Home Sáng tác mới Nhật ký Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống #3: Viết là mơ về những giấc mơ

Nhật ký Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống #3: Viết là mơ về những giấc mơ

Trong đời sống hiện hữu với những sức ép sinh tồn và tương tác xã hội, mỗi người đều có cảm giác rằng chúng là thế giới thực, nơi các giác quan có thể chạm tới và gây cho chúng ta những cảm nhận rõ rệt. Nhưng khi ta nhắm mắt vào, mất đi ý thức hoàn toàn, chìm vào giấc ngủ, giấc mơ xuất hiện. Giấc mơ có vô vàn hình thái, được cấu tạo từ một mớ hỗn độn của những gì ta tiếp nhận khi thức và đôi khi cả những điều xa lạ chưa từng thấy bao giờ. Đôi khi sống động và quen thuộc, đôi khi dị kỳ và đáng sợ, đôi khi tươi đẹp tới mức không tưởng… Chúng tồn tại bên ngoài thế giới thực, ta không chủ động bước vào nhưng cứ đột ngột rơi vào. Chúng tồn tại bên ngoài các giác quan của chúng ta nhưng những cảm xúc để lại vẫn đậm sâu, tới mức giấc mơ có thể chi phối toàn bộ tâm trạng trong nhiều ngày, thậm chí hàng năm, thậm chí cả đời. Bởi thế, người cổ xưa coi giấc mơ là một loại thị kiến siêu nhiên mang thông điệp: nghiệp quả của quá khứ, ẩn chứa dấu vết của tương lai, những nỗi ám ảnh đang đeo bám… 

Nhưng các giấc mơ không chỉ diễn ra khi ngủ. Các nhà huyền môn, các bậc thầy tâm linh…đều nói rằng đời người là giấc mơ, là Maya – ảo giới. Điều này đã gây hiểu lầm rất lớn trong nhiều đạo tu. Có hai khái niệm cần phải phân biệt, đó là Cuộc Sống và Cuộc Đời (còn gọi là đời sống, hay đời người). Cuộc sống là thế giới hiện hữu nơi vạn vật sinh diệt liên miên, tồn tại khách quan với tâm trí của các cá thể. Cuộc sống mang tính toàn bộ, nó cứ thế diễn tiến không ngừng, chuyển từ hình thái này sang hình thái khác chẳng hề giới hạn, cũng chẳng thể định danh, chẳng gì cưỡng ép được. Vạn vật trong cuộc sống chẳng hề diệt hoàn toàn mà chỉ chuyển biến và nối tiếp nhau như chúng vốn phải thế; bởi thế dù không cố định nhưng vạn vật trong cuộc sống không phải mộng ảo. Tuy nhiên, khi con người hay bất cứ sinh linh có ý thức nào cố gắng nhận thức, lý giải và tái tạo nhận thức của mình để biểu thị ra bằng các quyết định hành động, thì toàn bộ chuỗi biến sự ấy mang tính cá thể. Sự cá thể hóa cuộc sống chính là Cuộc đời, và bởi vì người là giống loài của chúng ta nên chúng ta gọi nó là đời người. Qúa trình nhận thức cuộc sống, tự bản thân nó là một sự bóp méo, bởi vì các giác quan của ta quá hạn hẹp không thể nào thâu trọn được cuộc sống, nhưng ta lại những tưởng rằng đó là toàn bộ; và rồi ta nhào nặn tất cả thành một mớ hỗn độn bằng các lý giải dựa trên các nhận thức sai lệch trước đó. Không chỉ vậy, ta tái tạo thực tại bằng cách lắp ghép một cách tạm bợ những mảnh nhỏ vụn vặt mà nhận thức cố sao chép cuộc sống, rồi dần dần dựa trên đó để đưa ra các quyết định đời mình. Các quyết định ấy đa phần là sai: hoặc nó dẫn ta rơi thẳng vào đau khổ vì nó có thể xung đột với thế giới quan của người khác; hoặc nó dẫn ta ở sâu trong nhận thức sai lệch tới mức ta chẳng còn nhận ra mình sai nữa. Toàn bộ sự sai lệch ấy chính là ảo giới – maya. Đời sống vì vậy chỉ là cơn huyễn mộng mà đôi khi ta tưởng rằng mình đã thức tỉnh những kỳ thực lại ở sâu hơn trong huyễn mộng. Edgar Allan Poe viết “Muôn điều ta thấy và cứ ngỡ/ Chỉ là cơn mơ giữa giấc mơ” chính là như thế! Nhưng ở đây, tôi không muốn dùng từ “mơ” – “dream” của Poe, vì chúng hoàn toàn không phải trạng thái mơ, mà là hư huyễn, ảo giác. Vâng, đời chúng ta được dựng lên bởi những ảo giác.

Nhưng giấc mơ khi ngủ là một trải nghiệm khác, mà có lẽ chỉ ai coi trọng chúng tới mức quan sát chúng mới thực sự đi sâu vào cõi tâm trí của mình. Mắt nhắm lại, các âm thanh mờ dần trôi qua tai, cảm giác tiếp xúc với thực tại cũng không còn, tưởng như ta không còn chút ý thức nào. Nhầm đó, ý thức vẫn tồn tại, chỉ là ý thức ấy đã chuyển đối tượng từ cơ thể sang tâm trí. Toàn bộ những gì được não bộ ghi nhận lúc này sẽ biểu lộ hết những bóp méo của chúng, đạt tới chiều kích cực đại của tưởng tượng và cảm xúc. Chúng không có giới hạn, và chẳng ngần ngại va đập nhau. Mơ khi ngủ là lúc các ảo giác thị hiện và trong sự tương tác với nhau chúng phân rã dần. Người ta thường nhầm lẫn giữa mơ và ảo giác, bởi mơ là hoạt động của cả não bộ và linh hồn, còn ảo giác là những dữ liệu đã bị thu thập sai. Mơ là một quá trình xử lý, nhưng người ta lại nhầm lẫn chúng với quá trình nhận thức sai lệch mà khi đang thức chúng ta gây ra. Một người không mơ bất cứ điều gì, thì hoặc rằng đó là người toàn giác đã có thể tiếp nhận cuộc sống như nó vốn là, hoặc là não bộ bị khiếm khuyết chức năng ghi nhớ hay lưu trữ hay toàn bộ cơ thể đã quá mệt mỏi đến mức không thể xử lý nổi các ảo giác. Các ảo giác không thể xử lý nổi trở thành những ám ảnh lâu dài, chúng sẽ đeo bám cuộc đời ta và dù hữu ý hay vô ý, sẽ đến lúc chúng biểu thị và để lại hậu quả. 

Các thiền sư chọn thiền định, gạt bỏ mọi hình thái của tâm trí; các triết gia chọn suy luận để cố nắn chỉnh tâm trí đi theo đường ngay lối thẳng; còn những người sáng tạo (văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, đầu bếp…) chọn cách mơ, tức cho phép toàn bộ ảo giác xuất hiện theo các hình thái khác nhau và va đập với nhau cho tới khi phân rã. Vẻ đẹp của tác phẩm không nằm ở chi tiết mài dũa, mà nằm ở toàn bộ quá trình va đập này. Cũng chính sự va đập tạo nên cú chạm vào tâm trí của người đọc, và không có tiêu chuẩn cho sự chạm, chỉ có thể tùy duyên, tùy cảnh. Nếu nhạc sĩ tác động vào thính giác; họa sĩ tác động vào thị giác (đôi khi cả xúc giác); đầu bếp tác động bằng cả thị giác, khứu giác, xúc giác… thì văn sĩ và thi sĩ tác động không trực tiếp bằng các giác quan mà các giác quan (thính giác hoặc thị giác) chỉ đóng vai trò như phương tiện truyền tải. Viết, bởi thế, gần với mơ hơn cả, bởi dường như hành động này chẳng có chút dính líu nào với các đạo cụ sáng tạo kiểu như cọ vẽ, cây đàn, ánh đèn sân khấu, nguyên liệu làm món ăn…

Như ở trên tôi đã nói rằng ảo giác là sự bóp méo của cuộc sống, vậy thì viết là quá trình ký hiệu hóa các ảo giác. Sự ký hiệu này diễn ra khá phức tạp. Ban sơ là ký hiệu hóa ảo giác ở dạng ký ức âm thanh, tức lời nói vọng trong tâm trí). Khi viết, chuỗi âm thanh vang lên trong tâm trí trước khi ta viết ra thành câu chữ. Câu chữ văn bản chỉ là hệ quả của chuỗi âm thanh bên trong đang thì thầm. Kỳ thực, nếu ta không viết, chuỗi âm thanh thì thầm này vẫn tồn tại và trở thành chuỗi mệnh lệnh điều khiển quyết định của ta. Viết là một cách khiến các ảo giác hiện hình và kéo theo đó là chuỗi mệnh lệnh hiện hình, từ đó ta có thể hoặc bước ra khỏi ảo giác, hoặc cân nhắc nhiều kịch bản của chuỗi mệnh lệnh. Những lối viết theo quy tắc cứng nhắc hay các công thức câu kéo người đọc làm phí hoài vẻ đẹp va đập này của viết, khiến người viết trở thành thợ chữ và khiến bài viết chỉ là sự sao chép lại những tiếng thì thầm của kẻ khác. 

Viết chính là mơ về những giấc mơ, và chỉ ai đi đến tận cùng một cách chân thực mới có thể thực sự thoát khỏi ảo giác. Tôi đã bắt gặp nhiều tác giả đắm đuối ảo giác tới mức bọ lặp đi lặp lại ảo giác đó trong suốt quá trình sáng tạo của mình, và mấy chục năm nghề viết họ chẳng tạo ra điều gì mới. Đương nhiên, ảo giác có thể cho họ nhiều món lợi: tiền tài, danh vọng, quyền lực… Tôi cũng bắt gặp những cây viết rất khéo léo tinh xảo, chắp vá những ảo giác ám ảnh của người khác và làm nên tác phẩm của riêng mình. Chúng rất khéo, nhưng chúng không đẹp, bởi vì chúng không có nội dung, chúng chẳng chạm vào tâm hồn ai cả, chúng chỉ là chuỗi ngôn từ bóng lộn cắt ghép để quen tai và rồi lại tiếp tục thì thầm vào tâm trí của ai đó. Nếu một tác giả không thể nào mơ để tái hiện các ảo giác, và mơ về giấc mơ ấy để biểu thị chúng qua câu từ, thì đó chắc chắn là một tác giả giả dối, một kẻ đạo nhái, một kẻ trộm mù quáng chẳng biết thứ gì thật sự đáng giá. 

Hà Thủy Nguyên

Tìm hiểu thêm về CLB VIẾT MUÔN VẺ CUỘC SỐNG

Đường link: Câu lạc bộ Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống – Book Hunter Lyceum

Tại sao tôi viết – George Orwell (2): Văn chương và chính trị

Có thể thấy rằng những xung lực khác nhau này đã phải giao tranh với nhau như thế nào, và bằng cách nào chúng lan truyền từ người này sang người khác theo thời gian. Theo bản chất – cứ cho rằng “bản chất” là trạng thái bạn đạt được khi bạn lần đầu trưởng thành – tôi là người mà ba động lực đầu tiên mạnh mẽ hơn động lực thứ tư. Ở thời bình, tôi có thể đã chỉ viết những cuốn sách

Nhật ký viết muôn vẻ cuộc sống #5: Sau rất nhiều ngày không viết, hãy bắt đầu bằng điều mới mẻ

Gần hai tháng lớp Viết bị gián đoạn vì nhiều lý do, nhưng có lẽ đây là một điều tốt, bởi đây là một trải nghiệm. Tôi cũng có nhiều quãng không viết. Đó là một pha nghỉ giữa những dòng vận động tâm trí. Đó là khoảng thời gian phá cấu trúc chính mình để tái tạo chính mình với một cấu trúc mới.  Sau rất nhiều ngày không viết, nếu ta lặp lại lối viết cũ, với những chủ đề cũ, đó là

Tại sao tôi viết? – George Orwell (1): Động lực của nhà văn

Từ khi ít tuổi, có lẽ là năm hay sáu gì đó, tôi đã biết rằng khi tôi lớn lên tôi sẽ trở thành một nhà văn. Trong quãng từ mười bảy đến hăm tư tuổi tôi đã cố từ bỏ ý định này, nhưng tôi thực hiện điều đó với ý thức rằng tôi đang lăng mạ bản chất đích thực của mình và dù sớm hay muộn tôi sẽ ngồi xuống và sáng tác. Tôi là đứa thứ hai trong số ba anh

Nhật ký Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống #4: Ngẫu hứng và ứng tác

Tôi tới thành Vinh và nhận lời tham gia sinh hoạt với một nhóm bạn đọc sách tại đây. Họ đều là những nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà báo, giáo viên… Không gian viết nằm trong tiệm thêu truyền thống ở một con phố nhỏ với bàn gỗ mộc mạc, trà thơm và mùi thảo mộc ấm cúng. Thành Vinh chìm trong cơn mưa rả rích, khí lạnh tràn vào từ biển, và lòng người có chút hoang mang.  Thời gian buổi tối không có

Con đường Viết của tôi (8): Biết rõ mình đang viết gì

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi”  Việc viết văn xuôi cũng giống như một vị vua đang điều khiển dân chúng của mình (chính là các từ ngữ). Một vị vua, muốn cho đất nước trật tự và phát triển thịnh trị, không thể làm bừa làm ẩu mà cần phải có sự tính toán sao cho người dân từng bước đi theo từng lộ trình mà vị vua mong muốn. Vị vua muốn thuyết phục lòng người hẳn