Home Sáng tác mới Anh hùng luận (5): Mộng trời Nam

Anh hùng luận (5): Mộng trời Nam

Những dòng cuối cùng đã cạn, Nguyên Trừng đề lên tựa sách mấy chữ “Nam Ông mộng lục”. Trong giấc mộng, Nguyên Trừng còn là chàng trai trẻ trung đầy nhiệt huyết nuôi chí làm rường cột của nước nhà. Tỉnh mộng, chỉ còn Nam Ông một thân tội đồ nơi đất Bắc. Ngoài song cửa, mưa đất Bắc lạnh thấu xương lẫn với ảo ảnh cơn mưa Thăng Long nung nấu dựng xây Đại Việt. Cuốn sách nhỏ này, sao có thể phô bày hết trùng trùng tâm sự nung nấu của Nguyên Trừng. Từng câu chữ đều phải nén lại, từng cảm xúc đều phải giấu kín.

“Ta sinh ra vào thời biến loạn, những gì đẹp đẽ và huy hoàng nhất dường như đã vào vận điêu tàn. Những câu thơ cổ nay không người hiểu, kẻ đương thời chỉ biết sính sự hào nhoáng của câu từ. Những cung điện huy hoàng trở thành nơi ra vào của hàng hàng hồn ma không sức sống. Quân đội trễ nải lấy đá gà, tửu sắc làm vui. Tiếng chuông chùa vọng lòng tham của thời mạt thế. Nhân tài như việc ngọc quý vứt lăn lóc giữa đồng hoang. Kẻ xu thời đi rao giảng lời quái đản.

Cha ta nuôi chí cướp ngôi, mượn sức vị vua ôm ấp lý tưởng Nghệ Hoàng để leo cao nơi triều chính. Ô kìa mộng canh tân! Ô kìa viễn cảnh thái bình thịnh trị! Ô kìa lẽ công bằng! Những gì ta nói với cha ta ngày thơ trẻ, chính cha ta đã dùng để thuyết phục Nghệ Hoàng. Ta đứng bên cạnh cha, nhìn sự hùng hồn của cha, chiêm ngưỡng ánh hào quang ngời hi vọng của Nghệ Hoàng, lòng bất chợt nghi hoặc chính mình. Đó là ước vọng của ta, đó là kế hoạch của ta, nhưng cũng là một viễn ảnh chưa hoàn hảo, một cơn say nửa tỉnh nửa mê. Nhưng thời mạt thế, họ cần một cái gì đó để bám vào, kể cả là một ảo cảnh xa xôi do trẻ thơ mơ mộng. Đó là Minh đạo ư? Có lẽ đúng! Trong bóng tối người ta đi về phía ánh sáng mà không ý thức được rằng cạm bẫy nào đang đợi chờ ở đó.

Thuở bé, ta thường trốn học rong chơi. Thời chiến loạn, cha ta không quản. Ta lang thang những góc phố, ta nghe lỏm những câu chuyện của phường buôn. Ta nghe họ kể về một vùng đất xa xôi nào đó ở phía Tây, người ta ghi lại số vàng bạc lên tờ giấy để trao đổi. Ta nghe họ kể về những khẩu pháo có sức hủy diệt cả ngàn quân địch. Ta nghe họ than phiền về những vương tôn quý tộc đang cản trở con đường buôn bán của họ bằng thứ quyền uy của lòng tham. Nghe họ và tưởng tượng… Đó là trò chơi những lúc cô đơn, khi mẹ ta mất sớm, khi cha ta mải mê thăng tiến quyền lực.
Tại sao Nghệ Hoàng có thể tin vào trò chơi lúc cô đơn của ta như thế? Có lẽ ngài cô đơn và bất lực. Cha ta hiểu được sự cô đơn và bất lực của ngài, nên đã dùng nó để mê hoặc ngài. Nhưng dùng một viễn ảnh để thuyết phục người khác, dần dần cha ta cũng bị nó thuyết phục. Giả vờ đắm chìm trong một giấc mơ quá lâu dần dần sẽ khiến một người không phân biệt được đâu là mơ đâu là thực. Nhìn sự đắm đuối của họ, ta càng lúc càng thấy những viễn ảnh ấy chỉ là ngớ ngẩn.

Ta lao vào những cơn say, ta lao vào điệu nhạc, ta thả hồn theo những cơn mưa đất Kinh kỳ. Nữ sắc không khiến ta xao động. Vinh hoa không khiến ta phấn khích. Những cơn quay cuồng ấy đâu dập tắt được giấc mơ muốn thay đổi Đại Việt trong ta. Nhưng không, nước Việt ta muốn xây dựng không chỉ là lẽ công bằng, không chỉ là sự phồn vinh. Ta mơ mộng về những bậc thánh quân như Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông thời Trần. Ta mơ mộng về hào khí ngùn ngụt của quân và dân Đại Việt. Ta mơ mộng về những người dân chăm chỉ tỉ mẩn từng chút trong công việc của mình. Ta mơ mộng về những tiếng hoan ca nơi xóm làng xa xôi. Ta mơ mộng về cảnh thanh nhàn không vướng bận, được gảy một khúc đàn thoát tục.

Rồi cũng đến ngày cha ta lên ngôi thượng hoàng, em ta lên ngôi hoàng thượng. Nhìn họ dương dương tự đắc, ta thấy mỉa mai và thương hại. Trong mắt họ vẫn không dấu nổi sự âu lo. Tôn thất nhà Trần vẫn dấy binh nổi loạn. Hoàng đế Vĩnh Lạc nhà Minh đang nhăm nhe bờ cõi. Họ lại không có được cái dáng vẻ toàn thân chính nghĩa như Nghệ Hoàng để có thể triệu tập toàn dân. Họ chỉ có thể dựa vào ta, một kẻ không thiết tha lắm với tham vọng của họ, không thiết tha lắm với một mớ hỗn loạn đang đi đến ngày tàn ở đất Việt, một kẻ thậm chí còn không thiết tha lắm với cuộc đời mình.
Ta đã làm gì đời ta thế này? Luôn luôn mơ mộng để rồi những kẻ tham quyền bám vào giấc mơ ấy mà tranh đoạt quyền lực. Luôn luôn mơ mộng để rồi chán nản với những gì diễn ra trước mắt. Ngay cả giấc mơ giản đơn nhất, gảy một điệu đàn trong cơn mưa thanh nhàn cũng trở nên xa xăm.

Giấc mộng nào rồi cũng có lúc tỉnh. Cha ta và em ta tỉnh mộng vào cái ngày quân đội của Vĩnh Lạc bao vây Tây Đô. Cha ta và em ta tham sống sợ chết đầu hàng. Còn ta đây thì sao, nên sống hay nên chết? Sống có gì vui? Chết có gì sợ? Tự vẫn như một anh hùng thà chịu chết chứ không chịu nhục ư? Ta không nuôi mộng anh hùng, ta chỉ là một kẻ mộng mơ. Sống luồn cúi như cha ta ư? Để mà làm gì? Thừa tướng nước Nam ta đã chẳng màng, màng gì chức phận của hàng thần nơi đất Bắc.

Ta để mặc đời ta trôi. Ta theo xe tù về đất Bắc. Ta chứng kiến sự tráng lệ đầy khoa trương của triều đình phương Bắc. Ta chứng kiến sự hèn nhược của cha ta và em ta. Ta chứng kiến những cuộc nổi dậy trong mông muội của những kẻ bất tài ở phương Nam. Ta chợt nhận ra ta chẳng còn nơi đâu là nhà. Và có lẽ chưa bao giờ có nơi nào là nhà ta. Ta chỉ đơn giản là đã lưu lạc từ lúc mới ra đời. Vậy thì ta còn sống trên cõi đời này làm gì nữa, chẳng phải vô nghĩa lắm ư? Còn những giấc mộng xa vời, tại sao chúng ám ảnh ta như định mệnh mà ta lại không thể thực hiện được chúng?

Ở đâu đó có kẻ mơ mộng thì cũng ở một đâu đó xa xôi sẽ có người thực hiện, dù ta và họ chưa từng có duyên gặp mặt. Những gì ta nghe được ngoài chợ và những gì ta tưởng tượng, có ai ngờ lại là một sự thật ở phía trời Tây. Chỉ đến khi lưu lạc nơi đất Bắc, ta mới được nghe kể về những chuyến du hành của Trịnh đại nhân tên Hòa và biết nó không phải là câu chuyện truyền kỳ. Nghệ Hoàng sẽ vui biết mấy. Cha ta sẽ ngạc nhiên biết mấy. Những câu chuyện của Trịnh đại nhân, có ai ngờ, lại là động lực để ta sống tiếp trong cái lạnh buốt giá của phương Bắc và triều đình Vĩnh Lạc.

Hôm nay, khi gấp lại “Nam Ông mộng lục”, ta mới thấy rõ rằng những giấc mơ mà Nghệ Hoàng bị cha ta đưa vào, chỉ là một giấc mộng tầm thường. Đến một lúc nào đó, có thể chục năm nữa, trăm năm nữa, thậm chí nghìn năm nữa, nước Nam có thể với tới giấc mơ ấy. Nhưng giấc mộng của ta thì dường như bất thành. Bởi những khoảnh khắc trong giấc mộng ấy đẹp quá. Những gì đẹp thường ngắn ngủi. Một tia nắng đẹp thoáng trong giây lát đã biến mất. Một điệu đàn đẹp không thể diễn tấu đến lần thứ hai. Một thời đại đẹp có thể chỉ là quá vãng hoặc chưa từng đạt đến.

Chỉ có cơn mưa triền miên… cái lạnh triền miên… sự chán nản triền miên…”

Hà Thủy Nguyên

ANH HÙNG LUẬN (1): LỜI CUỐI CÙNG CỦA TÔN LANG

Thời chiến loạn đất Đông Ngô, có chàng Tôn Sách. Người xứ này vẫn gọi chàng là Tôn lang. Từ “lang” được người dân Đông Ngô dùng để gọi những chàng trai đẹp. Tôn lang tuổi trẻ theo nghiệp cung kiếm, ôm nặng thù nhà, những mong dựng lại cơ đồ. Giữa buổi loạn lạc, anh tài như sao sáng giữa trời, Tôn lang phất cờ dấy binh, đánh đông dẹp bắc, bách chiến bách thắng không kẻ nào sánh bằng. Khắp chốn nhân tài

Anh hùng luận (6): Ôn Như hầu giữa tuồng ảo hóa

“Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ Quán thu phong đứng rũ tà huy Phong trần đến cả sơn khê Tang thương đến cả hoa kia cỏ này. Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy Kiếp phù sinh trông thấy mà đau Trăm năm còn có gì đâu Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì.” (*) Khúc thơ ấy là lời nàng cung nữ oán thán trong cung, nhưng cũng là lời của thi nhân cảm khái trước cuộc đời bể dâu… Ôn Như

Anh hùng luận (3): KHÚC TRÁNG CA CỦA TIỀU THIÊN VƯƠNG

Tiếng hô rợp trời, gió thốc ào ào, lá đại kỳ đập vào hư không phần phật! Ai nghe thấy trong gió lộng khúc tráng ca? Ai nghe thấy tiếng vần vũ chuyển dời rì rầm nơi chân trời xa? Ai nghe thấy tiếng vi lau phất phơ múa gậy giữa sương mờ? Các anh em bằng hữu, ai cũng đã về trại của mình. Chỉ còn Tiều Thiên Vương đứng dưới lá cờ “Thế thiên hành đạo” trầm ngâm nghe khúc bi tráng đang

Anh hùng luận (4): Nỗi lòng mây trắng bay

Ta thân ở cõi trần, hồn tại chốn tiêu dao. Thân ta là hư ảnh hay hồn ta hư ảnh? Một kiếp lặng lẽ trôi qua, một kiếp miên viễn không dứt. Bất tử là hư ảnh hay yểu mệnh hư ảnh ? Thư phòng tịch mịch gió lùa tựa ngàn vạn dây đàn xao động. Mây trắng giăng đầy trời phác ánh bạc tứ phương. Trên đỉnh cao muôn trượng, ta tựa lan can vuốt sợi tơ đàn của gió. Dưới tầng mây trắng,

ANH HÙNG LUẬN (2): GIẤC MƠ HOA ĐÀO CỦA LÝ CÔNG UẨN

Thời nào cũng có những anh hùng, kẻ thành người bại, tất cả rồi sẽ đi vào cõi chết, nhưng khí phách thì vẫn còn mãi. Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc chùm tản văn luận bàn về các số phận anh hùng, nửa dựa trên lịch sử, nửa do tác giả Hà Thủy Nguyên cảm khái mà viết nên. Đọc các bài Anh hùng luận khác tại đây: https://bookhunterclub.com/tag/anh-hung-luan/ “Tận nơi lầy lội tối tăm, hàng vàn sâu bọ ăn mòn muôn dân trong