Lần đầu gặp nhà văn Xuân Khánh là lúc tôi mới học lớp 12. Tôi thường thấy ông đạp xe trên phố Bà Triệu. Lúc ấy, tôi hay lang thang đọc sách ở Thư viện Hà Nội. Một lần, vì quá thích cuốn tiểu thuyết “Hồ Qúy Ly”, tôi đã đánh liều đạp xe đến gần ông để bắt chuyện, ông nói rất ít và rất cẩn trọng, chỉ khuyên một câu mấu chốt là: “Cháu muốn viết tiểu thuyết thì cần quan tâm đến cấu trúc tiểu thuyết và kiến thức”. Lời khuyên ấy ngắn gọn nhưng đã vạch cho tôi một con đường rất sáng rõ.
Sau này, nhiều lần có cơ hội gặp mặt ông, nhưng tôi đều đứng từ xa quan sát. Khi bước vào làng văn, tôi đã bị một ấn tượng rằng con người ngoài đời của họ và con người trong sáng tác khác xa nhau lắm, thậm chí là đối lập. Tôi không muốn mất đi thiện cảm với các tác phẩm của ông.
Sáng nay, sau 13 năm quan sát ông từ xa, tôi đã có một cuộc đối thoại trực tiếp với ông khi thực hiện buổi phỏng vấn của VĂN VIỆT. Cuộc phỏng vấn có nội dung khá rộng, bao quát chặng đường sáng tác của ông, những năm tháng khó khăn khi ông bị treo bút và qua đó thể hiện được đời sống cũng như khí phách của văn nghệ sĩ chân chính trong những năm Đổi Mới. Sau cuộc phỏng vấn, tôi đã rất vui, bởi những câu trả lời của ông phản ánh đúng con người mà tôi gặp trong các tác phẩm của ông. Tức là con người đời thực của Nguyễn Xuân Khánh đồng nhất với con người sáng tác của ông. Một điều vui hơn nữa, đó là ông đã cho phép Book Hunter được chuyển tác phẩm của ông sang tiếng Anh.
Một điều nữa tôi muốn nhắn gửi đến những bạn trẻ vẫn hay hỏi tôi về việc làm sao có thể vừa theo đuổi ước mơ, lại vừa đảm bảo đời sống: Hãy xem đoạn trả lời của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Các bạn sẽ thấy rằng, có một thế hệ các nhà văn tâm huyết, họ bị bần cùng hóa, họ bị cấm viết, hàng ngày phải làm thợ may, thợ cắt tóc, nuôi lợn… thế mà họ vẫn học hỏi, vẫn viết, vẫn đeo đuổi giấc mơ lớn của mình. Vậy thôi!
Trích Facebook Hà Thủy Nguyên