Cõi không biết

Đứng trước gương và lảm nhảm:

“Chết, ngủ. Ngủ có thể chỉ là mơ. Hừ! Đây mới là điều khó khăn. Vì trong giấc ngủ của cõi chết ấy, khi ta đã thoát khỏi cái thể xác trần tục này, những giấc mơ nào sẽ tới, điều đó làm cho ta phải ngừng lại mà suy nghĩ. Chính điều đó gây ra bao tai họa cho cuộc sống dằng dặc này! Bởi vì, ai là người có thể chịu được những roi vọt và khinh khi của thời đại, sự áp bức của kẻ bạo ngược, hống hách của kẻ kiêu căng, những nỗi dày vò của tình yêu tuyệt vọng, sự trì trệ của công lý, hỗn xược của cường quyền, sự miệt thị của kẻ bất tài đối với người đức tài nhẫn nhục, khi chỉ cần một mũi dao là có thể đủ đưa mình đến chỗ yên nghỉ.” (“Hamlet” – W.Shakespeare)

Thật chẳng khác nào như một thằng điên. Hamlet giả điên, còn tôi bây giờ giả làm Hamlet. Một kẻ điên đi bắt chước cơn điên của người khác. Cái kẻ đứng trong gương kia và tôi, đâu mới là tôi thật sự? Biết đâu hắn ta cũng đang nghĩ rằng hắn ta đang soi tôi và tôi chỉ là ảo ảnh. Điên xừ nó rồi! Hoặc tôi quá yêu thích cơn điên đến nỗi hoang tưởng về cơn điên của mình như những kẻ điên cứ nghĩ rằng mình tỉnh.

Thôi thì cứ mặc định là tôi tỉnh, và tỉnh đến mức rằng chẳng còn tin tưởng điều gì… Cuộc sống ngoài kia chẳng qua chỉ là tập hợp những vật thể của một giấc mơ lớn miên viễn không bao giờ tỉnh lại được. Còn giấc mơ thật sự thì chắc chắn là mơ rồi, không còn gì để bàn nữa. À không, cái duy nhất mà tôi có thể tin đó là chẳng có gì đáng tin cả. Điên ư? Mơ mộng ư? Nhảm nhí vớ vẩn!

À, mà nhắc đến những cơn mơ… Tôi đã từng lựa chọn việc ngủ nhiều, hình như đấy là việc duy nhất tôi có thể làm để cứu thế giới xuẩn ngốc này. Một lũ người với lập luận rằng: Chúng ta phải cải tạo thế giới và không có thời gian cho việc ngủ. Tội nghiệp thay cho thứ được gọi là “thế giới”… nó sẽ tốt hơn biết bao nếu thiên hạ ai ai cũng thích ngủ như tôi. Thức là phải ăn, phải thở, phải tồn tại. Nhưng bi kịch ở chỗ giấc ngủ chẳng bao giờ là giấc ngủ thật. Giấc mơ thực ra cũng chỉ là một “thế giới” khác mà thôi. Bạn nói rằng: “giấc mơ của tôi”, “giấc mơ của anh”, “giấc mơ của chúng ta”… xin thưa, bạn chả biết cái quái gì về khi mơ cũng như khi tỉnh cả.

Những giấc mơ của vạn vật trên thế giới này nó liên kết chằng chéo lấy nhau như một ma trận vậy. Nếu bạn nằm mơ một khung cảnh với một thư viện đầy sách, có tôi trong đó, tự nhiên lại có một con voi lừng lững đi vào và nghiễm nhiên tè một bãi vào quyển sách của Darwin thì có nghĩa là trong đó có chồng chéo mộng mị của tôi, của bạn, của những quyển sách trong thư viện, của một con voi chết tiệt nào đó, thậm chí cả ông già Darwin đã chết từ đời tám hoánh… Cũng may mà thế giới trong mơ không có giới hạn, không thì chắc người ta sẽ buôn bất động sản ở đó mất, vì những người chết ở đời thực vẫn cứ lởn vởn. Nào thì Trang Tử, nào thì Freud, nào thì Edgar Allan Poe, toàn những kẻ nghiện ngập giấc mơ. À, thậm chí còn gặp được Marquez, lúc đó tôi phá lên cười, bây giờ thì lão muốn tỉnh cũng chả tỉnh được rồi nhé. Gớm, thế mà lúc sống còn phịa ra hẳn một căn bệnh không thể ngủ.

Thế đấy, khi bước vào nó tôi sung sướng lắm, tôi ngây thơ tin rằng ở cõi vô hình vô biên này chắc chắn phải có ước mơ của nhân loại hàng nghìn đời nay: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”. Thưở đó, tôi đã tính kế nhân giống giống ruồi CC của châu Phi, đốt vào một cái là tha hồ mà ngủ với chả mơ. Song chẳng mấy chốc thì tôi tỉnh ra. Đấy tôi đã khẳng định ở trên là tôi vô cùng tỉnh táo mà: không điên, ko mơ, ko hoang tưởng. Để tôi kể cho mà biết điều gì khiến tôi hủy bỏ kế hoạch của mình.

Một lần lang thang giữa mộng mị: Đó là một ngày tận thế, tôi và lũ bạn thân – những kẻ vẫn tự đắc là có trí tuệ tuyệt đỉnh – leo lên tầng cao nhất của một tòa cao ốc đã liêu xiêu đổ nát với ý tưởng rằng: cho dù có chết thì cũng phải chết trên đầu trên cổ kẻ khác. Rượu mạnh, trần truồng và gào thét rồ dại:

“Feel your spirit rise with the breeze
Feel your body falling to it’s knees
Sleeping wall of remorse
Turns your body to a corpse
Turns your body to a corpse
Turns your body to a corpse
Sleeping wall of remorse
Turns your body to a corpse”

(“Behind the wall of sleep” – Black Sabbath)

Cái đám Black Sabbath chắc đang đắc ý vì biết rằng đống nôn mửa ấy lại trở thành bài hát cuối cùng trong ngày tận thế. Việc đó không quan trọng. Quan trọng là sự xuất hiện của một cô gái, cô gái mà tôi vẫn thầm thương trộm nhớ. Cái đám bạn tôi bỗng biến mất tiêu, còn quần áo mọc lên trên mình tôi tự bao giờ. Chúng tôi ôm nhau và hôn say đắm dưới ánh chiều tà. Giá như tận thế không đến quá sớm thì chúng tôi đã kịp làm tình với nhau rồi. Nhưng cái cảnh sụp đổ quá vĩ đại tới mức chúng tôi chỉ biết nằm tựa nhau chiêm ngưỡng đến khi chẳng còn thấy gì ngoài một hố đen thăm thẳm.

Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy, và bỗng nhiên cô gái ấy yêu tôi say đắm. Kỳ quặc! Nụ hôn đầu tiên của chúng tôi cũng diễn ra vào một buổi hoàng hôn, chỉ khác ở địa điểm – một khu nhà hoang tàn, đổ nát. Tôi hỏi cô nàng về những giấc mơ, cô nàng chả nhớ gì cả. Lũ bạn tôi cũng thế. Đa phần họ chẳng nhớ gì về giấc mơ của mình, chỉ nhớ mang máng về cảm giác. Song, buồn cười là họ hành động mọi thứ y hệt như tôi thấy trong mơ. Qủy thật cái lão Freud, lão nhận định không sai, càng dốt nát về thứ gì thì càng bị thứ đó chi phối. Và nghiễm nhiên tôi trở thành kẻ kiểm soát giấc mơ của họ.

Cho đến một ngày tôi gặp trong giấc mơ của cô nàng một tay độc tài giàu có. Hắn cho nàng một giấc mơ khác của phù hoa và tuyệt đỉnh sắc đẹp. Tôi định xông vào nhưng hắn mạnh hơn tôi nhiều. Hắn cũng giống tôi, hắn biết là hắn đang mơ, hắn đẩy bật tôi văng ra khỏi đó và dù tôi lùng sục khắp nơi cũng không thể thấy cả hai.

Nhiều ngày sau đó, nàng nói chia tay với tôi, còn tôi không thể nào tìm thấy nàng sau khi ngủ nữa. Tôi lẳng lặng đằng sau theo dõi nàng. Nàng cặp kè hết với người này đến người khác, toàn đại gia, nhưng chẳng ai có khuôn mặt giống hắn cả. Tôi quyết phải tìm bằng được cái kẻ quyền lực ấy. Vậy là hóa ra có những kẻ kiểm soát và điều khiển giấc mơ của kẻ khác. Tức là chả có tự do với bình đẳng gì ở đó cả. Nỗi hoài nghi ngày càng lớn hơn. Thế đấy, chẳng gì làm người ta nhanh chóng trở thành kẻ hoài nghi  hơn sự vỡ vụn của ảo tưởng tình yêu.

Điều gì khiến mọi người không thể nhớ được chút nào về giấc mơ của mình? Cứ cho là có sự kiểm soát, vậy phải có công cụ gì kiểm soát chứ? Tôi đã nghĩ đến việc đi hỏi mấy tay nghiên cứu về mơ mộng mà tôi kể trên, nhưng rồi lại tự nhủ: “Lỡ như chính đám đó đang cố điều khiển giấc mơ của người khác thì sao? Tôi đã nghe về bao nhiêu người tự tử hoặc hóa rồ vì bị mấy lời lảm nhảm trong lúc mộng du của bọn sáng tác ấy ám ảnh.” Thôi đành tự sục sạo trong từng giấc mơ của những người quen biết vậy. Tôi quan sát rất kỹ để tìm một điểm chung. À, phải rồi, có điểm chung là tiếng chuông của đồng hồ báo thức. Tôi có thế nhớ rõ giấc mơ của mình là vì tôi chả bao giờ đếm xỉa gì đến thời gian. Tiếng chuông giục giã đã trở thành một cơn chấn động lớn khiến con người quên biến mất mọi sự kiện vừa diễn ra.

Không rõ cái ý tưởng phát minh ra đồng hồ, và nhất là đồng hồ báo thức bị gieo rắc, cài cắm vào đầu mấy kẻ sáng chế chết tiệt từ bao giờ nữa. Kẻ nghĩ ra ý tưởng ấy hẳn phải là kẻ thực sự nắm quyền lực của thế giới mơ này. Mà trong vũ trụ còn có ai quyền lực hơn Thượng Đế nữa. Ở ngoài người ta ra rả cầu Thượng Đế, nhưng trong mơ chả mấy người nhớ đến ngài. Mỉa mai thế đấy!

Được cái hay ho ở trong mơ là chỉ cần một suy nghĩ, ta sẽ được cái mình muốn. Bây giờ thì tôi đã ở trước một ảo ảnh của Thượng Đế.

– Làm sao tôi biết được ngài có phải là Thượng Đế hay không?

– Thượng Đế hay không Thượng Đế có quan trọng gì… chủ yếu là ta có thể giúp ngươi tìm được lời giải cho câu hỏi của mình.

Tôi nhún vai nghi ngờ. Nếu đã chẳng thể tin vào thân phận, làm sao có thể tin được câu trả lời. Mà thây kệ, biết một tí cũng chẳng sao. Trong mọi lời dối trá đều ẩn chứa nửa sự thật, giống như mọi lời nói thật đều có phân nửa dối trá.

– Ta không cố phát minh ra đồng hồ. Ta trao quyền đó cho những con gà trống. Và nhìn xem đồng loại của ngươi lạm dụng chúng tới cỡ nào. Loài người cần nhiều kẻ thức ở thế giới thực, những kẻ ngoan ngoãn và mê muội. Nếu ai đó nhớ được giấc mơ của mình thì tức là biết quá nhiều, biết quá nhiều sẽ không mê muội, sẽ không thể bị khuất phục và không thể bị điều khiển.

– Vậy thì cứ dùng gà là đủ rồi… – Tôi thắc mắc.

Thượng Đế phá lên cười lăn lộn. Chỉ đến khi tôi nhăn mày bực dọc thì ngài mới bắt đầu từ tốn giải thích:

– Việc này vô cùng buồn cười. Ngươi có biết rằng những kẻ phát minh ra đồng hồ thường chẳng bao giờ nghe thấy tiếng gà gáy. Chúng có thừa thời gian chìm đắm trong mộng mị và cũng đến tìm ta như ngươi, chúng biết bí mật của giấc mơ.

– Thế thì sao ngài tạo ra tiếng gà gáy làm gì?

– Vì ta cần loài người tồn tại ở ngoài thế giới tỉnh kia, xây dựng và phá hủy, lương thiện và tàn ác, lý trí và điên rồ… Đó là giá đỡ cho thế mới mơ này, nếu mọi thứ ngừng hoạt động ở đó thì ở đây mọi thứ cũng sẽ sụp đổ. Nhưng ta chỉ cần đến tiếng gà gáy thôi, nó vừa đủ để con người dần dần tỉnh dậy, không bị shock, nên vẫn có thể mang máng nhớ về thứ họ đã trải qua khi ngủ.

Tôi im lặng không nói gì thêm nữa. Lúc tỉnh dậy tôi lại ra trước gương và nhìn thẳng vào đôi mắt mình. Chồng chéo của cái này kiểm soát cái kia, của mơ và thực đan chéo nhau. Thật vô lý khi con người không được biết về thứ họ đáng biết. Nếu họ có thể tỉnh dậy một cách tự nhiên mà chẳng hề có sự can thiệp của mấy cái đồng hồ báo thức thì thế giới này sẽ ra sao nhỉ? Tôi bắt đầu lập kế hoạch: Mua thật nhiều thuốc ngủ liều cao, pha loãng và đổ vào nguồn nước của thành phố nơi tôi đang sống. Và thế là họ ngủ ngon lành.

Tôi gặp họ trong giấc mơ. Chúng tôi đứng giữa một quảng trường mênh mông và chật ních người. Tôi kể cho họ nghe về kế hoạch của Thượng Đế, về những kẻ phát minh ra các loại đồng hồ. Họ phẫn nộ gào lên rồi lại reo hò ầm ĩ.  Họ nhao đi tìm những kẻ quyền lực đó. Chỉ có mấy người bạn thân của tôi là ở lại, họ nhìn tôi với một ánh mắt rất buồn. Tôi chợt sững người lại. Hình như tôi vừa tạo ra một quyền lực mới trong giấc mơ. Sau đêm nay, tôi sẽ nắm quyền ở thế giới này và cả thế giới kia.

 

Không thể giấu nổi nỗi hoang mang của tôi khi một thời gian dài sau đó tôi phải chứng kiến những cuộc tàn sát của các thế lực cả ơ trong mơ và ngoài đời thực. Nhiều người đã tự sát, họ nghi ngờ thế giới thực vốn dĩ chỉ là mơ và lẫn lộn chốn mơ là thực. Họ muốn được bất tử như người quá cố. Và trong đám người ấy, tôi thấy cô nàng của tôi. Bây giờ nàng cứ quấn lấy tôi. Muộn quá rồi! Đám đông kia mới là điều đáng thực sự phải quan tâm.

Đột ngột, tôi bị đẩy mạnh vào một hố sâu. Tôi chỉ dừng lại giữa một vòng người. Những khuôn mặt trong đó, tôi nhận ra hắn, cái kẻ đã cướp cô nàng của tôi. Thì ra hắn là một kẻ đã chết. Vòng người đồng loạt lên tiếng:

– Ngươi đã phá vỡ trật tự sẵn có của hai thế giới…

– Họ xứng đáng được biết về sự thật này…

– Và ngươi xem ngươi đã làm gì? Hỗn loạn! Chúng ta biết, tự do phải có hỗn loạn, hỗn loạn tới mức ranh giới giữa tỉnh và mơ cũng xóa nhòa. Nhưng không phải bây giờ…

Tôi thở hắt ra một hơi:

– Vậy tôi phải làm gì?

Nếu trong giấc mơ họ tin tưởng ngươi thì ngoài đời họ còn tin tưởng ngươi hơn thế gấp chục lần. Hãy nói với họ khi họ tỉnh rằng giấc mơ chỉ là ảo, chỉ là những hình chiếu, và khi lạc lối trong mơ họ sẽ phát điên. Ngươi hãy gài vào đầu đám bác sĩ tâm thần ý định tống những kẻ biết kia vào nhà thương điên. Và như vậy, ngươi đã có thể nhập bọn với chúng ta, những kẻ thật sự nắm quyền…

Tôi cười khẩy rồi lắc đầu:

– Không bao giờ ta muốn giống như các ngươi. Thật tội nghiệp, các ngươi cũng cần phải thức tỉnh đấy. Làm sao có thể nói dối khi biết chắc về một sự thật được?

Những người bạn thân là nhóm duy nhất tôi nói kỹ lưỡng về điều này. Tôi chỉ có thể dặn họ rằng đừng bao giờ tin lời ai bất kể khi đang thức hay đang ngủ, kể cả lời của tôi. Nó vô cùng nguy hiểm. Họ  và tôi vừa phải ngăn chặn sự nguy hiểm của những chiếc đồng hồ báo thức, lại vừa phải nhắc nhở cho mọi người biết đâu là thực, đâu là mộng. Việc nhắc nhở mới thật khó khăn vì họ cứ hết gặp tôi trong mơ lại gặp tôi khi tỉnh, sự lẫn lộn vẫn vậy. Tôi buộc phải lựa chọn thôi, hoặc tôi chỉ tồn tại ở thế giới này, hoặc tôi tồn tại ở thế giới kia. Một kẻ biết quá nhiều không nên sống ở quá nhiều nơi và gặp quá nhiều người.

Tôi chọn cái chết. Một lần nữa tôi đứng trước gương và lại bắt đầu lảm nhảm: “Tỉnh hay không tỉnh, điên hay không điên, mơ hay không mơ, biết hay không biết… Ta chỉ có thể chọn một cái thôi sao?  Con người xứng đáng được chọn nhiều hơn thế… Và bây giờ, ta sẽ chọn một cái để những người còn lại có quyền được có tất cả.”

Chiếc gương vỡ choang! Quần áo xé rách! Gào thét thật to, thật to giữa màn đêm mờ mịt. Đêm nay tôi không ngủ để chuẩn bị cho một giấc ngủ dài bất tận.

Feel your spirit rise with the breeze
Feel your body falling to it’s knees
Sleeping wall of remorse
Turns your body to a corpse
Turns your body to a corpse
Turns your body to a corpse
Sleeping wall of remorse
Turns your body to a corpse

Cuối cùng tôi chỉ còn là một đống tử thi bùi nhùi máu thịt dưới lòng đường. Ánh sáng đầu tiên của bình minh xuyên xuống qua màn mây mờ. Tôi chợt giật mình, đêm qua tôi không có trong giấc mơ của họ, có khi nào họ lại lẫn lộn rằng nơi không có tôi mới là cõi mộng mị vô biên…

Câu chuyện lấy cảm hứng từ cái chết của Aaron Swartz

(1/2013)

Trích tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa” – Xuất bản năm 2013 (NXB Lao Động, nhà sách Bách Việt)

 

Truyền thông đã định hướng 9 truyền thống của văn hóa Tết Nguyên Đán dẫn đến chủ nghĩa tiêu dùng, hài rẻ tiền và tâm thức nguyên thủy tại Việt Nam

Văn hóa Tết Nguyên Đán được định vị bằng một loạt những hình ảnh: bánh chưng, sum vầy, mâm cúng, lì xì, lời chúc, quà Tết, màu đỏ, cầu may, chơi hoa. Hết năm nay qua năm khác, người dân lặp đi lặp lại những thói quen và tự gọi đó là “truyền thống cha ông để lại”, dần dần trở thành một văn hóa Tết ăn sâu vào tâm thức xã hội, thành một định chế áp đặt lên toàn bộ người dân. Định

Thu lai – Lý Hạ

Xào xạc ngô đồng tráng sĩ rầu Đèn lụi vạc kêu áo lạnh đâu. Sách tre nằm đó nào ai thấy Bụi phủ mọt xông chẳng người lau. Đêm thu lòng bận thêm đau quặn Mưa lạnh hồn vương khóc người xưa. Mộ thu quỷ khóc thơ ngài Bảo Máu hận ngàn năm thấm ngọc sâu. Hà Thủy Nguyên dịch Bản Hán Việt: Đồng phong kinh tâm tráng sĩ khổ, Suy đăng lạc vĩ đề hàn tố. Thuỳ khan thanh giản nhất biên thư, Bất

Tiểu thuyết Thiên Mã của Hà Thủy Nguyên: tác phẩm thiếu nhi đương đại có hàm lượng kiến thức cao

Nếu được bầu cho một tác phẩm văn học thiếu nhi đương đại nào có hàm lượng kiến thức cao, kết hợp hài hòa giữa lượng thông tin khai mở về các nền văn minh thế giới và tâm tư của Việt Nam thì mình sẽ bầu cho quyển sách này. Trước hết, phải nhận là từ bé mình đã không mê truyện công chúa, hoàng tử. Vì thế mình không rõ phần tâm tư của bé gái trong truyện sẽ làm các bạn bé

Thưởng trà dưới mưa

Nhấp một ngụm trà Lay mưa Lưa thưa ai đứng bên gò Oan hồn chợt tan lòng oán Thây tàn hư vô Chuông chiều vọng vọng nấm mồ Người dịu lại sau cơn cuồng nộ Lòng tro tàn thấu suốt cõi nhân gian Hương trà thoảng một chút tơ thanh thoát Say và say, thi tửu cũng nhạt nhoà Có những mùa mưa đến và đi Một chung trà biệt ly rồi tụ hợp Ai uống cùng người Lạnh Cô quả hồng trần Kiếp thần

Trống rỗng và mỉm cười

Có những ngày trống rỗng trôi qua. Thời gian trở nên không quan trọng. Mọi thứ vèo vèo trôi đi trước mắt. Tôi cảm nhận thấy toàn bộ sự vô nghĩa của cuộc đời mình. Phải rồi, có điều gì có nghĩa đâu. Tất cả những cơn tham vọng, tất cả những sân hận, tất cả những đam mê níu bám. Chúng trống rỗng như ngày hôm nay, và cũng trống rỗng như nhiều ngày khác nữa. Lời này cũng trống rỗng. Tất cả chỉ