Home Bình Luận Chiến hay Hòa – lựa chọn khó khăn trong lịch sử Việt Nam

Chiến hay Hòa – lựa chọn khó khăn trong lịch sử Việt Nam

Với vị trí của một quốc gia ven biển, thường xuyên đối mặt với rủi ro xâm chiếm từ các triều đại phương Bắc, luôn canh chừng sự xâm nhập của các nước lân bang ở phía Tây và Nam… hết thế hệ này đến thế hệ khác, các chính quyền dẫu khác biệt về thể chế, nhưng luôn đối mặt với lựa chọn Chiến hay Hòa. Và các lựa chọn này dường như không có công thức chung rõ rệt, mà bị chi phối bởi hoàn cảnh và tình thế, rốt cuộc, để lại các di chứng trong văn hóa và đời sống xã hội.

Từ chiến đấu đến chiến thắng

Đối với một quốc gia, bất kể lớn hay nhỏ, khi đối mặt vơi nguy cơ xâm lăng, lựa chọn chiến đấu luôn gây một nguồn cảm hứng lớn lao, bởi chiến đấu là cách khẳng định sức mạnh của nhà cầm quyền. Không chỉ là sức mạnh quân sự, uy tín của chính quyền với muôn dân cũng được khẳng định thông qua sự đồng tâm nhất trí chiến đấu chống ngoại xâm. Để đưa ra quyết định chiến đấu, một chính quyền cần nhiều hơn lòng dũng cảm, vì một cuộc chiến dẫn đến thất bại là điều vô nghĩa. Cái giá phải trả khi thất bại lớn hơn rất nhiều so với hình dung của người cầm quyền, và một nguy cơ khó tránh đó là mạng sống của những người trong chính quyền sẽ bị đe dọa. Ngược lại, chiến đấu dẫn đến chiến thắng, có thể là lực đẩy để thúc nhanh tiến trình cải cách nội bộ và xã hội mà trong bối cảnh hòa hoãn thông thường khó có thể thực hiện được. Tuy nhiên, ở Việt Nam,đa phần quyết định chiến đấu không hoàn toàn đến từ sự chủ động thúc nhanh tiến trình cải cách, mà thường đến từ tình thế bắt buộc.

Như đã đề cập ở trên, các triều đại ở Việt Nam luôn phải đối mặt với hai hướng tấn công chính, một là từ phương Bắc, hai là từ phía Tây và Nam; nhưng hướng tấn công từ phương Bắc luôn là mối nguy lớn, bởi xét về tương quan, các triều đình cai trị phương Bắc luôn có sức mạnh quân sự lớn hơn, truyền thống nô dịch văn hóa bài bản, và quan trọng hơn cả, là dân số đông. Sau khi các triều đình cai trị Việt Nam trong quá khứ thất bại, triều đình phương Bắt sẽ thực hiện các cuộc di dân, giống như họ từng làm với các cổ quốc lân bang khác, và thực hiện đồng hóa. Những cuộc đồng hóa này còn lưu lại dấu ấn tới ngày nay qua thành ngữ “sát phu hiếp phụ”. Khi quân đội của Triệu Đà thôn tính Âu Lạc, Âu Lạc trở thành một phần của nước Nam Việt, mở đầu cho quá trình Hán hóa tại Việt Nam. Nam Việt là một quốc gia có giao tình thân thiết với nhà Hán ở Trung Nguyên, và chủ động tiếp thu văn hóa Hán, như một bước chuyển tiếp, các yếu tố bản địa vốn có dần được lắp thêm lớp vỏ Hán hóa. Cho đến khi, Nam Việt bị Hán thôn tính, khu vực miền Bắc Việt Nam được sát nhập vào lãnh thổ Hán, thì Hán triều bắt đầu thực hiện một chiến lược đồng hóa dân cư và văn hóa tại đây. Nỗi ám ảnh đeo bám những cư dân tại đây đến nỗi cho tới gần đây, chúng ta vẫn e ngại viễn cảnh “sát phu hiếp phụ”, nghĩa là giết đàn ông hiếp đàn bà để gieo nòi giống mới như mục tiêu dễ thấy của chinh phạt, sau đó mới tới các quyền lợi kinh tế khác.

Song “sát phu hiếp phụ” không đơn giản là một chính sách đồng hóa. Nếu nhìn khắp lịch sử chiến tranh thời man dã của nhân loại, hiện tượng “sát phu hiếp phụ” khá phổ biến. Từ xa xưa, tại La Mã, người anh hùng lập quốc Romulus đã tổ chức quân đội của mình, bắt cóc phụ nữ Sabine và hiếp dâm họ, với hi vọng gia tăng quân số tương lai. Và trong suốt lịch sử La Mã, những đội quân của đế chế thường xuyên giết đàn ông và bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục để có thể thường xuyên thực hiện các hành vi bạo dâm. Đối với quân đội La Mã cổ đại, việc hiếp dâm phụ nữ ở quốc gia đối địch được coi như biểu tượng của chiến thắng. Tương tự như vậy, tại Trung Quốc, khi Tào Tháo thôn tính sứ quân của Viên Thiệu hay các sứ quân khác, ông ta thường cướp các người vợ của thủ lĩnh hoặc tướng lĩnh bại trận để giữ làm thiếp của mình hoặc chia cho các binh tướng có công. Như vậy, “sát phu hiếp phụ” không chỉ để đồng hóa, mà còn là biểu tượng của chiến thắng mà trong đó phụ nữ là phần thưởng. Các quốc gia bại trận cũng vì thế mà bị đồng hóa nòi giống, và nếu sự ghi nhớ cố quốc không đủ mạnh mẽ, kết hợp với các yếu tố thiên tạo như địa hình hiểm trở hay thời thế không hỗ trợ, thì một quốc gia chiến bại thường sẽ đi đến diệt vong.

Với áp lực ấy, chiến đấu luôn được xem là con đường duy nhất. Bởi thế, Lê Đại Hành dám diệt quân Tống trên sông Bạch Đằng, đến lượt vua tôi nhà Lý cùng nhau xây chiến tuyến sông Như Nguyệt đánh bại các đại tướng của Tống, nhà Trần ba lần phá đại binh của giặc Nguyên, Lê Thái Tổ dựng cờ khởi nghĩa đánh bại ách đô hộ của nhà Minh. Những chiến thắng ấy đều tạo đà cho các cải cách về xã hội. Nhưng không phải triều đại nào cũng có được may mắn ấy. Cha con nhà Hồ lựa chọn chiến đấu chống quân Minh trong bối cảnh triều đình đang rối ren và khó tránh được thất bại. Liệu trong tình hình rối ren ấy, cha con nhà Hồ có thể lựa chọn hòa hoãn được không? Tất yếu là không, bởi vì xâm lược Đại Việt lúc bấy giờ nằm trong chiến lược lớn mở rộng hàng hải của Minh Thành Tổ, nền móng của chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển”  của Tập Cận Bình sau này. Trên thực tế, cha con nhà Hồ không được quyền lựa chọn giữa Chiến hay Hòa, mà chỉ được lựa chọn giữa cầm vũ khí chiến đấu hay giơ tay chịu trói, mà trong đó, chiến đấu thì còn thể hiện được tiết tháo của mình. Nhưng vì uy vọng của cha con nhà Hồ không đủ triệu tập sức mạnh muôn dân, còn Minh Thành Tổ thì đang ở giai đoạn thịnh vượng với khí thế hừng hực, nên cha con nhà Hồ đã thất bại, đúng như lời tiên đoán của Hồ Nguyên Trừng: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi!”

Hòa bình – hi vọng mong manh

Lý Bạch có câu thơ:  “Mới hay: Gươm đao là vật gở,/Thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng thôi!” (Chiến thành Nam, bản dịch của Nam Trân & Hoàng Tạo). Qủa thực, trong tâm thức của các vị vua cũng như người dân Việt Nam, hòa bình luôn là cái đích để hướng tới, dẫu cho chọn Chiến hay Hòa. Đương nhiên, lựa chọn lý tưởng nhất vẫn là dùng hòa để thúc đẩy hòa bình. Bởi thế, dẫu cho các hoàng đế Việt Nam có uy quyền riêng một cõi, nhưng vẫn nhận là nước chư hầu quy thuận thiên tử của bắc triều. Lựa chọn cách hành xử bất nhất này, có thể nói là gạt bỏ cái danh hư ảo, để đổi lấy hòa bình thực. Bởi vì để thực hiện một cuộc chiến xâm lược, chính cơ chế của triều đình trọng Nho như Trung Quốc, buộc phải tìm cớ hợp lý, và không phải lúc nào cũng có cớ hợp lý. Chiến lược này sẽ bị ảnh hưởng nếu chính biến trong triều đình nước ta xảy ra các biến cố mang tính chia rẽ sâu sắc mà trong đó một thế lực muốn tận dụng quân đội của thiên triều để lật đổ. Ví dụ như hoàng thân nhà Trần viết thư cầu viện Minh Thành Tổ dẫn binh để “phù Trần diệt Hồ”, hay như hoàng tộc nhà Lê đã viết thư cầu viện quân Thanh sang để tiêu diệt Tây Sơn bất chấp ý nguyện của Lê Chiêu Thống. Với tình thế này, lựa chọn chiến như vua tôi nhà Hồ hay lựa chọn đầu hàng như Lê Chiêu Thống, đều khó có thể mang lại chiến thắng, bởi yếu tố tiên quyết là “lòng dân”, hay đơn giản là “lòng dạ của bá quan” đã không nằm trong sự kiểm soát của người đứng đầu chính quyền.

Giải pháp hòa bình thậm chí còn khó thực hiện với ngay cả các nước nhỏ ở phía Tây và phía Nam, mà bây giờ đã trở thành một phần của lãnh thổ Việt Nam. Nếu coi các quốc gia như một bàn cờ vây, mà tại đó các triều đình của Trung Quốc là quân đen, Việt Nam là quân trắng, ta sẽ thấy rằng các triều đình của Trung Quốc thường xuyên bắt tay với các quốc gia nhỏ để triệt “sinh khí” (thuật ngữ trong cờ vây) của nước ta. Thế nên, thường xuyên, triều đình nước ta luôn ở thế phải đối phó với quân phương Bắc và các quốc gia nhỏ lân bang khác cùng một lúc. Ví dụ như Đại Tống và Chiêm Thành thường xuyên kết liên minh để tạo thành thế gọng kìm thôn tính Đại Việt, khiến Lý Thường Kiệt buộc phải chọn phá Tống bình Chiêm trong cùng một khoảng thời gian ngắn. Tương tự, Lê Thái Tổ buộc phải thôn tính thế lực của Đèo Cát Hãn với địa bàn thế lực rộng khắp Tây Bắc nước ta, trải dài tới tận Vân Nam, vì e ngại sự hợp tác với nhà Minh. Trước đó ở cuối thời Trần, vua Chăm-pa Chế Bồng Nga chọn xưng thần với nhà Minh và tiến quân tấn công vào tận kinh thành Thăng Long, làm lung lay triều đình nhà Trần. Cuộc tấn công của Chế Bồng Nga là một nỗi nhục khó phai trong lịch sử Đại Việt, bởi chưa từng có tiền lệ Chăm-pa – một quốc gia thường xuyên bị Đại Việt tấn công để cướp bóc thợ và mỹ nữ – lại có thể chiếm đóng Thăng Long. Để dẹp bỏ những nguy cơ tương tự trong tương lai, về sau, vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng đã lựa chọn tiêu diệt hoàn toàn quốc gia Chăm-pa và một số các nước nhỏ hoặc phiên bang khác, đồng thời học theo chính sách đồng hóa của Trung Hoa, nhưng do dân số không thực sự áp đảo, nên chiến lược này bất thành, và dẫu các cổ quốc này đã bị diệt vong nhưng văn hóa và nòi giống thì vẫn được bảo tồn.

Đàm phán hòa bình với các nước nhỏ lân bang được thực hiện thành công nhất bởi vua tôi nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Một chiến lược ngoại giao xuất sắc, cùng với sự hung hãn thái quá của giặc Nguyên Mông,  đã giúp vua Trần dễ dàng kết giao với lân bang. Sự thấu hiểu ngôn ngữ và văn hóa bản địa tại các lân bang của Trần Nhật Duật đã giúp triều đình nhà Trần dễ dàng xây dựng lòng tin, bởi lẽ thường, chúng ta dễ dàng kết giao với những người hoặc cộng đồng có chung nền tảng văn hóa, và luôn đề phòng với thứ dị biệt. Trong khi vó ngựa Mông Cổ vẫn là một ý niệm gợi lên hình ảnh những kẻ hoang dã cướp bóc trên thảo nguyên, với một nền tảng văn hóa và lối sống khác hẳn so với các quốc gia nông nghiệp ở Đông Nam Á, thì Đại Việt lúc bấy giờ, có thể hiểu được văn hóa và ngôn ngữ của họ, là phương án an toàn hơn cả. Sau chiến thắng, để duy trì liên minh này, hạn chế những rủi ro về sau, Trần Nhân Tông đã gả con gái mình, Huyền Trân công chúa, làm vợ của vua Chăm-pa bấy giờ là Chế Mân. Hòa bình được thiết lập trong một thời gian ngắn ngủi. Tiếc rằng, mối thù hận của người Chăm-pa dành cho Đại Việt-  một quốc gia thường xuyên cướp bóc họ trong quá khứ – không thể xoa dịu bằng một cuộc hôn nhân. Chế Mân đột ngột mất không rõ nguyên do, Huyền Trân công chúa theo tục lệ phải tự thiêu theo chồng, đã được nhà Trần giải cứu và đưa về nước, trong khi ấy những người thừa kế Chế Mân chưa hề nguôi ngoai mối hận với Đại Việt được truyền lại đời này qua đời khác.

Nhưng có lẽ, lựa chọn hòa hoãn đau đớn nhất, mà thực ra là lựa chọn đầu hàng, chính là của Phan Thanh Giản, khi ông thay mặt triều đình Tự Đức thương nghị chuộc ba tỉnh miền Tây Nam Bộ nhưng bất thành. Một bên là súng đạn hiện đại với độ sát thương lớn của người Pháp, một bên là những tính mạng của binh lính và muôn dân chỉ trông chờ vào các vũ trí thô sơ, triều đình thì yếu kém nhiều quan tham, Phan Thanh Giản đành phải ký kết nhượng Vĩnh Long cho Pháp. Sau khi đưa ra lựa chọn trái với chữ trung và tiết tháo của người quân tử ấy, Phan Thanh Giản đã tuyệt thực 17 ngày rồi tự tử bằng thuốc độc. Như thế để thấy, đưa ra quyết định hòa hoãn khó hơn nhiều lần so với chiến đấu, vì rất nhiều thứ phải đánh đổi. Lựa chọn này, về bản chất là đầu hàng, và chấp nhận cho kẻ địch có quyền can thiệp vào chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa của nước ta. Hệ lụy không đơn giản chỉ là mất ba tỉnh miền Tây Nam bộ, mà là mất đi quyền tự quyết quốc gia.

Hiện nay, bối cảnh thế giới đã thay đổi, Việt Nam tiềm năng sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các lựa chọn chiến hay hòa, bởi vì vị trí địa chính trị của Việt Nam chắc chắn thu hút sự chú ý của nhiều thế lực lớn trên quốc tế. Chọn chiến với ai, hòa với ai, khi nào thì chiến đấu, khi nào thì hòa hoãn chờ thời, đều là các quyết định hệ trọng mà sự xê dịch biến động sẽ phản ánh ngay tức thì trong nền kinh tế và xu hướng văn hóa. Nhưng, với phẩm chất của một quốc gia ảnh hưởng của truyền thống Nho – Phật – Lão, lựa chọn hòa bình, hợp tác và cùng phát triển sẽ luôn được ưu hiên hàng đầu, và lựa chọn chiến đấu chỉ xảy ra khi người Việt Nam nhận ra rằng kẻ địch sẽ không bao giờ dừng bước vì đã có đủ cớ để phát động chiến tranh.

Hà Thủy Nguyên

Bài đã đăng trên Tạp chí Văn Hóa Quân Sự

*Ảnh minh họa VOV World

Văn hóa sùng bái chiến tranh trong tín ngưỡng của người La Mã cổ đại và ảnh hưởng tới phương Tây

Nếu người Hy Lạp cổ đại sùng bái trí tuệ và sự khéo léo, thì người La Mã cổ đại coi chiến tranh như biểu tượng của sức mạnh và sự vĩ đại, và trong suốt lịch sử phát triển, chiến tranh trở thành cột trụ của nền văn hóa mà đến ngày nay vẫn ảnh hưởng đến thế giới phương Tây. Sự tôn sùng các vị thần chiến tranh Trước khi Julius Caesar thành lập đế chế Roma vào thế kỷ I trước Công