Home Bình Luận “Thuyền” – Lênh Đênh Tự Do và Phận Số

“Thuyền” – Lênh Đênh Tự Do và Phận Số

hathuynguyenhn

18 hours ago

Lần đầu tiên tôi được nghe kể về số phận những người lưu dân Việt Nam vượt biển sang Mỹ không phải qua các bài giảng lịch sử hay các tác phẩm văn học, mà là qua đĩa nhạc lậu “Ba mươi năm viễn xứ” của Paris By Night. Những câu hát ám ảnh từ đĩa nhạc ấy, với giọng hát rầu rĩ của Khánh Ly, đã khuấy động tôi:

Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi bằng sức người đã kiệt

Bằng sức người đã tả tơi ước mơ tay chân dường rũ liệt

Tôi cố đợi ngày Việt Nam tái sinh trong sông biển yêu thương

Cho dẫu lòng đã bạc lòng mong”

(“Tôi cố bám” – Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn)

 

Hay

“Tự do ơi tự do tôi trả bằng nước mắt

Tự do hỡi tự do anh trao bằng máu xương

Tự do ôi tự do em đổi bằng thân xác

Vì hai chữ tự do ta mang đời lưu vong”

(“Xin đời một nụ cười” – Nhạc sĩ Nam Lộc)

 

Những người vượt biển, xa lìa quê hương, hẳn mang trong mình rất nhiều tâm tư giằng xé, giữa hoang mang không biết ngày mai, giữa gồng mình đối mặt với cái chết, giữa nỗi đau mất mát tủi nhục, và xen vào đó là những khoảng lấp lánh mơ hồ hi vọng tương lai – một giá trị không thể cân đếm: tự do… và sâu thẳm hơn thế, là mong ngóng ngày trở lại. Các nhà văn người Việt hải ngoại viết rất nhiều về thuyền nhân, bởi đó là nỗi ám ảnh trong suốt đời mình, thậm chí là nhiều thế hệ, mỗi nhà văn lại khai thác những thân phận khác nhau. Những tác phẩm của họ trong nhiều thập kỷ, không phải chỉ ở bên lề, mà còn vẫn ở tận bờ bên kia của văn học Việt Nam. Tuy thế, trong những năm gần đây, các tác giả hải ngoại viết về số phận lưu vong lần lượt được xuất bản trong nước, có thể kể đến “Con thuyền” của Nam Le (NXB Hội Nhà Văn), các tiểu thuyết “Sóng ngầm”, “Thư chết”, “Vu khống”… của Linda Lê (Nhã Nam), và mới đây nhất là “Thuyền” của Nguyễn Đức Tùng (NXB Phụ Nữ Việt Nam). 

Những chất vấn tự do trên con thuyền vượt biển

Không như tiểu thuyết của Nam Le hay Linda Lê vốn được viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, “Thuyền” được sáng tác hoàn toàn bằng tiếng mẹ đẻ. Cũng không giống như những thế hệ nhà văn trẻ viết về thuyền nhân, khi đặt chân lên thuyền vượt biển lưu vong, ông đã trưởng thành, đã có biết bao tâm tư giằng xé, cái nhìn và nỗi đau của một người từng trải không da diết mà ngấm sâu, âm ỉ. “Thuyền” của Nguyễn Đức Tùng chở trên đó không chỉ là những thân phận lưu vong, mà còn chở rất nhiều hoang mang, đau đớn, tủi nhục, hi vọng, nhớ thương khắc khoải… và cả tình yêu. Không chỉ là những thân phận điển hình, “Thuyền” chất chứa những tâm trạng điển hình của một người ra đi vì tự do, vì tương lai, nhưng phải đối mặt với hiện thực khốc liệt bấp bênh trên đại dương bị đe dọa bởi cướp biển và thiên nhiên vô cảm. Cũng như câu hát của Nam Lộc, Nguyễn Đức Tùng nhiều lần chiêm nghiệm giá trị của tự do:

“Ý nghĩa của tự do? 

Tự do không phải là số phận. Tự do là một chọn lựa cá nhân. 

Đó là chọn lựa khó khăn: một nửa nhân loại sẽ nói không với nó. 

Ý nghĩa của đời sống? 

Trái tim không trả lời, nó đập chậm lại, đều đặn. Ta bận quá, nó nói. Máu, nó nói. Tôi nhìn ra sông. Dòng sông thời gian. Một thời gian mà tất cả những người có phẩm chất cao quý không thể sống hạnh phúc. Tôi biết tôi cần sống nhẹ nhàng hơn, từ nay. Để sống được nhẹ nhàng hơn trong cuộc đời này, tôi cần nhiều can đảm. Để sống nhẹ nhàng hơn, tôi cần tìm cho đời sống này một ý nghĩa, mỗi sự vật một ý nghĩa. Yêu đương sấm sét cùng nhau, trong nhau.”

Và đó không phải lần duy nhất ông chất vấn về tự do, gần hai mươi lần ông trở đi trở lại chiêm nghiệm về tự do. Có lúc là những lúc trên đường phố Sài Gòn, có lúc là trong buổi hầu đồng khi thấm thía số phận con người như thể bị giật dây, có lúc đứng trước bức tượng Nữ Thần Tự Do, có khi chứng kiến cảnh bạo lực trên con thuyền lưu lạc… Khi đối sánh tự do với những giá trị khác, những sắc thái khác của đời sống, tự do vừa bị chất vấn về tính hiện hữu, lại vừa biểu lộ mọi vẻ đẹp của nó. Một người lựa chọn tự do không hẳn là vì hy vọng, mà vì biên độ không giới hạn của vô vàn sắc thái đời người. Chỉ lựa chọn tự do, con người mới có thể chấp nhận mọi buồn vui sướng khổ, và chỉ tự do ta mới có thể nhận ra những biểu trưng của số phận, và cho phép ký ức vùng dậy thoát khỏi mọi đè nén.   

Tái hiện ký ức chồng lấn

Nhưng khi một người ở trong một cộng đồng trải qua quá nhiều đau khổ, tự do chỉ là cái cớ ban đầu chứ chẳng phải là động lực chính để sinh tồn. Những ám ảnh phận số của những con người lênh đênh lưu lạc được lưu lại trong chuỗi ký ức miên man nối tiếp nhau qua ngòi bút của Nguyễn Đức Tùng phơi bày không chỉ thứ sinh tồn sinh mạng, mà còn cả sinh tồn tinh thần trong cuộc vật lộn dìm xuống những mất mát, khổ đau để có thể bình thản sống trên đất liền. Cả cuốn sách là một chuỗi ký ức vừa rời rạc vừa liền mạch, như một cơn ác mộng kéo dài xen lẫn những khoảng bình yên nhỏ nhoi với bao mảnh đớn đau, giữa số phận của nhân vật “tôi” với biết bao nhiêu số phận lưu dân khác.

Nguyễn Đức Tùng là một nhà thơ. Ông viết tiểu thuyết như viết trường ca. Tính cấu trúc của tiểu thuyết bị vứt bỏ. “Thuyền” không kể chuyện. “Thuyền” phơi bày ký ức vụn vỡ của biết bao thuyền nhân, những ác mộng điển hình của đời người. Không hẳn có ai đó đang nói trong ký ức, những câu thoại là lời của chính người kể chuyên văng vẳng trong ký ức của mình. Trùm lên những mảnh ký ức là những cơn sóng lòng, những suy niệm bật lên trong đau thương. 

“Đó là sự liên tục của đời sống. Bây giờ chúng ở đâu? Cơn đói hành hạ chúng tôi. Nhiều người gỡ những mảnh gỗ mục trên mạn thuyền ăn cho đỡ đói. Người ta bắt chước nhau. Người ta ăn những mảnh vải vụn. Người ta nhai bất cứ thứ gì mềm có thể nhai được. Đôi khi một người may mắn nhai trúng con hàu bám vào ván thuyền. Tôi biết nhiều người đang nghĩ, nếu có người chết, họ sẽ ăn thịt người ấy. Tôi nghe nói có những thuyền vì đói quá người ta giết lẫn nhau để ăn thịt. Tôi canh chừng điều ấy. Tôi biết điều ấy sẽ xảy ra. Cảm giác về việc người giết người để ăn thịt làm tôi ghê tởm. Một cảm giác chán nản, buồn rầu, vô vọng, xâm chiếm tâm hồn tôi. 

Anh có đến dự tang lễ của em không? 

Anh sẽ đến. 

Nhưng anh không thể. 

Những người yêu nhau có phụ thuộc vào nhau không?”

Cấu trúc của cuốn sách vừa phi tuyến tính lại vừa tuyến tính. Tuyến tính về mặt không gian, khi những mảng không gian lớn dịch chuyển từ thành phố, men theo những con sông, đổ ra biển và đến bờ bên kia Thái Bình Dương – vùng đất của tự do. Nhưng những mảng không gian nhỏ, như điện hầu đồng, hay con thuyền, hay phòng khám bệnh, hay căn phòng nhỏ… đều hoàn toàn phi tuyến, không những phi tuyến mà đôi khi đồng hiện. Những không gian chồng lấn lên nhau như kỹ thuật chụp ảnh phim phơi sáng kép (multi-exposure), chồng cảnh, chồng người, chồng vật, chồng sắc. Trong đối thoại với người này đột ngột xuất hiện hình bóng của người khác, trong ký ức về sự sáng tác của “tôi” lại có ký ức sáng tác của người khác, trong số phận của những bệnh nhân da trắng tóc vàng lại thấp thoáng số phận những người da vàng tóc đen lưu lạc, và linh hồn của Liên Hương, người yêu của “tôi”, vừa như hiện diện vừa như ảo giác trong suốt một cuộc đời của “tôi”. 

Nguyễn Đức Tùng viết: “Tôi nhận ra rằng việc ghi nhớ trở lại những sự thật, và những sự thật khác bên dưới sự thật đầu tiên, không phải là niềm vui, không phải nỗi buồn, cũng không phải là bổn phận, nó tựa như con đường. Cái cách mà người ta sống trên đời, cái cách mà bạn bước đi. Nhớ lại và kể lại và giải thích và chiếu rọi vào những sự vật ấy ánh sáng của chút tình yêu còn lại không phải là bổn phận mà tôi phải trả cho một người nào, hay trả món nợ, món nợ ấy nếu có thì tôi cũng không bao giờ trả được. Đó là phương cách mà con người tồn tại cho đến khi hắn không còn tồn tại nữa, như một con chim thì bay và hót, như một người thì bước đi trên hai chân, thuyền thì trôi trên nước. Những tháng năm dằng dặc sắp tới chẳng qua là sự lặp lại quá khứ của đời mình theo một cách khác, cô độc hơn nhưng thong thả hơn, không vội vã như thời trước và nhờ thế mà tôi có thể chiêm nghiệm được thời gian và khuôn mặt mờ ảo của Liên Hương ngày một rõ hơn, trắng và tươi tắn, với những sợi tóc mai lòa xòa ngày càng trở nên thân thiết, làm cho đời sống không còn góa bụa.”

Trong địa hạt của tầng tầng lớp lớp chồng lấn, phân tán, thủ pháp của nhà thơ có nhiều lợi thế hơn thủ pháp của nhà văn. Thơ cho phép phi logic, cho phép tính tượng trưng ngay trong hiện thực. Từ những con bướm ở vùng thôn quê biên giới Canada và Hoa Kỳ, theo vệt di trú của chúng mà nối dài ven biển, nối về quê hương trong cơn mê sảng với những con mối, với người đàn bà vấn tóc bên giếng, rồi đến những con thuyền bập bềnh trên biển. Những con bướm đủ sắc màu sặc sỡ dập dềnh bay ẩn hiện cả cái chết của chính chúng, của những người đã rời bỏ đất nước để lưu lạc, cái chết của người con gái thương yêu mà phận số long đong. “Bướm” là chương viết tuyệt đẹp trong toàn bộ quyển sách, biểu lộ phẩm chất nhà thơ ở Nguyễn Đức Tùng. Một nhà thơ viết tiểu thuyết, và viết nên những dòng văn chương tuyệt đẹp, vừa mơ màng vừa day dứt. Thủ pháp này được ông sử dụng xuyên suốt toàn bộ cuốn tiểu thuyết. Có thể không hẳn là thủ pháp, đơn giản là sự tái hiện của ký ức khi sáng tác, không cần phải sắp đặt. Thế nên, dù phi tuyến tính nhưng cả cuốn tiểu thuyết vẫn là một dòng chảy không ngừng, ngay cả khi trang cuối đã khép lại. 

 

Hà Thủy Nguyên

*Ảnh minh họa: Thủy thủ đoàn của tàu USS Durham (LKA-114) đón những người tị nạn Việt Nam từ một chiếc thuyền nhỏ vào năm 1975. (Ảnh: Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ)

Nguyễn Thụy Đan “in illo tempore” – Kẻ sĩ “vào thuở” đồng hiện thời gian

Viết về một nhà thơ đương thời vốn rất khó, một nhà thơ trẻ với tập thơ đầu tay lại càng khó hơn, sở dĩ bởi thế giới thơ của nhà thơ chưa được định hình. Đâu đó ta có thể dễ dàng yêu thích bài thơ này, bài thơ kia của một nhà thơ trẻ, nhưng để cảm nhận một thế giới thơ sâu thẳm trong cõi tinh thần họ thì ta sẽ lạc lối. Các nhà thơ trẻ với sự nhạy cảm thời

“Ba bậc thầy” của Stefan Zweigh do ông trùm Bình Bán Book dịch

Dù sống cùng với nhau trong một thành phố, anh mua sách của tôi nhiều và tôi mua sách của anh cũng không ít lần, nhưng chúng tôi chưa từng gặp nhau ngoài đời 🤣, chỉ biết nhau qua sách. Âu cũng là loại quan hệ đặc biệt của thời Internet. Anh Tuấn Bình đến với công việc kinh doanh sách bằng tình yêu với sách, trong khi thị trường sách chạy đuổi theo sách thị trường giảm giá chất lượng nội dung tốt thì