Viết về một nhà thơ đương thời vốn rất khó, một nhà thơ trẻ với tập thơ đầu tay lại càng khó hơn, sở dĩ bởi thế giới thơ của nhà thơ chưa được định hình. Đâu đó ta có thể dễ dàng yêu thích bài thơ này, bài thơ kia của một nhà thơ trẻ, nhưng để cảm nhận một thế giới thơ sâu thẳm trong cõi tinh thần họ thì ta sẽ lạc lối. Các nhà thơ trẻ với sự nhạy cảm thời đại, từ bản năng luôn biết cách chạm vào tâm tư của những người đương thời thông qua ngôn ngữ, dễ dàng có được sự yêu mến của độc giả đồng lứa. Nhưng một nhà thơ trẻ có thể kiến tạo một thế giới thơ của mình như cách Đinh Hùng, Bích Khê, Hàn Mặc Tử… đã từng tạo dựng được từ khi họ còn rất trẻ… thì vốn rất ít. Nhà thơ sáng tác được nhiều bài thơ hay chưa chắc đã tạo được thế giới thơ của riêng mình, nhưng có những người chỉ bằng vài bài thơ đã dựng được một thế giới với những mã thực tại đặc thù, và Nguyễn Thụy Đan nằm trong số rất ít các nhà thơ trẻ ở Việt Nam đạt được điều này.
Trước “in illo tempero”, tôi chưa biết đến Nguyễn Thụy Đan. Nói đúng hơn là biết đến học vấn của Đan nhiều hơn biết đến tác phẩm, mà học vấn vốn chưa bao giờ là thứ đáng giá trên con đường sáng tạo, nói một cách khác, học vấn không làm nên con người thi sĩ. Nhưng tập thơ “in illo tempero” đã mở ra một thế giới thơ của Nguyễn Thụy Đan, và qua mỗi bài thơ đều có thể bước vào đó. Mỗi bài trong tập thơ đều là cửa dẫn bước vào thế giới này, một thế giới mở mà nhất quán: thời gian trôi chậm cùng lúc thực tại hiện tiền song hành với tương lai và quá khứ, trầm tư tới lặng im với thư tịch và ngôn từ nổi trôi, và chủ thể nhà thơ “hiển linh” ở trạng thái siêu tuyệt đang ngắm nhìn cảnh đời xoay vòng như hình bóng thế gian mà mỗi cái chạm của nhà thơ đều tạo ra bùng nổ.
Thế giới thơ “vào thuở đó” (in illo tempero)
Thế giới thơ không phải là không gian sống và di chuyển của nhà thơ, nhưng nó được gom góp từ mảnh vụn của những không gian mà nhà thơ từng trải qua. Những vần thơ quỷ mị của Đinh Hùng dù siêu tưởng và tượng trưng nhưng vẫn thấp thoáng bầu không khí mịt mù lẩn khuất những câu chuyện ma ở Hà Nội, hay thơ Bích Khê ngập nắng xứ miền Trung, còn thơ Hàn Mặc Tử chìm trong ánh trăng dị thường khúc xạ qua cơn đau đớn bệnh tật của ông… Không gian sống thực ở “in illo tempero” trải rộng từ vùng núi non Houston, không gian đô thị của San Jose, “đêm kẻ-chợ” chật hẹp, những thánh đường Nam Định “u-nghiêm”…
Nhưng nếu thế giới thơ chỉ được xây từ không gian trải nghiệm, thế thì thế giới thơ sẽ chỉ là một phần của thực tại mà nó cố gắng mô phỏng, và nó không tạo ra một thế giới riêng của nhà thơ. Lúc đó, ta sẽ không có gì để bàn về “thế giới thơ”, mà có lẽ ta sẽ bàn về nghệ thuật ngôn từ, và sắc thái xúc cảm, về những ẩn ngữ triết học… Nhưng khi đã chọn bàn về thế giới thơ, tức là ta đang bàn về cõi giới tinh thần mà những không gian sống chỉ là một trong số các mảnh ghép, như cánh cửa hữu hình có thể hiển hiện để ai đó tùy duyên mà bước vào cõi giới khác – cõi giới vốn không tồn tại bằng thời gian thực.
Thời gian của “in illo tempero” trôi rất chậm, nhưng không chậm ở hình thái đứng yên,, mà chậm tới mức hiện tại và quá khứ đều đồng hiện với hình ảnh đang diễn ra:
lúc là cái chậm của hư-không trong “de profundis”
“tôi thường ngồi nhẵn. chờ điềm chạng vạng
soi sáng mặt đất lặng câm. lạnh tanh
những quãng hư-không. tôi nhủ cùng tôi
bằng trầm-mặc của tro. và lãng quên của gió ban mai.”
lúc “dạ thoại” chạm đến vô cùng của thời gian:
“tôi một bữa im dường ghế đá
giữa thành đô lần lữa thay tên
trải nhân-thế sang hèn ngay trá
và nỗi buồn tưởng đã dần quên.
trăng cố-quốc ngỡ miền trời bể
ghế công-viên kể khẽ hưng-vong
nhắc thầm buổi anh-hùng rơi lệ
những đời người quạnh quẽ xuôi đông.
tôi một bữa già cùng vũ-trụ
tnwfg phút giây gồm đủ bi-hoan
hỏi phiến đá hợp tan mấy độ
đêm im lặng lạnh vỡ không-gian”
lại có lúc chậm rãi nhẩn nha gặm nhấm từng khoảnh khắc trong “ad matutinas”:
“đừng dậy vội.
chúa đã gọi người đâu
sự sống là đây. từng khoảnh-khắc
im nằm nghe tịch-mịch ngày sau.
đời bất-tận xa nhau.”
Giữa dòng thời gian trôi chậm ấy, thấp thoáng bóng của chúa sầu bi trong những thánh đường:
“tôi sẽ nhớ. trên thềm tuyệt-vọng.
tượng chúa lời đinh đóng tay chân
vùi sâu. ký-ức phong-trần.
khi rời nam-định tần ngần đoái thương”
(Trích “khi rời nam-định)
Nhưng sâu đậm nhất là một “cố hương” bất xác định, như một ý niệm. Là một người Việt theo đạo Kito sống ở Mỹ, nhưng ám ảnh với vẻ tịch mịch Á Đông trong thơ văn cổ, có lẽ với Nguyễn Thụy Đan, “cố hương” mang màu sắc tâm tưởng nhiều hơn. “Cố hương” ấy không phải là Houston, không phải đất kinh kỳ Hà Nội, cũng chẳng phải một xứ Giang Nam cụ thể nào đó, mà là một không gian nhã nhặn, u tịch như một “chiều thu đoàn-chuẩn” (lấy tứ từ “tam-liên-họa houston”), hay:
“trong tiếng thủy-cầm. day dứt
vọng về trời kinh thi.
bên dòng chánh-sử. thật chính tôi
là hồi dư-hưởng.
ngẫu- nhiên. và bàng-hoàng cô-đơn.”
(trích “ai giang-nam”)
Nếu thế giới thơ của các nhà thơ 30-45 là một khối trọn vẹn và khép kín, thì thế giới thơ của Nguyễn Thụy Đan là một khối đã thành hình như vẫn còn rời rạc. Tính chất rời rạc này có lẽ đến từ chính thân phận không thuộc bất cứ căn cước nào của nhà thơ, hiểu theo một cách khác thì đó là mang trong mình nhiều mảnh vỡ từ nhiều thế giới nhưng lại không thực sự thuộc về bất cứ đâu. Ta sẽ thấy trong mỗi mảnh thực tại mà nhà thơ chạm đến không có những đắm chìm xúc cảm, tất cả đều là một thoáng qua như một sự lịch duyệt để khơi gợi tầng tầng lớp lớp ý thức. Bởi thế, Nguyễn Thụy Đan không “thực hành thơ hậu hiện đại” nhưng các thủ pháp hậu hiện đại đi vào ngôn từ một cách tự nhiên. Số phận đã tạo ra một Nguyễn Thụy Đan hậu hiện đại không phải vì muốn thúc đẩy một lối thơ mới nhằm lật đổ cái cũ, mà trao vào tay Đan một thi pháp để tự thi sĩ qua thơ khơi gợi chính mình. Thế nên đọc thơ hậu hiện đại của Đan không có bất cứ sự khiên cưỡng, không còn dấu vết của sự luyện tập hay sự cố rặn câu chữ nào.
Chủ thể “kẻ sĩ” trong cái chạm với thực tại
Trong thế giới thơ, chủ thể vừa là người tạo ra cõi giới này, vừa là một phần của cõi giới ấy, riêng với thơ của Nguyễn Thụy Đan, chủ thể đóng vai trò chủ đạo. Đọc mỗi bài thơ của Đan, tôi luôn có suy nghĩ rằng mỗi bài thơ giống như cuộc phiêu lưu của Hoàng Tử Bé tới những tinh cầu khác. Nhưng Đan không ngây thơ như Hoàng Tử Bé, Đan là một “kẻ sĩ” với sức nặng của ngôn từ và tri thức và một khối tâm tư chất chứa có lẽ đã nhiều đời. Cái chạm vào thực tại của Đan không gợi lên những câu hỏi về nghịch lý mà khơi lên những trải nghiệm mà có lẽ chỉ trong độ chậm nhất định mới có thể nhận ra.
Bài thơ biểu lộ cái chạm sâu sắc nhất của Đan với thực tại đời thường có lẽ là khi nhà thơ có con. Rất ít nhà thơ viết về chủ đề này, và Đan viết ra một hiện thực rất chân thực:
“tôi đã mất nửa năm để viết bài thơ này.
vì không ai kể cho tôi. rằng. khi sinh con
là đồng-nghĩa với tự-hủy. rồi đem chôn cất
con người cũ. cũng không ai kể cho tôi. rằng.
con người hôm nay. chỉ là một khoảnh nối dài
của những bóng ma. đột-tử nửa đêm hè xưa.
đôi khi vẫn hiện về. trong suy-tưởng im tiếng
bên song cửa nồm ẩm. họ nói cùng tôi bằng
những điêu bộ thâm-nghiêm. đã nghèo ngặt ý-nghĩa.
tôi nhìn họ bằng đôi mắt xuất-huyết. thở dài.”
(sinh-nhật con trai cả)
Không phải một bài thơ da diết tình yêu thương hay những kỳ vọng tương lai, mà là một bài thơ về sự sụp đổ “con người cũ”. “Con người cũ” ấy là con người trôi nổi trong dòng thời gian chầm chậm trong thế giới thơ miên viễn riêng mình, giờ đây bị kéo tuột vào đời sống trước mắt, bỗng nhiên phải đối mặt với hữu hạn sinh tử của trần gian mà nhân loại vẫn cố bù khuyết bằng duy trì nòi giống.
Đã viết về con, đương nhiên, Nguyễn Thụy Đan cũng viết về vợ, nhưng nhà thơ không “thương vợ” như Tú Xương. Mối quan hệ với vợ không phải sự lệ thuộc hay nô dịch, không oán trách, không mỉa mai, không đắm đuối, mà dường như là sự ứng đáp của tâm tư. Đó không hẳn là mối quan hệ hoàn hảo của thứ tình yêu vĩ đại hay hình bóng mỹ nhân kiêu ngạo trong thơ tình, mà là một nửa tinh thần của chính nhà thơ đang soi chiếu nửa tinh thần còn lại:
“ngày xưa. tôi làm thơ. tỏ tình cùng người
những lời thật thà. những lời tuyệt-vọng
người trả lời tôi. trùng-điệp thương đau.
bây giờ. tôi ghi sổ. xưng tội cùng chúa
những điều ngây ngô. những điều khốn-nạn
chúa trả lời tôi. đằng đẵng lặng im.”
(Trích “tặng vợ”)
Vợ và con là những chỉ dấu cho thấy thơ của Đan xuất phát từ đời thật, không phải hoàn toàn trong siêu tưởng, không phải thứ thơ thẩn mộng mơ. Đời thật là nguyên cớ cho tâm tư, để tâm tư được khơi sâu hơn và từ đó thơ nảy sinh. Hành trạng thơ của Nguyễn Thụy Đan có phần gần gũi những nhà thơ dấn thân như Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Lý Hạ hay Nguyễn Du, những thi sĩ ở trong hiện thực mà nảy sinh cả một cõi thơ của riêng mình từ chính hiện thực chứ không chìm vào hiện thực. Thơ nảy sinh từ những triền miên trong thư viện ở Virginia, cho tới cuộc đi với những người bạn thơ, những vần thơ của một nhà thơ khác… và ngay cả từ thân phận của một gia đình tỵ nạn lưu vong. Đan viết:
“phải không bố ơi.
họ đã cướp của bố con mình.
cả giọng bắc.
tôi hỏi thầm ly cà-phê đen.
khóc. cười. chập chờn
chuỗi ký-ức khiên-cưỡng.
không thuộc tuổi đời tôi.
mặt sau hóa-đơn. nước mắt.
nhòe nhoẹt. dòng gà bới
chép bừa. lý-trường-cát.
hoàng-trần thanh-thủy tam-sơn hạ.
canh-biến thiên-niên như tẩu-mã.
tôi để lại trên bàn. ám-hiệu
cô phục-vụ. tóc vàng mắt xanh.
rằng.
chúng ta không còn hôm qua.
chúng ta không còn hôm qua.
và lặng lẽ ra đi.
tỵ-nạn bình-minh.”
(Trích “đêm đại-lộ năm mươi nhớ bố đến bất tận”)
Thơ Đan không có những phong tình hay dục tính, không phóng đãng điên loạn, mà trĩu nặng tâm tư. Các mối quan hệ trong thơ Đan nói lên con người Đan, một “kẻ sĩ” với những ngẫm nghĩ triết lý về hưng vong, về sự hư vô của thời gian và phận người thông qua chính duyên phận với gia đình: bố, vợ, con… vài người bạn tâm giao. Đó là vòng quan hệ cơ bản của một “kẻ sĩ” thung dung mà ta bắt gặp thời xa xưa. Nhưng nếu chỉ mang sắc màu “kẻ sĩ” Nho giáo, có lẽ thơ Đan sẽ đồng tone với cổ nhân và thiếu đi vẻ bề thế siêu thực – đức tin Kito giáo đã làm nên chất thơ ấy, giống như không gian Nho giáo chốn đồng bằng Bắc bộ của Nguyễn Khuyến và Tú Xương bỗng mọc lên một tòa thánh đường kỳ vĩ với tượng đấng Kito sầu bi thấu rõ trần gian đau khổ. Bằng nhãn quan ấy, Đan bước vào thế giới đương đại, chứng kiến mọi cảnh tượng, trải qua đời, và chiêm nghiệm:
“chúng ta không lớn lên. không. chúng ta
chỉ mỏi mòn. những tàn-tích tha ma
của mộng-tưởng cha ông. vọt ra giữa
thác-loạn. rồi quẳng vào thùng rác nhà
nghỉ theo giờ. không một lời lìa xa.
tôi đã thôi tha-thiết. dáng vẻ thời
dĩ-vãng. nhưng câu hỏi chẳng cùng nguôi.
những khuôn mặt. những ánh mắt. túc-trực
tàn khuya tảng sáng. không điếng lòng người
bằng chiều nhục-thể. bằn bặt mù khơi.”
(Trích “in illo tempore”)
Do thế giới thơ của Nguyễn Thụy Đan được tạo dựng từ các mảnh đời thực, nên nhất quán nhờ con người của nhà thơ, và có độ mở do sự vô hạn của đời người. Tập thơ “in illo tempore” là một thoáng “hiển linh” của Đan trong thế giới thơ của chính mình, nhưng rồi thế giới thơ ấy sẽ nới rộng tới đâu, tầm vóc của Đan sẽ mang hình hài thế nào… tất cả đều còn là những dấu hỏi chấm. Con người luôn biến đổi, con người thi sĩ cũng vậy, và thế giới thơ sẽ đến lúc xê dịch biến động. Thế giới thơ của một nhà thơ biểu hiện cho cảnh giới của nhà thơ ấy, nhưng nếu nó cố định thế thì nhà thơ ấy cũng tự giam cầm mình, dẫu rằng nó từng đột phá những đề tài mới hay có được những lối biểu đạt cách tân. Tôi không mong Nguyễn Thụy Đan sẽ tự giam mình trong thế giới thơ của chính mình theo cách đó, và tôi cũng không muốn con người thi sĩ – kẻ sĩ bị choán chỗ bởi con người học giả hay con người danh tiếng của thế tục, bởi vì với “in illo tempore”, Đan vẫn thực sự chưa đi hết thế giới thơ vô biên của chính mình.
Hà Thủy Nguyên
*Xin mượn bức tranh mới của họa sĩ Đặng Minh Hải làm ảnh minh họa chủ đề cho bài viết về tập thơ này.
