Gần hai tháng lớp Viết bị gián đoạn vì nhiều lý do, nhưng có lẽ đây là một điều tốt, bởi đây là một trải nghiệm. Tôi cũng có nhiều quãng không viết. Đó là một pha nghỉ giữa những dòng vận động tâm trí. Đó là khoảng thời gian phá cấu trúc chính mình để tái tạo chính mình với một cấu trúc mới.
Sau rất nhiều ngày không viết, nếu ta lặp lại lối viết cũ, với những chủ đề cũ, đó là một bước lùi. Số phận đưa đẩy ta khỏi dòng chảy tâm trí cũ, không phải là để ta bước vào một lối đi đã mòn vết chân mình. Đương nhiên, quãng không viết quý báu phá vỡ cấu trúc của mình sẽ chẳng phải là cái cớ cho thói lười biếng hay sự yếu mềm để dòng đời đưa đẩy. Việc viết luôn đòi hỏi ở chúng ta một sự toàn bộ.
Vì thế, để bắt đầu sau nhiều ngày không viết, hãy bắt đầu bằng một thứ gì đó mới lạ so với trước đó đã từng viết. Điều mới lạ này có thể tự nảy sinh bên trong. Nhưng điều mới lạ có thể là tác nhân bên ngoài đưa đến, ví dụ như một bài tập mới từ người hướng dẫn, một yêu cầu dị thường từ khách hàng. Mới lạ luôn tốt cho tái cấu trúc. Lúc này, những cái cũ đã đi vào dĩ vãng và chưa có cái gì hình thành. Tâm trí lười biếng sẽ cố gợi lại cái cũ, nhưng khi ngả về cãi cũ thì nó sẽ lại im lìm. Khi ta vượt qua khỏi lực kéo của cái cũ, để thử nghiệm điều mới dù chúng thành công hay không, khó khăn thế nào, thì ta cũng trở thành điều mới.
Đương nhiên, tôi luôn yêu thích cái mới xuất phát từ nội tại hơn do ngoại cảnh tác động. Cái mới của nội tại có thể là một sắc thái cảm xúc mình chưa từng trải qua trước đó, hay một góc nhìn mới đột ngột đến với mình, hay phút xuất thần kỳ ngộ đột ngột diễn ra… Nhưng để có cái mới nội tại không hề dễ, nó đòi hỏi sự đắm mình trong viết một cách tuyệt đối, tới mức khoảng thời gian trống trải khi viết chẳng thể được thực hiện chính là một khoảng nhớ nhung da diết. Đôi khi, điều này diễn ra bất ngờ. Có lần, tôi đang tắm gội sau quãng thời gian bận rộn với cơm áo gạo tiền, bất chợt, một dòng suy nghĩ vụt đến, một bài thơ mới đang tuôn chảy trong khoảnh khắc đó. Tôi nên làm gì? Không thể kịp bật máy tính, cũng không thể lấy được giấy bút. Tôi lau vội người và viết bằng điện thoại. Bị trúng gió có thể khỏi ốm, nhưng ý tưởng bài thơ ấy, duyên kỳ ngộ ấy, khoảnh khắc ấy sẽ không bao giờ quay lại. Thế nên, người viết cần luôn sẵn sàng cho duyên kỳ ngộ, và càng ít lệ thuộc vào công cụ viết, càng ít bị ám ảnh bởi tư thế viết thì càng tốt.
Khi bắt đầu cái mới, một điều đáng lưu ý, đó là đừng bao giờ cố tưởng tượng về cái mới. Và càng không nên tưởng tượng về bản thân mình sẽ như thế nào trong cái mới. Tưởng tượng là một dạng phản chiếu của ký ức trải qua rất nhiều khúc xạ của tâm trí. Tưởng tượng rất tốt trong biểu đạt đa chiều nhưng không thực sự tốt để định hình chính mình. Điều mới là một chiều hướng khác, nó đi tới cái không biết. Cố tưởng tượng về cái mới và trạng thái mới của mình là một phòng ngự của những ai thích an toàn, họ cố đoán định con đường chưa từng bước vào, điều này trở thành cản trở. Nếu con đường ấy không giống như đoán định, liệu có phải con đường ấy sai? Không, chỉ có ta đã đoán sai thôi. Nếu ta đoán định về con đường và thấy nó không có gì mới mẻ, vậy thì có đúng là con đường không hề mới mẻ hay là ta đã lạc bước sang con đường cũ. Cái mới cần được bắt đầu bằng một tâm thế không định hình, hoàn toàn là số 0.
Dừng đúng lúc là điều quan trọng với cái mới. Nếu dừng quá sớm, cái mới chưa kịp định hình, đồng nghĩa với việc ta cũng chưa định hình thành một ta mới. Nếu dừng quá muộn, một cảm giác chán chường sẽ dâng lên khiến ta không muốn quay lại trạng thái này thêm nữa. Thường thì có rất nhiều phiền nhiễu sẽ xâm chiếm: công việc, việc gia đình, cái bút tự nhiên hết mực, mạng lag, máy tính hỏng phím, bạn rủ đi chơi, người yêu gạ tình… Nếu ta chỉ vì một ngoại cảnh tác động mà bỏ lỡ thời khắc cái mới hình thành thì thực sự đó là điều đáng tiếc. Hãy dùng cảm quan để theo sát bản thân và biết bản thân nên dừng vào lúc nào. Khi mọi ý đã kết thúc trong đầu, tức là có thể dừng. Nhưng khi cạn ý thì có phải là ý đã kết thúc hay không? Không đơn giản vậy, cạn ý là một trạng thái bí, khi ta hời hợt quan sát tâm trí và những cảnh tượng diễn ra trước mắt. Càng đi vào chi tiết, càng đi vào những điều ẩn sâu, thì cái ý vẫn còn ở đó, và nó sẽ lại tuôn chảy tiếp. Sự đi sâu này khác với hiện tượng vẽ rắn thêm chân thường gặp trong quá trình viết.
Sau cùng, tôi chỉ muốn nhấn mạnh, với cái mới, hãy để nó tuôn chảy trong mình và mình trở thành điều mới. Đó là thời khắc ta không viết mà cái mới viết nên ta.
Hà Thủy Nguyên
Tìm hiểu thêm về CLB VIẾT MUÔN VẺ CUỘC SỐNG
Đường link: Câu lạc bộ Viết Muôn Vẻ Cuộc Sống – Book Hunter Lyceum