Home Trên truyền thông Tại sao dịch Schopenhauer lại gây lắm thị phi đến vậy?

Tại sao dịch Schopenhauer lại gây lắm thị phi đến vậy?

Từ ngày đầu tiên đăng thông cáo ra mắt cuốn “Thế giới như là ý chí và ý niệm” của Arthur Schopenhauer do Thiên Trang dịch, chúng tôi đã gặp phải rất nhiều những cuộc công kích từ các nhóm truyền thông bẩn, và trong nỗ lực của mình, chúng tôi luôn muốn làm rõ những tranh cãi, không phải để đôi co, mà để bàn rộng các vấn đền liên quan đến dịch thuật triết học ở Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, đó là phần nổi của một cuộc tấn công kéo dài, cố ý, với những định kiến ngầm ẩn đáng sợ hơn mà trong suốt thời gian qua dịch giả Thiên Trang đã phải hứng chịu. Hôm qua, trong cơn phẫn nộ sau những lần bị tấn công tinh thần kéo dài, Thiên Trang đã phát điên và buộc phải “văng ra” những ngôn từ thiếu chừng mực mà dễ dàng bị cộng đồng mạng vin vào đó để đánh giá. Việc này nằm ngoài dự liệu của người vốn đã chuẩn bị mọi câu trả lời cho những cuộc tấn công trước đó, tuy nhiên, khi ngẫm lại, thì có lẽ đây là định mệnh sẽ phải xảy ra, những ấm ức kéo dài của Thiên Trang, người đã bền bỉ suốt 2 năm ròng dịch một cuốn sách triết học dày 1500 trang cần phải được kể lại, bởi vì nó phản ánh một thực trạng điên loạn và độc hại của những kẻ tự cho mình là “gác cổng” của nền triết học nói riêng và nền tri thức Việt Nam nói chung.

Tôi sẽ thuật lại toàn bộ câu chuyện theo tuyến tính thời gian, để bạn đọc có thể hiểu diễn biến đầy đủ của sự việc.

Những “người gác cổng” hay “côn đồ tri thức” – Từ trường hợp đe dọa và quấy rối dịch giả Thiên Trang khi bắt đầu dịch “Thế giới như là  ý chí và ý niệm” của Arthur Schopenhauer

Khi COVID-19 bắt đầu, chúng mình đã hợp tác với Thiên Trang để dịch toàn bộ sách của Schopenhauer ra tiếng Việt. Đây là kế hoạch đã được lên từ 2018 và đã thử làm việc qua với một số dịch giả. Đa phần họ đều thoái lui vì nó quá đồ sộ và mức nhuận bút không đủ cao so với công sức phải bỏ ra. Rất nhiều lần tôi đã khá tuyệt vọng khi nghĩ đến việc trong tương lai tôi sẽ phải ngồi dịch toàn bộ số sách ấy, bởi vì với tôi, dịch triết học là điều cần phải làm, không phải điều tôi hứng thú làm. Thật may, vì Thiên Trang đã nhận lời. Thiên Trang lúc bấy giờ và hiện vẫn đang nghiên cứu và công tác tại Na Uy, và là Cộng tác viên viết bài cho Tạp chí Tia Sáng và Khoa học & Phát triển. Thiên Trang chấp nhận dịch Schopenhauer không phải bởi vì để chiếm một địa vị trong giới triết học ở Việt Nam mà bởi vì bạn ấy nhận thấy các quan điểm triết học của Schopenhauer cần thiết đối với đề tài nghiên cứu mà bạn ấy đang theo đuổi. Do đó, Thiên Trang đã bắt đầu từ những cuốn dễ cho đến những cuốn khó, theo thứ tự là:

  • Những tiểu luận về tồn tại của Arrthur Schopenhauer (2022, NXB Đà Nẵng & Book Hunter – tái bản 2023)
  • Bàn về nền tảng tạo đức của Arthur Schopenhauer (2022, NXB Đà Nẵng & Book Hunter
  • Thế giới như là ý chí và ý niệm của Arthur Schopenhauer (2024, NXB Văn Học & Book Hunter)

Hai cuốn đầu đã bắt đầu có những lời miệt thị, tuy nhiên chỉ đến khi Thiên Trang nhận lời thực sự bước vào dịch “Thế giới ý chí và ý  niệm” của Schopenhauer, sóng gió mới nổi lên. Vì đây là một cuốn sách đồ sộ và không hề dễ, lại còn dịch từ bản tiếng Anh nên có thể có những điểm thiếu ổn thỏa, nếu để hiểu rõ khái niệm tiếng Anh, bạn ấy có thể dễ dàng tìm đến cộng đồng học thuật ở nước ngoài vốn luôn sẵn lòng chia sẻ và hướng dẫn; thì đến khi bạn ấy tìm đến một cộng đồng tự xưng là tri thức và thảo luận triết học chuyên sâu thì bạn ấy đã nhận được lời như trong hình:

Câu nói này có nhiều hàm ý bài trừ, tẩy chay và cô lập tôi. Điều gì khiến người này thù địch tôi đến thế thì vẫn là một câu hỏi. Thiên Trang có kể lại với tôi rằng, lúc đó bạn ấy cũng băn khoăn, nhưng không vội tin lời của người bêu riếu, mà kiểm tra chéo lại với một vài người làm nghiên cứu khác, đặc biệt là có một người bạn ấy rất tin cậy. Những người đó đảm bảo về tôi và Book Hunter, do đó Trang đã tiếp tục cộng tác.

Lúc đó, Thiên Trang có nhắn tin hỏi anh Lê Duy Nam, là CEO của Book Hunter, đồng thời là người quản lý xuất bản của Book Hunter rằng “hay là thôi”. Chúng tôi đã bàn lại với nhau và chốt rằng: nền học thuật phương Tây tồn tại nhiều bản dịch cho một tác phẩm mà, điều đó đâu có nghĩa là cạnh tranh nhau, mà còn bổ sung cho nhau, mỗi bản dịch tạo ra các sắc thái khác nhau và phù hợp với các đối tượng độc giả khác nhau. Bản dịch của hòa thượng Thích Nguyên Pháp có thể phù hợp với ngôn ngữ của những người thích Phật giáo, nhưng bản dịch của Thiên Trang có thể phù hợp với các đối tượng thích lối hành văn giản dị hơn. Vậy là Thiên Trang bắt đầu dịch.

Cũng bắt đầu từ ngày ấy, Thiên Trang liên tục nhận được những lời lẽ quấy rối và tấn công tinh thần rất cực đoan từ nick không rõ nguồn gốc. Cứ block nick này thì người tấn công lại lập nick khác, thậm chí còn đe dọa tấn công thân thể của Thiên Trang khi Thiên Trang chỉ có một mình ở Na Uy. Đương nhiên lời đe dọa chỉ là đe dọa, Thiên Trang vẫn còn sống và khỏe mạnh để hoàn thành bản dịch. Tôi xin đăng ở đây những đoạn chụp sự quấy rối liên tục mà Thiên Trang đã phải chịu đựng từ khi bắt đầu dịch cuốn sách. Các bạn có thể đọc và tự cảm nhận rằng một cô gái trẻ khi gặp sự quấy rối cả năm trời chỉ vì nhận lời dịch một cuốn triết học sẽ có giận dữ thế nào, cay đắng thế nào, mệt mỏi ra sao. Chính vì lý do này, nên khi Thiên Trang “văng tục” trên facebook cá nhân của bạn ấy, tôi đã không biết phải đáp sao, góp ý thế nào, vì tôi không phải là người chịu đựng suốt bao ngày tháng ròng rã, nên tôi không có tư cách gì để khuyên giải. Còn những kẻ mượn gió bẻ măng, mượn thời cơ Thiên Trang lỡ lời trong sự mất kiểm soát để tiếp tục bài xích, bêu riếu bạn ấy, dẫu rằng nói những lời lịch sự văn minh, nhưng tâm địa hoàn toàn bẩn thỉu xấu xa và hèn mọn.

Xin được liệt kê ở đây một số ảnh chụp màn hình các cuộc nhắn tin và comment tấn công hành hạ tinh thần Thiên Trang trong quá trình Thiên Trang dịch “Thế giới như là ý chí và ý niệm”:

 

Những người bạn trong friendlist của Thiên Trang cũng nhận được những tin nhắn bêu riếu Thiên Trang:

 

Các bạn thấy đó, những lời lẽ này nếu không phải “côn đồ”, làm sao có thể làm được? Ai có thể đủ kiên nhẫn nhắn liên tục trong suốt thời gian dịch cuốn sách gần hai năm trời, cứ block lại lập nick mới một cách bền bỉ? Nếu năng lực dịch của Thiên Trang kém cỏi thật sự và không đủ trình độ để dịch cuốn sách này, tại sao phải tấn công liên tiếp đến thế? Tại sao tôi lại bị tẩy chay, cô lập đến vậy nếu quả thực Book Hunter và tôi không đủ để dấn thân dịch thuật và thẩm định các bản dịch triết học?

Cuộc tấn công của đám đông nhặt sạn và những giọng điệu “văn minh” hơn nhưng thái độ không khác biệt

Các bạn biết không, ngay khi Book Hunter đăng post đầu tiên thông cáo về “Thế giới như là ý chí và ý niệm” trên facebook thì chỉ sau đó 1 tiếng, post đã bị report và gỡ do “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”. Để tránh facebook tiếp tục gỡ nếu tôi đăng lại y hệt, tôi đã quyết định chụp màn hình thông báo “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” từ facebook đối với post này và nhờ đó post có độ reach còn tốt hơn.

Với một cuốn sách dày 1500 trang, có giá trị lớn, Book Hunter luôn đề cao sự minh bạch, do vậy, chúng tôi đã cung cấp thông tin về bản dịch tiếng Anh và đăng tải công khai Bản Đọc Thử để các độc giả có thể tùy tâm chọn lựa. Đồng thời, chúng tôi cũng không thực hiện bất cứ một hoạt động PR rầm rộ nào ngoài đăng tải một số trích đoạn ngắn gợi cảm hứng và nhắc nhớ về cuốn sách. Là  người lên tiếng phản đối mọi hình thức thao túng đến quyết định mua sách của khách hàng, tôi hoàn toàn không muốn lạm dụng mọi thủ thuật marketing như KOL, bài viết PR trên báo, gây drama hút fame, tạo khan hiếm giả… Số lượng ấn bản cũng rất ít, 300 bản, cố gắng để mức giá thấp nhất có thể trong năng lực, đủ để chúng tôi hồi số vốn đầu tư, có thể đi tiếp vào các dự án học thuật khác, và hướng tới tập khách thực sự cần sách thay vì cố gắng kích cầu.

Tuy nhiên, nhóm Nhặt Sạn của ông Trần Đình Thắng và Nguyễn Việt Anh liên tục tấn công, dùng lời lẽ bài xích, cố tình xúi giục, kêu gọi tẩy chay đối với cuốn sách THẾ GIỚI NHƯ LÀ Ý CHÍ VÀ Ý NIỆM và nhiều sách triết học khác do Book Hunter xuất bản. Họ cũng đang lăm le để tiếp tục “chiến tiếp” với chúng tôi, gọi chúng tôi là “dịch tặc” và tự cho mình như những anh hùng “thánh chiến” cầm trong tay chính danh học thuật (đôi ba giải thưởng sách) để tận diệt chúng tôi, quyết đẩy chúng tôi ra khỏi “thánh đường triết học” của họ. Những “nhặt sạn” của họ có điểm đúng, có nhiều điểm sai, và bản thân ông Trần Đình Thắng còn không nhặt sạn nổi sách của chính mình. Bản dịch “Những tìm sâu triết học” của ông có rất nhiều lỗi sai mà tôi xin được mượn lời ông để nói rằng, đó là “đá tảng”. Xin mời các bạn xem hai bài dưới đây để thấy các lỗi tư duy mà nhóm Nhặt Sạn gặp phải.

> Bài cho thấy lỗi sai cơ bản ở bản dịch “Thế giới như là ý chí và biểu tượng” của Thích Nguyên Pháp, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính: Các lỗi sai trong dịch thuật triết học và Năng lực học thuật thực sự của nhóm NHẶT SẠN DỊCH THUẬT do ông Trần Đình Thắng chủ xướng – Hà Thuỷ Nguyên (hathuynguyen.com)

> Bài cho thấy thực trạng dịch thuật sách Triết học nói chung, và lỗi sai chẳng kém phần đá tảng của ông Trần Đình Thắng trong bản dịch được giải Sách Hay “Những tìm sâu triết học” của ông ta: Trớ trêu Sách dịch #1: Sách Triết Học – Book Hunter

> Bài cho thấy định kiến đầy bảo thủ trong tư duy ngôn ngữ của nhóm Nhặt Sạn: Những kẻ “gác cổng” ngôn ngữ: Giới hạn nằm ở đâu? – Book Hunter

Còn ở đây, tôi xin đăng lại lời lẽ đầy cực đoan, công kích mà họ chẳng ngần ngại gì gán cho chúng tôi.

Và nick clone thường xuyên tấn công Thiên Trang cũng ngay lập tức hùa vào:

Các bạn thấy đó, những luận điệu này không khác gì mấy những gì “cảnh báo” Thiên Trang không được dịch “Thế giới như là ý chí và ý niệm” trước đó. Đương nhiên, tôi không ám chỉ rằng toàn bộ những sự việc trên là do cùng một người gây ra hay cùng một nhóm gây ra hay có liên đới trực tiếp đến nhau. Tôi đăng tải ở đây để các bạn đọc có thể thấy một tiến trình tấn công liên tục xoay quanh cuốn sách “Thế giới như là ý chí và ý niệm” của Arthur Schopenhauer mà Thiên Trang phải đương đầu trong bao ngày tháng qua, và chúng tôi cũng phải đương đầu trong suốt đầu năm vừa rồi.

Thực ra, khi quyết định ra mắt ấn bản lần này, chúng tôi đã có một cuộc họp với nhau và lường đoán mọi kịch bản tấn công. Tôi đã chuẩn bị sẵn lập luận và thái độ cho toàn bộ lời công kích. Tại sao phải chuẩn bị kỹ lưỡng như thế, bởi vì dõi theo toàn bộ cuộc tấn công liên tục suốt từ lúc bắt đầu dịch, lẽ tất nhiên tôi sẽ phải tự có phán đoán lý do và động cơ của mọi động thái ngăn trở và tấn công khác. Đó là lý do chúng tôi không mất công phân tích những “sạn” mà nhóm Nhặt Sạn đưa ra ngay, bởi vì về cơ bản, họ muốn phủ nhận và tiêu diệt chứ không muốn nhận phản biện, ngay cả khi họ nhặt không chính xác. Thái độ của họ rất rõ ràng, nếu bản dịch của Thích Nguyên Phát có sạn, không sao cả vì có uy vọng, có bảo kê, có đỡ đầu. Còn bản dịch của Thiên Trang có sạn (mà kỳ thực bản dịch Triết Học nào cũng có thể nhiều sạn, nếu soi từng chữ), thì không được phép, vì không cúi mình xin giúp đỡ hay ngoan ngoãn rút lui khi ai đó bảo rút lui. Dẫu vậy, tôi cũng nhắc Thiên Trang lưu lại toàn bộ các đoạn công kích và đe dọa, để cùng bất đắc dĩ có thể tung ra. Tại sao phải “cùng bất đắc dĩ”, vì những lời lẽ này quá dơ bẩn, đem ra phơi bày trong bầu không khí đầu xuân thật chẳng thích hợp chút nào, và quan trọng là, nó có thể động chạm đến quá nhiều thế lực nào đó ẩn mặt (vì chẳng người bình thường nào lại kiên trì đe dọa đến thế), hơn ai hết, tôi luôn muốn được yên ổn làm việc của mình: chọn mô hình nhỏ, không rình rang báo chí, không chụp ảnh khoe quen biết vị nọ vị kia quyền chức hay các KOL lừng lẫy, không nuôi đội seeder đi rải sách quảng bá thương hiệu trong các group đọc sách. Thiên Trang cũng thống nhất với chúng tôi từ ngày đầu rằng bạn ấy không cần PR thương hiệu gì hết, mà chỉ muốn nghiên cứu Schopenhauer và để học, vậy thôi.

Và bây giờ là lúc “cùng bất đắc dĩ”, bởi cơn tức giận của Thiên Trang đang khiến Thiên Trang chịu nhiều điều tiếng bêu riếu, và người ta chắc chắn bêu riếu đến Book Hunter và tôi. Đây là lúc để tôi thuật lại sự việc này một cách đầy đủ.

Sau tất cả, tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng, chất lượng dịch thuật sách triết học ở Việt Nam chưa bao giờ tốt, nếu chúng ta “bới lông tìm vết”, ngay cả với những dịch giả danh tiếng, được giải thưởng, ngay cả với người nhặt sạn chuyên nghiệp kia. Nhưng các bên xuất bản và tham gia dòng sách triết này có thể nỗ lực để làm tốt hơn mỗi ngày, từng ngày, từng chút một, và tôi tin rằng họ đều đang cố gắng trong thầm lặng như vậy. Có điều, chúng ta cần xem xét lại và cảnh giác với những kẻ côn đồ tri thức, cố tình mượn gió bẻ măng để công kích trong một tinh thần rất phản học thuật như thế, không để những kẻ như vậy tra tấn tinh thần những người dám bước vào con đường khó khăn này.

Tôi mong mọi việc kết thúc ở đây, vì việc bới móc lại chuyện này chẳng dễ chịu gì đối với Thiên Trang hay với chính chúng tôi. Và câu hỏi mà tôi đặt ra ở tiêu đề, không phải để tôi trả lời, mà là tôi muốn hỏi các bạn đọc: “Tại sao dịch sách của Schopenhauer lại gây ra nhiều thị phi đến vậy?”

Hà Thủy Nguyên