Nhà thơ tìm đến say để gỡ bỏ lớp lý trí. Ái tình mang đến say đau đớn, thuốc phiện mang đến say mộng ảo, nhưng rượu mang đến say cuộc đời. Trong muôn loại say, say rượu có đủ muôn hình vạn trạng, bởi say rượu là một cách để tách khỏi đời sống mà không bước ra khỏi đời sống, trải nghiệm mọi thang bậc của đời sống mà không tầm thường theo nó. Nhà thơ say rượu như một trạng thái tự xóa mình khỏi tồn tại (mà bất thành), còn kẻ tầm thường say để cố thoát khỏi sự tầm thường.
Omar Khayyam trong một lần say giữa chốn hoang vu, hẳn đã vỗ nhịp:
“Một Ổ Bánh Mỳ dưới tán cây
Rượu đầy vò, Thánh Kinh của ta đây
Cùng nhau điệu Hoang Vu ta hát
Chợt thấy Thiên Đàng giữa điệu say.”
Rượu tách nhà thơ khỏi cõi đời cơm áo gạo tiền, giữ nhà thơ chìm đắm trong thế giới tinh thần. Trong cơn say rượu, nhà thơ quên mất những cơn đói vật vã và những vọng tưởng về địa vị trần gian. Nhà thơ không giống như Jesus hay Thích Ca, chối bỏ ngôi báu trần gian vì sẵn biết địa vị tối cao của bậc chứng ngộ giữa muôn trùng vũ trụ, họ biết mình vẫn đang đứng trên mặt đất và mù mờ về vũ trụ. Sự mù mờ ấy khiến họ không cam tâm bước một chân vào cõi đời, nhưng cũng chẳng dám bước chân kia ra ngoài thế giới. Giằng co trong mù mờ là giằng co quằn quại nhất. Rượu khiến nhà thơ an tâm tận hưởng trạng thái mù mờ, tìm được khoái cảm trong cơn quằn quại. Và bởi thế, nhà thơ một phần vừa tự mắc kẹt, một phần trải nghiệm được tận cùng cõi giới mù mờ.
Trong cõi giới mù mờ ấy, sự hòa trộn của bản năng hoang dã và trùng trùng nỗi niềm nhân sinh đã tạo nên một nhân cách hoàn toàn khác của nhà thơ (có lẽ khi ấy không còn là nhà thơ nữa). Trong trạng thái say rượu, cái danh “nhà thơ” biến mất, chỉ còn thơ tồn tại. Thơ cũng là một dạng thức của mù mờ, nơi thực và ảo không thể phân định và không tồn tại đúng với những định danh. Không còn người say, chỉ còn thơ say. Giữa mù mờ ấy, thơ say say thơ là phúc lạc Thiên Đàng – thứ phúc lạc của những thiên thần sa ngã khổ đau lạc lối bỗng chốc nhân thấy phẩm tính Thiên Đàng chưa bao giờ rời bỏ bản thân, bởi bản thân chính là Thiên Đàng. Và bởi thế, sự đau đớn hay niềm vui nơi say thơ thơ say đều đẹp tuyệt.
Rumi – bậc thầy của say đã thơ lên thế này:
“Rượu chúng ta uống chính là máu ta.
Cơ thể ta lên men trong thùng rượu
Ta đánh đổi tất cả để lấy ly rượu này
Ta đánh đổi lý trí để nhấp một ngụm say.”
Sự đánh đổi ấy về bản chất là đánh đổi cuộc đời thế tục vốn được coi là tỉnh táo để lấy được khoảnh khắc bất thường, nếu không muốn nói là điên rồ trong con mắt người thường. Thơ say tương đồng với cơn khủng hoảng tiền tâm linh điên rồ (thuật ngữ dùng của Roberto Assagiolie), khi một người biết mình không thuộc về thế tục nhưng cũng chẳng thuộc về thế giới thần thánh cao với, khi một người chấp chới bay chẳng muốn đậu xuống bất cứ đâu, và trong trạng thái bay ấy – hay còn gọi là say, họ cảm thấy tự do. Bởi thế say rượu trở thành một chứng nghiệm tâm linh mạnh mẽ, khi nhà thơ chưa phải là toàn thể mà chỉ ngắm nhìn và ngất ngây trước toàn thể bằng một con mắt, còn con mắt kia vẫn chứng kiến thế giới thực méo mó và quái đản. Nhà thơ trong trạng thái say rượu đã nhìn thế giới bằng hai con mắt, trong khi người phàm thì đui mù còn các bậc thánh thì chẳng cần dùng tới mắt.
Và bởi thế, nhà thơ đã phát điên:
“Tôi đã chứng kiến những bộ não vĩ đại của thế hệ mình bị hủy hoại trong sự điên rồ, bị bỏ lại trần truồng trong loạn trí,
tự chôn vùi bản thân trên những con phố nhem nhuốc vào buổi bình minh để tìm kiếm sự cứu rỗi đầy phẫn nộ
những thiên thần cuối cùng thiêu rụi mối dây nối thiên đường cổ xưa với cỗ máy lốm đốm sao sáng trong động cơ ban đêm
những người khốn khổ và rách rưới với đôi mắt trống rỗng phì phèo điếu thuốc trong bóng tối siêu nhiên đang trôi chảy như dòng nước mát lạnh trên nóc thành phố theo điệu jazz
những người mở rộng trí não tới Thiên đường dưới sự che chở của Đấng Duy Nhất và thấy các thiên thần của Mohammed chấp chới thắp sáng trên những mái nhà
những người dạo chơi giữa vũ trụ với đôi mắt rạng rỡ với ảo tưởng bi kịch Arkansas và ánh sáng của Blake giữa các học giả thời chiến
những kẻ bị trục xuất khỏi viện hàn lâm vì sự điên rồ và rêu rao khúc du ca khiêu gợi xuyên thấu qua cửa sổ trí não,
những kẻ khỏa thân tự thu mình trong phòng trống, đốt tiền trong thùng rác và lắng nghe nỗi khủng khiếp trên tường,
những kẻ thất bại trong xã hội lề thói quay lại Laredo bằng một điếu cần sa ở New York
những kẻ nuốt lửa trong khách sạn và uống nhựa thông ở Paradie Alley, chết, hay tự thú tội hết đêm này sang đêm khác
với cơn mơ, ma túy, thức tỉnh khỏi ác mộng, rượu và tiếng gà và quả bóng lăn vô tận
những con phố tối tăm rùng rợn phủ đầy mây và ánh sáng trong tâm trí dẫn dắt đến mũi Canada và Paterson, thắp sáng thế giới Thời gian ngưng đọng…”
Allen Ginsberg đã “Tru” trong cơn say cùng với Beat Generation vào một đêm Jazz rượu lẫn lộn ma túy. Tru để gọi bầy – những kẻ say giữa cuộc đời. Tru để giải phóng cơn say. Tru để kéo dài cơn say, bởi chỉ cần mặt trời lên, hơi rượu đã hết, ma túy cũng nhạt, thì đã tỉnh – mà tỉnh ở đây, chẳng qua là thực tại trói buộc trong thế giới hiện đại với dãy phố đông nghịt người cùng với thứ công việc mưu sinh nhàm chán và những mối quan hệ lờ nhờ. Nên say chính là thơ. Con mắt chứng kiến cõi đời ấy mở quá to, đến mức phải tru, tru lên, tru nữa để đi sâu vào vô trí, gượng đóng con mắt ấy lại nhưng nó vẫn nheo nheo thấy vạn vật. Bi kịch! Bạn biết đấy, hãy thương cho những nhà thơ hô hào kẻ khác hãy say, thực ra họ khao khát cơn say tột độ, khi mà hai con mắt đều trừng trừng mở về hai cõi giới mà chẳng thiên lệch bên nào. Lúc ấy, hình thù đổi muôn vạn vẻ, xúc cảm nhào nặn hỗn hợp, thực tại đa chiều trùng biến.
Tôi là một kẻ khó để say, đặc biệt là say rượu. Trong cơn say rượu, tôi chỉ thấy lòng mình lạnh lẽo. Tôi bị kéo tụt về phía u tịch, nơi đau đớn lên ngôi. Trong cơn say tôi hoài nghi tất thảy, kể cả cõi đời và cõi tinh thần. Mở hai con mắt đưa tôi vào một trạng thái tỉnh đáng sợ: đối diện với mọi bóng tối trong mình, mọi nỗi đau mình đi qua, mọi ký ức rõ ràng tái hiện.
“Rút đao chém nước nước vẫn chảy,
Nâng chén tiêu sầu sầu thêm sầu,
Sống giữa cõi đời không đắc ý
Mai này xõa tóc cưỡi thuyền chơi.”
Lý Bạch hiểu cơn say của tôi… à không, tôi đã say cùng cơn say với Lý Bạch, … nên tôi có thể thấy được cái danh ngàn chén không say của Lý Bạch chẳng qua là bởi say quá hóa tỉnh, tỉnh quá hóa đau, đau quá hóa thơ. Các nhà thơ Á Đông luôn đi qua một chặng đường tâm lý trúc trắc này, không còn là khủng hoảng tiền tâm linh, mà là một thứ khủng hoảng của người giời bị đầy xuống trần gian – của con người tâm linh – người giời bỗng chốc bị vứt vào đời sống hữu hạn, nhận thức được hư vô để đắm đuối thêm cuộc hư vô.
“Giàu sang trước mắt tựa khói mây
Đời nay chỉ cười đời xưa thôi
Người xưa mộ đã ngổn ngang đầy
Xưa nay hiền ngu trơ nấm đất
Tử sinh ai vượt ải này đây
Khuyên người uống rượu chơi cho đã
Cửa tây vầng dương đã xế rồi.”
Nguyễn Du đa sầu đa cảm đó. Sầu ấy, cảm ấy, thiếu rượu làm sao mà chịu đựng nổi. Rượu là chất dẫn để nhà thơ đến gần cuộc đời mà không phải đưa tay che mắt thương xót cho phận người trầm luân đau khổ. Dưới ánh nhìn của rượu, ngay cả khổ đau rồi cũng chỉ là một cuộc chơi.
Mà không chỉ thi tiên, thi thánh Đỗ Phủ cũng tìm say. Người đời mải với cơn say của tiên thi vì bị ám ảnh với câu chuyện Lý Bạch say rượu bỡn Đường Minh Hoàng, lại còn đổi thơ lấy rượu, mà sau này nghe đâu cũng trong một đêm say nhảy xuống ao ôm vầng nguyệt, mà người đời không biết rằng trong thơ của thi thánh cũng sực nức mùi rượu nồng men ủ từ cơn lạ lùng với cuộc đời:
“Một mảnh hoa bay xuân đã phai
Gió bay vạn nẻo khách sầu ai
Tàn hoa cứ ngắm cho lòng thỏa
Say rượu chớ từ kẻo đau hoài
Trên sông nhà nhỏ chim làm tổ
Bên vườn mả cũ ngựa nằm dài
Ngẫm đời phải lẽ nên hành lạc
Cớ gì danh lợi vướng thân đây.”
Cái say của thi thánh khiến ông chỉ còn là thi thôi, không còn là thánh. Này thì Khổng Tử, này thì danh lợi, này thì chí khí tang bồng, chẳng qua cũng chỉ là gió bay hoa rụng. Cơn say rượu bỗng chốc trở thành thứ duy nhất có ý nghĩa trong cuộc đời – cơn say cùng khoảnh khắc bình an này, để tạm quên vạn sự đang đuổi nhau chốn quan trường khốc liệt. Trận say của Đỗ Phủ, ô kìa lại cùng với trân say của Allen Ginsberg, nhưng Đỗ Phủ không tru lên, chỉ đơn giản là say thôi. Cần gì phải tru gọi bầy khi vạn vật đã cùng ông say trong khoảnh khắc này.
Đấy, cứ thế, hết thế hệ nhà thơ này đến thế hệ khác, từ Tây sang Đông, bao giờ chả có kẻ say. Nhà thơ say nối đuôi nhau, liêu xiêu muôn vẻ, tụng gọi nhau trong những đêm tịch mịch đơn côi, mời bạn rượu quá cố ngàn đời cùng nâng chén.
“Hồn hỡi hồn!
Nào đâu xứ cô đơn hồn ngự?
Nào đâu nơi lữ thứ hồn đi?
Phóng tâm ta đón hồn về
Đắm say mỗi sớm, điên mê từng chiều
Hồn hỡi hồn!
Hồn bắc nhịp phù kiều trong rượu
Hồn gợi câu “tiến tửu” bên hoa
Hồng tô sắc mặt dương hoà
Tiếng cười rạn cốc, lời ca nghiêng bình
Hồn ngồi với Lưu Linh cuồng khách
Hồn nhập vào Lý Bạch trích tiên
Hồn xoay đổ núi ưu phiền
Đốt tình cháy lửa cho quên Dáng Tình
Hồn nhốt trí phù sinh vào hũ
Hồn khép tay thế sự trong vò
Gào to một tiếng: ô hô!
Của ai này những cơ đồ không tên!”
Một thiên “Thần tụng” của Đinh Hùng ấy mà. Trong cuộc ngả nghiêng, Đinh Hùng nhập vào cõi khác, nơi những tiên thánh thơ ca ha hả cười trong cơn khoái cảm quằn quại giữa mù mờ. Có lần uống rượu mãi chẳng say, tôi đứng giữa bốn bề gió lộng trên cầu Long Biên, ngâm thiên “Thần tụng”, lúc ấy mới cảm giác thấy cơn say. Hóa ra say là say thơ chứ nào đâu say rượu.
Lại quay về cái sự không thể say của tôi. Đồ chừng tại bởi tôi quá thảm hại không bứt mình ra khỏi tục lụy. Mà có khi tại bởi tôi không đủ quằn quại để đạt được cơn khoái cảm trong cõi mù mờ. Lạc quan hơn, có lẽ vì tôi sống một đời sống say toàn bộ, chưa bao giờ tỉnh, nên làm gì còn tồn tại cơn say giữa một đời sống say miên viễn. Đây có thể chỉ là một trạng thái tự sướng.
Hôm nay tôi lại uống chén rượu không thể say mà tâm tư thì vạn vạn lớp đồng hiện. Ngôn ngữ tù túng mà ý lại triền miên, chẳng khác nào cố rót cả thùng rượu to vào một ly nhỏ (mượn tứ của Rumi ấy mà), thế thì cơn say cũng thế, sao phải trói mình vào trạng thái say rượu của cổ nhân, có khi từ lâu tôi đã có cơn say của chính mình.
“Rượu này a…say sao mà
Này trời a … phố nghiêng đèn đổ
Ta này a… nhạt mãi chẳng thành cơn
Ta điên a… cười mặt nạ mất màu”
Thơ tôi đấy! Ngàn chén không say thơ vậy thôi!
Hà Thủy Nguyên
*Các bài thơ trong bài đều do Hà Thủy Nguyên dịch.
*Tranh minh họa của Y Xuy Ngũ Nguyệt