Sương!
Mưa!
Lạch cạch bàn phím!
Ảo tưởng về cái chết!
Shit!
Cơn say, cơn phê, cơn đê mê…
Hỗn loạn những ý tưởng…
Thân người cụt đầu đi lại trên đường với một dấu hỏi to tướng…
Facebook nhạt như nước ốc! Mà thực ra cuộc đời này vốn nhạt! Sao có thể kỳ vọng tìm đâu đó một thứ bớt nhạt hơn? Hoặc rằng tôi hỏng vị giác mất rồi … sau rất nhiều năm bất chấp tất cả cố tọng vào mình đủ thứ hổ lốn… Khi ta nếm trải và tận hưởng quá nhiều thứ, ta cứ tưởng rằng mình sẽ trở nên tinh tế… Thật buồn cười! Điều đó chỉ khiến ta nhanh chóng chán ngán tất thảy và rồi đến một ngày vô cảm trước mọi thứ.
Di động reo. Tôi chán nản nhấc máy.
– Vài ly không em? Giờ anh qua đón em nhé!
Ừ thì đi… Chả hứng thú gì nhưng thôi cũng được. Ít ra là có cớ để bước ra khỏi căn phòng này. Tôi luôn phải mượn một động lực nào đó từ người khác để thấy có vẻ như đang hiện diện ở thực tại này. Có một anh chàng để yêu, đam mê một cái gì đó, say sưa với những ý tưởng cải tạo thế giới, nỗ lực để đạt tới một hình ảnh hoàn hảo… Tất cả! Tất cả những thứ đó chẳng qua là tôi tự mua dây buộc mình, không thì tôi đã chết từ lâu rồi. Có thể là vì hèn, vì ẩn sâu vẫn còn ít nhiều nỗi sợ chết, nhưng có một lập luận luôn ám ảnh tôi: “Chết… Rồi sao?”. Sau cái chết là cái gì? Lại tiếp tục tất cả những tình trạng như bây giờ sao. Nghĩ đến đó, tôi hết cả hứng với cái chết.
Quên mất, phải quay lại với anh chàng của tôi. Chúng tôi đi vào một Rock bar. Đây là quán quen một thời của tôi, anh chàng này không hề biết. Rượu xịn, đám người đến đây ăn mặc rất độc, và đúng gu nhạc của tôi: một sự điên rồ bị gằn xuống và chỉ bùng nổ khi đến thời điểm của nó. Nhiều năm rồi tôi không quay lại đây dù ngày nào cũng phóng xe đi ngang qua. Chả là xưa kia cũng từng “gây họa” với một anh chàng khác ở chỗ này. Thời gian qua đi, anh chàng cũ cũng chẳng đến đó nữa, nhưng nhạc thì vẫn như xưa! Vãi cả nhạt!
Anh chàng “đương thời” bắt đầu nói huyên thuyên về cái sự sành âm nhạc rồi bắt đầu chuyển sang sự sành rượu. Mồm tôi như cái máy đối đáp với anh một cách chuyên nghiệp. Tôi nghe rõ từng từ một, nghe rõ cả cái điệu đều đều buồn ngủ trong giọng của mình. Đôi khi tôi phải tự mình phục mình, tôi không hiểu sao mình có thể giả dối đến vậy với cuộc đời. Thứ tôi làm chả ăn nhập gì với điều tôi nói, thứ tôi nói chả liên quan đến điều tôi nghĩ, và điều tôi nghĩ có vẻ khác xa với con người thật của tôi. Chết thật, lại huyên thuyên và lại quên béng mất anh chàng của tôi…
Có một điểm chung giữa uống rượu và làm tình, đó là chúng khiến tôi có cảm giác mình đang tồn tại, dù ngắn thôi. Hai cái thú vui ấy khiến cho những mạch máu của tôi đập mạnh hơn, nội tạng của tôi cọ xát vào nhau hơn, nhờ cọ xát nên sinh ra điện, nhờ có điện nên tôi có thêm một tí động lực để sống. Nhưng điện chỉ tạo được cảm giác thích thú vào lúc đầu thôi… Một lúc sau, khi những cái vuốt ve đã nhạt, những cái hôn trở thành thừa thãi, mặc dù nhiệt lượng vẫn còn nhưng cái cảm giác của dòng điện không còn nữa. Và thế là tôi bắt đầu nguội dần… nguội lạnh… Thế nên, tôi ghét cái cách người ta gọi những cơn là tình là “cuộc mây mưa”. Mây mưa thì lạnh chết đi được. Ai đó có thể cần nước lạnh để dội tắt ngọn lửa dục hừng hực của mình, chứ tôi thì không. Với tôi, nếu làm tình mà lạnh thì không được tính là làm tình.
Sau khi “tình” xong, chúng tôi bắt đầu “tự”. Mới ở ngoài quán bar anh chàng còn nói đủ thứ với sự đam mê nhiệt huyết, thế mà bây giờ, anh ta dõi đôi mắt xa xăm ra ngoài khung cửa sổ:
– Mọi thứ trong cuộc đời này thật vô nghĩa… Thành đạt, giàu có, tột đỉnh tình yêu, mạo hiểm hết thứ này đến thứ khác… Rồi sao?
Nét mặt tôi u buồn đầy vờ vĩnh. Bên trong, tôi đang cười khẩy một cái: Mười anh chàng tôi yêu thì có đến chín anh chàng rưỡi nói câu này. Lát nữa thôi, anh ta sẽ nói sang chuyện tự tử, rồi sẽ nói đến sự chết cũng là vô nghĩa… Y hệt lập luận của tôi. Có gì lạ đâu! Từ lâu rồi tôi đã chán cả sự chán… Tôi không nghĩ họ kém gì tôi trong cái vụ chán nản này, có thể họ nghĩ rằng lôi cái chuyện chán đời, cô đơn, lạc lõng ra nói sẽ tạo được một sự đồng cảm với những cô gái (theo như họ đánh giá về tôi là tôi nhạy cảm). Nếu họ đã cố tình giả vờ để lấy lòng tôi thì tôi cũng chả tội gì mà không giả vờ bị họ lấy mất lòng.
Làm thế nào để tìm lại được cái cảm giác hưng phấn của thuở ban đầu. Nghe một câu chuyện cười – vô cảm. Một ai đó đã nói với tôi rằng: “Trẻ con thật sướng, chỉ một cái lá rung rinh cũng khiến chúng cười. Còn chúng ta bây giờ, cả cái nhà rung cũng chả thấy buồn cười gì cả.” Cả cái nhà rung thì buồn cười gì, người lớn sẽ sợ khóc thét lên như trẻ con ấy chứ! Đến sợ bây giờ cũng không sợ nữa, nguy thật! Không gì làm tôi sợ, không gì làm tôi vui, không gì làm tôi buồn, không gì làm tôi hứng thú! Chả lẽ mình sắp đắc đạo rồi sao? Vì những dấu hiệu ấy là dấu hiệu của người sắp đắc đạo mà.
Ở một chỗ nào đó trên thế giới, người ta đang đấu tranh đòi quyền tự do hút cần sa. Họ cho rằng cần sa rẻ hơn thuốc lá, ít độc hại hơn và không hề gây nghiện. Nó chỉ gây ảo giác. Nói cho ngắn gọn, con người đang đấu tranh đòi quyền tự huyễn hoặc mình. Ma túy, cần sa, rượu, tình yêu, tôn giáo, nghệ thuật, tự do, lý tưởng cao đẹp… Người ta đấu tranh để có quyền có những ảo tưởng mĩ miều hơn.
Khi cơ thể của tôi đang trong vòng tay của một anh chàng thì tâm trí của tôi lại ở trong một mê cung với các xa lộ chằng chịt. Chắc anh ta cũng thế. Trong mê cung ấy, chúng tôi không thể tìm thấy nhau. Nói chính xác ra là tôi không thể tìm thấy bất cứ anh chàng nào của tôi ở trong đó. Tôi chỉ thấy những dấu hỏi đi đi lại lại mà chả biết mình đang đi đâu. Nhìn lại mình, hóa ra tôi cũng chỉ là một dấu hỏi to tướng.
Ngoài kia mưa vẫn rơi nhưng trời đã sáng. Mất cả đêm chỉ để cùng nhau nói về cái sự chán đời… Thời gian trôi qua thật lãng phí… Chả lãng phí tí nào! Vũ trụ là vô tận nên thời gian cũng vô tận. Thứ lãng phí nhất là loài người phải bỏ ra bao nhiêu neuron thần kinh, bao nhiêu nguyên vật liệu, bao nhiêu nhân công lao động… để sáng chế và sản xuất đồng hồ. Lấy một thứ hữu hạn để đo một thứ vô hạn và dọa dẫm người khác rằng: thời gian là thứ quý báu, đã qua rồi không lấy lại được. Họ quên mất rằng những thứ vô hạn thì không quý báu, mà không quý báu thì không cần phải tiếc nhớ cái cũ.
Trong đầu tôi vang lên một câu nói: “Anh ơi, chúng mình chia tay đi”, rồi tôi lại thôi. Chia tay rồi sao, ngày mai ra đường tôi lại gặp một anh chàng khác và lại bắt đầu lộ trình y hệt thế. Vì thế nên tôi chả muốn bỏ ai, tôi chỉ có thể chờ đợi đến ngày họ ra đi vì không thể có bất cứ sự kết nối tâm hồn nào với tôi. Làm sao mà kết nối nổi, đến tôi còn chẳng thể tự kết nối với chính mình.
Đôi khi tôi thấy thật khó hiểu về các bậc giác ngộ. Họ đi tìm sự vô hạn và đạt được sự vô hạn. Tôi không thể nào mường tượng được cái vô hạn ấy thì khác gì so với cái vô hạn mà tôi đang trải qua. Ừ thì cứ cho họ tan chảy trong ánh sáng còn tôi chìm trong bóng tối. Nhưng người ta làm sao có thể ở mãi trong ánh sáng được. Ánh sáng một lúc nào đó cũng phải nhàm chán chứ! Hay là giữa ánh sáng vĩ đại ấy, họ không còn tồn tại nữa nên cũng mất tiêu cảm giác chán nản. À, vậy ra khác biệt là ở chỗ tôi vẫn còn một cảm giác, chưa vô cảm hoàn toàn. Chính sự chán nản khiến tôi chỉ gần đắc đạo chứ chưa thể đắc đạo.
Vậy đấy, cũng may là tôi chả nhớ gì về kiếp trước. Không hiểu tôi kéo dài tình trạng này mấy kiếp rồi. Tôi lại ngồi vào máy tính và lướt khắp cái mê cung ảo ấy. Đâu đâu tôi cũng thấy rặt một giọng chán đời y hệt tôi. Nỗi cô đơn không hề đưa con người xích lại gần nhau. Chung cảnh ngộ nào tạo nên sự đồng cảm thì tôi không biết, chứ chung cái cảnh ngộ cô đơn chán nản thì chỉ có đẩy nhau xa hơn thôi. “Hình như nàng có nỗi buồn giống tôi…”, câu ấy xưa rồi. Bây giờ có đến hàng tỉ người chung một nỗi buồn với nhau.
Đâu đó lác đác vài lời cổ vũ hãy yêu cuộc đời, hãy cố gắng phấn đấu, hãy đấu tranh vì những gì cao đẹp, hãy yêu thương và hãy hi sinh… Một lúc sau mấy kẻ vừa kêu ca rằng mình cô đơn (cứ như thể một món hàng để khoe khoang độ cao sang của mình) bây giờ bắt đầu bấm “Like” điên cuồng cho một thông điệp trái ngược hẳn. Và ngày mai, lại chính những người đó bắt đầu lại than thở vì sự lạc lõng giữa cuộc đời.
Đến đây thật sự không biết kết câu chuyện này như thế nào để chuyển sang một câu chuyện khác. Trời bây giờ không có mưa, không có sương. Nắng lên. Tôi ngồi nhìn những dòng chữ chạy dài của mình trên màn hình. Phải chăng tôi nên kết thúc bằng một dấu hỏi ?
(1/2013)
Hà Thủy Nguyên
Trích tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa” – Xuất bản năm 2013 (NXB Lao Động, nhà sách Bách Việt)