Home Bình Luận Tìm lại giao cảm tại các đô thị sau thời kỳ biệt lập vì dịch bệnh

Tìm lại giao cảm tại các đô thị sau thời kỳ biệt lập vì dịch bệnh

“…cuộc sống đô thị luôn tồn tại lâu hơn dịch bệnh, nhưng không phải thành phố nào cũng được như vậy…” (Trích “Sinh tồn của đô thị”/Tác giả: Edward Glaeser & David Cutler/ Bản dịch của Book Hunter, NXB Đà Nẵng,2022)

Thế rồi, dịch bệnh Covid-19 cũng dần dần bị đẩy lùi, và nhân loại bắt đầu rời khỏi bốn bức tường an toàn. Nếu như những ngày đầu của dịch bệnh từng khiến chúng ta xáo trộn, vừa hoảng loạn vì bị tách khỏi mọi thuận tiện của cuộc sống giao tiếp trực tiếp, vừa bất chợt nhận ra dường như bấy lâu nay mình đã bỏ lỡ những góc sống trong mối quan hệ với gia đình và với chính mình. Hai năm đóng cửa, chúng ta dần dần tìm được sự cân bằng. Các nền tảng trực tuyến thay thế dần cho tương tác trực tiếp: xem phim trực tuyến thay cho rạp chiếu phim, pha chế tại nhà thay cho nhà hàng hay quán xá, phòng họp trực tuyến thay thế cho các sự kiện gặp mặt hay các cuộc họp giao ban, Youtube thay cho sân khấu… Bởi vì hạn chế dần các giao tiếp bên ngoài, thói quen cá nhân dường như cũng thay đổi. Và rồi, bất chợt, Covid-19 bị đẩy lùi, mở cửa bước ra khỏi bốn bức tường, như những tù nhân được trả tự do, bỗng nhiên có đôi phần hụt hẫng.

Ảnh chụp tại Trung tâm Book Hunter – 81B ngõ 592 Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội, địa điểm chúng tôi cùng nhau tìm lại giao cảm đô thị.

Sự rời bỏ nhanh chóng đời sống bị chi phối bởi hệ thống trực tuyến

Cứ ngỡ rằng hai năm dịch bệnh, khi con người đã dần quen với các công cụ trực tuyến, tới nỗi thân thuộc với chúng, để chúng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của mình, và dần khiến lời tiên tri về một viễn cảnh tương lai khi con người chủ yếu giao tiếp, giao lưu và giao thương qua Internet mà Alvin Tofler viết trong “Làn sóng thứ ba” bỗng chốc đổ vỡ. Dù cho bị ngăn trở vì nỗi lo lây nhiễm dịch bệnh vẫn còn, nhưng đại đa số nhân loại vẫn sẵn sàng rời bỏ cuộc sống trực tuyến để bước ra thế giới thực, nơi chúng ta không bị trói buộc sử dụng chỉ hai giác quan Nghe và Nhìn, mà được mở rộng chiều kích của mọi giác quan với Chạm, Ngửi, Nếm và còn hơn thế nữa. Internet dẫu có thể ngày càng thông minh hơn, thuận tiện hơn, nhưng rõ ràng không thể thay thế đời sống thực muôn hình vạn trạng, và con người, bởi vì nằm trong tổng thể của muôn hình vạn trạng ấy, nên một cách tự nhiên, luôn khao khát được giao cảm bằng mọi giác quan.

Do đó, tất nhiên rằng, khi những cánh cửa được mở ra, thì lượng người dùng trực tuyến bỗng giảm đáng kể. Từ đầu năm 2022 đến nay, một loạt các nền tảng công nghệ quốc tế phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu. Zoom – nền tảng họp trực tuyến có doanh thu hàng đầu trong đại dịch, bị rớt thê thảm khi bị mất đi một nửa giá trị vốn hóa thị trường, từ 54 tỷ USD còn 27 tỷ USD. Đời sống tương tác trực tiếp quay trở lại, kéo theo đó là sự hồi phục của các công sở, khiến Zoom trở nên không cần thiết. Theo GenK thống kê, không chỉ Zoom, những “con cưng” một thời của đại dịch như Netflix, Docusign…đều sụt giảm trầm trọng. Nếu người dùng mất rất nhiều công sức để làm quen với đời sống trực tuyến, thì giờ đây, họ rời bỏ chúng nhanh chóng. Sự rời bỏ này cho thấy rằng, các nền tảng trực tuyến thực sự chỉ là một phương tiện, và phương tiện sẽ được sử dụng khi chúng hữu ích với nhu cầu chuyên biệt của mỗi nhóm người. Chúng không hoàn toàn vô dụng, nhưng chúng không thể thay thế được đời sống hiện hữu với những giao cảm phức hợp.

Khi cuộc sống đô thị quay trở lại…

Không giống như nông thôn, các đô thị là nơi tập trung dân cư với mật độ lớn và sự giao tiếp, giao lưu, giao thương liên tục diễn ra. Đại dịch cũng vì thế mà luôn bùng phát ở các đô thị, và khiến đời sống của các đô thị trở nên hỗn loạn. Những nhân công với mức thu nhập trung bình hoặc thấp mất đi cơ hội việc làm, tình hình an ninh bất ổn, tâm lý con người trở nên chông chênh hơn. Nhưng song song với sự vui mừng của người dân đô thị khi mở cửa, thì vẫn có đâu đó rất nhiều bất ổn. Hình như, con người không chỉ cần giao tiếp, giao thương, giao lưu… mà còn cần cả sự giao cảm. Các mối tương tác hời hợt và hào nhoáng không còn có thể hấp dẫn người dân đô thị như xưa nữa. Một khi người dân đô thị được trải nghiệm bữa cơm ngon lành bên gia đình thì sẽ không thể dễ dàng thấy hạnh phúc với quán ăn phong cách văn phòng đơn thuần, hay khi đã nếm hương vị của một tách cà phê đặc sản thủ công thì không dễ dàng gì hài lòng với những tách cà phê được pha thiếu cá tính. Những sự kiện mà diễn giả thao thao bất tuyệt không khác gì giảng bài trên Zoom không còn có thể thu hút người đến nghe. Quá trình tương tác giữa người với người trong đô thị, cách tác động tới cảm xúc của nhau, chắc chắn sẽ không còn giống như trước đại dịch.

>> Đọc thêm: Chiến thắng của đô thị hay sự thất bại của thị dân? – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)

Ngay trước đại dịch, đa phần người dân đô thị đều đang mường tượng rằng cuộc sống cứ vận động theo trật tự giao tiếp hằng ngày, không thể thay đổi. Dịch bệnh khiến chúng ta nhận ra rằng, hóa ra bấy lâu nay họ chưa được dạy cách yên lặng để giao tiếp với chính mình, chưa được biết cách sử dụng nhiều thời gian rảnh rỗi, thậm chí còn không biết cách tương tác với những người cùng gia đình. Không ít người đã thất bại trong học cách sống biệt lập, dẫn đến đổ vỡ, trầm cảm, đau đớn… Nhưng cũng không ít người nâng cao chất lượng sống nhờ nhận ra rằng hóa ra không phải sự giao tiếp nào cũng có tính giao cảm. Và thay vì quay trở lại quỹ đạo cũ trước COVID-19, họ có đòi hỏi cao hơn về chất lượng đô thị. Rác và nước thải trở nên khó chấp nhận hơn, bởi vì trong giai đoạn biệt lập, chúng ta không phải nhìn thấy chúng khi đi trên đường phố. Không gian xanh thoáng đãng với không khí sạch cần thiết hơn bao giờ hết, bởi chúng ta đã quá mệt mỏi với bốn bức tường khi chạy trốn căn bệnh hô hấp. Những người bạn có lẽ cũng cần trò chuyện trực tiếp có chiều sâu hơn, bởi vì những bàn luận thông thường hóa mang tính chất cung cấp thông tin hóa ra chỉ cần thông qua chat…

Tất cả những đòi hỏi như vậy, chắc chắn sẽ buộc các đô thị phải chuyển mình, bởi vì, đô thị còn có thể là gì khác ngoài người dân? Đô thị không phải là những tòa nhà và những con đường, mà là môi trường sống của một lượng dân cư rất lớn. Không phải vì xây một con đường mà một đô thị có thể hình thành, mà là vì nhu cầu của con người cần tập trung ở một chỗ nhất định nhờ ưu thế nào đó, mà các hoạt động giao tiếp, giao lưu, giao thương diễn ra liên tục, tới mức hạ tầng cơ sở (trong đó có đường phố) buộc phải được xây dựng để phục vụ. Khi cư dân đô thị không chỉ coi đô thị như một nơi để kiếm sống bằng cách bán hàng, bán dịch vụ, và bán sức lao động của mình, mà coi đó như một chỗ trú chân lâu dài, thì chắc chắn sẽ đòi hỏi cao hơn ở đời sống đô thị. Khi đô thị không đáp ứng được những nhu cầu ấy, cư dân chắc chắn sẽ tìm cơ hội rời khỏi để tới ở các đô thị khác đáng sống hơn. Trong tác phẩm “Chiến thắng của đô thị”, nhà kinh tế học Edward Glaeser đã chỉ ra rằng lực hút đến đô thị không phải chỉ là mục tiêu kiếm sống, mà còn là những tiện nghi, cơ hội được trải nghiệm các sản phẩm chất lượng cao (đôi khi xa xỉ), nhu cầu được tiếp xúc với những người có tri thức và ý tưởng mới lạ, và mong muốn được học hỏi cũng như sáng tạo… Ông còn chứng minh rằng, những đô thị tại Mỹ chỉ phục vụ nhu cầu kiếm sống và làm giàu, dẫn tới môi trường sống tệ hại, đời sống thiếu văn hóa tinh thần và tri thức… đều dẫn tới thất bại.

Nhưng sự quay trở lại của đời sống tiếp xúc trực tiếp không đồng nghĩa với sự cáo chung của nền tảng trực tuyến, ngược lại, nó sẽ thúc đẩy các nền tảng công nghệ trở nên thông minh hơn và cần thiết cho đời sống hơn. Internet thay vì trở thành nơi trốn chạy của những người chán ghét thế giới thực, thì giờ đây trở về đúng với vai trò thiên bẩm của mình, giúp đời sống trở nên thuận tiện hơn, ưu việt hơn, nhanh chóng hơn. Điều đó chắc chắn sẽ khiến những nhà phát minh công nghệ buộc phải phát triển các tính năng phục vụ đời sống, thay vì sa đà vào việc tạo tác một thế giới giả lập sao cho giống với đời sống bình thường để rồi thu hút đám đông sử dụng.

Chúng ta mới chỉ ở trong giai đoạn đầu tiên sau cơn hoảng loạn vì dịch bệnh, các đô thị mới chớm bước vào phục hồi, vì thế, đa phần người dân đô thị vẫn chỉ đang học cách giao cảm với những người mình tiếp xúc, với chính đô thị mình đang sống. Chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ, dù rằng như thể chúng ta đang quay lại với đời sống cũ. Đơn giản bởi vì, những công sở vẫn có đó, con đường vẫn còn đó, ngôi nhà vẫn thế, nhưng chúng ta thì chắc chắn đã khác xưa!

Hà Thủy Nguyên

Bài đã đăng trên An ninh thế giới giữa & cuối tháng.

>> Đọc thêm: Tiếng ồn trong các đô thị – suy giảm sức khỏe, thiệt hại kinh tế & văn hóa tụt hậu – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)

Chiến thắng của đô thị hay sự thất bại của thị dân?

Mỗi khi đọc lại “Chiến thắng của đô thị” của nhà kinh tế học Edward Glaeser, tôi luôn nghĩ rằng có lẽ tác giả nên đổi tên cuốn sách thành “Sự thất bại của thị dân”. Vâng, những thị dân quần tụ trong các đô thị đông đúc và phồn thịnh đã thất bại trong cuộc tìm kiếm một cuộc sống thịnh vượng hơn, xanh hơn, lành mạnh hơn. Các đô thị trên thế giới, mà Việt Nam cũng nằm trong số đó luôn được

“Giặc xấu” bắt đầu tàn phá Hội An?

Bài viết lên án dự án Công viên Ấn tượng và chương trình thực cảnh Ký ức Hội An Những ngày tháng 4 vừa qua, dư luận báo chí xôn xao về sự tàn phá môi trường và cảnh quan của dự án Công viên Ấn tượng và chương trình thực cảnh Ký ức Hội An trong khu vực Phố Cổ Hội An. Ở bài viết này tôi sẽ không đề cập đến vấn đề pháp lý hay những nguy hại về môi trường mà

Đô thị học tập – Nền tảng cho mọi định hướng phát triển

Bước chân tới một đô thị với những tiện nghi hiện đại và những tòa nhà bề thế, chúng ta dễ dàng bị choáng ngợp bởi sự phồn hoa và văn minh cùng dòng người và dòng tiền lưu thông liên tục, nhưng chúng ta ít khi để ý tới những yếu tố làm nên sự thịnh vượng đó. Đến nay, các nhà nghiên cứu đô thị học chắc chắn không còn ai ảo tưởng rằng những tòa nhà và hệ thống giao thông tạo nên

Đi tìm “tính Việt” trong những tách trà

Nằm trong khu vực có khí hậu và thổ nhưỡng tốt cho sinh trưởng của cây trà, nhưng đến nay trà Việt vẫn loay hoay trong định vị văn hóa của mình trên bản đồ thế giới. Trong “Trà Kinh”, Lục Vũ viết về nguồn gốc của trà  như sau: “Trà là giống cây quý phương Nam”( Trần Quang Đức dịch), phương Nam ở đây ám chỉ một dải đất rộng lớn từ phía Nam sông Dương Tử, kéo dài xuống Ấn Độ và bán

Tiếng ồn trong các đô thị – suy giảm sức khỏe, thiệt hại kinh tế & văn hóa tụt hậu

Tập hợp một lượng lớn dân cư trong một không gian nhỏ hẹp như các đô thị, một mặt vừa tạo ra cơ hội, nhưng mặt khác lại gây ra rất nhiều nguy cơ lớn như dịch bệnh, chất thải, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội… Trong nhiều thế kỷ sinh tồn, không chỉ học giả mà ngay cả những cư dân có trình độ thấp mưu sinh tại các đô thị đều nhận thức được các nguy cơ này, nhưng gần như,