Home Đọc Sách Đọc Nhanh “Ba bậc thầy” của Stefan Zweigh do ông trùm Bình Bán Book dịch

“Ba bậc thầy” của Stefan Zweigh do ông trùm Bình Bán Book dịch

Dù sống cùng với nhau trong một thành phố, anh mua sách của tôi nhiều và tôi mua sách của anh cũng không ít lần, nhưng chúng tôi chưa từng gặp nhau ngoài đời 🤣, chỉ biết nhau qua sách. Âu cũng là loại quan hệ đặc biệt của thời Internet. Anh Tuấn Bình đến với công việc kinh doanh sách bằng tình yêu với sách, trong khi thị trường sách chạy đuổi theo sách thị trường giảm giá chất lượng nội dung tốt thì anh ấy dấn thân bước vào dòng sách khó đọc. Nhưng cuộc dấn thân ấy không mang màu sắc lãng mạn mà đầy tính hiện thực 😄 (bạn muốn hiểu chữ “hiện thực” theo nghĩa nào cũng được). Anh đi bán sách của thiên hạ nhiều, rồi thì cũng đến ngày anh làm cuốn sách theo sở thích của anh, nói lên con người anh. Trước thì anh dịch một cuốn về các cây cầu (một thời anh hoạt động trong lĩnh vực cầu đường) và giờ thì anh dịch và xuất bản một cuốn của Stefan Zweig có tên “Ba bậc thầy”. Ba bậc thầy ở đây chính là ba đại diện xuất chúng của văn chương hiện thực: Balzac, Dickens, Dostoevsky.

Stefan Zweig không ca ngợi bút pháp đại tài của các nhà văn này giống như các nhà nghiên cứu phê bình hay làm, mà ông phân tích cách hiện thực xã hội ánh xạ lên văn chương hiện thực của họ.  Ban sơ ta hẳn sẽ nghĩ rằng họ là thư ký của hiện thực nhưng từ luận giải của Stefan Zweig, ta sẽ thấy rằng họ không ghi chép lại hiện thực mà nghiên cứu, giải mã, mổ xẻ hiện thực mà trong đó con người cũng là một phần của hiện thực ấy. Stefan Zweig đi một chặng xuyên không thời gian vào từng trang sách, diễn cảnh cho ta thấy quá trình hoàn cảnh sống tác động lên tâm trí của một nhà văn hiện thực và nó đã phóng chiếu lên cách nhận định hiện thực, rồi sau tác động đến bút pháp, và cuối cùng là đã chạm tới những độc giả như chúng ta theo cách nào.

Bản dịch của anh Tuấn Bình hay, đầy sức sống, điều ấy cho thấy rằng anh thực sự yêu thích văn học hiện thực, và hơn cả thế anh là con người của hiện thực, của những gì rất đời.

Tôi không phải người thích văn học hiện thực, thú thực là tôi mệt mỏi mỗi khi đọc các tác phẩm thuộc chủ nghĩa hiện thực trừ George Orwell. Nhưng tôi lại thấy việc tìm hiểu về cách các nhà văn hiện thực bị hiện thực họ sống nhào nặn nên họ, và ở khía cạnh này cuốn sách “Ba bậc thầy” thực sự thuyết phục.

Hà Thủy Nguyên

*Nguồn ảnh sách: Zingnews.vn