Home Sáng tác mới ANH HÙNG LUẬN (2): GIẤC MƠ HOA ĐÀO CỦA LÝ CÔNG UẨN

ANH HÙNG LUẬN (2): GIẤC MƠ HOA ĐÀO CỦA LÝ CÔNG UẨN

Thời nào cũng có những anh hùng, kẻ thành người bại, tất cả rồi sẽ đi vào cõi chết, nhưng khí phách thì vẫn còn mãi. Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc chùm tản văn luận bàn về các số phận anh hùng, nửa dựa trên lịch sử, nửa do tác giả Hà Thủy Nguyên cảm khái mà viết nên.

Đọc các bài Anh hùng luận khác tại đây: https://bookhunterclub.com/tag/anh-hung-luan/

“Tận nơi lầy lội tối tăm, hàng vàn sâu bọ ăn mòn muôn dân trong chiến trận. Kìa lũy thành, kìa ngựa hí! Khói sa trường mờ mịt ánh dương quang. Ôi những hồn cổ sa lầy, tấn kịch cũ ngày ngày tái diễn.”

Ta đứng bên bờ con sông  âm phủ lững lờ trôi. Dưới đáy đục ngầu nghiệp quả, những gương mặt quằn quại trầm luân. Cõi Việt kia máu nhuộm sông, trời u ám mùa tận diệt. Ta trút bỏ sự huy hoàng thần thánh, nhúng chân mình xuống dòng âm thủy. Ta chọn cuộc chơi luân hồi, ai thấu được chăng ai? Người ấy đứng bên kia sông, im lặng nhìn đá tam sinh chữ đã mòn dần.

Ta thác sinh làm đứa trẻ mồ côi họ Lý vùng Cổ Pháp. Khi ta cất tiếng khóc kinh tâm động phách, Lý thị đã diệt vong. Bại bởi bàn tay Đinh Bộ Lĩnh, âu cũng đáng, Bộ Lĩnh e ngại Lý thị nổi dậy, sai người tận diệt người họ Lý trên đất Việt. Đến lượt Lê Hoàn, nỗi e sợ này vẫn không hết. Người họ Lý trên đất Việt bị tàn sát không thương tiếc. Ta nhờ Khánh Văn thiền sư nâng đỡ mà qua được cơn hoạn nạn, lại nhờ Vạn Hạnh thiền sư mà tài trên thiên hạ. Lừng lẫy trên tất thảy chỉ mình ta.

Ngày lại ngày, nửa phần ta tụng niệm chốn cửa Thiền, nửa phần ta ôm giấc mộng đế vương. Cửa Thiền chật hẹp ư? Ta thấu lẽ sắc không, hiểu vòng tục lụy, song, đã dẫm bước luân hồi sao còn tiếc đời thoát tục? Ai kia bên đá tam sinh ngày ấy, lòng có sầu bi vì nỗi ta đắm chìm trong thế cuộc?

Một chiều xuân, ta theo sư phụ Vạn Hạnh vào cung tiếp kiến Lê Hoàn. Chân ta từng bước dẫm trên cánh đào, nghe từng khắc mùa xuân tàn úa. Câu chuyện Thiền ngăn sao nổi khí dương xuân. Đứng giữa thiên triều, mặt đối mặt cùng Lê Hoàn gian hùng một thuở, nhưng lòng ta  đã lang thang theo gió, lay rụng trận mưa hoa.

Lạ chưa, kìa gót chân ai lướt trên cánh đào… Dáng ai lướt thướt bạch y nép dưới hoa, tay vuốt cánh đào, khẽ thở dài mênh mông. Người đứng đó buồn sâu thẳm, tựa hồ cố nhớ nghìn xưa. Người thấy ta chăng, người không thấy ta chăng? Tất thảy chỉ chập chờn hư ảo. Ta chỉ là làn gió xuân non trẻ, lạc khỏi xác mình vào một buổi tà dương.

Giật mình, quỳ gối nhận sắc phong. Lê Hoàn đã ban cho ta quyền chức. Hắn quên rằng ta là người họ Lý. Ta mỉm cười khoan khoái. Lần đầu tiên ta nhận thấy, mưu đồ bá vương chẳng bằng cánh đào phai. Mặc thế gian kia tranh đoạt, ta chỉ muốn được cùng người trôi nổi bến đào hoa.

“Này hoa… người có phải cố nhân từ ngàn kiếp? Ta đang mộng ư? Hay người đang mộng ? Mộng nào rồi cũng tan. Hoa nào rồi cũng tàn. Đế vương nghiệp rồi cũng đến ngày sụp đổ. Chỉ cửa Thiền kia là mênh mông, nhưng ta có gặp được người giữa mênh mông ? »

Tiếng ai thánh thót dịu dàng vang bên tai ta. Đó là công chúa Phất Ngân của Lê Hoàn. Ta đưa mắt lén nhìn công chúa. Chẳng phải người sao? Người vuốt cánh đào dưới chiều xuân man mác. Ta không nằm mộng. Ta cũng không ở trong giấc mộng của người. Ta và người đang cùng trong một giấc mộng miên viễn của triệu triệu kẻ vô minh.

Bên cạnh Phất Ngân là Long Đĩnh và Long Việt. Long Đĩnh thực là một trang nam tử đầu đội trời, chân đạp đất. Một ánh nhìn có thể thâu tóm cả giang sơn. Long Việt phong lưu thanh thoát, thực là rất vừa ý ta. Cuộc gặp hôm ấy, ta mới thật sự bước vào cuộc luân hồi.

“Than ôi, anh hùng lại gặp anh hùng, trăm vạn điều tâm đắc, nhưng không thể không chém giết nhau. Anh hùng gặp mỹ nhân, một lòng tình chung quyến luyến, lại khoác bên ngoài tấm áo quyền mưu. Ngoài mặt mỗi lời như dao cứa, thâm tâm thổn thức tình xưa. Anh hùng mưu nghiệp lớn chua xót là vậy. Mai này về trời, người  có thấu lòng ta?”

Phất Ngân và ta vui tình phu phụ. Long Đĩnh, Long Việt vì tranh đoạt mà tàn hại lẫn nhau. Ngày lưỡi kiếm của Long Đĩnh đâm nát tim Long Việt, ta đã ôm  Việt khóc. Đĩnh có hiểu nước mắt của ta:

“Ta than khóc Việt, nào phải vì đau đớn cho Việt. Việt vốn dĩ không nên thác sinh vào thế cuộc này. Ta khóc cho ta và Long Đĩnh. Cùng tâm đắc nhau mà mai kia phải chĩa mũi kiếm vào nhau. Đĩnh có hiểu nước mắt ta không?”

Ta ngước mắt nhìn Đĩnh. Đĩnh thoáng bối rối thở dài:

– Ấy mới thực là bậc trung lương! Công Uẩn, ngươi cứ giữ phận của ngươi, ta sẽ làm tròn phận của ta.

Long Đĩnh chấn chỉnh kỷ cương, thiết lập giao thương, bội phần xuất sắc hơn Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn. Giá như Long Đĩnh có chút ngụy quân tử, hẳn đã trở thành vị đế vương bậc nhất của nước Việt. Tiếc thay, bản tính hoang sơ khó đổi. Long Đĩnh lên ngôi, bắt sư sãi hoàn tục. Đĩnh róc mía trên đầu kẻ nào không chịu cởi bỏ áo cà sa. Ta hiểu lòng Đĩnh. Nhiều năm loạn lạc, kẻ biếng nhác hèn mạt thường trốn vào chùa giảng đạo để lừa dân. Chúng làm nhiễu loạn chính pháp, khoác áo thày tu nhân buổi giao thời rao bán cõi Tịnh Độ, cõi Niết Bàn. Dẫu biết điều Đĩnh làm là cần thiết, nhưng sư phụ Vạn Hạnh và nghĩa phụ Khánh Văn của ta vẫn không thể đồng tình với hành động róc mía trên đầu sư. Từ ấy, hai vị cùng với triều thần đá ngầm có ý đưa ta lên ngôi.

“Ta có muốn ngồi trên ghế thiên tử? Đó là giấc mộng thời trẻ của ta. Long Đĩnh đối với ta không bạc. Chỉ hiềm một nỗi, hai con rồng sao có thể ở chung vũng lầy chật hẹp này. Ta vừa muốn ngôi thiên tử, ta vừa tiếc cái tài, cái tình của Đĩnh. Ra tay với Đĩnh như bá quan mong muốn ư? Ta không thể! Anh hùng chỉ có thể diệt tà ma, sao có thể diệt anh hùng.”

Một ngày, Long Đĩnh đổ bệnh, chỉ có thể nằm mà tiếp triều, kẻ không hiểu miệt thị Đĩnh là “Ngọa Triều”. Ta không miệt thị Đĩnh, không đắc thắc, chỉ đơn giản là số mệnh của Đĩnh đã hết. Vũng lầy Đại Cồ Việt này không phải chỗ cho những kẻ quá cương liệt như Đĩnh. Đĩnh mang bệnh bởi vũng lầy này quá chật hẹp, không đủ để tráng chí loài rồng bay bổng.

Phút cuối, chỉ còn ta bên giường Đĩnh. Đĩnh hổn hển mấy lời:

-Ta qua đời, ngươi sẽ phò tá thái tử như Ngũ Tử Tư năm xưa phò tá Phù Sai, hay sẽ cướp ngôi như cha ta?

Ta chắp tay cảm khái:

-Ta cảm cái ơn tri ngộ của hoàng thượng. Hoàng thượng biết ta là người của Lý thị, vẫn không giết. Hoàng thượng không sợ sấm truyền sao ?

Long Đĩnh bật cười ha hả :

-Khá khen cho Uẩn ! Làm rồng ẩn mình trong thân chó, quả có bức bối cho ngươi. Lúc này đây, ta vẫn có thể chém đầu ngươi để bảo toàn ngai vị cho thế tử. Ngươi không sợ sao ?

-Ta hứa với ngươi khi lên ngôi, con ngươi sẽ được ta nuôi dạy thành tài. Nếu chúng có đủ khí chất, chúng vẫn có thể giết ta và con cháu ta nhằm khôi phục quyền lực họ Lê. Thay triều đổi đại âu cũng là lẽ thường tình mà thôi, với ta điều đó không thực coi trọng.

Long Đĩnh trầm ngâm nhìn Uẩn với ánh mắt nghi ngại :

-Ngươi coi trọng điều gì ?

Ta im lặng. Điều ta coi trọng ư ? Sao có thể nói rõ trong một lời. Long Đĩnh khi đã về cõi thần chắc hẳn sẽ nhớ ra. Đĩnh sẽ biết ta xuống đây rốt cuộc vì điều gì. Đĩnh cũng im lặng cùng ta. Không oán trách, không kỳ vọng. Đĩnh nhếch mép cười :

-Nếu còn có kiếp sau, chúng ta đừng trở thành hai con rồng chung một vũng lầy… Vũng lầy này, ta giao lại cho ngươi, mặc ngươi vẫy vùng ngang dọc. Ta nay cũng mệt rồi !

Đĩnh ra đi trong cái nhếch mép ấy. Nếu không có cái nhếch mép, ta sẽ coi hắn như mọi kẻ đã đại bại dưới tay ta. Hắn nhếch mép rồi ra đi càng khiến ta bội phần nể phục. Giờ đây, cơ nghiệp họ Lê nằm gọn trong tay ta, nhưng lòng Phất Ngân có còn thuộc về ta không, ta nào đoán được.

Phất Ngân ngày đầu gặp ta thường vận bạch y, trở thành phu nhân của ta người vẫn vận bạch y, nay liên tiếp mang cái tang của cha, của hai em, người không thể không vận bạch y. Người không tô son điểm phấn vì ta. Ở bên ta người không hẳn là vui, cơ đồ nhà Lê suy sụp người không hẳn là buồn. Ta chỉ biết rằng ánh mắt người luôn dõi theo ta, như khi người ở bên đá tam sinh xưa kia. Liệu người có còn nhớ ngàn ngàn kiếp trước như ta chăng ?

Ngày đăng cơ, ta mới thực hiểu thấu sự tĩnh lặng bên trong Phất Ngân. Cơ đồ nay đã thuộc về ta, ta chẳng mảy may chút gì hào hứng. Rồi tất thảy có thể như giấc mộng hoàng lương, khi ta tỉnh dậy nồi cháo kê vẫn còn chưa chín. Lúc ấy, thân phận kẻ làm vua như ta mới là kẻ nằm mơ, hay thân phận kẻ tỉnh dậy bên nồi kê mới là kẻ nằm mơ.

Cưỡi thuyền rồng đưa cả triều đình dời về Đại La, lòng ta lạnh như nước mùa thu. Cửa Thiền đã khiến cõi lòng ta lạnh nhạt hay bẩm sinh ta lạnh nhạt nên mới rơi vào chốn cửa Thiền. Một cơn mưa rào đổ xuống, lộp độp trên nóc thuyền. Đi trong mưa là cái thú của ta. Ta thích thú  với những gì từ trên trời rơi xuống : tia nắng, ánh trăng, giọt mưa, tuyết… và cả thiên thạch mang đến điềm hủy diệt.

Mưa tạnh. Trời trong vắt mùa thu. Một đám mây vàng cuộn hình rồng hướng về phía mặt trời. Bá quan văn võ trầm trồ nhìn đám mây. Chỉ là một đám mây thôi mà. Bá quan coi đó là điểm lạ. Ta chiều theo sự trầm trồ của bá quan mà đổi tên Đại La thành Thăng Long. Chỉ là đám mây rồng và nó có thể sẽ tan. Liệu đó có phải dấu hiệu hay là lời Long Đĩnh nhắn gửi ta?

“Vùng đất vũng lầy này ta sẽ đổi tên thành Đại Việt. Ta không thể yên lòng khi cát cứ vẫn còn nhiều. Ta ở đây để chấm dứt thời chiến loạn và tối tăm. Ta sẽ thôn tính các vùng cát cứ. Trăm họ phải quy thuận ta. Mọi thứ thô lậu sẽ được thay thế bằng tao nhã, sự kém cỏi sẽ bị xóa sổ bởi khuôn khổ. Cướp cơ đồ có để làm gì nếu không thể khiến muôn vật trở nên đẹp hơn.”

Đó là lời ta tự nhủ lòng mình. Mười chín năm ở ngôi vua, ta không ngày ngừng nghỉ. Sự thô lậu, sự kém cỏi vẫn còn đầy rẫy. Nhiều đêm ta giật mình thức dậy những tưởng cái chết sắp đến gần, cứ nghĩ sẽ không kịp để hoàn thành đại nghiệp. Khi rong ruổi thân chinh giết giặc, khi đau đáu nghĩ kế an dân, khi đích thân vi hành tìm nhân tài ẩn dật. Sống ở vũng lầy, ta không cố gắng gieo trồng, ai sẽ làm thay ta đây ? Mười chín năm ấy trôi qua, ta đã vào tuổi ngũ tuần, tóc điểm vài sợ bạc. Mười chín năm vẫn là Phất Ngân lặng lẽ bên ta. Không một lời thốt ra, nhưng tâm sự trùng trùng chất chứa.

Mười chín năm, vào một chiều xuân, ta nằm bên giường bệnh. Hoa đào phai rơi kín lan can. Một đời dằn lòng, giấu mọi mũi nhọn cảm xúc vào tim, ta chỉ mong được một lần khẽ vuốt cánh đào rơi. Một cuộc chính biến bên ngoài êm thấm, ai biết lòng ta toan tính trăm mối tơ vò. Không thể hại được ai, rốt cuộc chỉ hại chính mình. Nhói đau từng cơn trong tim theo mỗi đợt gió về. Sức ta không còn như xưa, cái xác này quá cũ rồi. Giang sơn đà đổi mới, thời ta nay đã tàn. Người ở lại thay ta gìn giữ cơ đồ. Ta giờ mệt mỏi như Long Đĩnh ngày ấy. Bên kia bờ sông âm phủ, Long Đĩnh đang đợi ta uống chén rượu nhạt, kể vài chuyện suông nơi trần thế.

Ta mấy bận ra đi, người mấy bận ở lại. Không biết khi về cõi thần ta và người còn duyên gặp gỡ hay chăng. Ta nghe bước người đang vội vã đến bên ta, gót hài vô tình dẫm lên cánh hoa đào. Người có còn kịp nhìn ta lần cuối để lưu lại hình bóng ta tới kiếp sau? Hay người chỉ nhớ sự nghiệp anh hùng của ta để rồi mai này lầm lẫn với một ai đó khác? Mà thôi, còn duyên còn phận, còn hoa đào, người và ta sẽ còn duyên gặp lại.

“Than ôi! Mệnh của ta đã cạn! Phận của ta đã xong! Con rồng đã thoát khỏi vũng lầy để bay lên cao thẳm. Ta uốn mình giữa thiên thanh, rưới mưa lên trần thế. Rả rích giọt sầu. Đất Đại Việt lạnh hương đưa. Tiếng chuông chùa thong thả tiễn hồn ta về trời. Nỗi buồn của anh hùng, loài người kia không thể hiểu. Sự giải thoát của anh hùng, chỉ ta hiểu mình ta.  Xác trần bỏ lại trần gian. Tên tuổi bỏ lại sử xanh. Ngai vị bỏ lại hậu thế. Đào hoa bỏ lại người thương”

Lý Bạch đời Đường đã viết rằng :

« Sự khứ phất y liễu

Thân tàng thâm dữ danh »

Nghĩa là :

« Việc xong rũ áo ra đi

Xóa nhòa thân thể, kể gì tiếng tăm »

 

Hà Thủy Nguyên

Anh hùng luận (5): Mộng trời Nam

Những dòng cuối cùng đã cạn, Nguyên Trừng đề lên tựa sách mấy chữ “Nam Ông mộng lục”. Trong giấc mộng, Nguyên Trừng còn là chàng trai trẻ trung đầy nhiệt huyết nuôi chí làm rường cột của nước nhà. Tỉnh mộng, chỉ còn Nam Ông một thân tội đồ nơi đất Bắc. Ngoài song cửa, mưa đất Bắc lạnh thấu xương lẫn với ảo ảnh cơn mưa Thăng Long nung nấu dựng xây Đại Việt. Cuốn sách nhỏ này, sao có thể phô bày

Anh hùng luận (4): Nỗi lòng mây trắng bay

Ta thân ở cõi trần, hồn tại chốn tiêu dao. Thân ta là hư ảnh hay hồn ta hư ảnh? Một kiếp lặng lẽ trôi qua, một kiếp miên viễn không dứt. Bất tử là hư ảnh hay yểu mệnh hư ảnh ? Thư phòng tịch mịch gió lùa tựa ngàn vạn dây đàn xao động. Mây trắng giăng đầy trời phác ánh bạc tứ phương. Trên đỉnh cao muôn trượng, ta tựa lan can vuốt sợi tơ đàn của gió. Dưới tầng mây trắng,

Anh hùng luận (6): Ôn Như hầu giữa tuồng ảo hóa

“Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ Quán thu phong đứng rũ tà huy Phong trần đến cả sơn khê Tang thương đến cả hoa kia cỏ này. Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy Kiếp phù sinh trông thấy mà đau Trăm năm còn có gì đâu Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì.” (*) Khúc thơ ấy là lời nàng cung nữ oán thán trong cung, nhưng cũng là lời của thi nhân cảm khái trước cuộc đời bể dâu… Ôn Như

ANH HÙNG LUẬN (1): LỜI CUỐI CÙNG CỦA TÔN LANG

Thời chiến loạn đất Đông Ngô, có chàng Tôn Sách. Người xứ này vẫn gọi chàng là Tôn lang. Từ “lang” được người dân Đông Ngô dùng để gọi những chàng trai đẹp. Tôn lang tuổi trẻ theo nghiệp cung kiếm, ôm nặng thù nhà, những mong dựng lại cơ đồ. Giữa buổi loạn lạc, anh tài như sao sáng giữa trời, Tôn lang phất cờ dấy binh, đánh đông dẹp bắc, bách chiến bách thắng không kẻ nào sánh bằng. Khắp chốn nhân tài

Anh hùng luận (3): KHÚC TRÁNG CA CỦA TIỀU THIÊN VƯƠNG

Tiếng hô rợp trời, gió thốc ào ào, lá đại kỳ đập vào hư không phần phật! Ai nghe thấy trong gió lộng khúc tráng ca? Ai nghe thấy tiếng vần vũ chuyển dời rì rầm nơi chân trời xa? Ai nghe thấy tiếng vi lau phất phơ múa gậy giữa sương mờ? Các anh em bằng hữu, ai cũng đã về trại của mình. Chỉ còn Tiều Thiên Vương đứng dưới lá cờ “Thế thiên hành đạo” trầm ngâm nghe khúc bi tráng đang