Home Bình Luận Xem “Arrival”, nghĩ vài điều về thời gian và ngôn ngữ

Xem “Arrival”, nghĩ vài điều về thời gian và ngôn ngữ

Mới đầu năm 2017, các nhà làm phim Holywood đã cho ra đời hai bộ phim “siêu ảo” về dòng thời gian và những thông tin lưu chuyển tương ứng, đó là “Assassin’s creed” và “Arrival”. Tôi thích thú với “Assassin’s creed” hơn nhưng tôi sẽ không viết về nó bởi nó dường như vẫn đang dang dở. Tôi sẽ viết về “Arrival” không phải vì tôi thích nó mà vì những gì tôi thấy nực cười ở bộ phim này, và những lý giải về thời gian và ngôn ngữ của bản thân để phủ nhận những lý thuyết mà phim đề cập đến.

“Arrival” kể về một cuộc đổ bộ của người ngoài hành tinh trong hòa bình với mục đích hướng dẫn người dân thế giới cách học ngôn ngữ của họ với lời dụ rằng nếu học được thì sẽ có khả năng tư duy thời gian phi tuyến và nhìn được tương lai. Bộ phim này hẳn sẽ hấp dẫn những ai quan tâm đến triết học ngôn ngữ hay vật lý lý thuyết (Thật thâm ý khi chọn cặp đôi chính là một nhà ngôn ngữ học và một nhà vật lý lý thuyết). Nữ nhân vật chính, nhà ngôn ngữ học Louis Banks và nam nhân vật chính Ian Donnelly là một điển hình của các cặp đôi trong phim người ngoài hành tinh xâm lược Trái Đất. Họ có đủ kiến thức để giải mã ngôn ngữ của người ngoài hành tinh và phải sống trong môi trường quân ngũ, nói những chuyện đòi hỏi chuyên môn cao với những kẻ lãnh đạo không hiểu gì (lại một mô tuýp quen thuộc nữa) và những anh lính máu chiến. Trong lúc say sưa giải mã ngôn ngữ ngoài hành tinh thì tình hình chính trị của thế giới đã “loạn xì ngầu” bởi không khí hoảng sợ trên truyền thông và những tin đồn của các giáo phái. Bộ phim hoàn toàn có thể hay hơn nếu tất cả những yếu tố đó được tận dụng để lột tả một thế giới loài người ngu xuẩn thay vì xoáy sâu vào cơn mộng mị giữa quá khứ – hiện tại – tương lai của Louis Banks và những câu đùa cợt của Ian Donnelly. Tôi đã kỳ vọng rằng Louis Banks sẽ có nhiều cảm xúc hơn những cơn hoảng loạn và Ian Donnelly sẽ tận dụng được sở trường vật lý lý thuyết của anh hơn là đi đi lại lại chạy theo em Louis. Tôi cũng kỳ vọng bộ phim sẽ đan cài được bàn cờ chính trị một cách trung thực, nhưng phim lại đi vào một lối mòn tư duy kiểu nước Mỹ sẽ có đường lối chân chính – hòa giải, còn các quốc gia khác trên thế giới chỉ là lũ ngu xuẩn chạy theo cơn hiếu sát của Trung Quốc và Nga – chiến tranh. Một người bạn của tôi khi xem phim đã cười khẩy và nhận xét: “Bọn làm phim này không hiểu gì về tư duy chính trị của Trung Quốc. Bọn Trung Quốc trong bối cảnh ấy sẽ khích cho Mỹ tuyên chiến trước chứ chả dại gì mà tuyên chiến. Hoặc là bắt tay với người ngoài hành tinh để mượn lực tiêu diệt Mỹ.” Cũng là một ý hay! Nhưng thôi, tất cả những điều tôi phàn nàn chỉ là chi tiết nhỏ. Điều tôi quan tâm hơn cả là các lý thuyết mà phim này đặt ra.

Thứ nhất, khi học một ngôn ngữ thì não bộ của bạn sẽ được sắp xếp theo ngôn ngữ ấy. Điều này hoàn toàn đúng. Học một ngôn ngữ mới, nếu chỉ học theo kiểu “Monkey see, Monkey do” thì sẽ không thể hiểu được ngôn ngữ ấy. Thế nhưng nếu nắm được các nguyên tắc bên trong một ngôn ngữ, tức là bạn đã hiểu được cách thức tư duy của những người sử dụng ngôn ngữ ấy. Và khi bạn tiếp nhận bất cứ một loại hình kiến thức nào thì những kiến thức ấy cũng thay đổi cách thức não bộ của bạn vận hành và sẽ thay đổi cách các bạn nhận thức thực tại. Một ví dụ điển hình là chữ tượng thanh và chữ tượng hình. Chữ tượng thanh là sự mã hóa thông tin bằng âm thanh và được biểu hiện qua các ký hiệu mô phỏng âm thanh ấy. Tức là thông tin đã được trừu tượng hóa. Bạn không cần biết về hình thù của cái cây, nhưng khi nghe hoặc đọc chữ “Cây”, bạn vẫn có thể hình dung được rằng đó là một loài mọc từ đất và có lá xanh, hấp thụ Carbonic rồi thải ra Oxi. Nhưng vấn đề lớn với cách tượng thanh trừu tượng này, đó là nó lệ thuộc vào phần định nghĩa, mà định nghĩa luôn có giới hạn. Khi gặp phải những trường hợp cây không phải có màu xanh thì liệu có phải là cây? Chữ tượng hình, tỉ dụ như chữ Trung Quốc mô tả cây bằng chữ “Mộc”, không phải vẽ một cái cây mà vẽ các nguyên lý của cây với thân, rễ và cành. Tất cả các cây đều có đủ ba bộ phận này. Chữ tượng hình không trừu tượng hóa chỉ biểu tượng hóa mà thôi.  Học chữ tượng thanh, cách nhận thức thực tại của chúng ta sẽ theo lối diễn dịch tuyến tính bởi phụ thuộc và dòng chảy âm thanh trong khi nghe nói của chúng ta. Học chữ tượng hình cho ta cái nhận thức thực tại theo lối nguyên lý của sự vật, sự việc và trạng thái. Và cũng đôi khi chữ tượng hình áp những nguyên lý ấy lên cách ta nhận thức chứ không chắc rằng ta nhận thức được bản chất. Việc này rất vi tế và chỉ khi rất cảnh giác với những gì ta tiếp nhận trong não bộ mới có thể phát hiện ra được.

Trong “Arrival”, nhà ngôn ngữ học Louis Banks cho rằng ngôn ngữ của người ngoài hành tinh với xúc tu ấy là ngôn ngữ tượng hình. Vậy khái niệm “hình” ở đây nên được hiểu như thế nào trong khi những biểu hiện của ký tự được mô tả là vòng tròn với các vệt xước khác nhau. Những vết xước này khá giống đồ thị dao động của sóng âm. Những “hình” mà chúng nhìn thấy sẽ là các tần số dao động của vật chất, giống như dơi. Như vậy, thứ chúng nhìn thấy là “hình” của sóng chứ không phải cái biểu hiện của vật chất qua không gian và ánh sáng phản chiếu trong mắt của chúng ta. Nhận thức thế giới ở dạng sóng nên những người ngoài hành tinh này cũng phát âm dưới dạng sóng với những tiếng “Aum” quen thuộc mà các trường phái tu Ấn Độ và Tây Tạng vẫn sử dụng. Học loại ngôn ngữ này, bản chất là học cách nhận thức thế giới bằng các rung động của sóng. Loại tượng hình này khác hẳn với tượng hình của Trung Quốc hay Ai Cập…v…v… và cũng không phải là tượng thanh. Khuôn chữ của người ngoài hành tinh luôn có hình tròn, gợi cho ta liên tưởng tới sóng âm luôn truyền đi theo hình cầu. Điều này càng khiến tôi tin rằng người ngoài hành tinh trong “Arrival” tư duy ngôn ngữ theo hình của sóng âm.

Vậy thứ chữ tư duy bằng sóng âm này liên quan gì đến thời gian phi tuyến? Bộ phim nhắc đi nhắc lại rất nhiều về thời gian phi tuyến. Trong phim, Louis Banks luôn bị ám ảnh bởi đứa con đã qua đời vì ung thư của mình. Những ám ảnh ấy xen kẽ với hiện thực là cô đang giải mã ngôn ngữ của người ngoài hành tinh. Nhưng đến cuối phim người xem, và cả Louis Banks mới nhận ra rằng đó là tương lai chưa xảy ra. Tương lai ở đây đã bị nhầm lẫn thành quá khứ. Bộ phim lý giải rằng học thứ ngôn ngữ ngoài hành tinh thì sẽ học được cách tư duy phi tuyến về thời gian. Lại một vấn đề phức tạp khác được đặt ra ở đây! Bản chất thời gian là gì? Một tranh luận nhiều nghìn năm lịch sử và chưa bao giờ có lời giải đáp. Tôi sẽ nói những nhận thức của tôi về thời gian. Nếu các vật chất không va đập vào nhau và ở trạng thái tĩnh, thời gian có lẽ sẽ không tồn tại. Thời gian trôi chảy dựa trên một chuỗi các va đập của vật chất. Khi vật chất va đập vào nhau tạo ra các chuỗi sóng âm thì dòng chảy thời gian bắt đầu được hình thành. Thế nên, thời gian trôi đi chúng ta vốn không thể nhìn thấy, nhưng nhìn được các biểu hiện của dòng thời gian. Ví dụ như chúng ta cảm thấy thời gian trôi qua mặt trời lặn, mặt trời mọc; qua hoa nở hoa tàn; qua sự bắt đầu và kết thúc rồi lại tái sinh. Nếu muốn thay đổi dòng chảy thời gian, một cách khoa học viễn tưởng, đó là tác động vào sự va chạm của những vật chất. Như vậy, bản chất thời gian là phi tuyến, là không thể định trước, là có nhiều khả năng. Bởi sự kiện gì diễn ra trong tương lai phụ thuộc vào cách ta tác động vào vật chất. Như thế, cái thứ mà đám người ngoài hành tinh tự nhận là thời gian phi tuyến ấy có thể là cái gì?

Louis Banks nhìn thấy tương lai đã được định sẵn của mình, trong đó cô biết trước được điều mình cần phải nói với một tướng quân Trung Quốc và lặp lại y hệt những gì tương lai diễn ra. Như thế, chẳng phải hiện thực này của Louis Banks đang bị chi phối bởi một tương lai không phải do cô quyết định mà do một thế lực siêu nhiên nào đó đã bày sẵn cho cô? Nếu thực sự thời gian là phi tuyến thì tại sao đám người ngoài hành tinh không dạy cô cách tác động vào vật chất để thay đổi tuyến tính của thời gian. Nếu thời gian là phi tuyến tại sao Louis Banks chỉ có thể đi theo một tương lai duy nhất mà cô nhìn thấy? Tư duy về thời gian của người ngoài hành tinh ở thế kỷ 21 xem ra còn lạc hậu hơn tư duy của Schrodinger trong nghịch lý con mèo. Nghịch lý con mèo có nội dung như sau:

“Một con mèo được nhốt vào trong hòm sắt, cùng với các thiết bị sau (mà con mèo không thể tác động vào): một ống đếm Geiger và một mẩu vật chất phóng xạ nhỏ đến mức trong vòng một tiếng đồng hồ chỉ có 50% xác suất nó phát ra một tia phóng xạ. Nếu có tia phóng xạ phát ra, ống đếm Geige sẽ nhận tín hiệu và thả rơi một cây búa đập vỡ lọ thuốc độc hydrocyanic acid nằm trong hòm sắt và mèo sẽ chết. Nếu trong vòng một tiếng vẫn không có tia phóng xạ nào phát ra, mèo sẽ vẫn sống. Hàm sóng của hệ thống sẽ là sự chồng chập của cả trạng thái con mèo sống và con mèo chết và cả hai trạng thái chồng chập có biên độ như nhau. Trong những trường hợp như thế này, sự vô định của thế giới vi mô đã chuyển sang thế giới vĩ mô, và có thể được giải quyết bằng quan sát trực tiếp. Nó giúp chúng ta tránh phải chấp nhận một cách ngây thơ một “mô hình bị làm nhòe” khi mô tả thực tại. Bản thân các tình huống như thế này không có gì thiếu rõ ràng. Có sự khác biệt giữa một bức ảnh chụp nhòe của vật thể nào đó và một bức chụp rõ nét của đám mây hay sương mù” (Trích bài báo “Hiện trạng của cơ học lượng tử” – E.Schrodinger )

Nghịch lý này cho thấy có nhiều hiện thực song song đồng tồn, hay có nhiều khả năng có thể diễn ra với thực tại. Và người quan sát thực tại cũng có thể tác động vào thực tại. Có nghĩa là thời gian vốn dĩ phi tuyến, cũng giống như không gian vốn dĩ có rất nhiều chiều vậy. Vậy thì sự phi tuyến thật sự là chúng ta, giống như người quan sát, luôn có các cơ hội để chọn tương lai dựa trên các quyết định của hiện tại. Cái gọi là tương lai đã được biết trước bản chất là sự sắp xếp tương tác vật chất theo lộ trình có sẵn. Sự tiên tri về tương lai của cá nhân hay nhân loại bản chất là một lối ám thị về cách sắp xếp vật chất do một thế lực siêu nhiên nào đó (nếu có) lên chúng ta. Những lời tiên tri, hay cảm giác “Deja-vu” chỉ là một lối tự ám thị lên mình và nhân loại một tương lai đã được sắp sẵn. Ai đó đã mượn tay các nhà tiên tri để chúng ta tự ám thị chúng ta. Nếu cá nhân hoặc nhóm người nào đó có ý định tự chọn định mệnh cho mình xem ra sẽ bị sự sắp sẵn này nghiền nát.

Bộ phim cho thấy một sự tuân phục của tác giả và nhà làm phim trước các hiện tượng tâm linh dường như không thể lý giải bằng khoa học, mà cụ thể là hiện tượng tiên tri. Các biểu tượng được sử dụng ưa thích là tiếng “Aum” của những trường phái Mật Tông. Cách giải quyết vấn đề là giải pháp hòa bình và chấp nhận để đám người ngoài hành tinh ấy tác động đến não bộ của Louis Banks bằng việc học tập tư duy ngôn ngữ của chúng. Và đương nhiên, một giấc mơ không tưởng khác: Trung Quốc trở nên hiền lành và quy thuận sự hiểu biết của Mỹ. Người ta đồn đại nhau rất nhiều về các lời tiên tri như của Nostradamus, Vanga, Thomas Cayce…v…v…, người ta phát cuồng vì Astrology, Tử Vi, Tarot, Kinh Dịch…v…v… Người ta có nhu cầu biết trước tương lai được định sẵn. Nhưng người ta không có gan và không đủ tâm sức để luyện tập cách mình tác động và thay đổi tương lai. Đã bảo giờ các bạn tự hỏi tại sao những lĩnh vực xem trước tương lai lại có các quy ước nhất định như thế? Tại sao  có những kẻ tin tưởng vào lời tiên tri và tự cho mình cái sứ mệnh thực hiện lời tiên tri ấy? Bạn sẽ cảm thấy vui vẻ khi mình được sắp trước một tương lai hay thấy nhục nhã vì mình chỉ là con rối của định mệnh?

Giới tâm linh đang can thiệp vào đời sống chính trị và xã hội của chúng ta một cách thái quá. Họ – những kẻ tự cho mình là nhận thức được bản chất của thực tại, tự cho mình cái quyền cung cấp các mẩu thông tin mà thế lực siêu nhiên nào đó chính bản thân họ không hiểu hết tới nhân loại. Họ, trở thành một công cụ để áp đặt định mệnh lên loài người. Họ cung cấp các phương pháp thực tập tâm linh để qua đó ấn định nhân loại thành công cụ cho định mệnh đã được sắp xếp để diễn ra. Tôi chỉ muốn gửi đến họ câu nói của con gái tôi: “Mẹ ơi, tương lai không có thật đúng không? Nếu tương lai có thật tức là nó đã diễn ra, mà diễn ra thì nó là hiện tại”. Những người như tôi và con gái tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể chọn cho mình một tương lai chứ không phải trở thành công cụ của định mệnh.

Hà Thủy Nguyên

“Mê hồn ca”, “Lạc hồn ca”, “Sông núi giao thần” – Ba trải nghiệm nhập định của Đinh Hùng

Thơ Đinh Hùng là một thế giới kỳ quặc, bởi thơ ông không dừng ở cảm xúc, tư tưởng hay thủ pháp. Ông đi xa hơn những cơn điên tinh thần của trường phái thơ Loạn trước 1945 với những Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê. Ông đi xa hơn cả cơn say của người bạn thân Vũ Hoàng Chương. Vậy điểm đến của thơ Đinh Hùng ở đâu? Tôi xin được định vị: cõi siêu nhiên. Cõi siêu nhiên ấy được thể hiện

Cơ chế của những lời tiên tri

Nhu cầu biết trước về một tương lai có thể xảy ra luôn kích thích trí tò mò của con người, bởi thế quyền năng tiên tri là điều được ngưỡng vọng vào bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Thế nhưng, cơ chế để hình thành nên một lời tiên tri không giống nhau, hay nói một cách khác cơ cấu của từng hệ thống quyền năng tiên tri khác nhau rất nhiều. “Tiên tri” có nghĩa là “biết trước”. Chữ “tri”, theo Từ

Lễ Vu Lan, Rằm Tháng Bảy – Cuộc hội tụ của những thế giới người chết Ấn Độ & Trung Quốc

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt, Toát hơi may lạnh buốt xương khô, Não người thay buổi chiều thu, Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng. Đường bạch dương bóng chiều man mác, Ngọn đường lê lác đác sương sa, Lòng nào là chẳng thiết tha, Cõi dương còn thế nữa là cõi âm. Trong trường dạ tối tăm trời đất, Có khôn thiêng phảng phất u minh, Thương thay thập loại chúng sinh, Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người. …

“Mưa rào không mây” – Osho bàn về chứng ngộ của phụ nữ

Nhi nữ đa tình nguyên thị PhậtAnh hùng mạt lộ bán vi Tăng Thời bé, khi đọc hai câu thơ này, tôi rất tâm đắc, tâm đắc một cách vô thức mà không hiểu vì lẽ gì mình lại thích thú đến thế. Tại sao nữ nhi say đắm vì tình thì đích thị là Phật, còn đấng anh hùng quy ẩn lại chỉ nửa là Tăng, trong khi giáo lý của Đức Phật luôn nhắc nhở các tỳ kheo đừng si mê, đừng bám

Quay lại sự sống – Miguel Angel Ruiz

Tôi tỉnh giấcVà không còn như trướcLần đầu tiên,Tôi mở bừng con mắtCon mắt này của tôiTôi đã từng tin có thể nhìn thấy Và thấy rằng mọi điều tôi biết làsự thật rằng không có gì ngoài một giấc mơ giả dối. Rồi như một vì sao rạng rỡThiên Thần của Cái ChếtThiên Thần của Sự Sống trở thànhVà chuyển giấc mơ của tôi Từ một tấn kịch củasợ hãi Thành một vở hài kịch vui thú. Ngạc nhiên chưa, tôi hỏi Thiên Thần“Tôi