nhiều ngày không viết, hãy bắt đầu bằng điều mới mẻ

Gần hai tháng lớp Viết bị gián đoạn vì nhiều lý do, nhưng có lẽ đây là một điều tốt, bởi đây là một trải nghiệm. Tôi cũng có nhiều quãng không viết. Đó là một pha nghỉ giữa những dòng vận động tâm trí. Đó là khoảng thời gian phá cấu trúc chính mình để tái tạo chính mình với một cấu trúc mới.  Sau rất nhiều ngày không viết, nếu ta lặp lại lối viết cũ, với những chủ đề cũ, đó là