Home Tác phẩm & Dự án Tuyển tập “9 nhớ 10 thương 24h nhảm nhí – những ghi chép không biết gọi là gì”

Tuyển tập “9 nhớ 10 thương 24h nhảm nhí – những ghi chép không biết gọi là gì”

Tuyển tập “9 nhớ 10 thương 24h nhảm nhí – Những bài viết không biết gọi là gì”

Tác giả: Hà Thủy Nguyên

Thời gian sáng tác: 2020 – 2022

Số trang:  196 trang khổ 12X20,5

Xuất bản lần đầu năm 2024, NXB Hội Nhà Văn & Book Hunter ấn hành

Tìm hiểu & Đặt sách: Ra mắt: “9 nhớ 10 thương 24 giờ nhảm nhí” của Hà Thủy Nguyên – Book Hunter Lyceum

 Tổng quan nội dung:

9 NHỚ 10 THƯƠNG 24 GIỜ NHẢM NHÍ là một trong những sáng tác đầy thách thức của Hà Thủy Nguyên, bởi nó không đi theo những khuôn mẫu quen thuộc mà chính tác giả đã đặt tên là “những ghi chép không biết là gì.” Cuốn sách như một dòng chảy tư duy tự do, đan xen giữa sự mơ màng của thơ ca, chiều sâu của triết học và sự khắc khoải của cuộc đời. Từng chương là một mảnh ghép riêng biệt, cùng tạo nên bức tranh đa sắc về những cung bậc cảm xúc và suy tưởng trong hành trình làm người.

Sách được chia thành bốn phần: “9 nhớ”, “10 thương”, “24 giờ nhảm nhí” và “Rớt thêm vài cơn mơ”. Mỗi phần mang đến một màu sắc riêng, tựa như những lát cắt của cuộc sống và tâm hồn. “9 nhớ” dẫn dắt người đọc qua những miền cảm xúc sâu lắng, nơi cơn say của thơ ca, những ngày trống rỗng và cả ánh sáng mờ ảo trong các lễ hội hóa trang được phác họa với ngôn ngữ giàu hình ảnh và chiều sâu triết lý. Ở đó, Hà Thủy Nguyên gợi lên những trạng thái tâm hồn đầy mâu thuẫn – vừa giằng xé vừa an yên, vừa hiện thực vừa mơ hồ, khiến người đọc như lạc bước vào một thế giới song song của chính mình. Trong “10 thương,” tác giả dồn nén những trăn trở, đau đáu về đời sống. Từ những cơn mưa thoáng qua đến những suy tư về sự sống và cái chết, mỗi bài viết là một mảnh ghép đầy suy tư về kiếp nhân sinh. Không tô hồng hay bi lụy, Hà Thủy Nguyên phơi bày sự mong manh của đời người, để rồi từ đó, người đọc nhận ra những giá trị sâu sắc ẩn trong từng khoảnh khắc hiện hữu. “24 giờ nhảm nhí,” lại là một bức tranh hỗn loạn nhưng đầy sức sống của đời sống hiện đại. Dưới ngòi bút của Hà Thủy Nguyên, những điều tưởng chừng vụn vặt, ngẫu nhiên lại trở thành những khúc ca sống động về nhân sinh. Đây là nơi cảm xúc và tư duy hòa quyện, nơi cái đẹp được tìm thấy ngay cả trong sự hỗn độn. Phần cuối, “Rớt thêm vài cơn mơ”, như một lời tự sự nhẹ nhàng nhưng ám ảnh, dẫn dắt người đọc đi qua những cung bậc cảm xúc sâu kín nhất. Đó là những khoảnh khắc khi con người đối diện với chính mình, giữa những giấc mơ dang dở, những nỗi đau chưa kịp lành và những khát vọng vẫn âm ỉ cháy trong lòng. Phần kết để lại dư âm lặng lẽ, tựa như một giấc mơ chợt tan nhưng vẫn lưu lại trong lòng người đọc những câu hỏi không lời đáp về ý nghĩa của tồn tại.

“9 nhớ 10 thương 24h nhảm nhí” trên truyền thông:

Video buổi ra mắt sách:

Các bài báo:

Khi ta viết như “không biết là gì” | Tác giả – tác phẩm | Tạp chí Sông Lam

Bình luận của độc giả:

Nhà giáo dục Nguyễn Quốc Vương:

Là người đọc tôi thích đọc tản văn. Là người viết tôi cũng lại thích viết tản văn. Mỗi khi đọc một tiểu thuyết gia hay nhà văn viết truyên ngắn nào, thậm chí là thi sĩ tôi đều mày mò đi tìm xem họ có viết tản văn không.

Tôi nhủ thầm mình rằng muốn hiểu nhà văn mà không ở gần họ thì chỉ cần đọc tản văn của họ là hiểu. Ở điểm này tôi tán đồng ý kiến của nhà văn Mạc Ngôn khi ông cho rằng người viết tiểu thuyết rất ngại viết tản văn vì viết tiểu thuyết thì người ta còn bôi phẩm xanh phẩm đỏ, đội mặt nạ để che giấu khuôn mặt của mình nhưng viết tản văn thì khéo mấy cũng phải lộ mặt mình ra.

Và đấy là cái thích khi đọc tản văn.

Viết tản văn thì sướng cái là thích viết gì thì viết, không cần câu nệ hình thức, dài ngắn, bố cục này kia như viết các thể loại khác. Cứ viết búa xua, miễn sao thấy thoải mái, thấy tâm đắc là được. Còn bạn đọc chắc thấy hay là ổn. Đấy là tôi nghĩ thế.

Tiêu đề của tập tản văn này-tôi tạm gọi thế dù chính tác giả cũng không gọi nó là gì cụ thể-đã bao hàm cấu trúc của cuốn sách. Nó gồm ba phần mỗi phần gồm nhiều đoản văn.

Sách in rất đẹp, khổ in thích hợp với việc nằm đọc hoặc mang đi tàu xe. Đọc bài nào cũng tìm được những câu hay hoặc gợi nhiều liên tưởng. Ví dụ:

“Đọc là một cách đối thoại thầm lặng” (Luận thuyết)
“Tinh thần dân tộc cực đoan không phải đại diện cho lòng yêu nước, mà là biểu hiện của thứ mặc cảm thua kém” (Yêu nước)
“Đôi khi cần phải yếu đuối, bệnh hoạn, ốm đau, để tự tách mình ra khỏi những thói quen điên rồ của thời đại” (yếu đuối)

Dịch giả Phạm Danh Việt:

Dù là những đoản văn rời hay tiểu thuyết dung lượng lớn, chị luôn có những góc nhìn mới lạ, quyết liệt. Nhưng điều tôi thích nhất là chị không “cảm tính” với những nhận định của mình, không lung lay trước những “ý kiến” cả tốt cả xấu, như các nghệ gia thường mắc phải. Tôi chúc chị mãi mãi cứ sắc nhọn như thế, mãi mãi là con ong sẵn sàng châm chích vào mọi sai trái trong cuộc đời.

Nghệ nhân trà Nguyễn Truyền:

“9 nhớ 10 thương 24h nhảm nhí ở tựa đề cuốn sách trùng với chương mục của cuốn sách, có thể đọc lộn xộn bất cứ trang nào cũng thấy sự suy tư chiêm nghiệm từng trải sâu sắc. Hà Thủy Nguyên đã nhai nuốt, nghẹn rất nhiều tư tưởng đông tây kim cổ, trường phái triết học, tâm linh. Chúc mừng em đã tiêu hoá được, thoát được sự “táo bón” tâm trí, phân mảnh tư tưởng – nơi xuất hiện thời gian tâm lý và các nỗi đau tâm lý.

Định góp ý câu này với Thuỷ Nguyên trước đây mà chưa dám bỗ bã, nay thấy nàng tự thú nên cứ mạnh dạn té nước theo mưa 🤣

Cuốn sách hay, mà mỗi trà nhân sẽ pha trà ngon hơn(#9 Trà đạo vô ngôn thấu suốt lẽ nhàn), những người ưa phản tỉnh khi đọc sẽ thoát ra khỏi nhiều bẫy tư tưởng đã tự khoác lên mình.”

Bạn đọc Vũ Thị Thương Thương, chủ Đu Đủ Coffee

Niềm an ủi giữa chuỗi ngày bộn bề và chông chênh là đọc những trang sách không đầu không cuối, không trình tự, không cần logic nhưng khúc chiết, nội lực và mênh mông. Tôi muốn dành cho mình một khoảng nhỏ của Tết để nghỉ ngơi. Trạng thái “rỗng” trong “9 nhớ 10 thương 24h nhảm nhí” của chị Hà Thủy Nguyên giúp tôi được êm đềm trôi theo dòng nước. Nếu bạn thích bơi, hẳn bạn sẽ một lần ao ước khi bơi ở biển gặp cơn mưa rào. Cảm giác gặp mưa bất chợt ấy vừa sảng khoái vừa đẹp đẽ, vừa hào hứng vừa thách thức. Đấy chính là cảm giác của tôi mỗi lần mở cuốn sách nhỏ này ra.

Trích dẫn trong sách:

“Viết đi viết lại một vài kiểu nội dung, nhiều tới mức bất an, tới mức thấy nghi ngờ: Nghi ngờ toàn bộ nội hàm của những câu từ ấy. Điều gì đứng sau những ý tưởng này? Điều gì đứng sau dạng tri thức này? Điều gì chi phối toàn bộ các thông điệp này?

Ngòi bút không phải bị uốn cong, thứ bị nhào nặn, bóp méo, lỗ chỗ lồi lõm chính là lương tâm của kẻ viết.

Tay ta đang viết, hay ta chỉ là một con búp bê bị bấm nút điều khiển bởi vô hình. Không có sợi dây để nhận thức được rằng mình là con rối. Lương tâm chẳng đủ sáng để nhân biết kẻ bấm nút. Lương tâm không đủ mạnh để chống lại kẻ bấm nút. Tất thảy những điều ta thường viết có thể chẳng hề là của ta.

Nào, cả sự sáng tạo. Đi tìm những chân trời nghệ thuật mới, những ý tưởng mới… tất tần tật chỉ là một cơn vùng vẫy. Mơ hồ nhận thấy tất cả những điều này không phải là mình, cố đạp đổ, cố bứt phá, nhưng rồi sẽ lại rơi vào một thứ không phải là mình khác.”

(Bài “Ai viết”)

 

“Có những ngày trống rỗng trôi qua. Thời gian trở nên không quan trọng. Mọi thứ vèo vèo trôi đi trước mắt. Tôi cảm nhận thấy toàn bộ sự vô nghĩa của cuộc đời mình. Phải rồi, có điều gì có nghĩa đâu. Tất cả những cơn tham vọng, tất cả những sân hận, tất cả những đam mê níu bám. Chúng trống rỗng như ngày hôm nay, và cũng trống rỗng như nhiều ngày khác nữa.

Lời này cũng trống rỗng. Tất cả chỉ là một cơn yếu đuối thừa mứa của tinh thần. Một bài thơ tuyệt đẹp hay lời gào thét bệnh hoạn rồi cũng chỉ là thanh âm tõm xuống hư vô. Đứng trước mênh mang, vô tận của vũ trụ, sự nỗ lực của đời người bỗng mờ nhạt, tựa hồ giọt sương dưới ánh nắng, long lanh đấy, nhưng rồi cũng biến mất.

Nhưng nếu không có ánh nắng, giọt sương liệu có long lanh đến thế chăng? Nỗ lực có đẹp chăng nếu ta không thấm thía được sự vô nghĩa của tất thảy? Ta là ánh nắng hay giọt sương? Nếu chỉ vì sợ hãi trước mênh mông vô nghĩa kia thì con người tồn tại làm gì nữa? Bông hoa đâu cần phải nở, sơn ca đâu cần phải hót, ta đâu cần phải trải nghiệm tất cả điều này… Đây có phải lời của nỗi sợ mênh mang đang tự an ủi bản thân? Có phải ta vẫn cần bám víu vào một mục đích nào đó, một lý tưởng nào đó, thậm chí là một cơn đau nào đó để cố lý giải cho sự tồn tại của bản thân và thế giới.”

(Bài “Trống rỗng và mỉm cười“)

 

 

Tym Biu Đinh – Đừng hành xác nhau, đôi khi chỉ cần nhẹ nhàng thư giãn vậy thôi

Cứ mỗi đợt hè đến hoặc các dịp nghỉ lễ, các công ty lại biến kỳ nghỉ của nhân viên thành một thứ Tim Biu Đinh (teambuilding), mà có lẽ không ít nhân viên cảm thấy bức xúc, khó chịu vì các trải nghiệm tồi tệ của các hoạt động như vậy. Những trò hành xác, động chân động tay, hô khẩu hiệu, nhảy nhót tưng tưng như lũ dở hơi là hình ảnh quen thuộc trong các cuộc Tim Biu Đinh của đại đa

Qua sông Bạch Đằng

Trắng sóng xương anh hùng rục Chẳng qua một kiếp phù sinh Nào sân hận Nào vì nước vì dân Mờ mờ ảnh ảo mịt mùng Ai ơi hiến tế ngàn ngàn sinh mạng Cho tranh đoạt của kẻ điên Lửa nguội tắt sóng bạc đầu Ta vẫn còn xanh mái tóc Nực cười thay… Nào những kẻ tụng ca máu đổ Nào những kẻ tham luyến cơ đồ Ta thay hồn oan Dẫm lên cọc nhọn Máu ứa hồng tẩy rửa bi thương Chớp

Bạn bè xa

Phố xa bạn bè xa ướt nhạt mưa lưa thưa số phận mây mù giăng ảo hóa tình đờiHoa nào rơi ta nào rơi sợi lơi buồn lòng người chìm nổi bao phenQuay đầu lại tấc lòng đà đổi mặt cũ mới chẳng ai quen Bất chợt thời gian, nghiệp duyên tráo trởHở một vầng trăng điên loạn giang hồTrà nhạt lạnh lẽo vị suông Mưa dùm lay hơi dùm bayTa chẳng say cơn vui hội ngộMàu biệt ly nhuốm đỏ sơn hà Ai qua

Cà phê chiều nguội anh hùng

Nghe tin Stan Lee qua đời Chuyện đời lướt qua Kẻ cao giong rít lên điều nhạt nhẽo Những lời vô nghĩa vãi vương Ly cà phê đã nguội Ai thương đâu buổi chiều đang cạn Ai thương đâu một kẻ ơ hờ Thèm phút giây vắng lặng Thèm im ắng Như mây   Tôi đã ngồi đây Đầu thế kỷ điêu tàn Ếch nhái đầy đường, anh hùng vắng bóng Cuồng nhân rêu rao cứu thế Tội đồ điên loạn vênh vang Ôi những

“ Zorba Phật” – Con người mới, tôn giáo mới

“Zorba Phật” là khái niệm được Osho đưa ra trong các bài thuyết giảng của mình vào năm 1978. Năm 1979, tại thính đường Trang Tử, ông đã luận giải về khái niệm này.  Trong số các tác phẩm văn chương, Osho đặc biệt hứng thú với “Zorba – Tay chơi Hy Lạp” của Nikos Kazantzakis. Cuốn tiểu thuyết kể về tình bạn sâu sắc giữa Zorba – đại diện cho chủ nghĩa khoái lạc Dionysus và nhân vật “tôi” – đại diện cho chủ