Home Bình Luận Soi trọc phú (3) Đã dốt còn ghét chữ

Soi trọc phú (3) Đã dốt còn ghét chữ

Chẳng biết từ bao giờ, các trọc phú lại nuôi một lòng chán ghét với chữ nghĩa, có lẽ là từ… ngàn xưa rồi. Bởi vì có chữ nghĩa vào đầu, hay nói cách khác là có kiến thức, thì các trọc phú sẽ cảm thấy khó kiếm tiền hơn. Làm sao có thể xây những tòa cao ốc vô tội vạ nếu biết lấn biển, san núi, chặt rừng… có thể gây ra hậu quả gì… Làm sao có thể ngang nhiên bán thực phẩm bẩn nếu biết hết những hậu quả thực phẩm bẩn có thể gây ra với người tiêu dùng… Làm sao có thể dễ dàng làm việc xấu nếu biết rằng đó là xấu.

Dốt nát là điều kiện căn bản để để các trọc phú đeo đuổi giấc mộng làm giàu không giới hạn của mình. Họ chỉ cần duy trì tình trạng dốt nát và đắp lên đó các mỹ từ như “làm giàu cho đất nước”, “giúp cải thiện vật chất xã hội”… hay “vượt khó”… đại loại thế. Sự dốt nát giúp họ không tự đặt câu hỏi với bản thân, và sẵn sàng cãi cày cãi cối với mọi góp ý về cách làm bẩn thỉu của mình. Để duy trì sự dốt nát, họ đương nhiên phải chối bỏ mọi thứ được gọi là … “kiến thức” hay “tri thức”, chối bỏ tới mức khinh miệt đám người có chữ nghĩa.

Đợt rồi, Book Hunter bọn tôi đang tất tả chuẩn bị để phát hành 1 cuốn sách có tên là “Sự chiến thắng của đô thị” (tác giả Edward Gleaser). Cuốn sách này bàn nhiều về các mô hình quy hoạch đô thị hiện đại và các vấn đề của chúng. Sách được viết dễ hiểu chứ không quá học thuật. Tôi cho rằng với trình độ không được cao lắm của các đại gia bất động sản chắc cũng đọc được cuốn này. Thế là, chúng tôi gọi điện cho một chú em. Cậu này còn trẻ nhưng đã sớm thành đại gia ngành xây dựng, chi nhánh toàn quốc, tiền tiêu như nước, lại suốt ngày mồm năm miệng mười: “Anh chị cần em giúp đỡ gì thì cứ gọi em, em giúp”. Mỗi lần cậu ấy mời vợ chồng tôi đi ăn uống nhậu nhẹt, ít thì 1-2 triệu, nhiều thì cả chục triệu. Việc in sách không được dư dả lắm, lại được ông em sẵn sàng hứa hẹn giúp đỡ, sẵn sàng vứt cả triệu vào bàn nhậu mà không tiếc, nên vợ chồng tôi liền ngỏ lời xin hỗ trợ funding. Tiền in quyển sách rất cần thiết cho dân xây dựng ấy, cộng lại chắc bằng 2 bữa tiệc, đã thế sau khi sách in xong chúng tôi sẽ đưa tên tập đoàn non trẻ của cậu ấy vào trong sách như một nhà hảo tâm yêu tri thức. Đó cũng là một cách truyền thông chẳng mất mấy tiền, lại sang trọng. Nhưng không, khi cậu ấy chỉ trả lời rằng bây giờ giới xây dựng với bất động sản có ai đọc sách đâu. Rồi đòi hướng dẫn chúng tôi về cách kinh doanh. Tôi cho rằng loại trọc phú từ trẻ đến già theo cái lối này… phổ biến lắm. Mời chúng tôi nhậu nhẹt không tiếc, nhưng in sách ấy hả, tăng thêm kiến thức ấy hả… quên đi!

Nhà chồng tôi còn có một ông đại gia Thanh Hóa. Ông này thời Việt Nam mới vào WTO, nhờ biết trọ trẹ mấy câu tiếng Anh, nên thường đứng giữa thu mua máy cắt kính và bán cho Eurowindow. Lâu dần, thành nhà giàu, giàu rồi thường thích tụ tập đám em họ để giúp các em làm giàu như ông ấy. Các em họ phải chúc tụng rượu mỗi khi tiệc tùng. Đương nhiên, nhà tôi không hành xử theo cái lối ấy, tiệc tùng chẳng bao giờ chúc rượu ai. Ông anh họ tức lắm, liền cả buổi ngồi chửi bọn đọc sách là vô dụng, chả biết làm gì, chả biết kiếm tiền.

Một lần khác tôi được mời ghé qua Vinpearl Nam Hội An. Đó thực sự là một thảm họa quy hoạch của Vingroup. Giống như nhiều đại gia bất động sản khác, ông Phạm Nhật Vượng cũng cứ đển Vinpearl Nam Hội An lấn biển Cửa Đại, làm hỏng hết cảnh quan. Vinpearl Nam Hội An là một công trình tổ hợp resort, khu vui chơi, khu làng văn hóa Việt… Khoan hẵng bàn đến kiến trúc xấu tệ hại của khu resort và khu vui chơi, tôi chỉ xin được nói về khu làng văn hóa Việt. Đó là một sự lố bịch. Người ta đưa tất cả các mô hình nhà cả các dân tộc và vùng miền ra giữa bãi biển đã bị bê tông hóa, rồi nói đó là… giữ gìn bản sắc dân tộc. Người ta dẹp làng chài ven vùng biển miền Trung này với những nét đặc thù để thay bằng một loạt các mô hình không có sức sống của văn hóa Việt. Những người thiết kế khu làng văn hóa này (cho phép được giấu tên), theo như tôi được biết thì chẳng ai có chuyên môn gì về nghiên cứu văn hóa cũng như kiến trúc cả. Sau khi tôi phàn nàn về cách “yêu Việt Nam” của Vin thì có người nói với tôi là không sao cả, khách vẫn tới ầm ầm ấy mà, chẳng ai quan tâm đâu.

Mô hình dựng thành Cổ Loa ở Vinpearl Nam Hội An (trông giống cái gì nhỉ)

(2 hình ảnh chụp tại Vinpearl Nam Hội An. Hình 1 là mô phỏng thành Cổ Loa, hình 2 là ảnh chụp khu mô phỏng nhà của các dân tộc thiểu số Việt Nam)

Những loại trọc phú như tôi vừa kể trên nhan nhản khắp các vùng miền của Việt Nam, từ thành phố lớn đến thành phố nhỏ. Họ đưa người ở quê lên, vào làm trong công ty hoặc tập đoàn của họ, và lan truyền sự dốt nát ấy tới các nhân viên của họ. Họ tự nhủ với nhau, kiến thức chẳng bằng kinh nghiệm thương trường của họ. Nên chỉ có kinh nghiệm làm giàu là có thể giàu được, biết nhiều có để làm gì đâu. Đương nhiên rồi, vì những người có hiểu biết đâu dễ bán thân cho trọc phú để tiếp tay tàn phá từng mảnh đất, từng nét văn hóa. Mà để có thể yên tâm kiếm tiền từ trọc phú, các nhân viên này dần dần cũng phải duy trì tình trạng dốt nát của mình, họ phải “cai chữ” một cách vừa tự nguyện vừa không tự nguyện. Có như thế, mới an phận trước mọi sự ngu dốt của ông chủ.

Nhóm Book Hunter của tôi có một bạn, có bằng cao học, tiếng Anh và tiếng Pháp đủ cả. Chưa kiếm được việc làm thích hợp nên cũng đăng ký đi dậy tiếng Anh cho một trung tâm luyện IELTS cũng đông học viên lắm. Đọc giáo trình xong, thấy giáo trình sai nhiều quá, trong lúc dậy có nhắc các học viên về lỗi sai của giáo trình rồi cũng góp ý cho giám đốc. Thế là liền bị đuổi việc. Thế đấy, trọc phú ấy mà, chẳng ai thích bị chỉ trích là ngu đâu, dù dốt nát rõ rệt ra rồi. Nếu họ thừa nhận bản thân dốt nát thì chả hóa ra Việt Nam thành đế chế của lũ dốt hay sao? Như thế thì còn vênh vang được với ai nữa.

Theo tôi thấy rằng đế chế của các trọc phú dốt nát này không thể tồn tại được lâu, nếu chính quyền Việt Nam thắt chặt bằng các quy định chặt chẽ về chuyên môn sâu. Tuy nhiên, một thực tế cản trở đó là, Việt Nam chẳng có nhiều chuyên gia đến thế để đưa ra một quy định chặt chẽ để kiểm soát các trọc phú. Và cứ cho là nếu có đủ chuyên gia, thì liệu các trọc phú có dễ dàng để chuyên gia đưa ra quy định hay không? Tôi e là khó!

Thế nên, những người như chúng tôi, chỉ có thể tự cứu mình khỏi trọc phú bằng cách, không dùng hàng của họ, không đi làm cho họ và không trở thành họ. Được như vậy cũng đủ tốt lắm rồi!

Hà Thủy Nguyên

Soi trọc phú (1): Họ là ai và tại sao lại là họ?

Lưu ý khi đọc chùm bài “Soi trọc phú”: -  Người nhà giàu không nhất thiết là trọc phú và trọc phú không nhất thiết phải rất nhiều tiền -  Giàu có là tốt nhưng trọc phú thì lố bịch -  Trọc phú không đáng ngại bằng Tính trọc phú lây lan rộng trong xã hội qua các môi trường doanh nghiệp, truyền thông, ẩm thực, du lịch… Thử định nghĩa lại trọc phú Từ điển Hán Việt của Nguyễn Quốc Hùng định nghĩa “trọc phú” là

“Giặc xấu” bắt đầu tàn phá Hội An?

Bài viết lên án dự án Công viên Ấn tượng và chương trình thực cảnh Ký ức Hội An Những ngày tháng 4 vừa qua, dư luận báo chí xôn xao về sự tàn phá môi trường và cảnh quan của dự án Công viên Ấn tượng và chương trình thực cảnh Ký ức Hội An trong khu vực Phố Cổ Hội An. Ở bài viết này tôi sẽ không đề cập đến vấn đề pháp lý hay những nguy hại về môi trường mà

SOI TRỌC PHÚ (2): Hệ sinh thái giàu bẩn

Ở bài (1) của chùm bài “Soi trọc phú” với tên “Họ là ai và vì sao là họ”, tôi đã có nhắc đến việc hệ thống trọc phú giờ đây đã trở thành một hệ sinh thái. Hệ sinh thái tức là sao? Tức là mỗi cá thể trong hệ thống ấy vừa triệt hạ nhau, vừa nương tựa vào nhau mà sống theo mối quan hệ cộng sinh. Bất cứ một thành phần cá biệt nào muốn gia nhập vào hệ sinh thái tiền