Tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa”
Tác giả: Hà Thủy Nguyên
Thời gian sáng tác: 2005 – 2013
Số trang: 168 trang
Xuất bản năm 2013, NXB Lao Động và Nhà sách Bách Việt ấn hành.
Tình trạng bản thảo: Sách đã hết hàng trên thị trường. Sắp sửa tái bản trên Amazon.
Tổng quan nội dung:
“Bên kia cánh cửa” là tập truyện ngắn về sự lang thang và vô định của kiếp người. Tập truyện được viết bằng một lối suy niệm nhiều ẩn dụ mà người ta buộc phải liên hệ với đời sống của cá nhân mình để hiểu.
Tập sách được viết khi tác giả không phân định được mộng hay thực nên dễ khiến người đọc bị rơi vào trạng thái này. Mà thôi kệ, mộng hay không mộng, thực hay không thực thì có vấn đề gì! Nếu ta đã tồn tại trong cõi đó có nghĩa là có điều gì đó gắn kết ở đây. Gắn kết nhưng không ràng buộc. Ở trong mộng nhưng vẫn biết là ta đang tỉnh. Không tin vào điều người khác cho là thực, cũng không tin vào những thứ vẫn bị coi là ảo. Chỉ đơn thuần là vui chơi.
Trong tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa”, tác giả đã từng viết: “Lang thang là một trạng thái của kẻ vô định – Một kẻ đi tìm chính mình nhưng chỉ thấy hư vô”. Cũng trong tập sách này, tác giả mô tả về sự mắc kẹt trong cõi không có không gian, thời gian, chỉ có bóng tối triền miên và vô vọng. Ôi, thật là những điều đáng sợ nếu một ngày nó trở thành hiện thực. Hoặc, nó đã trở thành hiện thực rồi mà chúng ta không hề hay biết.
Trích dẫn truyện:
– “Chả hứng thú gì nhưng thôi cũng được. Ít ra là có cớ để bước ra khỏi căn phòng này. Tôi luôn phải mượn một động lực nào đó từ người khác để thấy có vẻ như đang hiện diện ở thực tại này. Có một anh chàng để yêu, đam mê một cái gì đó, say sưa với những ý tưởng cải tạo thế giới, nỗ lực để đạt tới một hình ảnh hoàn hảo… Tất cả! Tất cả những thứ đó chẳng qua là tôi tự mua dây buộc mình, không thì tôi đã chết từ lâu rồi. Có thể là vì hèn, vì ẩn sâu vẫn còn ít nhiều nỗi sợ chết, nhưng có một lập luận luôn ám ảnh tôi: “Chết… Rồi sao?”. Sau cái chết là cái gì? Lại tiếp tục tất cả những tình trạng như bây giờ sao. Nghĩ đến đó, tôi hết cả hứng với cái chết.”
– “Những cái chạm càng sâu sắc thì càng khiến ta đau đớn. Và thật mỉa mai, trong đau đớn ta nhận ra rằng chẳng có gì là thật cả. Đôi khi thầm nghĩ, giá như ta đừng chạm vào bất cứ thứ gì của thế giới này, thì có thể ta không cảm nhận thấy sự lụi tàn của nó, và ta sẽ chẳng có bất cứ sự đau đớn nào.”
Một số phản hồi của độc giả khi đọc “Bên kia cánh cửa”
1 Bình luận