Home Sáng tác mới Nhật ký Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống #4: Ngẫu hứng và ứng tác

Nhật ký Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống #4: Ngẫu hứng và ứng tác

Tôi tới thành Vinh và nhận lời tham gia sinh hoạt với một nhóm bạn đọc sách tại đây. Họ đều là những nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà báo, giáo viên… Không gian viết nằm trong tiệm thêu truyền thống ở một con phố nhỏ với bàn gỗ mộc mạc, trà thơm và mùi thảo mộc ấm cúng. Thành Vinh chìm trong cơn mưa rả rích, khí lạnh tràn vào từ biển, và lòng người có chút hoang mang. 

Thời gian buổi tối không có nhiều? Những người bạn mới này sẽ viết gì đây? Tôi cũng chẳng có nhiều thời gian cho họ, vì chỉ mấy hôm nữa thôi, tôi phải về Hà Nội rồi. Họ cũng là những người rất cảm xúc và sợ quy tắc. Và thế là một ý nảy lên trong đầu tôi: Thơ đi! 

Đầu tiên, không cần biết thế nào là thơ, chỉ cần nhớ đến Viết. Viết như một ứng tác với thực tại đang diễn ra. Hôm nay mưa dầm dề ư? Vậy thì để mọi giác quan hoà vào cơn mưa đi, những con chữ tha hồ nhảy trên trang giấy, hoàn toàn bất quy tắc. Có thể đó là những hình ảnh vụn vỡ, những từ đơn lẻ nảy lên, có thể là chuỗi suy tư tràn trang giấy, có thể là một ấn tượng đậm sâu khó phai mờ… Cứ để mọi thứ diễn ra và dừng khi bạn thích. Nếu chúng vẫn còn diễn ra trong tâm trí, thế thì cứ viết. 

Đó là cách thơ hình thành. Không phải là hình thức thơ theo các khuôn mẫu nhất định mà là tiếng lòng được cất lên ngẫu hứng, không theo trình tự, không mục đích. Toàn bộ những tiếp nhận và ám ảnh đều đồng hiện. Thơ có thể mang hình thức của một bài thơ truyền thống hoặc chỉ là vài từ nối tiếp nhau. Thơ cũng có thể là một chuỗi truy vấn, những câu chuyện lan man, thứ nọ xọ thứ kia. Không bàn về hay dở, không bàn về ngôn từ ngô nghê hay độc lạ, miễn là cất lên từ nội tại thì vẫn có thể chạm đến nội tại của người khác. 

Bỗng chốc ai cũng có thể trở thành nhà thơ trong một tối mưa. Và viết là cách để phần nhà thơ ấy biểu lộ theo nhiều sắc thái khác nhau. Đầu tiên là biểu lộ cái ta thấy, và trong biểu lộ ta cũng chìm đắm sâu hơn vào thực tại đang là, để những gì ta cảm trở nên rõ nét hơn, cùng với đó sẽ là những gì ta nhớ, ta nghĩ. Ta sẽ thấy có nhiều phần của bản thân hơn so với những gì ta vẫn biết. 

Dẫu vậy, việc biểu lộ sẽ gặp cản trở với chính vốn từ của chúng ta. Thực ra, chúng ta biết nhiều từ hơn những gì chúng ta đang biết. Việc bật ra một từ thường đến từ thói quen, mà thói quen này đến từ môi trường mà ta tiếp xúc, chứ ta không thực sự hiểu từ ấy. Đây là vấn đề, vì mỗi từ biểu thị các sắc thái khác nhau dù cho nó đồng nghĩa với nhau. Đặc biệt với việc sử dụng động từ và tính từ, ta thường chọn các phương án đơn giản và thuận tiện, nhưng đơn giản thuận tiện không có nghĩa là chính xác. Ví dụ, ta dễ dàng quy mọi trạng thái chùng lòng, xúc động, trống rỗng… vào một chữ “buồn”. Nhưng từ “buồn” chỉ là một trong số các sắc thái. “Sầu” tương đương về nghĩa nhưng sắc thái khác với “buồn”. “U uẩn” cũng gần với sầu nhưng nó không phải buồn. “Bi” hay đi với “sầu”, nhưng rõ ràng là nó không thể đứng cạnh “buồn” đù trạng thái cảm xúc nó gợi lên khá tương đồng. Để định nghĩa sự khác biệt của những từ này rất khó, chỉ có thể cảm qua rất nhiều văn cảnh khác nhau và trải nghiệm khác nhau. Hơn nữa, sắc thái từ không phải tất cả. Cách diễn đạt quan trọng hơn. Cách diễn đạt không tự nhiên mà có, cách diễn đạt đến từ việc thay đổi góc nhìn và cách cảm thụ. Cùng là một trận mưa, ta có thể mô phỏng âm thanh của tiếng giọt mưa rơi, nhưng đôi khi có thể là hình của mưa, sắc của mưa, mùi của mưa, vị của mưa. Ta có thể nhìn trận mưa ở toàn cảnh, nhưng có thể nhìn ở một góc nhỏ, thậm chí là dấu vết của mưa sót lại ở đâu đó. Thế nên người viết cần quan sát, không chỉ sâu mà còn rộng, và đa chiều. Quan sát bên ngoài và quan sát cả bên trong, cảnh ấy đã tác động đến tình thế nào, tình thế đã nhuốm vào cảnh ra sao. 

Thời gian không có nhiều, nhưng trận mưa đã giúp buổi học dễ vào hơn. Đây là điều thường ngày rất hiếm khi có được. Bởi lẽ, mưa là một sự bất thường, người ta vốn quen với ngày nắng hơn, và sự bất thường tạo ra một cú shock tinh thần nhẹ nhàng, cho phép ta đi sâu vào các sắc thái khác nhau hơn. Thế nên với người viết, mọi biến cố cảm xúc do cảnh ngộ đưa đến hay cảnh sắc đổi thay đều là thời cơ quý báu mà số phận đẩy đưa. Chỉ cần đừng né tránh, thế là đủ!

Hà Thủy Nguyên

Tìm hiểu thêm về CLB VIẾT MUÔN VẺ CUỘC SỐNG

Đường link: Câu lạc bộ Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống – Book Hunter Lyceum

Con đường Viết của tôi (8): Biết rõ mình đang viết gì

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi”  Việc viết văn xuôi cũng giống như một vị vua đang điều khiển dân chúng của mình (chính là các từ ngữ). Một vị vua, muốn cho đất nước trật tự và phát triển thịnh trị, không thể làm bừa làm ẩu mà cần phải có sự tính toán sao cho người dân từng bước đi theo từng lộ trình mà vị vua mong muốn. Vị vua muốn thuyết phục lòng người hẳn

Tại sao tôi viết – George Orwell (2): Văn chương và chính trị

Có thể thấy rằng những xung lực khác nhau này đã phải giao tranh với nhau như thế nào, và bằng cách nào chúng lan truyền từ người này sang người khác theo thời gian. Theo bản chất – cứ cho rằng “bản chất” là trạng thái bạn đạt được khi bạn lần đầu trưởng thành – tôi là người mà ba động lực đầu tiên mạnh mẽ hơn động lực thứ tư. Ở thời bình, tôi có thể đã chỉ viết những cuốn sách

Nhật ký Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống #1: Viết và để chính mình tuôn chảy

Hôm nay, ngày 5/11, tôi bắt đầu buổi sinh hoạt Câu lạc bộ VIẾT MUÔN VẺ CUỘC SỐNG tại Trung tâm Book Hunter. Tôi ấp ủ tạo một không gian Viết như vậy đã lâu, nhưng cứ lần lữa mãi. Không hẳn là vì lười biếng, mà là vì sợ hãi, sợ rằng tấm lòng mình không đủ rộng lớn để thấu hiểu những cõi lòng từ người khác, sợ những suy nghĩ phán xét của bản thân vô tình vùi dập tinh thần phiêu

Nhật ký viết muôn vẻ cuộc sống #5: Sau rất nhiều ngày không viết, hãy bắt đầu bằng điều mới mẻ

Gần hai tháng lớp Viết bị gián đoạn vì nhiều lý do, nhưng có lẽ đây là một điều tốt, bởi đây là một trải nghiệm. Tôi cũng có nhiều quãng không viết. Đó là một pha nghỉ giữa những dòng vận động tâm trí. Đó là khoảng thời gian phá cấu trúc chính mình để tái tạo chính mình với một cấu trúc mới.  Sau rất nhiều ngày không viết, nếu ta lặp lại lối viết cũ, với những chủ đề cũ, đó là

Con đường Viết của tôi (7): Xây dựng nền tảng kiến thức cho người sáng tác văn chương

Các bạn click vào để đọc thêm:  “Con đường viết của tôi”  Nhiều người cho rằng những người sáng tác như nhà văn, nhà thơ phải như những kẻ “nhặt lá đá ống bơ”, ngơ ngơ ngác ngác như chú bê lạc giữa cõi đời. Hình ảnh ấy  thật dễ thương và dễ tạo thương cảm. Tuy nhiên, nếu bạn là người say đắm với các tác phẩm văn chương kinh điển, bạn có thể tưởng tượng rằng người sáng tác văn chương (nhà văn,