Home Tác phẩm & Dự án Dự án tiểu thuyết dã sử “Thiên địa phong trần” về những biến động chính trị và văn hóa thời Lê Mạt

Dự án tiểu thuyết dã sử “Thiên địa phong trần” về những biến động chính trị và văn hóa thời Lê Mạt

Bộ tiểu thuyết dã sử “Thiên địa phong trần”

Tác giả: Hà Thủy Nguyên

Thời gian sáng tác: 2018 – nay

Dự kiến:  3 tập

Hiện đã hoàn thành: Tập 1 – Khúc Cung Oán & Tập 2 – Nổi gió 

Link mua sách: Combo Thiên Địa Phong Trần (Tập 1&2) – Book Hunter Lyceum

Tổng quan nội dung:

Cuối thế kỷ 18, nước Việt ta đối mặt với một bối cảnh loạn lạc chưa từng có, đánh dấu sự suy tàn không chỉ của triều Lê mà của toàn bộ thời kỳ phong kiến. Nhưng, trái với quan niệm rằng văn hóa chỉ phát triển rực rỡ ở thời thịnh trị, giai đoạn Lê Mạt cho thấy một giai đoạn vàng son chưa từng có của văn hóa Việt Nam. Đây là giai đoạn khởi sinh của các đại trí thức hiếm có trong lịch sử và các trước tác đồ sộ chưa từng có trong kho tàng văn học nghệ thuật Việt Nam, với các tên tuổi lớn như Đặng Trần Côn, Lãn Ông Lê Hữu Trác Nguyễn Gia Thiều, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Nguyễn Du, Phạm Đình Hổ, Hồ Xuân Hương… Toàn bộ vàng son ấy bị bao vây bởi các cuộc tranh quyền đoạt lợi, khiến các giá trị đảo lộn, để rồi chỉ còn một vài tàn dư đẹp đẽ còn sót lại sau cuộc phong trần.

Lấy cảm hứng từ cuộc phong trần biến động và cuộc đời, tác phẩm của các trí thức, chính trị gia, tướng lĩnh thời Lê Mạt, nhà văn Hà Thủy Nguyên bằng ngòi bút duy mỹ với văn phong Á Đông, đã dựng nên toàn bộ thế cuộc của thời đại này thông qua bộ tiểu thuyết “Thiên Địa Phong Trần”. Từ đó, những gửi gắm tâm tư về thế sự, tư tưởng nhân sinh, và bình phẩm lịch sử… được trực quan hóa bằng cuộc đời của chính các nhân vật.

Chọn nhân vật trung tâm là Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, tác giả của áng cổ thi “Cung oán ngâm khúc”, với thân phận của một người vừa nhập cuộc vừa mong muốn thoát tục, nhà văn Hà Thủy Nguyên tạo nên cách tiếp cận biến chuyển liên tục giữa cái nhìn trong cuộc – ngoài cuộc.

Trong lần tái bản có chỉnh sửa tập 1 và xuất bản mới tập 2, đội ngũ sáng tạo của Book Hunter đã xây dựng tuyến tranh với phong cách đan xen nhuần nhuyễn giữa không khí Á Đông cổ xưa và nét vẽ hiện đại.

Tóm tắt cốt truyện

Nguyễn Gia Thiều, một quý tộc trẻ tuổi sinh ra trong gia đình thế phiệt nổi tiếng, được trải sẵn quan lộ, với thiên bẩm hiếm có trong nghệ thuật kiến trúc, thơ ca, âm nhạc, hội họa, và được các chúa Trịnh dẫu không sủng ái cũng nể trọng… trong quãng đời niên thiếu nhiệt huyết nhất, lại tỏ một vẻ thờ ơ, chán nản trước thời cuộc.

Kỳ thực, mọi thiên bẩm nghệ thuật lại không phải là thứ chàng thực sự đeo đuổi, chàng nuôi mộng chấm dứt loạn thế, kiến tạo một thời đại thái bình thịnh trị khắp cõi Đại Việt. Giấc mộng ấy đã cuốn chàng theo chân Nguyễn Khản, người thầy thuở thiếu thời của chàng, vào cuộc tranh quyền đoạt lợi. Trải qua bao thăng trầm, nỗi niềm của Nguyễn Gia Thiều đã kết đọng thành tuyệt tác “Cung Oán ngâm khúc” nổi tiếng.

Bộ sách dự kiến kéo dài 3 tập. Tập thứ 3 đang tiếp tục được hoàn thành, dự kiến ra mắt vào cuối năm 2023.

Tập 1: Khúc Cung Oán

Sau nhiều năm bình lặng, Nguyễn Gia Thiều quyết định theo chân Nguyễn Khản – vị đại thần đệ nhất, được mệnh danh là phong lưu đại thần – dấn bước vào cuộc tranh chấp quyền lực. Hai thầy trò chọn phò tá thái tử Lê Duy Vỹ, vị hoàng tử sáng giá nhất trong số những người con của vị vua già Cảnh Hưng (Tức Lê Hiển Tông). Lê Duy Vỹ, Nguyễn Khản, Nguyễn Gia Thiều cùng chung với nhau giấc mộng chấm dứt loạn thế, kiến tạo một thời đại thái bình thịnh trị, nhưng Thiều sớm nhận ra những bất ổn trong cuộc tranh chấp của thái tử. Chưa kịp can ngăn, Duy Vỹ đã rơi vào bẫy của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm – quyền thần quyền lực nhất trong triều đình có thể thao túng được hoàng đế và bá quan, và bị bức tử trong tù.

Tranh vẽ Thái tử Lê Duy Vỹ vào ngày cuối cùng trong tù, trước khi hành quyết.

Quyết tâm giải oan cho Lê Duy Vỹ và nhận lời bảo vệ người thân của thái tử, Nguyễn Gia Thiều đã dấn sâu hơn vào triều đình, vận toàn bộ tài kinh bang tế thế, thiên bẩm nghệ thuật và sở đắc về thời mệnh với hi vọng xoay chuyển càn khôn . Cùng với Nguyễn Khản và các trí thức trẻ như Ngô Thì Chí, Nguyễn Du… Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều thực hiện một cuộc chính biến lớn để giải cứu Lê Duy Khiêm – con trai cả của Lê Duy Vỹ đã quá cố ra khỏi nhà tù, mở ra một thế cục chính trị mới.

Trang truyện Nguyễn Khản và Nguyễn Gia Thiều tới thăm mộ thái tử Lê Duy Vỹ

Cũng từ đây, Nguyễn Khản và Nguyễn Gia Thiêu nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ còn cơ hội quay lại thời phong lưu khi xưa nữa… Tất cả những gì đã trải qua chỉ là một sự khởi đầu.

Tập 2: Nổi Gió

Chính biến thành công, giải cứu được Duy Khiêm, trả lại sự trong sạch cho thái tử Lê Duy Vỹ đã quá cố, Nguyễn Gia Thiều được phong chức Ôn Như Hầu, Nguyễn Khản trở thành nhân vật quyền thế bậc nhất trong triều đình, có thể dễ bề thao túng vị chúa Trịnh trẻ tuổi Trịnh Tông, nhưng những biến loạn bỗng chốc trở nên phức tạp hơn.

Tranh vẽ Nguyễn Gia Thiều sau đêm tự tay đốt phủ của mình.

Không hài lòng với thế cục mới, ông vua già Cảnh Hưng, và quốc mẫu (mẹ của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm) tìm mọi cách để loại bỏ sự ảnh hưởng của Nguyễn Gia Thiều trong triều đình. Cùng lúc ấy, các thế lực khác cũng “thừa nước đục thả câu”: nhà Thanh kích động các thế lực trong nước gây loạn, quân Tam Phủ dựa vào thế của quốc mẫu lộng quyền thực hiện các cuộc trả thù và thanh trừng man rợ, quân Tây Sơn ở Đàng Ngoài ngày một lớn mạnh dựa vào tình hình bất ổn tìm cơ hội “đổ thêm dầu vào lửa”…

Ghi chép về mối liên hệ giữa Thạch Bi phân ranh giới Đại Việt và Chiêm Thành bị sét giáng vỡ, từ đó bắt đầu khởi loạn.

Trước tình cảnh ấy, mọi lẽ được mất đều đặt trên bàn cân, và có những người đã thay lòng đổi dạ, mọi ân oán nghiệp quả không còn có thể lường trước.

Trích dẫn từ sách

“Trước giờ, Thiều vẫn tưởng mình là cánh chim đại bàng đang bị nhốt trong lồng, chỉ trực sổ lồng là có thể bay cao chín tầng mây tiêu diêu ngoài vòng trời đất. Nhưng đến giờ, chàng mới hiểu rằng mình chỉ là một cánh diều. Chàng bay cao đến đâu đi chăng nữa thì cũng có sợi chỉ níu giữ chàng. Và chàng được bay hay không vốn dĩ không phải do chàng quyết định.”

Trích Tập 1 “Khúc Cung Oán”

“Bỗng chốc, chỉ còn Nguyễn Du và Cầm Nhi.

“Thiều khúc” đã kết thúc khi không có Nguyễn Gia Thiều. Cầm Nhi thoáng buồn.

Nguyễn Du mỉm cười:

–           Nàng đừng buồn! Kẻ đã vướng vào quốc gia đại sự, không thể vì một điệu đàn mà lỡ việc được!

Cầm Nhi đặt đàn xuống, đứng dậy đến bên Nguyễn Du:

–           Thiếp xin cảm tạ lòng ưu ái của công tử!

Du tiếp lời:

–           Tiếng đàn của nàng thật là hoàn mỹ, nhưng hoàn mỹ quá lại thành lảnh lót xa vời. Nàng biết không, trong lúc nàng bị xao động, một chút kém hoàn mỹ ấy, lại thật tình tứ và đáng nhớ!

Hai má Cầm Nhi lại đỏ ửng lên, hòa thành một tông màu với tấm hồng y nàng mặc.

Nguyễn Du ngước lên nhìn ánh trăng trong vắt. Lâu lắm rồi chàng không thấy Thăng Long có mảnh trăng đẹp tới vậy. Cầm Nhi cũng sát lại gần chàng, rót rượu, nâng chén:

–           Trăng đêm nay đẹp quá! Họ đã quên mất trăng đẹp như thế nào, chỉ còn chúng ta thôi, uống cùng trăng một chén!”

Trích Tập 2 “Nổi Gió”

Về nhân vật Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều

Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741 – 1798) nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam với bài thơ Nôm “Cung oán ngâm khúc” bày tỏ những nỗi niềm của người cung nữ trong cung cấm. Tuy nhiên, chúng ta thường chỉ biết về Nguyễn Gia Thiều như một nhà thơ đại tài mà gần như không biết đến con người chính trị của ông.

Cuốn tiểu thuyết dã sử Thiên Địa Phong Trần của nhà văn Hà Thủy Nguyên khai thác khía cạnh chính trị của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều với cương vị của một quý tộc, một quan đô úy ở Thăng Long, người được các chúa Trịnh hết mực sủng ái nhưng cũng luôn đề phòng. Với cương vị ấy, sự mâu thuẫn luôn giằng xé Nguyễn Gia Thiều: con người nghệ sĩ, con người chính trị, con người nhân nghĩa, con người thoái ẩn…

Tranh vẽ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều trong “Thiên Địa Phong Trần”

Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều là quý tộc xuất chúng thuộc gia tộc Nguyễn Gia có gốc tích tại Gia Miêu ngoại trang (nay thuộc Thanh Hóa). Gia tộc Nguyễn Gia vốn là con cháu của Tĩnh Vương Nguyễn Kim, cùng dòng dõi với các chúa Nguyễn tại Đàng Trong.

Trong số các con em quý tộc, Nguyễn Gia Thiều được chúa Trịnh Doanh (cha của Trịnh Sâm) rất yêu mến vì tài hoa xuất chúng, đưa vào phủ chúa để học cùng các con của mình. Sớm bộc lộ thiên bẩm nghệ thuật không chỉ trong âm nhạc, hội họa, thơ ca, mà còn cả kiến trúc nữa. Ông là người thiết kế và tổ chức xây dựng phủ chúa Trịnh và chùa Tiên Tích tại Thăng Long, những di tích này đến nay đều đã bị phá hủy. Các tác phẩm hội họa và âm nhạc đều thất truyền, và những gì còn sót lại chỉ có  “Cung Oán Ngâm Khúc” và một số bài thơ lẻ.

Năm 18 tuổi, ông giữ chức Hiệu úy quản Trung mã tả đội, sau đó thăng dần lên làm chỉ huy Thiêm sự tức Đô chỉ huy sứ, chuyên trách cai quản quân sự tại kinh thành. Qua những ghi chép của dòng họ Nguyễn Gia tại Liễu Ngạn – Thuận Thành – Bắc Ninh, người đời sau còn biết rằng Nguyễn Gia Thiều giỏi các thuật Dịch Lý. Ông tu theo dòng Thiền Lâm Tế.

Năm 1782, ông được thăng làm Tổng binh coi giữ xứ Hưng Hóa – một khu vực phức tạp và thường xuyên đương đầu với các cuộc tấn công của quân Thanh; đồng thời nhận sắc phong Ôn Như Hầu. Đây cũng là khu vực vưa Chiêu Thống Lê Duy Khiêm nương náu trốn khỏi sự truy giết của Tây Sơn và truy bắt của nhà Thanh.

Năm 1786, khi Tây Sơn kéo quân ra Bắc diệt Trịnh, Nguyễn Gia Thiều đưa ra đình lánh đến Hưng Hóa. 1789, Tây Sơn đại thắng, cướp ngôi của nhà Lê, Quang Trung mong muốn thu phục Nguyễn Gia Thiều nhưng ông đã cáo bệnh từ chối.

“Thiên địa phong trần”: Bộ tiểu thuyết dã sử chưa có hồi kết

Đầu năm 2023, nhà văn Hà Thuỷ Nguyên đã cho ra mắt độc giả tập 2 của bộ tiểu thuyết dã sử “Thiên địa phong trần”. Tập sách mang tên "Nổi gió" do Book Hunter liên kết với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành. “Thiên địa phong trần” của nhà văn Hà Thuỷ Nguyên ra mắt tập đầu tiên với tên gọi “Khúc cung oán” vào năm 2019, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn & Book Hunter ấn hành. Lấy bối cảnh lịch

Một vài cảm nghĩ khi đọc nhanh tiểu thuyết “Thiên địa phong trần” của nhà văn Hà Thủy Nguyên

Viết văn, làm thơ thời nay là một nghề nặng nhọc, bạc bẽo, thu nhập thấp, nguy cơ thân bại danh liệt, không xứng đáng với tài năng và công sức bỏ ra, nhất là những người chọn cho mình con đường viết độc lập, chuyên nghiệp, ít phụ thuộc vào nhà nước nhưng mà như cụ Du đã nói: Đã mang lấy NGHIỆP vào thân thì cũng phải gánh gánh gồng gồng cho nốt kiếp văn nhân . Trước 1945 ( điều kiện tự

Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Xuân Khánh – Tác giả “Hồ Qúy Ly”, “Mẫu Thượng Ngàn”, “Đội gạo lên chùa”…

Lần đầu gặp nhà văn Xuân Khánh là lúc tôi mới học lớp 12. Tôi thường thấy ông đạp xe trên phố Bà Triệu. Lúc ấy, tôi hay lang thang đọc sách ở Thư viện Hà Nội. Một lần, vì quá thích cuốn tiểu thuyết "Hồ Qúy Ly", tôi đã đánh liều đạp xe đến gần ông để bắt chuyện, ông nói rất ít và rất cẩn trọng, chỉ khuyên một câu mấu chốt là: "Cháu muốn viết tiểu thuyết thì cần quan tâm đến

Nhà văn trẻ Hà Thủy Nguyên: “Tiểu thuyết dã sử góp phần hiểu thêm về lịch sử Việt Nam”

(PLVN) - “Giờ đây, viết tiểu thuyết dã sử thực sự như một thứ mốt thời thượng rồi. Mốt này có lẽ ảnh hưởng từ xu hướng tiểu thuyết mạng của nước bạn và kết hợp với tinh thần dân tộc hiện nay đang được đẩy mạnh trên truyền thông. Họ đều ý thức được rằng họ đang góp một phần để kích thích giới trẻ hiểu thêm về lịch sử Việt Nam” - Đó là nhìn nhận của nhà văn trẻ Hà Thủy Nguyên trong

CÔNG CHÚA ĐỒNG XUÂN của nhà văn Trần Thùy Mai – Khi con người không thể chọn được cách ứng xử trong thời loạn

Một cách tình cờ, bộ tiểu thuyết "Từ Dụ" của nhà văn Trần Thùy Mai xuất bản cùng lúc với tập 1 "Thiên Địa Phong Trần" của tôi, và đến nay, khi tôi xuất bản tập 2, thì bà cũng xuất bản "Công Chúa Đồng Xuân", có thể nói là sự nối dài của "Từ Dụ". Khi đọc "Công Chúa Đồng Xuân", tôi có thể hiểu tại sao lại có cơ duyên như thế. Có lẽ số phận đã thúc đẩy để bà và tôi