Home Sáng tác mới Đêm hiện diện

Đêm hiện diện

Đêm là một trải nghiệm tuyệt đẹp… Khi ồn ào lắng lại, mọi giác quan trở nên nhạy bén hơn, tinh thần bỗng trở nên rung động. Dưới ánh mặt trời, người ta quá hân hoan, như một cơn say cuồng loạn, và người ta không thể cảm nhận bất cứ điều gì, không thể suy nghĩ bất cứ điều gì. Nhưng khi mặt trời đã di chuyển tới một chỗ khác với bầu không khí cuồng loạn mà nó tạo ra, thì đêm hiện diện tuyệt đối, ta hiện diện tuyệt đối.

Trải nghiệm đêm dường như là đặc quyền của những người nhàn rỗi. Trong đời sống nông nghiệp, chỉ cần gà lên chuồng thì người cũng lên giường. Người ta không có nhu cầu thức đêm bởi vì người ta cần đón chờ ánh sáng cuồng loạn của mặt trời. Đến thời đại của công nghiệp, đêm trở thành kẻ thù của những người lao động. Họ trốn chạy bóng đêm, bởi vì đêm không mang lại cho họ tiền bạc, mà chỉ mang lại cho họ những trăn trở. Chỉ những người nhàn rỗi, dù ở bất kỳ một thời đại nào, mới có thể trải nghiệm đêm. Người nhàn rỗi không để bản thân mình chạy theo đời sống vật chất mà muốn trọn vẹn trong những trải nghiệm tinh thần.

Kẻ vô công rỗi nghề không phải người nhàn rỗi, bởi họ không có trải nghiệm tinh thần mà chỉ ăn bám. Kẻ vô công rỗi nghề cũng không thích màn đêm, bởi trong đêm họ sẽ nhận ra họ cô độc đến đáng sợ, và họ sẽ sợ hãi tới mức muốn tìm đến cái chết. Trong đêm, kẻ vô công rỗi nghề sẽ đẻ ra đủ thứ ảo giác để ve vuốt mình: cứu thế giới, hướng tới Chúa, chiêm nghiệm triết học, giãi bày những tâm sự huyên náo tích tụ của chuỗi ngày nhàm chán… Tất cả chỉ là những ảo giác để thoát khỏi nỗi sợ hãi bóng tối bên trong trỗi dậy. Trong bóng tối ấy, họ chỉ là lũ người hoàn toàn vô dụng và đáng vứt đi. Họ không thể sống cuộc đời như những con cừu hàng ngày trật tự đi theo mọi sự xếp đặt, họ cũng không thể đạt được sự nhàn rỗi.

Đêm là một chuỗi vô thanh kéo dài miên viễn. Càng chìm sâu vào đêm, không trốn chạy, không ảo giác, ta càng thấy nó dài. Sự dài đó là khoảnh khắc trải nghiệm cái vô tận. Thỉnh thoảng, đâu đó, những âm thanh vang lên, vô hình vô ảnh, để rồi âm thanh ấy lại tiếp tục chìm dần, chìm dần, tắt lịm. Đó là thứ trải nghiệm hư vô. Mọi tiếng ồn ào điên loạn của nhân sinh, khi đặt giữa sự vô cùng vô tận, chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi mà thôi. Kẻ sợ hãi sự ồn ào điên loạn, chính bản thân hắn cũng chưa trải nghiệm sự vô cùng vô tận, bởi lẽ, với người đã từng thấy hư vô, mọi ồn ào điên loạn chỉ đơn giản là một khoảnh khắc.

Đêm không lời. Ta không biên giới. Trong bóng đêm, cơ thể này trở nên không cần thiết. Cơ thể là thứ để phô ra dưới ánh sáng mặt trời, nhưng trong đêm nó đơn giản chỉ là một vật thể. Những cơn đói cồn cào sẽ trỗi dậy để nhắc nhở ta, lôi kéo ta đứng dậy và bật đèn. Kệ chúng! Ta sẽ thấy rằng cơn cồn cào ấy nguôi dần, nguôi dần… Mọi thứ trở nên nhẹ bẫng. Lòng tham của con người trỗi dậy trong đêm lĩnh lặng rồi cũng qua đi, và biến mất. Để rồi, chỉ còn lại sự tịch liêu miên man, vô tận.

Hãy nghe những tiếng lòng trỗi dậy… Những ký ức chợt đến chợt đi… Lúc này, ta không còn là ta của sự ồn ào nữa. Ta chứng kiến chúng trôi đi với sự phẳng lặng của tinh thần. Một gương mặt nào đó quen thuộc đã lướt qua đời ta, kiếp này hay kiếp khác, còn lưu luyến ở lại, rồi cũng nhạt dần trong đêm. Đó là tiếng vọng của những ồn ào náo nhiệt còn lưu lại, đó không phải ta. Ký ức rất tuyệt vời, nhưng nó chỉ là tiếng vọng. Ký ức cần thiết, nhưng không phải thứ để bám víu. Ký ức, giữa vô cùng vô tận của dòng thời gian, cũng chỉ là một khoảnh khắc. Khoảnh khắc ấy dù có kéo dài, có để lại những vết thương lòng, rồi cũng lại qua đi.

Và một lần nữa, đêm lại hiện diện, ta lại hiện diện. Không khóc, không cười, không đơn độc, chỉ có đêm thôi…

Hà Thủy Nguyên

Đối thoại với Shiva dưới ánh tà huy

Cuồng loạn giữa sự xoay vần, những vòng xoáy vô định nghiền nát không thời gian. Ta đơn độc như kẻ hành khất lang thang giữa dòng sông cuộn máu… Bốn bề đen kịt, ánh sáng tụ vào chính giữa vầng thái dương ứa rực đang vẫy gọi nhân gian lao vào như một lũ thiêu thân… Ta thốt lên trong vô thanh: – Ôi thế giới, có phải đã tới hồi tận diệt! Từ bốn bề đêm đen vọng lên tiếng trả lời: – Hỡi

“Mê hồn ca”, “Lạc hồn ca”, “Sông núi giao thần” – Ba trải nghiệm nhập định của Đinh Hùng

Thơ Đinh Hùng là một thế giới kỳ quặc, bởi thơ ông không dừng ở cảm xúc, tư tưởng hay thủ pháp. Ông đi xa hơn những cơn điên tinh thần của trường phái thơ Loạn trước 1945 với những Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê. Ông đi xa hơn cả cơn say của người bạn thân Vũ Hoàng Chương. Vậy điểm đến của thơ Đinh Hùng ở đâu? Tôi xin được định vị: cõi siêu nhiên. Cõi siêu nhiên ấy được thể hiện