Ý tưởng khu vườn luôn là trọng tâm của đạo Islam với mục đích mang lại hi vọng – vì thiên nhiên quá đẹp đẽ – và nhuốm sầu muộn thẳm sâu – bởi bản thân cuộc sống không bao giờ có thể trở nên hoàn hảo.
Đối với người Islam, thế giới mà chúng ta đang sống luôn chìm trong khaṭīʾa hay tội lỗi. Không một tổ chức hay thiết chế nào của con người mà không mắc lỗi lầm hoặc sai trái đâu đó: ghen tị, bướng bỉnh, cuồng nộ và thiếu vị tha ngập tràn. Chỉ sau khi chết, chúng ta mới có thể hy vọng thoát khỏi cơn cuồng nộ và thống khổ; chỉ ở jannah, hay thiên đường, chúng ta mới được toàn mãn. Theo Qur’an, ở thiên đường sẽ có những dòng sông tuôn chảy, hoa thơm, dòng nước và sữa ngọt lành không bao giờ cạn, những chiếc cốc vàng, những tri kỷ trinh trắng đồng trang lứa và những hàng đệm nằm dưới bóng mát của cây trái. Tuy nhiên, vì cần một hành trình dài để đạt đến những điều này, người Islam đề xướng một liệu pháp lạ thường giữ chúng ta không mất đi cả sự hài hòa và tuyệt vọng: chúng ta nên trở thành bustani hay người làm vườn. Ai tỉnh thức cần chuyển hướng nỗi tuyệt vọng với thế gian sang kiến tạo một hadiqa, hay khu vườn khép kín. Trong chu vi giới hạn, với sự chừng mực phù hợp, khu vườn được phú cho dáng vẻ của vườn địa đàng. Khu vườn của chúng ta cũng có nước tuôn chảy, những hồ nước trong veo phản chiếu, bồn hoa đối xứng, cây trái và chỗ ngồi. Nơi đâu nền văn minh Islam truyền tới, các khu vườn cũng theo đó mà nhân rộng, và ở những vùng khô hạn hơn, nơi cây cối không thể đâm chồi nảy lộc, hoa và cây cối được biểu hiện trên thảm, với chức năng tương tự như khu vườn di động thu nhỏ, có thể phủ trên lưng lạc đà. Khi người Islam đến miền nam Tây Ban Nha, khí hậu đã cho phép họ tạo ra những mảnh vườn khiến chúng ta đến nay vẫn ngỡ ngàng và mê đắm.
Một khảo sát đáng chú ý về công việc làm vườn cho thấy, hầu như những người trên 65 tuổi đều có sự quan tâm, và chẳng mấy ai ở độ tuổi thanh thiếu niên tỏ vẻ thờ ơ. Sự khác biệt không phải là ngẫu nhiên. Nhìn chung, sự nhiệt tình của một người đối với công việc làm vườn tỉ lệ nghịch với hy vọng vào cuộc sống. Chúng ta càng tin rằng toàn bộ sự tồn tại có thể trở nên hoàn hảo, rằng tình yêu và hôn nhân có thể bình dị, rằng sự nghiệp của chúng ta là phần thưởng vật chất và tôn vinh chúng ta một cách hữu hình, chúng ta càng ít có thời gian cho những luống nguyệt quế hoặc cỏ xạ hương, oải hương hay hương thảo. Tại sao chúng ta lại để những phiền nhiễu nhỏ nhặt ấy giam cầm chúng ta khi điều toàn hảo lại ngay trong tầm tay? Nhưng vài thập kỷ trôi qua, hầu hết những ước ao của chúng ta hầu hết có lẽ đã thành công, phần lớn những gì chúng ta đặt niềm tin đều tất bại ở cả khía cạnh sự nghiệp hay mơ mộng, và tại thời điểm đó, chúng ta có thể sẵn sàng nhìn nhận ở góc độ khác, đồng cảm hơn, đôi mắt được xoa dịu bởi hàng bách và rặng sim, phong lữ và hoa loa kèn trong thung lũng. Công việc làm vườn sẽ không còn là khoảng xao lãng nhỏ nhoi khỏi số phận hùng vĩ, mà là nơi trú ẩn khỏi giông tố và tuyệt vọng. Người Islam rất khôn ngoan trước các tham vọng của bản thân. Các tín đồ không được khuyến khích tự cày xới nông trang của mình, cũng phải chỉ chúi mũi vào ô hoa bên cửa sổ. Quy mô được cân chỉnh cẩn trọng: không quá lớn để sa lầy trong chi phí không thể đảm đương và bộ máy vận hành, cũng không quá nhỏ đến mức khiến chúng ta bẽ mặt và buồn lòng. Khu vườn trở thành một ngôi nhà hoàn hảo cho những thú vui còn sót lại giữa thế gian rối bời; đó là nơi chúng ta có thể chỉnh trang để chiêm ngưỡng những hòn đảo của cái đẹp ngay khi chúng ta nhận ra và buồn bã chèo lái giữa bể khổ.
Allain de botton
Hà Thủy Nguyên dịch
Bài gốc: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/the-wisdom-of-islamic-gardens/
*Nguồn ảnh minh họa: Một ngôi nhà được thiết kế bởi António Tomás Fonseca vào năm 1860 theo phong cách kết hợp giữa phong cách lãng mạn và tân Moorish do account Daniel Arrhakis đăng tải trên Flickr.