Home Tác phẩm & Dự án Tiểu thuyết “Cầm thư quán”

Tiểu thuyết “Cầm thư quán”

Tiểu thuyết “Cầm thư quán”

Tác giả: Hà Thủy Nguyên

Thời gian sáng tác: 2005

Số trang:  171 trang

Xuất bản lần đầu năm 2008, NXB Phụ Nữ và Nhà sách Kiến Thức ấn hành; tái bản có chỉnh sửa năm 2018, NXB Hội Nhà Văn & Book Hunter ấn hành; ấn bản mới nhất vừa được NXB Phụ Nữ Việt Nam ra mắt vào tháng 7 năm 2024.

 

Tổng quan nội dung:

“Cầm thư quán”  là một cuốn tiểu thuyết cổ trang có màu sắc tượng trưng, man mác buồn, đặt ra nhiều vấn đề mang tính triết học như sự tự do và cái đẹp. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống ung dung nhàn hạ của hai chị em Ngọc Cầm và Ngọc Thư bên hồ Dâm Đàm (Tức hồ Tây, Hà Nội). Họ sống giữa thời đại của Lê Thánh Tôn, là thời đại được cho rằng thịnh trị bậc nhất trong lịch sử, thời đại đỉnh cao của các Nho sinh. Thế nhưng, họ lại có cái nhìn khinh bạc đối với các Nho sinh này, cười nhạo những vị đại thần vào luồn ra cúi, không chấp nhận trói mình trong các phận vị thông thường của người phụ nữ. Họ mong muốn tìm kiếm tự do đích thực và tìm được cái đẹp tuyệt đối, còn lại tất cả vinh hoa phú quý đều chỉ là phù phiếm. Vua Lê Thánh Tôn đeo đuổi cô em gái Ngọc Cầm. Ngọc Cầm chấp thuận sự đeo đuổi bởi nàng thương cảm với ông vua cô độc, nhưng Lê Thánh Tôn vẫn không sở hữu được nàng. Cuối cùng, Ngọc Cầm và Ngọc Thư vẫn cứ tiếp tục vươn đến sự tuyệt đích.

Cuốn tiểu thuyết đã bị thu hồi ngay sau khi phát hành 1 tháng. Sau đó, cuốn sách không còn trên thị trường mà được nhiều trang mạng chia sẻ. “Cầm thư quán” là một cuốn sách vừa dễ đọc lại vừa khó đọc. Người đọc có thể tiếp cận cuốn sách như một tiểu thuyết tình cảm, lại vừa có thể tiếp cận cuốn sách như một tiểu thuyết với các mã tượng trưng và ước lệ để hiểu hơn những ẩn ngữ đằng sau. Vượt trên hai khía cạnh ấy, cuốn sách có thể đưa bạn đọc đến với các chiêm nghiệm về những điều cao cả hơn đời sống bình thường.

Trích dẫn truyện:

“Ai đếm nổi bao cánh đào rơi buổi xuân tàn? Ai thấu hết thanh hương từ bầu rượu sen đang lênh láng trên mặt bàn… Gót hài kia đang đi về đâu thế? Đất trời rộng bao la làm vậy mà sao chẳng nơi nào có thể là nơi ta tung cánh tự do? Thế gian chua ngoa, độc ác đâu có chỗ cho những cánh hoa đào mỏng mảnh sống qua được mùa xuân…

– Tại sao ta còn cố đi tìm một bức tranh chân thiện, chân mỹ? Gót hài của nàng… gót hài của nàng… Không kẻ nào có thể chiếm đoạt, cưỡng bức…”

Chàng thư sinh gạt tay! Bầu rượu vỡ tan tành trên sàn gỗ. Những giọt rượu lăn dài qua kẽ hở giữa hai tấm ván, trườn nhẹ trong thinh không rồi chìm dần trong đáy nước xôn xao của Dâm Đàm. Mười đầu ngón tay như những bước chân của loài dã tràng trên cát chạy dài lên sợi tơ đàn bật ra dải âm thanh day dứt khôn nguôi. Cứ mỗi một phím tơ rung lên là một bông hoa đào rụng xuống trước hiên.

– Ta biết là ngươi sẽ xuất hiện! Ta biết… ta biết…

Chàng giật mình nhìn về phía cánh cửa gỗ dẫn ra thuỷ đình. Thánh thượng đã lặng lẽ đứng đó từ khi nào.

– Ta biết vì ngươi mà nàng lánh xa ta… ta biết ngươi sẽ quay lại Cầm Thư quán để tìm nàng… Ta không biết ngươi là ai, nhưng mỗi lần nhìn thấy bức tranh kia, ruột ta như đứt đoạn… Ngươi còn về đây để làm gì?

Một phút im lặng kéo dài! Im lặng tới còn nghe thấy cả những bông hoa đào chạm vào nền gỗ ướt mưa. Bất chợt, chàng thư sinh ngửa cổ dốc ngược bầu rượu sen. Lần đầu tiên trong cuộc đời chàng thấy rượu đang thiêu đốt cổ họng tan thành tro bụi. Chàng cười lớn, cười thật lớn để thổi cao ngọn lửa đang bừng bừng.

– Ngươi đam mê nàng ư? Không! Ngươi chỉ muốn chiếm giữ cả thân xác, cả tâm hồn, cả khúc “Hải du” của nàng thôi… Kẻ làm vua… Kẻ làm vua bao giờ chẳng coi những điều chân thiện, chân mĩ như vàng bạc, châu báu trong kho… Ngươi hãy ra khỏi đây đi… Cầm Thư quán không phải chỗ cho kẻ dơ bẩn như ngươi. Hãy về với cung vàng điện ngọc của nhà ngươi, hãy ôm ánh hào quang của ngươi vào lăng mộ để muôn vàn bóng ma nhảy múa ngợi ca, đừng bắt nàng hay ta phải khuất phục trước ngươi…

Lại một khoảng im lặng. Có cơn gió luồn qua vai thánh thượng, khẽ lay bức tranh Ngọc Cầm, làm rung rung gót hài. Thánh thượng giật mình. Bước chân Ngọc Cầm mang theo cơ man nào là đào hoa đang đi xa dần ngài… ngài sẽ không bao giờ với tới. Bất giác, ngài thở dài… quay đi…”

 

“Thiên địa phong trần” của Hà Thủy Nguyên, Kinh điển hay ko xin bàn sau nhưng xin giới thiệu 1 cuốn tiểu thuyết lịch sử đáng đọc

Khi đọc đến mấy lời phi lộ của tác giả, rằng cảm hứng để viết nên cuốn tiểu thuyết này là bởi đau lòng trước số phận của những quý tộc bất hạnh, xót xa vì những rực rỡ mất mát sau 1 cuộc tao loạn... tôi chợt nhớ tới câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Gia Thiều: “giấc Nam Kha khéo bất bình/bừng con mắt dậy thấy mình tay không” và đặc biệt là câu chuyện dã sử về cuộc hồi hương của vua

Dự án tiểu thuyết dã sử “Thiên địa phong trần” về những biến động chính trị và văn hóa thời Lê Mạt

Bộ tiểu thuyết dã sử “Thiên địa phong trần” Tác giả: Hà Thủy Nguyên Thời gian sáng tác: 2018 – nay Dự kiến:  3 tập Hiện đã hoàn thành: Tập 1 - Khúc Cung Oán & Tập 2 - Nổi gió  Link mua sách: Combo Thiên Địa Phong Trần (Tập 1&2) - Book Hunter Lyceum Tổng quan nội dung: Cuối thế kỷ 18, nước Việt ta đối mặt với một bối cảnh loạn lạc chưa từng có, đánh dấu sự suy tàn không chỉ của triều Lê

CÔNG CHÚA ĐỒNG XUÂN của nhà văn Trần Thùy Mai – Khi con người không thể chọn được cách ứng xử trong thời loạn

Một cách tình cờ, bộ tiểu thuyết "Từ Dụ" của nhà văn Trần Thùy Mai xuất bản cùng lúc với tập 1 "Thiên Địa Phong Trần" của tôi, và đến nay, khi tôi xuất bản tập 2, thì bà cũng xuất bản "Công Chúa Đồng Xuân", có thể nói là sự nối dài của "Từ Dụ". Khi đọc "Công Chúa Đồng Xuân", tôi có thể hiểu tại sao lại có cơ duyên như thế. Có lẽ số phận đã thúc đẩy để bà và tôi

Một vài cảm nghĩ khi đọc nhanh tiểu thuyết “Thiên địa phong trần” của nhà văn Hà Thủy Nguyên

Viết văn, làm thơ thời nay là một nghề nặng nhọc, bạc bẽo, thu nhập thấp, nguy cơ thân bại danh liệt, không xứng đáng với tài năng và công sức bỏ ra, nhất là những người chọn cho mình con đường viết độc lập, chuyên nghiệp, ít phụ thuộc vào nhà nước nhưng mà như cụ Du đã nói: Đã mang lấy NGHIỆP vào thân thì cũng phải gánh gánh gồng gồng cho nốt kiếp văn nhân . Trước 1945 ( điều kiện tự

Nhà văn trẻ Hà Thủy Nguyên: “Tiểu thuyết dã sử góp phần hiểu thêm về lịch sử Việt Nam”

(PLVN) - “Giờ đây, viết tiểu thuyết dã sử thực sự như một thứ mốt thời thượng rồi. Mốt này có lẽ ảnh hưởng từ xu hướng tiểu thuyết mạng của nước bạn và kết hợp với tinh thần dân tộc hiện nay đang được đẩy mạnh trên truyền thông. Họ đều ý thức được rằng họ đang góp một phần để kích thích giới trẻ hiểu thêm về lịch sử Việt Nam” - Đó là nhìn nhận của nhà văn trẻ Hà Thủy Nguyên trong