Home Sáng tác mới Sự suy tàn của cái đẹp

Sự suy tàn của cái đẹp

Có một thứ được gọi là lý tưởng. Lý tưởng thường hoàn hảo, đẹp đẽ và dường như không thể chạm tới. Lý tưởng không thể chạm tới sở dĩ bởi nó không được biểu hiện bằng vật chất. Người nghệ sĩ luôn tìm cách tạo ra từ vật chất hiện hữu những tạo tác hoàn hảo nhưng dường như bất lực.

Như một kẻ điên, người nghệ sĩ vung búa đập tan mọi tạo tác hiện hữu. À không, nghệ sĩ điên thật! Chỉ có kẻ điên mới nhìn thấy lý tưởng, còn người bình thường dễ dàng cúi đầu trước sự bất toàn của các tạo tác. Những kẻ bình thường mới biết cúi đầu, những kẻ điên thì nhớ mãi cái cảm giác được bay vút lên cao và vươn tới sự vô cùng.

Đó là một bản bi hùng ca đánh thức mọi khát khao trong con người, của chàng Ikaros muốn vươn tới Mặt trời, của Lý Bạch lao xuống đáy nước để vớt bóng Trăng, của Pharaoh muốn với tay chạm đến sao Bắc Đẩu… Sự điên rồ lý tưởng đã khiến họ từ bỏ thế giới vật chất để đạt tới tuyệt đích.

Nhưng bản bi hùng ấy cũng dần bị lãng quên. Người ta dễ dàng quỳ lạy trước những tượng đài không hoàn hảo mà vẫn được gọi là cấu trúc, các chủ nghĩa, các chuẩn mực. Sự biểu hiện không hoàn hảo của lý tưởng nay lại trở thành lý tưởng của các linh hồn thiếu vắng sự điên rồ.

Một linh hồn thiếu vắng sự điên rồ, linh hồn ấy không sống, linh hồn ấy đã bị cấu trúc, bị định hình, linh hồn ấy bị điều khiển. Với những chuẩn mực có sẵn về cái đẹp, một quyền lực vô hình đã được thiết lập và bao trùm nhân loại một cách tinh vi. Không lộ liễu như chính trị, không mê muội như tôn giáo, không thô thiển như kinh tế, chuẩn mực nghệ thuật giam hãm linh hồn con người trong cái lồng dát mạ vàng của những nàng Muses… Nhưng mọi sự giam hãm đều độc ác, kể cả bằng sự dễ chịu…

Những nàng Muses luôn sợ Dionysus, bằng vòng xoáy men say của mình, Dionysus khiến các Muses loạn trí. Những chiếc lồng mạ vàng bong đi lớp sơn lấp lánh giả dối, trơ ra những khung thép gai ứa máu.

Hỡi người nghệ sĩ thức tỉnh! Bẻ gẫy từng sợi thép gai! Hãy đối mặt với sự sụp đổ của thứ lý tưởng giả dối. Trái tim nghệ sĩ không thể bị giam hãm, dù cho đó là cái đẹp.

Hãy nhìn kìa, đám Muses đang giận dữ! Họ đã đánh rơi chiếc mặt nạ mạ vàng của cái đẹp. Họ bắt đầu đẻ ra thứ chuẩn mực kỳ quái, một thứ cấu trúc phá vỡ cấu trúc, một loại chất thơ phi thơ, thứ người ta gọi là hậu hiện đại.

Nhưng trái tim của người nghệ sĩ đích thực là một trái tim nồng men rượu. Lý tưởng trở nên vỡ vụn. Mọi cấu trúc của các nàng Muses chỉ là thứ hư ảnh tầm thường. Với Dionysus, cái đẹp chỉ là bãi hoang tàn của ngày tận thế. Với Dionysus, cái đẹp đến tự nhiên như ánh mặt trời rực rỡ buổi hoàng hôn, đến từ giọt mưa đọng trên cánh hoa vàng, đến từ nụ hôn ngọt ngào của thiếu nữ tuổi trăng rằm…và đến từ giai điệu sâu thẳm xuyên thấu trùng trùng duyên kiếp…

Thức dậy tinh thần Dionysus trong mỗi nghệ sĩ… Đã đến lúc mọi cấu trúc suy tàn, cái đẹp suy tàn… Đã đến lúc thức dậy thứ nghệ thuật của con tim. Chỉ nghệ thuật từ con tim mới vĩnh cửu với thời gian.

Và người nghệ sĩ Dionysus không quan tâm đến lý tưởng hay cái đẹp. Họ chỉ viết nên những gì tới từ sâu thẳm bên trong: mọi niềm vui, nỗi đau, sự điên rồ hay hoan lạc … tất cả đều bùng cháy. Và dù cho tất cả đều quay lưng, dù cho thế gian cười nhạo hay sợ hãi, thì người nghệ sĩ cũng đã bùng cháy và thiêu rụi tất cả những cái lồng.

Hà Thủy Nguyên

Hãy cười vang cho kỷ nguyên bất định

“Có những thứ quá nghiêm túc đến mức chúng ta phải phì cười vì chúng” (Neil Bohr – Nhà vật lý lượng tử thế kỷ 20) “Why so serious?” (Joker – Tên sát nhân điên rồ trong “The dark knight) Chúng ta đang ở trong một thế giới hoàn toàn bất định, và dù hàng nghìn năm nay các chính trị gia, các lãnh tụ tôn giáo, các nhà khoa học, triết học … có cố biến thế giới thành đối tượng có thể xác

Mặt trăng – Thợ săn – Những ký ức trong rừng thẳm

“Ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc” (“Người gái thiên nhiên” – Đinh Hùng) 1. Sâu hun hút giữa đêm trăng, cái mênh mông của ký ức hoang dã trỗi dậy, như một kẻ tâm thần muốn ăn thịt cả nhân loại, nhưng vì không thể, nên chỉ có thể ăn thịt chính mình. Mọi thành phố đều chật hẹp, mọi thành phố đều được cấu trúc bởi những bức tường và những cái lỗ con con chúng ta vẫn gọi là cửa sổ.

Đối thoại với vua Richard Sư Tử Tâm về Thực tại

Ta nghe kể Richard Đệ Nhất với biệt danh Sư Tử Tâm là vị vua hùng mạnh nhất nước Anh. Ông ta thực hiện nhiều cuộc Thánh chiến nhất trong lịch sử giáo hội Công giáo. Ông đã viết rất nhiều tác phẩm thơ ca bằng tiếng Pháp, nhưng giáo hội đã tiêu hủy chúng hoặc giấu kín chúng vì cho rằng Richard là quỷ dữ. Hôm nay Richard Đệ Nhất thức dậy từ hầm mộ tối tăm, vùng vẫy như con mãnh sư giữa

“Câu chuyện vô hình” – Sự trỗi dậy của Con Người cá nhân

Hamvas Béla (1897-1968) là nhà văn, nhà triết học tâm linh lớn nhất của Hungary thế kỷ 20. Hamvas Béla cùng Kerény Káoroly thành lập nhóm Đảo, một liên minh tinh thần tiếp nối truyền thống Hy Lạp cổ và thu hút được nhiều tên tuổi lớn của Hungary lúc bấy giờ. Nhưng sau ấn phẩm gồm ba tập (1935-1936), nhóm Đảo tan rã. Trong thế chiến thứ II, ông hoàn thành tập tiểu luận “Câu chuyện vô hình” (1943) khi còn đang ở ngoài

Sao Hỏa – Ẩn ức – Hành động

Những kẻ tà ma luôn tìm cách tận dụng sao Hỏa để kích thích ác tính trong con người. Mỗi khi chúng chiếm sao Hỏa, kéo theo đó là những cuộc khủng bố, những vụ giết người hàng loạt, những hành động biến thái, đám đông tàn độc muốn chôn sống mọi cá nhân dám dũng cảm tách mình để vươn lên. Sao Hỏa ẩn chứa trong nó một xung lực có thể kích động mọi sức mạnh tiềm tàng bên trong con người. Trong