Home Sáng tác mới Anh hùng luận (6): Ôn Như hầu giữa tuồng ảo hóa

Anh hùng luận (6): Ôn Như hầu giữa tuồng ảo hóa

“Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ

Quán thu phong đứng rũ tà huy

Phong trần đến cả sơn khê

Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.

Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy

Kiếp phù sinh trông thấy mà đau

Trăm năm còn có gì đâu

Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì.” (*)

Khúc thơ ấy là lời nàng cung nữ oán thán trong cung, nhưng cũng là lời của thi nhân cảm khái trước cuộc đời bể dâu… Ôn Như hầu lặng người bên hồ Tây sương giăng trắng bạc. Ánh nước chiều ảm đạm sầu thiên niên. Đây là lần cuối cùng ông quay lại chốn này. Chao ôi một thuở cung vàng điện ngọc nguy nga, một thuở cưỡi mây đạp gió đuổi theo vầng dương rực rỡ… Chao ôi trai phòng thanh tịnh, gẩy khúc gió trăng, gieo thơ vạn kỷ, vung đường gươm định vẻ giang sơn… Tất cả chỉ còn là ảo ảnh của quá khứ… cũng là ảo ảnh của đời người… một giấc mộng hoàng lương sực tỉnh…

“Tóc đã bạc, mộng đã tỉnh, nhưng ta vẫn đứng đây… nhớ tiếc… để níu kéo lại giấc mơ hư ảo ấy. Ta cứ nhắm mắt không chịu tỉnh nhưng thâm sâu trong ta biết rằng ta đã tỉnh rồi. Gió chiều hàn hàn, rượu nhạt nhạt, tuổi xế chiều biếng nhác không buồn nhấc trường kiếm khua loạn gió mây. Kẻ đầu xanh nhìn ta cười nhạo, kẻ thắng trận nhìn ta cười nhạo, lão cuồng nhân ta đây liệu có để tâm. Nếu không để tâm, các ngươi chẳng lọt mắt ta. Nếu để tâm, sao ta có thể dằn lòng nhìn các ngươi cười nhạo… À phải rồi, ta đã già và biếng nhác, ta đã chán diễn tuồng ảo hóa, ta muốn say một trận bí tỉ đến hồn lìa khỏi xác, đến thân thể tan tành… Nhưng ta không thể say, bởi vở tuồng các ngươi diễn ồn ào quá, náo nhiệt quá. Ta làm được chi đây!”

Hầu ngoái lại sau lưng. Kinh thành Thăng Long một thời lộng lẫy đã sụp đổ sau những cuộc chiến và những cuộc tàn phá của đám kiêu binh. Khói lửa và gươm đao không phá được kinh thành, nhưng lũ kiêu binh làm được. Cung điện thời Lý – Trần xây dựng, vua Hồng Đức sửa sang, phút chốc thành gạch vụn. Cửu Trùng Đài sừng sững cũng thành tro. Vũ Như Tô, ai hiểu lòng ông? Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều hiểu. Đám loạn dân chỉ biết cái ăn, cái mặc không hiểu cái chí của chim hồng chim hộc. Họ không biết rằng cái đẹp có thể khiến họ khôn ra, có thể khiến họ nhìn thấy lối ra cho cuộc đời mình mà không cần làm nô lệ. Một tòa nhà đẹp, một khúc nhạc đẹp, một bài thơ đẹp, một áng văn đẹp… một tâm hồn đẹp có thể cứu rỗi muôn dân. Những người dân chỉ nhìn quanh thấy căn nhà xấu xí, nhếch nhác; ngắm nhìn những thứ nhỏ mọn của đời thường; vừa lòng với miếng ăn nhạt thếch… sẽ sẵn sàng bán mạng vì miếng ăn, sẵn sàng biến thành dã thú, sẵn sàng triệt tiêu cái đẹp để thỏa căm hờn. Thế thì chúng sẽ tiếp tục làm nô lệ với sự căm hờn.

“Ta sinh trưởng nơi quyền quý, năm lên sáu vào phủ chúa học… Nhưng trước mắt ta chỉ là những dền đài kệch cỡm của lũ trưởng giả khoa trương. Đâu rồi vẻ thanh quý thuở xa xưa vẫn ẩn hiện trong ký ức ta mơ màng trong các giấc mơ con trẻ. Chúa nhà Trịnh nhân cơ nhà Lê thất thế, vội vàng đoạt ngôi cao, dưới một người mà trên muôn vạn. Nhưng họ căn cơ thấp kém, chẳng có được vẻ thâm sâu của bậc bất phàm. Vung tiền xây kín những dãy tường xám xịt, điểm trang bằng thứ hoa văn loằng ngoằng, lòe người bằng thứ màu sặc sỡ. Ta thiết nghĩ, anh hùng thời nay không phải ra trận cướp thành giết người, mà dựng xây một thời thịnh thế của cái đẹp, của những bậc bất phàm. Mấy trăm năm bãi biển nương dâu, thành tan ngói vỡ, thi thư thất lạc, nhân thế suy đồi… Vung gươm có để làm gì? Chiến thắng có để làm chi!

Ta ôm bầu nhiệt huyết, theo lời chúa Trịnh trang hoàng lại Thăng Long. Đất rồng bay một thuở, sao có thể đổ nát, sao có thể kệch cỡm. Ta cho người chỉnh từng đường khắc, xây lại từng cột đá, thay từng viên gạch nát. Ta mang cả sở học và gia sản để sai người thu thập kinh thư những mong hưng phục thịnh thế. Ta viết điệu Sở mới, định lại âm phường. Chúa Trịnh sao có thể hiểu ta, vua Lê sao có thể hiểu ta, người trong thiên hạ sao có thể hiểu ta. Họ chỉ cười ta là kẻ cuồng nhân. Giữa loạn thế, ta đang xây thịnh thế… Ai làm vua ta không biết… Ta là vua của cõi đẹp…”

Nơi Ôn Như Hầu đứng ngắm cảnh tương truyền năm xưa là động hồ ly. Nơi đây, vua Lý Bí sai hai người con gái có phép thuật tiêu diệt hồ ly. Hồ này được gọi là đầm Xác Cáo, cũng là tích xưa kia Lạc Long Quân giết hồ ly. Ôn Như Hầu trong cơn say thấy chín đuôi cáo dựng ngược phát quang như lửa cháy. Trong muôn vật, chỉ có giống hồ ly tinh biết tôn sùng cái đẹp. Tội lớn nhất của loài hồ ly là đẹp và trí tuệ. Người Hán ghét hồ ly, người xứ này còn ghét hồ ly hơn. Hầu chợt nhớ lại những ngày làm tổng binh Hưng Hóa, trấn Đà Giang, sống lẫn với người mường người mán trên rừng.

“Năm ấy, chúa Trịnh Sâm muốn ép ta cầm quân dẹp loạn. Ông ta không hiểu những gì ta đang làm, nên ông ta sợ. Ông ta ghen tị với tài năng và danh tiếng của ta. Họ Trịnh không muốn có thêm một Nguyễn Hoàng đe dọa đến ngôi vị của mình. Ông ta không muốn ta qua lại cùng đám văn nhân tài tử đang say giấc mộng thịnh thế. Ông ta không muốn ta kết bằng hữu với những kẻ bất tuân. Thuở xưa kẻ võ biền bất tuân. Ngày nay bậc văn nhân bất tuân. Kẻ võ biền chẳng qua làm kiêu binh đốt phá. Văn nhân bất tuân sẽ thay triều đổi đại, định giang san. Ta không cần thay triều đổi đại, ta chỉ cần được thỏa chí tô điểm giang san. Nếu ta muốn thay triều đổi đại, đám trưởng giả họ Trịnh có thể cản sao? Trịnh Sâm lúc thì không hiểu hết chí ta, lúc lại hiểu thái quá, hắn nghi ngại ta, hắn đày ta lên xứ mường xứ mán, nơi trấn Đà Giang hoang sơn dã lĩnh.

Núi non hùng vĩ không khiến ta nguôi lòng kinh kì… Tiếng hổ gầm không khiến ta quên chiều lãng đãng hồ Tây… Tiếng chim hót chẳng khiến ta nguôi thi tứ. Ta nghe thái tử Duy Khiêm là người bất phàm. Lòng ta như lửa đốt. Vị thái tử ngây dại ấy nào biết thế sự, hẳn sẽ bị tiểu nhân lèo lái. Thái tử liệu có biết đến ta, vị vương hầu ôm mộng thịnh thế? Bạn bè ta có còn nhớ đến ta, hay cũng xuôi theo chiều loạn thế? Ngày dài đằng đẵng tựa năm, ta nghe nội tình kinh kỳ mà lòng đau như cắt, chỉ hiềm không thể bỏ phận sự.

Không có ta, vị thái tử có thể làm gì? Xoay chiều theo kẻ vũ dũng? Xoay chiều theo kẻ hèn mưu bẩn? Cố níu lấy tông tộc nhà Lê đã đổ nát. Ai sẽ tiến cử bằng hữu của ta cho vua? Ai sẽ giúp người trừng trị đám kiêu binh. Nguyễn Huệ ư? Kiêu hùng nhưng ít học. Hữu Chỉnh ư? Khôn ranh nhưng chí mọn. Mấy trăm năm nay chiến loạn chỉ bởi những kẻ kiêu hùng ít học đấu với những kẻ khôn ranh chí mọn hay sao! Sao có thể phá thế trận bằng một chiêu đã cũ.

Đêm ấy, ta quyết định bỏ mặc doanh trai, vứt ấn tổng binh, liều mình về Thăng Long bái yết thái tử. Cùng lắm là bãi chức, cùng lắm là mất đầu. Còn hơn nhìn thế cục hỗn loạn. Ta vượt trùng sơn giữa đêm khuya, lén vào thành, lẫn trong đám kiêu binh. Ta đu tường vào cung thái tử. Thái tử vẫn miệt mài đọc sách. Bao nhiêu năm bị nhốt trong tù, người không được chỉ bảo, không hiểu thuật cai trị. Ta nhìn người, lòng xúc động. Ta đưa mắt nhìn quanh. Dù giữ ngôi thái tử, nhưng người vẫn là một tù binh bị giam lỏng. Quân lính của phủ chúa được cắt để bảo vệ và canh giữ người. Thị nữ cũng không để người lọt khỏi mắt. Nếu ta manh động đến gần, người và ta liệu có còn toàn mạng?”

Ôn Như Hầu thở dài ném thanh trường kiếm xuống hồ. Rượu đã ngấm sâu, càng ngấm sâu càng tỉnh, càng ngấm sâu càng đau. Thời thế nay đã chuyển. Vị thái tử kia đang lưu lạc nơi đất khách vì tin lời kẻ khôn ranh chí mọn. Kẻ kiêu hùng uy vũ đã lên ngôi. Giấc mộng thịnh thế chỉ còn là cơn say thời trai trẻ. Bằng hữu của hầu đều lui về ở ẩn mặc đám tiểu nhân diễu võ dương oai. Ôi chiến loạn! Chiến loạn! Ngươi làm được gì ngoài tàn phá? Ngươi làm được gì ngoài mở đường cho lũ ô hợp chiếm ngai?

“Ta nay sắp tận mạng. Giấc mơ xây thời thịnh thế thôi đành đợi kiếp sau. Ta thăm lại chốn xưa để khắc ghi giấc mơ ấy trong tâm khảm. Đã bao kiếp trôi đi ta đắm đuối xây thời thịnh thế nơi đây? Đã bao kiếp ta thất bại? Vận mệnh phương nam sao oái oăm đến thế? Chẳng qua ta cũng chỉ là con hồ li tinh bị loài man rợ truy diệt. Ta nên bỏ xứ, hay cố thay đổi nơi đây? Không, đây là vở tuồng ta chưa diễn trọn vai, là ván cờ ta chưa chơi sát ván, là thế cuộc chỉ mình ta có thể xoay vần. Kẻ làm vua thì nhiều, kẻ xây thịnh thế thì ít. Kẻ giúp dân ấm no chẳng thiếu, nhưng kẻ khiến phong hóa biến chuyển cũng chỉ có mình ta.

Kiếp này ta đã thành hay bại? Ta còn ở Thăng Long, thế cục yên bề, giang sơn chuyển đổi, thịnh thế hiển linh. Ta bị đẩy lên mường mán, thế cục hỗn loạn, tiểu nhân đắc ý, nhân tâm ly tán. Đó là ta thành bại hay thế cuộc thành bại?

Kiếp này ta lỗi hẹn cùng thái tử, chẳng thể góp sức cùng người, khiến người rơi vào thiên la địa võng. Kiếp sau ta nguyện cùng người hưng phục, xây thời thịnh thế. Kiếp sau, ta không còn là Ôn Như Hầu được chúa Trịnh nuôi lớn, người không còn là vị vua thất thế phải lưu vong. Ta nguyện giữ lòng trung không thờ hai chủ, ta sẽ giữ mãi giấc mộng lớn trong tim. Nhiệt huyết chỉ có một lần, không thể đem trao vào tay những kẻ đã phá tan thế cục.”

Đây là lần cuối cùng Ôn Như Hầu về lại tư dinh ở hồ Tây. Đã từ lâu ông lui khỏi thế cục, rời bỏ Thăng Long. Ông không muốn nhìn những gì ông xây dựng giờ chỉ còn là gạch vụn. Điệu nhạc ông viết đào nương nào sẽ ca trong đêm? Khung cảnh xưa kia ai người họa lại? Thi hứng nào sẽ đến với trang tài tử phong lưu? Rồi tất cả có được lưu giữ hay sẽ thất truyền giữa hư vô? Người đời sau ai sẽ hiểu ông? Ai sẽ nhớ đến ông? Ông không cần thương cảm, ông không cần hậu thế khóc thương, ông cần hậu thế sẽ hoàn thành nốt sứ mệnh dở dang – xây dựng thời thịnh thế.

“Bằng hữu cùng ta nuôi mộng lớn, ta hẹn các ngươi kiếp sau, nơi Long Thành này, cùng ta xây thời thịnh thế…”

Thôi thì tuồng ảo hóa đã khép. Đợi vang khúc hùng tâm tráng trí… Đợi cái đẹp tái sinh…

 

Hà Thủy Nguyên

*Trích “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều

 

 

 

 

ANH HÙNG LUẬN (2): GIẤC MƠ HOA ĐÀO CỦA LÝ CÔNG UẨN

Thời nào cũng có những anh hùng, kẻ thành người bại, tất cả rồi sẽ đi vào cõi chết, nhưng khí phách thì vẫn còn mãi. Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc chùm tản văn luận bàn về các số phận anh hùng, nửa dựa trên lịch sử, nửa do tác giả Hà Thủy Nguyên cảm khái mà viết nên. Đọc các bài Anh hùng luận khác tại đây: https://bookhunterclub.com/tag/anh-hung-luan/ “Tận nơi lầy lội tối tăm, hàng vàn sâu bọ ăn mòn muôn dân trong

Anh hùng luận (4): Nỗi lòng mây trắng bay

Ta thân ở cõi trần, hồn tại chốn tiêu dao. Thân ta là hư ảnh hay hồn ta hư ảnh? Một kiếp lặng lẽ trôi qua, một kiếp miên viễn không dứt. Bất tử là hư ảnh hay yểu mệnh hư ảnh ? Thư phòng tịch mịch gió lùa tựa ngàn vạn dây đàn xao động. Mây trắng giăng đầy trời phác ánh bạc tứ phương. Trên đỉnh cao muôn trượng, ta tựa lan can vuốt sợi tơ đàn của gió. Dưới tầng mây trắng,

Anh hùng luận (5): Mộng trời Nam

Những dòng cuối cùng đã cạn, Nguyên Trừng đề lên tựa sách mấy chữ “Nam Ông mộng lục”. Trong giấc mộng, Nguyên Trừng còn là chàng trai trẻ trung đầy nhiệt huyết nuôi chí làm rường cột của nước nhà. Tỉnh mộng, chỉ còn Nam Ông một thân tội đồ nơi đất Bắc. Ngoài song cửa, mưa đất Bắc lạnh thấu xương lẫn với ảo ảnh cơn mưa Thăng Long nung nấu dựng xây Đại Việt. Cuốn sách nhỏ này, sao có thể phô bày

Anh hùng luận (3): KHÚC TRÁNG CA CỦA TIỀU THIÊN VƯƠNG

Tiếng hô rợp trời, gió thốc ào ào, lá đại kỳ đập vào hư không phần phật! Ai nghe thấy trong gió lộng khúc tráng ca? Ai nghe thấy tiếng vần vũ chuyển dời rì rầm nơi chân trời xa? Ai nghe thấy tiếng vi lau phất phơ múa gậy giữa sương mờ? Các anh em bằng hữu, ai cũng đã về trại của mình. Chỉ còn Tiều Thiên Vương đứng dưới lá cờ “Thế thiên hành đạo” trầm ngâm nghe khúc bi tráng đang

ANH HÙNG LUẬN (1): LỜI CUỐI CÙNG CỦA TÔN LANG

Thời chiến loạn đất Đông Ngô, có chàng Tôn Sách. Người xứ này vẫn gọi chàng là Tôn lang. Từ “lang” được người dân Đông Ngô dùng để gọi những chàng trai đẹp. Tôn lang tuổi trẻ theo nghiệp cung kiếm, ôm nặng thù nhà, những mong dựng lại cơ đồ. Giữa buổi loạn lạc, anh tài như sao sáng giữa trời, Tôn lang phất cờ dấy binh, đánh đông dẹp bắc, bách chiến bách thắng không kẻ nào sánh bằng. Khắp chốn nhân tài