Home Sáng tác mới Anh hùng luận (3): KHÚC TRÁNG CA CỦA TIỀU THIÊN VƯƠNG

Anh hùng luận (3): KHÚC TRÁNG CA CỦA TIỀU THIÊN VƯƠNG

Tiếng hô rợp trời, gió thốc ào ào, lá đại kỳ đập vào hư không phần phật! Ai nghe thấy trong gió lộng khúc tráng ca? Ai nghe thấy tiếng vần vũ chuyển dời rì rầm nơi chân trời xa? Ai nghe thấy tiếng vi lau phất phơ múa gậy giữa sương mờ?

Các anh em bằng hữu, ai cũng đã về trại của mình. Chỉ còn Tiều Thiên Vương đứng dưới lá cờ “Thế thiên hành đạo” trầm ngâm nghe khúc bi tráng đang vang vọng bốn bề. Khúc bi tráng này mấy ai trong số bằng hữu kia có thể thấu rõ cùng chàng. Tiều Thiên Vương ngửa cổ cười ha hả, vung chân đá bầu rượu lăn lóc bên dưới lá cờ. Bầu rượu đập vào chiếc ghế đá vỡ tan. Rượu còn đọng trong vò văng ướt sân đá, hương thơm ngào ngạt.

Khúc tráng ca đưa Tiều Thiên Vương vào cơn viễn mộng. Chàng thấy mình cưỡi trên lưng bạch mã, tấm hoàng bào nhuốm ánh dương quang, cát vàng lóng lánh mờ nhân ảnh.  Đoàn quân giáo mác chĩa thẳng thiên thanh bị bỏ lại sau đám bụi vàng chàng để lại. Thân làm chủ tướng nhưng chàng chỉ muốn một mình một ngựa xông giữa sa trường, Những bằng hữu kia, chàng cảm cái ơn tri ngộ của họ, nhưng chàng vẫn muốn được một mình… Gánh nặng của lời thề nơi Tụ Nghĩa đường, vũng Lương Sơn đã kéo chàng lại, khiến chàng không thể một mình “tung vó ngạo” chốn giang hồ.

Giữa khúc tráng ca ấy, một vị tiên nhân cưỡi mây đáp xuống. Tiều Thiên Vương không thèm quan tâm, chàng vẫn say sưa trong khúc tráng ca chỉ riêng mình chàng nghe thấu.

  • Ta tới đây để nhắc ngươi! Ngươi nhận sứ mệnh quần tụ anh hùng, thay triều đổi đại… đừng để ngạo khí của cá nhân làm hỏng cơ đồ!

Tiều Thiên Vương nghếch mắt nhìn vị tiên nhân:

  • Cơ đồ là của ai?
  • Của trăm dân trong thiên hạ ! Ngươi không vì mình thì hãy vì ngàn vạn kiếp sinh linh bị dày vò trong chiến loạn?

Tiều Thiên Vương khẽ nhếch mép. Cái nhếch mép của chàng đẹp tựa hồ bông cúc nở muộn trong bức thủy mặc:

  • Rồi sao? Ta, hoặc ai đó khác sẽ lên ngôi báu! Nếu may mắn, một thời đại thịnh trị sẽ đến… Rồi lại suy tàn! Rồi các người lại cần những kẻ như ta và bạn bè ta thay triều đổi đại, xây dựng một thời thịnh trị mới. Các ngươi chưa chán sao? Ta đã chán, đã chán lắm rồi!

Tiên nhân vuốt chòm râu dài, tỏ vẻ ung dung:

  • Điều này đã được ghi trong số trời! Đó là vận mệnh của người!
  • Vận mệnh… vận mệnh… – Tiều Thiên Vương cười lớn – Ha ha ha ha ha ha ha… Ta hi sinh chính ta cho một giấc mơ thịnh trị của kẻ nào đó mà ta không biết. Trăm dân là vậy, giống như bầy gia súc, cho ăn thì no, thiếu ăn thì đói. Ta và bạn bè của ta chỉ đơn giản muốn vẫy vùng một cõi, được thỏa chí tang bồng của loài chim hồng chim hộc, Còn các ngươi lại muốn trói chí tang bồng của chúng ta trong mấy chữ “thế thiên hành đạo”. Như vậy gọi là “vận mệnh” hay sao?

Tiên nhân hít một hơi thở:

  • Cái chí tang bồng ngươi nói chỉ là cái chí chật hẹp. Chí lớn thực sự là tấm lòng hi sinh vì nghĩa lớn, vì chúng sinh trong thiên hạ…

Tiều Thiên Vương nhắm mắt lại, khúc tráng ca vẫn ngân vang trong chàng. Chàng vang lên tiếng hát hào hùng:

“Này phượng hoàng, hỡi phượng hoàng

Vút hư không vượt muôn trượng mây

Bỏ lại cơ đồ giang san

Ai nuối tiếc?

Muốn đoạt vầng trăng sáng

Ai tiếc bức họa đồ?

Loài se sẻ núp dưới vườn hoang sao hiểu thấu?”

Tiên nhân bật cười chế nhạo:

  • Phượng hoàng muốn đoạt vầng trăng ư? Nó sẽ chết vì muốn vượt ra khỏi lẽ thường.

Tiều Thiên Vương lại nhếch mép, lần này nụ cười của chàng như vầng trăng lưỡi liềm cười nhân gian:

  • Chết rồi thì ai cũng chết… Lẽ thường do ai bày ra? Ngươi sống mãi trong vòng vây của lẽ thường, gia cố cho cãi lẽ thường thêm vững chắc, ngươi là kẻ có chí lớn? Còn ta, muốn phá bỏ mọi lẽ thường, vượt ra ngoài lẽ thường, ngươi lại gọi là cái chí hạn hẹp sao? Kẻ chưa từng ngước mắt nhìn lên, chưa đi đến giới hạn cuối cùng của mọi lẽ thì không hiểu được có gì bên kia “lẽ thường” ấy.

Tiên nhân cảm thấy rùng mình. Bốn phương may chuyển ầm ầm. Lau lách rạp mình theo hướng gió. Tiều Thiên Vương đứng đó, vẫn nụ cười nhếch mép, có phần chán nản, có phần bi thương, có phần cao ngạo. Tiên nhân lùi lại mấy bước, lẩm bẩm mấy câu:

  • Ngươi… ngươi định làm gì… Vận mệnh không phải trò đùa…

Tiều Thiên Vương ngẩng đầu nhìn giữa mây khói. Xa xa, tiếng hát chèo đò của ba anh em họ Nguyễn vang vọng hào sảng, lan tỏa hơi rượu nồng khắp bốn phương. Xa xa, bóng Ngô Học Cứu in trên vách tường đang trầm ngâm đọc sách. Xa xa, bóng bát xà mâu của Lâm giáo đầu bay bay tựa cánh hoa mai rơi theo tuyết rụng. Cảnh tượng ấy, khí thế ấy, ngàn vạn năm nữa còn lưu mãi trong tâm khảm của chàng.

Chàng sẽ ra đi trước! Chàng sẽ rời bỏ bữa tiệc còn dang dở. Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Ngày mai kia, chàng sẽ tung vó ngựa giữa sa trường, bỏ lại đoàn quân trung thành, để một mình lao vào trại địch. Mũi tên địch không giết được chàng. Nhưng độc tố và sự thâm hiểm của địch sẽ giết chết chàng. Như vậy, chàng có thể chấm dứt cái vận mệnh mà kẻ nào đó đã áp đặt lên chàng. Những bằng hữu vào sinh ra tử kia, liệu có hiểu cơn cuồng dại này của chàng chăng?

Sau cái chết, chàng sẽ trở thành khúc tráng ca. Bằng hữu của chàng liệu có nghe thấu không? Họ liệu nghe lời kêu gọi của chàng? Có nghe tiếng đàn trời dội vào tâm can đánh thức họ khỏi giấc mộng cơ đồ? Mà không nghe thì có sao? Tự chàng tự mãn giữa thinh không…

Hà Thủy Nguyên

ANH HÙNG LUẬN (1): LỜI CUỐI CÙNG CỦA TÔN LANG

Thời chiến loạn đất Đông Ngô, có chàng Tôn Sách. Người xứ này vẫn gọi chàng là Tôn lang. Từ “lang” được người dân Đông Ngô dùng để gọi những chàng trai đẹp. Tôn lang tuổi trẻ theo nghiệp cung kiếm, ôm nặng thù nhà, những mong dựng lại cơ đồ. Giữa buổi loạn lạc, anh tài như sao sáng giữa trời, Tôn lang phất cờ dấy binh, đánh đông dẹp bắc, bách chiến bách thắng không kẻ nào sánh bằng. Khắp chốn nhân tài

ANH HÙNG LUẬN (2): GIẤC MƠ HOA ĐÀO CỦA LÝ CÔNG UẨN

Thời nào cũng có những anh hùng, kẻ thành người bại, tất cả rồi sẽ đi vào cõi chết, nhưng khí phách thì vẫn còn mãi. Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc chùm tản văn luận bàn về các số phận anh hùng, nửa dựa trên lịch sử, nửa do tác giả Hà Thủy Nguyên cảm khái mà viết nên. Đọc các bài Anh hùng luận khác tại đây: https://bookhunterclub.com/tag/anh-hung-luan/ “Tận nơi lầy lội tối tăm, hàng vàn sâu bọ ăn mòn muôn dân trong

Anh hùng luận (5): Mộng trời Nam

Những dòng cuối cùng đã cạn, Nguyên Trừng đề lên tựa sách mấy chữ “Nam Ông mộng lục”. Trong giấc mộng, Nguyên Trừng còn là chàng trai trẻ trung đầy nhiệt huyết nuôi chí làm rường cột của nước nhà. Tỉnh mộng, chỉ còn Nam Ông một thân tội đồ nơi đất Bắc. Ngoài song cửa, mưa đất Bắc lạnh thấu xương lẫn với ảo ảnh cơn mưa Thăng Long nung nấu dựng xây Đại Việt. Cuốn sách nhỏ này, sao có thể phô bày

Anh hùng luận (6): Ôn Như hầu giữa tuồng ảo hóa

“Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ Quán thu phong đứng rũ tà huy Phong trần đến cả sơn khê Tang thương đến cả hoa kia cỏ này. Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy Kiếp phù sinh trông thấy mà đau Trăm năm còn có gì đâu Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì.” (*) Khúc thơ ấy là lời nàng cung nữ oán thán trong cung, nhưng cũng là lời của thi nhân cảm khái trước cuộc đời bể dâu… Ôn Như

Anh hùng luận (4): Nỗi lòng mây trắng bay

Ta thân ở cõi trần, hồn tại chốn tiêu dao. Thân ta là hư ảnh hay hồn ta hư ảnh? Một kiếp lặng lẽ trôi qua, một kiếp miên viễn không dứt. Bất tử là hư ảnh hay yểu mệnh hư ảnh ? Thư phòng tịch mịch gió lùa tựa ngàn vạn dây đàn xao động. Mây trắng giăng đầy trời phác ánh bạc tứ phương. Trên đỉnh cao muôn trượng, ta tựa lan can vuốt sợi tơ đàn của gió. Dưới tầng mây trắng,