Home Dịch thuật Dẫn nhập Kabbalah (2): Khái niệm thời Trung cổ

Dẫn nhập Kabbalah (2): Khái niệm thời Trung cổ

Mời các bạn đọc phần tiếp theo của Chương I – Khái niệm và ý nghĩa của Kabbalah. Để đọc toàn bộ chùm bài Dẫn nhập Kabbalah, được dịch từ cuốn sách “Kabbalah – A very short introduction”, NXB Oxford University Press, 2006, xin mời theo dõi tại đây: Dẫn nhập Kabbalah Archives – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)

Khái niệm Kabbalah thời Trung Cổ

Đây là ý nghĩa tôn giáo duy nhất của thuật ngữ “kabbalah” trong suốt một thiên niên kỷ. Vào thế kỷ thứ mười ba, một biến thể đã được thêm vào. Các nhóm bí truyền và thần bí Do Thái, chủ yếu ở Tây Ban Nha, Provence và sau đó là Ý, tuyên bố sở hữu một truyền thống huyền bí liên quan đến ý nghĩa của các kinh văn và các văn bản cổ xưa khác, lý giải chúng liên quan đến các quá trình vận động trong cõi thần thánh. Nguồn gốc và lời dạy của chúng sẽ được thảo luận chi tiết hơn trong các chương tiếp theo. Họ thể hiện mình khác biệt với những người đồng tôn giáo ở một số khía cạnh và mô tả bản thân bằng một số khái niệm.

Trong số các thuật ngữ này, chúng tôi tìm thấy những thuật ngữ tự tán tụng như “maskilim” (“những người hiểu biết”) và “nakdanim” (“những người biết bí mật của ngôn ngữ”), cùng những từ khác. Một loại phổ biến là “yodeey hen” – “những người biết trí tuệ bí mật”, tức là hochmah nisteret (“truyền thuyết bí mật”). Tuy nhiên, một khái niệm  khác trong số này là “mekubalim”, có nghĩa là “những người sở hữu một truyền thống huyền bí”, bên cạnh thuật ngữ kabbalah thông thường mà mọi người đều biết đến. Trong những thập kỷ tiếp theo, thuật ngữ “kabbalah” và “Kabbalists” đã trở thành cái tên thống trị cho các nhóm này, mặc dù chúng không thay thế hoàn toàn các tên gọi khác. Thuật ngữ “kabbalah” trong bối cảnh này có nghĩa là một lớp truyền thống bổ sung, một lớp không thay thế bất cứ điều gì trong truyền thống công truyền thông thường mà thêm vào đó một tầng bí truyền. Truyền thống bí mật này, như những người theo thuyết kabbalist tin tưởng và tuyên bố, đã được Moses trên Núi Sinai trực nhận từ Chúa, và được truyền bí mật từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến ngày nay. Họ cho rằng hầu hết sự truyền dạy này là truyền miệng, được truyền từ cha sang con và từ thầy truyền sang đệ tử.

Do đó, từ “kabbalah” là lời tuyên bố của các nhà tâm linh Do Thái từ thời Trung cổ cho đến ngày nay rằng họ có một truyền thống được bí truyền trong nhiều thế kỷ. Đây là một sự tự chỉ định phủ nhận sự sáng tạo và độc đáo. Những người này chỉ tình cờ nhận được những bí mật này từ thế hệ trước, hoặc tình cờ tìm được những bản thảo chứa đựng những lời dạy này. Trong một số trường hợp đặc biệt, người ta tuyên bố đã học được những bí mật này bằng thị kiến, nhờ linh hồn tiên tri hoặc bằng cách nâng linh hồn của họ lên thế giới thần thánh và tham gia vào các cuộc đàm luận của học viện thần thánh hoặc bằng cách gặp một sứ đồ siêu phàm, một thiên thần, hoặc một sức mạnh thần thánh, hoặc đôi khi là một nhà tiên tri như Elijah, người đã tiết lộ những bí mật này cho họ. Ngay cả trong những trường hợp này, chúng ta cũng không thấy những người theo tín ngưỡng Kabbalah nói rằng những gì được khải lộ cho họ vốn nguyên bản hoặc mới được tạo ra. Ngay cả trong một số ví dụ về cách truyền bá kabbalah siêu nhiên, nội dung và lời dạy vẫn được coi là cổ xưa và có tính truyền thống. Theo quan điểm của những người theo thuyết Kabbalist, không thể tưởng tượng được rằng một nhà tâm linh thời trung cổ hay hiện đại lại có thể sở hữu kiến thức mà vua Solomon, nhà tiên tri Isaiah và các nhà hiền triết Talmudic chưa từng biết đến một cách sâu sắc và chi tiết hơn. Chân lý thiêng liêng là vĩnh cửu, và nó được chia sẻ bởi tất cả những ai xứng đáng với nó, và ai càng gần với nguồn gốc truyền thống, tức là sự mặc khải trên Núi Sinai, thì kiến thức càng đầy đủ và sâu sắc hơn. Người ta chỉ có thể tìm hiểu thêm thông qua việc khám phá những cuốn sách cổ hơn hoặc nghiên cứu sâu hơn về các nguồn tài liệu cũ. Kabbalah, theo những người theo đạo Kabbalah, không bao giờ mới; nó có thể mới được phát hiện hoặc mới được tiếp nhận, nhưng về cơ bản nó là chân lý thiêng liêng có niên đại hàng thiên niên kỷ.

Tất nhiên, các học giả có quan điểm ngược lại. Theo quan điểm của các nhà sử học tư tưởng và sử học tôn giáo, kabbalah là một hiện tượng mới, lần đầu tiên xuất hiện ở miền nam châu Âu vào những thập kỷ cuối của thế kỷ 12. Đó là kết quả của tư duy sơ khai và thành quả sáng tạo cá nhân của những người theo tín ngưỡng kabbalah (mặc dù họ thường có những nguồn cổ xưa để dựa vào, như sẽ được thảo luận chi tiết bên dưới).

Trong khi những người theo tín ngưỡng Kabbalah nhấn mạnh rằng Kabbalah là một chân lý, ngay cả khi được diễn đạt bằng những thuật ngữ và phong cách khác nhau, các học giả vẫn xem mỗi người theo tín ngưỡng Kabbalah như một tác giả gốc, người thể hiện thế giới quan của riêng mình, có thể khác nhiều hoặc ít so với thế giới quan của những người theo tín ngưỡng Kabbalah khác.

Đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, không có “kabbalah” ở số ít. Có kabbalah của trường phái Provence và trường phái Girona, kabbalah của Moses de Leon ở Tây Ban Nha thế kỷ 13, và kabbalah của Isaac Luria ở Safed thế kỷ 16. Những người theo thuyết kabbalist hiện đại đã viết nhiều tác phẩm nhằm chứng minh rằng những lời dạy của Luria giống hệt với những lời dạy của Zohar. Các nhà sử học có xu hướng nhấn mạnh tính cá nhân và tính độc đáo trong các tác phẩm của người theo thuyết kabbalist. Đồng thời, việc tìm kiếm một số điểm tương đồng cơ bản được tìm thấy trong hầu hết (không bao giờ tất cả) các đồ hình kabbalistic, đặc trưng cho toàn bộ pháp môn. Tuy nhiên, người ta phải hết sức cẩn thận khi đưa ra những kết luận như vậy liên quan đến mẫu số chung của nhiều hệ thống kabbalah: đôi khi những điểm tương đồng rõ ràng hơn là thực tế. Các tác giả đến từ cùng một nền văn hóa tôn giáo; đọc những cuốn sách giống nhau; sử dụng cùng một thuật ngữ được coi là xác thực và có thẩm quyền; đọc bài viết của nhau; và thường bắt chước phong cách của người tiền nhiệm, nhưng các bài viết của họ thực sự truyền tải những ý nghĩa khác nhau. Trên thực tế, các tác giả hiện đại nhấn mạnh đến tính cổ xưa của kabbalah và tính đồng nhất của các ý tưởng cơ bản của nó đang cố gắng xác nhận và ủng hộ những tuyên bố của những người theo thuyết kabbalah hơn là nghiên cứu các tác phẩm của họ theo cách phê bình, và mang tính lịch sử.

Sự mở rộng ý nghĩa của Các khái niệm Do Thái của Kabbalah liên quan đến văn hóa tôn giáo của người Do Thái thường giữ nguyên ý nghĩa ban đầu khi được sử dụng trong các ngôn ngữ khác và bối cảnh văn hóa khác nhau. Các khái niệm như “halakhah”, “Talmud”, “midrash”, “mitzvot”, “Hasidism” và nhiều khái niệm khác đã được so sánh với các hiện tượng trong các tôn giáo khác, nhưng bối cảnh Do Thái chưa bao giờ bị phủ nhận hoặc xem nhẹ. Số phận của từ “kabbalah” đã hoàn toàn khác. Nhìn vào ý nghĩa của khái niệm này trong năm trăm năm qua, có vẻ như nhiều cách sử dụng của nó không thể – và vẫn không thể – được chấp nhận như một khía cạnh của văn hóa tôn giáo Do Thái. Không có “chủ nghĩa Hasid của Cơ đốc giáo” và không có “Talmud của đạo Hồi”, tuy nhiên kabbalah đã được xác định một cách dứt khoát với các hiện tượng tâm linh phổ quát và Cơ đốc giáo. Kabbalah đã được mô tả là Thuyết Ngộ đạo, Do Thái hay không phải Do Thái, ngay cả bởi những học giả giỏi nhất từng nghiên cứu nó, từ Heinrich Graetz, người phản đối nó, đến Gershom Scholem, người coi nó như sức mạnh tinh thần nội tại trong Do Thái giáo.

Bá tước Giovani Pico dela Mirandola và những người theo ông ở Ý thời Phục hưng đã mô tả nó là biểu hiện tối thượng của ma thuật; bản chất của triết học Hy Lạp, đặc biệt là của Pythagoras; và trên hết, là nguồn quan trọng nhất của tôn giáo Cơ đốc. Chẳng cần nói gì thêm, nó đã được cả bạn và thù đều coi là chủ nghĩa thần bí. Nó được quan niệm là thể hiện những khát vọng tâm linh phổ quát, không phân biệt giữa các quốc gia, nền văn hóa hay tôn giáo. Tính từ “kabbalistic” đã được áp dụng trong mọi bối cảnh có thể tưởng tượng được và không thể tưởng tượng được. Một học giả hiện đại ở Phần Lan (Simo Parpola) đã phát hiện ra nó trong tôn giáo cổ đại của người Assyria. Nó là một thành phần có ý nghĩa, thậm chí là trung tâm của thế giới quan New Age (ND: phong trào tôn giáo tâm linh tại phương Tây những năm 60s). Carl Gustav Jung đã nhìn thấy trong đó những nguyên mẫu phổ quát về tâm lý con người, và những ảnh hưởng của nó đã được xác định trong các tác phẩm của các triết gia, nhà thần bí và nhà khoa học châu Âu ở thế kỷ 17 và 18, từ Giordano Bruno đến Gottfried Leibnitz. Nhà phê bình văn học của Đại học Yale Harold Bloom đã đánh đồng nó với phê bình văn học và nhận thấy ảnh hưởng của nó xuyên suốt văn học và triết học hiện đại. Nó đã được sử dụng như một từ đồng nghĩa với chủ nghĩa thần bí, ma thuật và tâm linh nói chung.

Một số ý nghĩa này có thể chứa đựng những yếu tố quan trọng của sự thật, tuy nhiên cần phải chỉ ra rằng không có thuật ngữ hoặc khái niệm Do Thái nào sau Kinh Thánh được phổ quát hóa theo cách tương tự. Rất ít nhà tư tưởng không phải Do Thái cho rằng Talmud có một thông điệp phổ quát cho mọi nền văn hóa và tôn giáo; điều này chỉ nói về kabbalah trong số nhiều khía cạnh tôn giáo Do Thái. Nó đã được chấp nhận một cách triệt để trong nền văn hóa châu Âu đến nỗi ngay cả những ý nghĩa xúc phạm, tiêu cực gắn liền với nó cũng không làm giảm đi sức hấp dẫn phổ quát của nó. Thuật ngữ này đã được sử dụng để biểu thị những ý định bí mật, đen tối và xấu xa (“cabal” trong tiếng Anh) và được coi là mê tín và phi lý, tuy nhiên nó vẫn là một thành phần có ý nghĩa của văn hóa châu Âu.

Ngay cả khi nó xấu xa và có hại, kabbalah vẫn được coi là quá tốt để chỉ bó hẹp trong thế giới Do Thái. Ý nghĩa của khái niệm “kabbalah” cũng đã được nhân lên trong các văn bản tiếng Do Thái và Hebrew kể từ thế kỷ XVI. Ý nghĩa mới quan trọng nhất là tầm quan trọng ngày càng tăng của phép thuật trong khái niệm kabbalah. Sự hưng thịnh của văn học hagiographic (ngoại sử) kể từ thế kỷ XVI mô tả công việc của các học giả và nhà lãnh đạo thời trung cổ và đương đại đã góp phần vào việc này. Truyền thuyết về những nhân vật như Maimonides (không phải là người theo tín ngưỡng kabbalah) và Nachmanides (người theo thuyết kabbalah) đã mô tả họ làm được những điều kỳ diệu nhờ sức mạnh của những bí mật ma thuật của kabbalah. Thậm chí ngày nay, những người tìm kiếm quyền năng tôn giáo ở Israel đôi khi được người khác hoặc tự mô tả là “những người theo tín ngưỡng Kabbalah”, khi khái niệm này thường không biểu thị những khát vọng tâm linh hay kiến thức về quá trình thần thánh hóa mà là khả năng ma thuật. Một lời chúc phúc do một người được coi là “người theo đạo kabbalah” được nhiều người Do Thái chính thống coi là có hiệu quả đặc biệt. Đôi khi đây là kết quả của việc áp dụng thuật ngữ “kabbalah ma’asit,” nghĩa là truyền thống ma thuật cho kabbalah nói chung. Trong tiếng Do Thái hiện tại của Israel, “người theo kabbalah” và “pháp sư” có ý nghĩa gần như tương đương. 

Vậy thì kabbalah thực sự là gì? Không có câu trả lời cho câu hỏi này. Vài người sẽ cho rằng đó là bản chất của tôn giáo Assyria, trong khi nhiều người lại nói rằng đó là bản chất của Cơ đốc giáo. Hầu hết mọi người sẽ coi đó là chủ nghĩa thần bí, và nhiều người sẽ coi đó là một truyền thống ma thuật bí mật. Tôi tin rằng mẫu số chung của câu trả lời cho câu hỏi “kabbalah là gì?” đó là kabbalah là thứ mà tôi mơ hồ mường tượng, nhưng ai đó, ở đâu đó, biết chính xác ý nghĩa của nó.

Vai trò của nhà nghiên cứu lịch sử về các ý niệm không phải là khám phá cái gì đó “thực sự” là gì, mà là trình bày sự tiến triển ý nghĩa của một khái niệm trong các bối cảnh lịch sử và văn hóa khác nhau, tìm cách xác định càng nhiều càng tốt những cách sử dụng và định nghĩa đã từng có trong suốt lịch sử của nó. Nhiệm vụ của nhà nghiên cứu lịch sử không phải là khẳng định rằng Gershom Scholem đúng và Simo Parpola sai hoặc ngược lại. Nhiệm vụ của anh ta không phải là tuyên bố rằng Johannes Reuchlin “thực sự” là một kabbalist còn Carl Jung thì không. Có một thực tế lịch sử là trong nửa thiên niên kỷ qua, hàng trăm nhà tư tưởng đã sử dụng khái niệm này theo nhiều cách khác nhau, xuất phát từ bối cảnh văn hóa mà lễ kabbalah xuất hiện. Câu chuyện về quá trình này phải được kể bằng ngôn ngữ lịch sử, tránh việc chỉ định một nghĩa nào đó “chính đáng” hơn hơn những cái khác.

Hà Thủy Nguyên dịch

(Còn tiếp)

Theo dõi Dự án dịch Dẫn nhập Kabbalah: Dẫn nhập Kabbalah Archives – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)

Dẫn nhập Kabbalah (6): Sách Bahir

Mời các bạn xem phần tiếp theo của Chương 2 trong cuốn sách có tựa đề “Bí Giáo Do Thái Cổ Đại và Sự trỗi dậy của Kabbalah”, nội dung xoay quanh sự ảnh hưởng của sách Bahir - tác phẩm căn bản nhất thể hiện thế giới quan huyền bí của người Do Thái. Để đọc toàn bộ chùm bài Dẫn nhập Kabbalah, được dịch từ cuốn sách “Kabbalah – A very short introduction”, NXB Oxford University Press, 2006, xin mời theo dõi tại đây: Dẫn

Dẫn nhập Kabbalah (1): Tầm quan trọng của Kabbalah trong văn hóa Do Thái

Hà Thủy Nguyên: Tôi quyết định dịch cuốn sách Dẫn nhập Kabbalah của Joseph Dan (Tên tiếng Anh: "Kabbalah - A very short introduction", NXB Oxford University Press, 2006) và đăng tải online thay vì xuất bản chính thức và bán bởi vì cuốn sách phục vụ nhu cầu học hỏi của chính bản thân tôi nhiều hơn là hữu ích với ai đó. Khi tiếp cận văn hóa Do Thái, người ta thường quan tâm tới khía cạnh vĩ mô của chính trị, tôn

Dẫn nhập Kabbalah (4): Sefer Yezira – Sách Sáng Thế

Mời các bạn xem phần tiếp theo của Chương 2 trong cuốn sách có tựa đề “Bí Giáo Do Thái Cổ Đại và Sự trỗi dậy của Kabbalah”, nội dung xoay quanh sự ảnh hưởng của “Sefer Yezira - Sách Sáng Thế” lên Kabbalah. Để đọc toàn bộ chùm bài Dẫn nhập Kabbalah, được dịch từ cuốn sách “Kabbalah – A very short introduction”, NXB Oxford University Press, 2006, xin mời theo dõi tại đây: Dẫn nhập Kabbalah Archives – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com) Một trong những

Dẫn nhập Kabbalah (5): Những người theo chủ nghĩa sùng đạo (pietism) tại Đức thời Trung cổ

Mời các bạn xem phần tiếp theo của Chương 2 trong cuốn sách có tựa đề “Bí Giáo Do Thái Cổ Đại và Sự trỗi dậy của Kabbalah”, nội dung xoay quanh sự hình thành các quan niệm về Kabbalah từ những giáo sĩ Do Thái theo chủ nghĩa sùng đạo tại Đức. Để đọc toàn bộ chùm bài Dẫn nhập Kabbalah, được dịch từ cuốn sách “Kabbalah – A very short introduction”, NXB Oxford University Press, 2006, xin mời theo dõi tại đây: Dẫn nhập Kabbalah

Dẫn nhập Kabbalah (3): Các luận thuyết bí truyền cổ đại

Chương 2 của cuốn sách có tựa đề "Bí Giáo Do Thái Cổ Đại và Sự trỗi dậy của Kabbalah", và bài này là phần đầu tiên của chương với tựa đề "Các luận thuyết bí truyền cổ đại". Để đọc toàn bộ chùm bài Dẫn nhập Kabbalah, được dịch từ cuốn sách “Kabbalah – A very short introduction”, NXB Oxford University Press, 2006, xin mời theo dõi tại đây: Dẫn nhập Kabbalah Archives – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com) Các trường phái khác nhau của Kabbalah, từ