Home 2017 Tháng 9 / page 4

Đêm địa ngục

Ai thêu đêm vào nỗi đau

Ứa máu trần giọt giọt

Nghênh ngang qua địa ngục

Xương trắng rợn hờn ghen

Kìa ai níu ai người quá cố

Hận ta hay khát ta?

 

Vàng vọt đèn in bóng

Hồn lạc lơ thơ bóng

Tâm đoạn chập chờn bóng

Bong bóng trẻ thơ bay vô vọng

Hư không tan. Ai bỏ ai buông?

 

Cô đặc hương đêm tĩnh tọa

Đóng băng giấc ngàn thu

Cứa tay ứa màu nhịp sống

Nhịp sống loang vang vang

Ta bước nghênh ngang

Chẳng màng u ngục

 

Ta lang thang, bóng lang thang, hồn lang thang

Mưa mang mang, máu mang mang, nhịp sống mang mang

Tay ứa máu, đêm ứa mưa, ta ứa thơ…

Home 2017 Tháng 9 / page 4

Hoàn hảo

Vào đầu thế kỷ 21, nhà khoa học Karl Pibram đã đưa ra kết luận rằng: “trí nhớ không được lưu trữ tại một nơi nào cả trong não bộ mà bằng một cách nào đó lan truyền và phân bố trong toàn não bộ”. (1) Từ đó nhân loại đã đổi thay: Thế giới trở nên trật tự hơn và yên bình hơn…

 

Tôi sinh ra vào cuối thế kỷ 21, thế kỷ của hòa bình và đại đồng, thế kỷ mà mọi nhà lý tưởng chính trị ở những thiên niên kỷ trước chỉ có thể coi đó là một giấc mơ viển vông và xa vời. Đời sống sung túc, an vui, không cần quân sự và cũng không cần chính phủ. Bước ra đường ai ai cũng vui vẻ, trong công việc ai ai cũng hết mình, trách nhiệm xã hội ai ai cũng nhiệt tình làm một cách tử tế. Thế giới này quả thực hoàn hảo, nơi mà tôi tin rằng bắt cứ ai xấu xa đến đâu lạc vào đây rồi cũng sẽ trở thành người tốt. Bởi vì chẳng ai có đủ dũng cảm để làm người xấu trong một cộng đồng của các bậc thánh.

Chuyên ngành tôi đang theo đuổi là Lịch sử Thơ ca. Thật nực cười khi thấy con người thời xưa quằn quại đau đớn và giận dữ. Qủa đúng như những gì lịch sử đã kết luận: “giống người mông muội” và thế giới tôi đang sống đây là một tiến bộ vượt bậc của nhân loại. Nhưng điều tôi thắc mắc là, kể từ ngày thiên đường này được thiết lập, không còn thơ ca nữa, và con người ít chia sẻ với nhau bằng ngôn ngữ hơn. Đó chính là một câu hỏi “Tại Sao?” to đùng vẫn ám ảnh tôi. Chỉ có những nụ cười cởi mở lướt qua nhau rồi ai lại về với không gian tĩnh lặng của chính mình.

Hôm nay nắng rất đẹp, tôi không muốn đọc sách trong thư viện như mọi ngày mà ra ghế đá công viên để tận hưởng sự trong lành. Công viên nhở nhơ mỗi người một việc, Tôi ngẩng đầu nhìn lên bầu trời, những đám mây trắng cứ thế trôi qua, tôi bỗng thấy mình giống đám mây trắng kia, lặng lẽ đến, lặng lẽ trôi  qua. Còn có thể có sự đột phá gì ở thiên đường nữa, thế giới không còn cần các vĩ nhân cứu giúp.

Bỗng nhiên, “bịch” một tiếng. Người đàn ông ngồi đọc sách dưới gốc cây liễu rủ lòa xòa đứng bật dậy, xòe lửa và thả xuống quyển sách. Tôi thảng thốt to tiếng, chủ yếu là do giật mình:

–       Sao anh lại đốt sách, anh có biết như thế là phạm luật không?

Anh chàng cười khẩy. Hai quả bi sắt trên không trung bắt đầu lao đến, xoay một vòng xung quanh anh cùng với tiếng nói mặc định:

–       Anh đã vi phạm điều khoản về gìn giữ của cải công cộng, anh phải bị trừng phạt!

Tôi quên không kể lý do tại sao nền chính trị hiện nay giữ mãi được tình trạng vô chính phủ trong yên bình.  Đọc trong lịch sử, người ta đã từng bài xích vô chính phủ một cách thậm tệ bởi cho rằng đó là nguy cơ của bạo động. Nguyên là từ khi người ta phát hiện ra rằng mọi thông tin con người tiếp nhận không được lưu trữ trong bộ não mà nó nằm ở trong vũ trụ. Và các nhà khoa học cùng với các chính trị gia đã bắt tay với nhau, thiết lập ra một cơ chế theo dõi thông tin trong tâm trí con người. Hệ thống vệ tinh giống những hòn bi sắt nhỏ bay lượn trong không trung để theo dõi và phân loại các tần số sóng ý nghĩ  tích cực và tiêu cực. Với các sóng tiêu cực, vệ tinh sẽ xác định và phân tích rồi phóng chiếu hình ảnh hay chuỗi độc thoại về máy trung tâm. Máy trung tâm sẽ xử lý, phán xét theo các khung hình phạt đã được cài mặc định theo các tầng bậc của tội lỗi. Nhưng điều thú vị là, ngay khi hệ thống máy được hoàn thiện, thì chính những chính trị gia là những người bị tiêu diệt đầu tiên, dễ hiểu thôi, trong đầu họ tràn ngập các ý nghĩ độc ác. Các nhà khoa học cũng bị bắt và tống vào ngục tối bởi hết lần này đến lần khác họ mong muốn tắt hệ thống máy đi, và như thế là vi phạm điều luật Phá hủy cơ chế hòa bình.

Anh chàng kia đã phạm tội phá hoại của công, anh ta chỉ bị nhận lời cảnh báo và chắc là tài khoản của anh ta sẽ bị trừ một số tiền không nhỏ. Đợi hai quả bi sắt bay đi, tôi mới tới gần.

–       Tại sao anh lại đốt sách như thế?

Anh chàng ngồi phịch xuống ghế, cũng nhìn lên bầu trời giống như tôi vừa nhìn trước đó, nói bâng quơ:

–       Đó là một cuốn sách đau khổ, nó không nên tồn tại,nó làm chúng ta không còn tin vào thế giới tốt đẹp ta đang sống này nữa. Cô biết đấy, chúng ta không nên có những suy nghĩ tiêu cực. Tôi không muốn ai đó sau tôi đọc cuốn sách này nữa…

Tôi im lặng đứng nhìn anh. Bây giờ mới được nhìn kĩ, nhưng mọi đường nét trên khuôn mặt anh đều thoảng qua chả đọng lại gì trong tôi, trừ đôi mắt. Đôi mắt có gì đó bỡn cợt, có gì đó linh động,nhưng hơn cả thế, ánh lân tinh trong mắt anh giống ngọn lửa bập bùng đang thiêu đốt quyển sách kia. Anh ta đưa mắt nhìn quyển sách trên tay tôi.

–       Cô thích đọc thơ à…

–       Đó là chuyên ngành của tôi… và cũng có thể là tôi thích nó thật…

Anh chàng bật cười:

–       Tại sao lại là “có thể” mà không phải là chắc chắn?

Tôi ngồi xuống cạnh anh, vuốt nhẹ lên những dòng chữ in:

–       Đôi khi tôi không biết tôi có thích thơ ca không nữa, tôi cảm thấy không hiểu nó, dường như nó thuộc về những kẻ mông muội không biết đến sự bình an, không biết đến thiên đường. Nhưng nó vẫn có một sự mê hoặc kỳ lạ mà tôi không biết nó đến từ đâu.

–       Phải, cô nói đúng, à không lịch sử nói đúng, đau khổ là một sự mông muội… – Anh chàng đột nhiên bật cười rồi cười nắc nẻ, cười điên dại, tôi cứ trố hết cả mắt ra nhìn anh. – Không có gì, cười là tốt mà, cười là hạnh phúc, cô cười đi chứ sao để tôi cười một mình…

Ngơ ngác một hồi, tôi cũng cười, tôi không muốn làm anh chàng đó nghĩ rằng tôi là một bà cô già khó tính. Nhưng có vẻ như giữa cười và hạnh phúc không liên quan mấy đến nhau. Tôi càng cười to hơn, điên cuồng hơn thì tôi càng cảm thấy một cái gì đó đang trỗi dậy trong lòng, một cái gì đó không thể hiểu được mà lại rất khó chịu.

Anh chàng đột ngột dừng cười, thở hắt một cái rồi nói:

–       Thôi đừng cười nữa, tôi muốn cô đọc cho tôi bài thơ mà cô đang đọc dở.

Ánh mắt anh nhìn tôi như khẩn khoản nhưng lời nói lại lạnh nhạt. Tôi đưa mắt nhìn lên trời tìm những quả bi sắt, Có vẻ như anh quả thực không có ý nghĩ gì tội lỗi. Gấp sách lại, tôi nhắm mắt vào và bắt đầu đọc:

“Chúng ta gặp nhau bên dòng suối ngọt

Làm đôi người cô độc thuở sơ khai

Nàng bâng khuâng đốt lửa những đêm dài

Ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc…”(2)

Bài thơ rất đẹp, một bài thơ ca ngợi sự man dã của loài người. Và tôi cũng không hiểu tại sao mình lại thấy sự man dã ấy đẹp nữa.

–       Đủ rồi! – Anh chàng thốt lên – Nếu cô đọc nữa có thể chúng ta sẽ phạm luật đấy..

Cái thứ trỗi dậy không xác định đang ngo ngoe bên trong tôi một cách khó chịu kia, đang vươn lên cao dần và không có dấu hiệu sẽ dừng ở đó.

–       Tôi đã có vợ rồi!

Anh chàng đứng bật dậy, bỏ lại tôi ngồi đó trong chơ vơ mà vẫn không hiểu chuyện gì xảy ra.

Đợi bóng anh đi khuất, tôi mới bình tâm lại được, cái thứ ngo ngoe kia cũng tạm dừng quấy rối tôi.

Tôi đứng dậy đi vào rừng với hi vọng rằng sự thâm u của khu rừng sẽ giúp tôi trấn áp được nỗi khó chịu đang chờ trực để thức dậy. Tôi thả bước đi trong rừng như một kẻ không có não, vô định giữa màn sương vàng nhạt nắng giăng trên cành cây. Màn sương dẫn tôi đến một con suối. Lạ thật, trước giờ trong khu rừng này làm gì có suối, có thể là tôi đã đi lạc chăng. Thôi kệ, lạc thì cũng lạc rồi, ngồi xuống mép suối và ngâm chân dưới nước có thể là một liệu pháp tốt.

Cởi giầy và thả chân trần xuống suối, để mặc cho nước xô đẩy bàn chân tôi va đập vào vách đá lành lạnh mùi rêu.

–       Cô chỉ dám dấn sâu đến vậy thôi sao!

Tôi giật mình, giọng của anh ta, anh ta đi đến ngồi xuống vách đá cạnh tôi. Cơn khó chịu bùng nổ, nó chiếm lĩnh tôi hoàn toàn như lửa đốt. Tôi cởi bỏ nhanh chóng toàn bộ thứ quần áo loằng ngoằng trên người. Thực ra, nói chính xác, chúng đã bị ngọn lửa ham muốn bên trong tôi thiêu đốt. Tôi cũng chẳng muốn nghe anh ta nói thêm bất cứ lời nào nữa, ngọn lửa ấy thiêu đốt nốt áo quần của anh ta rồi.

Anh đặt tay lên má tôi, tôi cảm nhận thấy rõ lửa bên trong tôi cũng đang lấn sang anh và có lẽ hai ngọn lửa chuẩn bị hòa làm một. Chúng tôi quấn lấy nhau trên tảng đá, rêu bám vào lưng chúng tôi, nước chảy qua ống chân của chúng tôi, và nhìn lên bầu trời, mọi thứ đều cháy rực rỡ.

Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao tôi lại yêu thích cảm giác man dại trong bài thơ tôi vừa đọc đến thế. Cảm giác man dại của hai kẻ hoàn toàn cô độc trên thế giới này và tình cờ tìm được nhau. Một khi hai ngọn lửa đã hòa làm một thì cả vũ trụ cũng được kết cấu bởi lửa, sinh ra từ lửa và chết đi trong lửa.

“Tít, tít, tít”… tiếng báo động kéo dài. Tôi vùng tỉnh dậy khỏi giấc ngủ. Đám bi sắt bao vây lấy tôi phải đến cả chục. Giọng nói mặc định rè rè khó chịu:

–       Cô vi phạm điều luật về ngoại tình trong giấc mơ. Trong mơ, cô đã dụ dỗ một người đàn ông có gia đình!

Thật chẳng hơi đâu cãi nhau với những cái máy! Chúng đã được cài đặt để giữ vững cơ chế phán xử. Bây giờ thì tôi đã hiểu, mọi chuyện trong khu rừng chỉ là một giấc mơ. Nhưng hơn cả thế, tôi hiểu ra rằng cả thiên đường nơi tôi đang sống đây cũng là một giấc mơ lớn và giấc mơ này đã giết chết mọi thực tại đẹp đẽ của con người. Thiên đường này được xây dựng bởi những điều tốt đẹp đến từ những con người tốt đẹp, bởi thế nó sẽ thải loại mọi tư duy, cảm xúc tiêu cực, mọi giấc mơ cá nhân không phục vụ cho việc gìn giữ thiên đường của nhân  loại. Nếu ngày xưa tôi từng tự hào vì thế giới hoàn hảo này bao nhiêu thì giờ đây, hơn ai hết, tôi muốn hủy diệt nó, tôi muốn những ngọn lửa trong giấc mơ của tôi thiêu trụi nó thành tro bụi.

–       Cô lại tiếp tục phạm tội lớn hơn khi có ý định hủy diệt thiên đường, cô đã mắc tội phản bội. Cô và người tình của cô cần bị xét xử công khai.

Chúng đưa tôi đến giữa quảng trường, nơi đó tôi thấy anh cũng đang đứng đó. Xung quanh là rất nhiều gương mặt bình thản như không có gì xảy ra. Trong đó có vợ anh ta. Tại sao tôi biết, vì vợ anh ta đang đứng ngay cạnh như một luật sư.

–       Tôi là vợ anh ấy, tôi cam đoan rằng trong đời sống hàng ngày anh ấy rất tốt, chăm  lo cho tôi hết  sức và luôn đối xử tử tế với mọi người. Lần này anh ta không chủ động mơ, anh ấy bị dụ dỗ.

Qủa nhiên bằng chứng cho thấy điều ấy thật, tôi là kẻ cởi áo đầu tiên, tôi là chủ mưu còn anh là nạn nhân. Tôi nhìn khắp lượt các khuôn mặt lần nữa, họ đích thực là những tử thi trên thiên đường. Hình ảnh giấc mơ của anh ta và tôi được chiếu trên màn hình, say đắm, cuồng dại… thế mà họ vẫn không một chút động tâm! Chỉ có thể là bậc thánh! Ồ, tôi quên mất đây là thiên đường mà, tôi bật cười khúc khích khiến anh cũng cười theo.

–       Kìa anh, sao anh lại cười trước phiên xét xử… – Vợ anh ta lo lắng nhắc nhở.

–       Em này, anh không phải nạn nhân, anh hoàn toàn chủ động. Giấc mơ cô ấy vừa gặp cũng chính là giấc mơ anh vừa gặp…

Người vợ khựng người lại, rồi mau chóng lấy lại tư thế bình thản, cô ta lùi dần vào đám đông xa  lạ và vô cảm.

Cái máy lại tiếp tục lải nhải:

–       Tội phạm vi phạm các điều luật sau: ngoại tình trong giấc mơ và âm mưu hủy diệt cơ chế hành pháp bằng hệ thống kiểm soát tâm trí. Với mức độ vi phạm trên, tội phạm sẽ bị giam giữ trong ngục mãi mãi. Nạn nhân của hành vi phạm tội này sẽ được tha bổng!

“Xoẹt”! Anh xé toang chiếc áo đang mặc, vừa đi vừa tụt quần, miệng lầm bầm:

–       Kệ mẹ lũ máy móc chúng mày, kệ mẹ pháp luật, kệ mẹ đạo đức, tôi yêu em và tôi không muốn cuộc đời mình để lũ máy móc này quyết định!

Anh lột phăng nốt quần áo của tôi, vồ lấy tôi và làm tình ngay trước mặt đám người tốt. Thật nực cười, họ còn chẳng dám có một suy nghĩ tức giận hay kì thị, họ sợ những chiếc máy sẽ phán xét họ vào tội bài xích cá nhân.  Mà đã một lần phạm tội thì sẽ liên tiếp nhiều lần phạm tội khác lớn hơn. Những chiếc máy lượn vo ve yêu cầu chúng tôi buông nhau ra, nhưng tôi thấy anh không hề có ý định muốn buông, cứ như thể anh muốn được làm tình đến chết với tôi. Anh dồn hết cả tinh lực và sinh khí vào tôi, không phải lửa thiêu nữa mà là cơn giông bão gào thét! Bấy lâu nay anh như bầu trời những ngày nhiều mây, hôm nay, ngay lúc này đây, anh muốn trút toàn bộ nước mưa vào trong tôi.

Anh kẹp chặt lấy chân tôi, những giọt nước mắt ứa ra nhỏ xuống ngực tôi:

–       Anh không muốn sống cuộc đời này thêm nữa… Ngay từ lúc nhìn thấy em ở công viên, anh đã biết em là định mệnh của anh và từ giờ anh đã có thể chết…

–       Không! Anh không cần phải làm thế … – Tôi thảng thốt rồi nghẹn lời

Anh mỉm cười buồn bã, khác hẳn với vẻ mặt thường xuyên giễu cợt trước đó của anh.

–       Chỉ còn lần xuất tinh này nữa thôi… là anh kiệt sức… và anh sẽ chết… với anh… như thế đã đủ rồi!

Bầu trời tối sầm lại, mây đen sầm sì kéo đến, nhưng trời không mưa, chỉ bức bối. Anh ngã vật xuống, máu lênh láng phun ra khắp bụng tôi. Cuộc làm tình triền miên, mãnh liệt, vận hết toàn bộ tinh lực của anh đã khiến anh bật máu. Hơi thở của anh chỉ còn thoi thóp, nhưng anh vẫn mỉm cười. Lần này thì tôi nhận thấy niềm hạnh phúc trong nụ cười của anh thật sự.

–       Hãy nói hộ anh… rằng… muốn tự do… đừng dùng ý nghĩ… Hãy như cách… anh vừa… yêu em…

Nói rồi, anh nấc lên một tiếng và trút hơi thở cuối cùng. Trên trời, mây vẫn cứ thế mà không thể mưa. Tôi đặt một nụ hôn nhẹ nhàng lên trán anh. Vậy là anh đã được giải thoát khỏi thiên đường. Nghĩ đến đó lại thấy mỉa mai. Ngẩng mặt lên, nhìn khắp lượt những gương mặt vô cảm. Có lẽ là anh đã thương hại họ bằng thừa rồi. Liệu những kẻ vô cảm trong đức tính tốt đẹp kia có hiểu điều anh muốn nói. Tôi nhìn lên bầu trời, tự nhủ: “Nếu mưa bão thì tức là trong số những người kia có kẻ hiểu điều anh muốn nói, còn nếu không, đám mây đen này sẽ bay đi chỗ khác”.

Vùng đứng dậy tôi hét to:

–       Muốn tự do, đừng dùng ý nghĩ… Muốn tự do, đừng dùng ý nghĩ…

Tôi giữ lại điều cuối cùng anh nói về tình yêu của chúng tôi. Hãy coi như đó là bí mật nho nhỏ mà tôi muốn giữ cho minh, bởi nói tình yêu ở lúc này có thể đã là một trò xa xỉ rồi.

Mưa rào rào đổ xuống, vệt máu trên người tôi và từ anh loang dần ra. Trong cơn bão, vệ tinh không bắt được sóng não của con người. Tôi nhìn anh rồi khẽ nói, tôi chắc dù cơ thể anh không nghe được nhưng toàn bộ nội tâm của bên trong anh ở đâu đó trong vũ trụ vẫn biết được tôi đang như thế nào:

–       Trời mưa rồi, khoảnh khắc ngắn thôi, nhưng họ lại được một lần trải qua tự do, mà anh biết rồi đấy, đã một lần được tự do thì cả đời sẽ hướng về tự do.

Tôi bị giam ở dưới một căn ngục hình trụ, ngẩng mặt lên thấy cao chót vót. So với thiên đường, ở đây tôi lại thấy dễ chịu hơn. Trật tự hoàn hảo đến mấy cũng không thể dễ chịu bằng ngồi trong bóng tối và trò chuyện với hư vô. Tôi không còn động lực  để tồn tại thêm bất cứ ngày nào ở thiên đường nữa.

Ở trong căn ngục này có rất nhiều bộ xương người, chắc là những kẻ bị phạm tội danh âm mưu lật đổ giống tôi. Ở đây thì tôi tha hồ âm mưu, tha hồ suy nghĩ, tha hồ tưởng tượng. Thơ ca trong tôi bắt đầu nảy sinh. Tôi lấy một mẩu xương người làm bút viết;  vách tường vòng tròn không có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc làm giấy viết. Và mỗi khi cầm bút lên tôi lại nhớ đến anh, mà không, không cần nhớ, anh lúc nào chẳng ở cạnh tôi. Thế giới ngoài kia sung túc, no ấm và hạnh phúc, để dành cho những người tốt; còn tôi, tôi chấp nhận  ở dưới địa ngục này, viết những vần thơ lên tường, để thế hệ  sau nhận ra rằng  tôi yêu anh hơn cả bản thân mình và tôi sẽ ở mãi mãi trong ngục này để hàng ngày tôi có thể tự biến mình thành một phần của vũ trụ, để mà kết nối vào kho dữ liệu vô biên của nó. Và trong những lần kết nối ấy, tôi sẽ tìm được anh trong vô cùng vô tận.

Hà Thủy Nguyên

 

1. Nghiên cứu não bộ là một toàn ảnh của Karl Pibram đã chỉ ra rằng thông tin không hề được lưu trong bộ não

2. Trích bài thơ “Người con gái thiên nhiên” – Đinh Hùng

Home 2017 Tháng 9 / page 4

Mưa mùa dã cổ

Thuyền âm nhạc lững lờ – hững hờ

Mùa dã cổ lên men – lửa nhen

Ôi đàn ca vũ muôn năm cũ

Gẩy đàn mưa

Nhịp nhịp gió

Cung linh đưa đẩy gót sen vàng…

 

Cô nhân tiêu vàng lãng đãng – mang mang

Ngóng tịch nhân phiêu lãng – lang thang

Thuyền ám trăng mùa biển vắng

Muôn vàn tơ huyết nguyệt

Dệt khúc sầu thế nhân

Hồng trần mờ mịt phía xa dần…

 

Ai ơi có nhớ…

Kiếp hải hồ lênh đênh

Lúc say nhịp hồ sênh

Khi ve vuốt hạc cầm

Ngân nga vi vút miền vô thức

Thả trăng rơi phím đàn

Huýt mưa bay thi hứng

Tắm nắng vàng nhớ nhung

Ta, và ta, và ta, và ta

Đàn cô nhân lạc loài

Thổi bay hồn vũ trụ…

 

Nay đâu còn…

Vỡ tan rồi hồ sênh

Đứt gãy rồi tơ đàn

Ngọc sầu nát vụn buôn rẻ mạt

Cô nhân trầm mình đáy bùn nhơ

Tịch nhân lưu lạc mộ sa trường

 

Thuyền âm nhạc lững lờ – hững hờ

Không cập bến trần gian

Mùa dã cổ tàn

Ai nuối tiếc

Ai vun bụi ngọc kết hoa

Ai ủ men sầu vạn cổ

Ai gom mưa kết đọng

Ai nối hồn cung linh

Ai thắp vầng huyết nguyệt

Khơi sóng buồn len len…

 

Hồn ta phong kín thuyền âm nhạc

Đợi mùa dã cổ tái sinh

Mưa ơi rửa sạch hồng trần

Cô nhân lại đợi tịch nhân tái hồi.

Trích tập thơ “Mùa dã cổ” của Hà Thủy Nguyên: https://www.hangcao.info/san-pham/mua-da-co/

Home 2017 Tháng 9 / page 4

SLAVES OF DESTINY

We- Slaves of Destiny
Join all diversions in Eternity
Belong to no where

Ice melting in the red
Flame gleaning in the blue
If life and death united
Purlieus of Real and Unreal ‘d be erased
We – Slaves of Destiny
Choose one of Destiny
Being in dream
…of dream
… of dream
… of dream…

Incapable of choosing the Finale
Oh, and no the Inception
Be constructed
Be sundered
We – Slaves of Destiny
Be destined by Destiny
And the lodestars transiting
Only illusions of where the dream is ending…

We – Slaves of Destiny
Join all diversions in Eternity
Belong to no where

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 Tháng 9 / page 4

NGÀY MAI, RỒI NGÀY MAI, LẠI NGÀY MAI – WILLIAM SHAKESPEARE

Ngày mai, rồi ngày mai, lại ngày mai

Lê lết theo nhịp đời nhỏ mọn ngày qua ngày

Tới thanh âm cuối cùng của thời khắc ghi dấu ;

Và tất thảy ngày hôm qua đều nhen nhóm cho những kẻ khờ

Con đường tới cái chết tối tăm. Tắt thôi, tắt thôi, hỡi nến nhỏ !

Đời này có gì ngoài một bóng ma lang thang, một diễn viên nghèo nàn,

Khuệnh khoạng và u sầu trên sân khấu

Để rồi đi đến vô thanh. Đó là câu chuyện

Được kể bởi gã ngốc, ồn ào và điên loạn,

Phô bày điều vô nghĩa.

William Shakespeare

Dịch: Hà Thủy Nguyên

Bản gốc:

Tomorrow, and tomorrow, and tomorrow,
Creeps in this petty pace from day to day,
To the last syllable of recorded time;
And all our yesterdays have lighted fools
The way to dusty death. Out, out, brief candle!
Life’s but a walking shadow, a poor player,
That struts and frets his hour upon the stage,
And then is heard no more. It is a tale
Told by an idiot, full of sound and fury,
Signifying nothing.

(Trích đoạn thơ trong vở “Macbeth”)

Home 2017 Tháng 9 / page 4

“HUYỀN THOẠI 1900” – KHI CÁI ĐẸP KHÔNG MUỐN HẠ PHÀM

Bạn có nhớ bộ phim được giải Oscar nổi tiếng “The pianist” (2002) với hình ảnh anh chàng nhạc công piano phải lưu lạc trong chiến tranh và chơi những phím đàn tưởng tượng? Cảnh ấy có làm bạn cả thấy cảm động và thốt lên vì sự sáng tạo tuyệt vời của đạo diễn? Bạn có biết, từ trước đó, chi tiết giống như vậy đã xuất hiện trong bộ phim “Huyền thoại 1900” (1998). 1900 là tên của một anh chàng chơi piano trên con tàu lênh đênh giữa đại dương. Anh nổi tiếng như một huyền thoại, nhưng chưa bao giờ anh đặt chân xuống đất liền. Anh không cần chơi trong nhà hát như chàng nhạc công của “The pianist”, cũng không màng đến danh vọng, anh chỉ muốn được chơi thứ âm nhạc sâu thẳm bên trong vạn vật và cũng không cần ai thấu hiểu. Bộ phim đã được giải thưởng Qủa Cầu Vàng cho phim nước ngoài hay nhất, thế nhưng, cũng giống như số phận 1900, chỉ những ai có duyên bước lên chuyến tàu ấy mới được nghe tiếng đàn của anh ta.

1900 là đứa trẻ bị bỏ rơi trên khoang hạng A của một chuyến tàu thủy, ngay trên chiếc đàn piano vào thời điểm giao thời giữa hai thế kỷ. Anh được một người thợ nhận về nuôi. Người thợ này đã nuôi anh bằng tình yêu và bằng tất cả những gì ông ta biết. Thế rồi, một tai nạn xảy đến và ông ta qua đời. Chỉ còn một mình giữa những người xa lạ và con tàu to lớn, cậu bé 1900 đã đến với cây đàn piano. Không rõ cậu bé tập piano từ bao giờ, hay tiền định đã sắp xếp cho cậu phải ngồi bên phím đàn. Không biết nhạc lý, chưa từng được chạm vào bất cứ cây đàn nào trước đó, nhưng tiếng đàn của cậu đã khiến tất cả những người có mặt ở đó. Khi bị thuyên trưởng nhắc nhở về quy định của tàu, 1900 đã nói một câu tỉnh bơ: “Kệ mẹ quy định”. Và từ đó, cậu trở thành một pianist của tàu, cũng từ đó số phận của cậu gắn liền với cây đàn piano.

Huyền thoại sẽ không thể trở thành huyền thoại nếu không có người kể lại. Tất cả những giây phút đẹp nhất, ngẫu hứng nhất, cho đến khi cô độc nhất, tất cả cũng chỉ được kể lại bởi người bạn thân của cậu là Max. Max lên tàu để tìm một cơ hội để sống, để được vinh danh, và cậu mau chóng trở thành bạn thân của 1900. Đoạn vui vẻ nhất mà có lẽ chỉ những người say sưa âm nhạc mới thấy thú vị là cảnh Max ngồi bên cạnh 1900, hào hứng với tiếng đàn của 1900, để tiếng đàn dẫn dắt mọi vật thể trong phòng trôi dạt theo cơn tròng trành sóng đánh. Khi xem đến đoạn này, tôi đã bật cười thích thú, bởi người làm phim quả thực là một kẻ hiểu về sức mạnh của âm nhạc. Âm nhạc dẫn dắt ta khỏi những cơn hoảng loạn không phải bằng lời lẽ tuyên ngôn hay ru ngủ, mà bằng cách bắt nhịp những nhịp đập của tâm trạng, cảm xúc (thứ mà chúng ta bây giờ thường gọi là năng lượng tâm linh), rồi cấu trúc và sắp xếp lại trong sự hoàn hảo.

Bi kịch khó hiểu nhất của bộ phim đó là 1900 không bao giờ muốn bước chân xuống khỏi tàu, nói chính xác hơn là không bao giờ muốn đặt chân xuống đất liền. Anh ta chứng kiến bao nhiêu con người từ đất liền bước lên tàu rồi ra đi. Mỗi người như vậy, anh lại nhìn thấy số phận của họ thông qua âm thanh ẩn dấu bên trong con người họ. Mỗi chúng ta, ai cũng có một trạng thái tâm trí của mình, và trạng thái ấy tương ứng với dòng giai điệu bên trong. Một nhạc sĩ đại tài là người có thể nghe thấy giai điệu trong vạn vật. Anh ta có thể nghe thấy giai điệu của biển và đắm đuối trong linh hồn của biển cả. Anh ta có thể nhận ra một cô gái có sự đồng điệu với mình bằng cảm nhận giai điệu bên trong.

Thực ra, 1900 đã từng nói lý do anh không xuống tàu: “Ôi Chúa tôi, cậu thấy đấy… cậu có nhìn trên phố, chỉ trên phố thôi nhé? Có hàng ngàn người! Làm thế nào mà họ có thể đi xuống phố, làm thế nào mà họ có thể chọn một… một người đàn bà, một ngôi nhà, một vùng đất, một cách để chết…?” 1900 dùng cách nhìn của người ở bên ngoài vòng quay điên rồ đang xoáy chúng ta theo để chứng kiến sự điên rồ trong lựa chọn của con người. Chúng ta có thể nhìn thấy cái nhìn này qua đạo Phật, qua “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử, qua “Zarathustra đã nói như thế” của Nietzches, qua “Walden – Một mình sống trong rừng” của Henry David Thoreau… Thoreau đã nói như thế này:

“Phần lớn người ta, ngay cả trong đất nước tương đối tự do này, quá bận tâm với những nỗi lo giả tạo và những nhọc nhằn thô lậu không cần thiết của đời sống đến nỗi những hoa trái ngọt ngào nhất của nó họ không thể nào hái được. Những ngón tay của ho, do cực nhọc quá mức, quá long ngóng và run rẩy để làm việc đó. Trong thực tế, người lao khổ không có thời gian nhàn rỗi để ngày qua ngày chăm sóc cho tính toàn vẹn của tâm hồn mình, anh ta không tể cố giữ được những mối quan hệ người nhất với những con người, công lao của anh ta bị coi rẻ ở thị trường. Anh ta không có thời giờ là cái gì khác không phải cái máy. Làm thế nào anh ta có thể nhớ được sự ngu dốt của anh ta – mà sự trưởng thành của anh ta đòi hỏi – ai sẽ phải sử dụng tri thức của anh ta thường xuyên đến vậy.”

Đó chính là điều mà 1900 nhìn thấy ở những số phận bước lên tàu cùng với những gánh nặng, những kỳ vọng, để rồi tất cả chỉ là số 0.

Hành động xuống tàu, giống như một cuộc hạ phàm với người nghệ sĩ đại diện cho cái đẹp hoàn hảo ấy. Nhưng 1900 vẫn quyết không “hạ phàm”, không để vòng xoáy ô trọc của cõi đời làm mảy may vướng bận. Có một lần, người được coi là phát minh ra nhạc Jazz kiêu ngạo bước lên tàu và thách thức 1900. 1900 và ông ta đã có một cuộc đấu nhạc jazz gay cấn, nhưng anh ta vẫn có thể khóc khi nghe một bản nhạc đẹp mà đối thủ chơi. Không phải kẻ nào bước vào một cuộc đấu có thể có được sự tách rời công bằng với tình thế như vậy. Chiến thắng của 1900 không phải chỉ là chiến thắng của kỹ thuật, đó là chiến thắng của tinh thần âm nhạc. Đỉnh cao của âm nhạc không phải là hình thức âm nhạc mà là khả năng bắt nhịp được âm nhạc từ vạn vật. Bởi thế, kết thúc trận đấu, 1900 kết luận một câu: “Fuck the Jazz”. Hơn cả thế, ta có thể thấy, đây là chiến thắng của thoát tục trước mọi thách thức trần tục.

Một lần nữa tiếng gọi của phàm tục lại vọng lên tàu: Danh vọng. Chiến thắng của 1900 đã khiến nhiều nhà làm đĩa đến tìm anh. Họ muốn ghi lại tiếng đàn của anh. 1900 đã chơi bản nhạc hay nhất, bản nhạc Tình Yêu từ nhịp đập thổn thức bên trong mình khi anh nhìn thấy một cô gái đi lướt qua ô cửa sổ. Thế nhưng, khi không thể đem bản nhạc tặng cho cô gái, anh đã bẻ vỡ nó và ném vào thùng rác. Anh không thể chấp nhận giai điệu tình yêu của mình lại trở thành một sản phẩm thương mại và bất kỳ ai cũng có thể nghe. Thậm chí, ngay cả với người con gái đó, anh cũng không muốn xuống tàu để tìm cô.

Ngay cả khi con tàu đến thời tàn, bị bỏ hoang, đổ nát, 1900 vẫn không rời tàu. Anh như linh hồn của con tàu còn sót lại sau những lần bãi bể nương dâu.  Tất cả mọi người rồi cũng ra đi, chỉ 1900 còn ở lại với âm nhạc của anh. Không còn đám đông, không còn tiếng vỗ tay, không còn piano, chỉ còn tiếng thời gian đi qua và 1900 chơi trên những phím đàn vô hình. Khung cảnh ấy không giống như trong “The pianist” vốn chỉ thể hiện cho tình cảnh khắc nghiệt và sự đam mê của người nghệ sĩ. Cảnh 1900 cô độc chơi đàn vô hình trên tàu nhuốm một màu cô đơn sang trọng. Suy cho cùng, sự sáng tạo của nghệ sĩ chỉ một mình và cũng dành cho một mình mình mà thôi.

Max quay về tìm 1900 trên con tàu khi tàu sắp bị nổ bom để tiêu hủy. Nhưng 1900 cũng không rời khỏi tàu, anh chấp nhận chết theo con tàu mà anh đã gắn bó. “Hãy nhìn cây đàn piano: có phím bắt đầu, có phím kết thúc. Cậu thấy đấy nó có 88 phím. Không ai nói với cậu sự khác biệt này. Chúng không hề vô hạn. Còn loài người thì vô hạn… Và với những phím đó, âm nhạc không thể cất lên… nó vô hạn. Tôi thích điều đó. Đó là điều tôi có thể sống vì…”. Chiếc đĩa lưu bản nhạc của 1900 đã bị bẻ vỡ năm nào được Max dán lại, mượn được từ một hàng đĩa cũ, một lần nữa đem đến cho 1900 nghe lần cuối. Âm nhạc của anh lại trở về với anh và không dành cho đám đông trần tục ngoài kia. Thân xác, con tàu, hay thậm chí là âm nhạc rồi cũng chỉ là hư vô trong vòng quay của nhân loại mà thôi…

Hà Thủy Nguyên

Home 2017 Tháng 9 / page 4

DÂN CHỦ HAY CỘNG SẢN? TÔI CHỌN CON NGƯỜI!

Tôi sinh ra trong những năm đầu Đổi Mới và được vây quanh bởi một không khí những người Cộng sản tử tế và hiền lành. Lúc tôi lớn lên một chút, có nhận thức riêng, khoảng 12 tuổi, cuốn sách đầu tiên khiến tôi đặt vấn đề nghi ngờ về đời sống tuyệt đẹp mà tôi đang có, đó là tập nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng bị vứt lăn lóc trong góc Thư viện Hà Nội. Tôi chọn đọc nhật ký của ông, bởi vì tôi thích những cuốn tiểu thuyết như “Sống mãi với thủ đô”, “Đêm hội Long Trì” của ông. Trong nhật ký, ông đã viết về một thời đại mà các nhà văn bạn bè không dám nhìn mặt nhau, không dám trò chuyện… Tôi đã tự hỏi, tại sao những người tử tế có thể khiến nhau trở nên như vậy? Và tôi đã về hỏi bố tôi, bố tôi kể cho tôi nghe về vụ án Cải cách ruộng đất, Nhân Văn- Giai phẩm…v…v… Lúc ấy, tôi mới biết rằng đời không như mình tưởng. Những người tử tế tôi gặp chỉ là một số rất, rất ít ỏi trong xã hội, và họ hoàn toàn có thể bị suy thoái bởi thứ tư tưởng cực đoan đã bị bóp méo không còn giống thứ lý tưởng mà Carl Marx đã dành cả đời để đắm đuối.

Khi tôi còn trong đại học, tôi có nghe về Tập hợp thanh niên dân chủ, tôi đọc các bài viết của họ, tìm hiểu họ. Cùng lúc ấy, tôi đã được nghe về bạo loạn ở Tây Nguyên, tàu Việt Nam bị Trung Quốc bắn, những tranh luận xung quanh sự việc Bauxite Tây Nguyên…v…v… Những người bạn cùng trường Nhân Văn với tôi, họ không đọc cũng không quan tâm gì cả! Họ vẫn chỉ cày ngày cày đêm để đạt điểm cao, để sau này “vinh thân phì da”, và nhìn những người hoạt động dân chủ với ánh nhìn khinh thị, như thể lũ thiên thần ăn bám Chúa cười khẩy trước sự nổi loạn của Lucifer.

Và rồi, tôi đã bước chân vào giới hoạt động dân chủ. Tôi cũng từng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, nhưng không hợp. Tôi đã từng cùng các anh chị NoU đi hoạt động thiện nguyện giúp người dân miền Trung trong đợt lũ, cũng không hợp. Tôi cũng từng tham gia các hoạt động khai dân trí, tức là nói đi nói lại rằng dân chủ là con đường tốt nhất để hướng tới (có thể nói theo các cách khác nhau), tôi cũng không thích. Cảm thấy không hợp, không thích là do bởi tôi có nhu cầu truy tìm sự thật và mong muốn thay đổi bề sâu của một vấn đề hơn là làm những công việc cụ thể. Sau khi tôi rút khỏi những hoạt động ấy một thời gian, rất nhiều vụ scandal của giới dân chủ bắt đầu tràn lan trên giới truyền thông, nội bộ những người dân chủ có nhiều xung đột. Một nhóm người bắt đầu miệt thị những người khác, và tôi đã từng ở trong số ấy. Thay vì phải đấu tranh với chính quyền, họ chuyển sang xúc xiểm và đấu đá lẫn nhau.

Và rồi, như các bạn thấy trên facebooker của các nhà dân chủ, có hai đối tượng họ thường xuyên công kích: Một là những người Cộng sản (bất kể xấu tốt), hai là chính những người hoạt động dân chủ. Các công kích này là công kích cái vỏ ngoài. Bởi vì, chúng ta đang công kích cái căn cước mà họ khoác lên (cái căn cước ấy không có tội), chứ không phải chính bản thân họ. Nếu một người dân chủ nhưng không biết tôn trọng các giá trị con người thì người ấy không hiểu về các giá trị dân chủ nhưng lại khoác trên mình cái áo dán nhãn dân chủ. Điều này cũng giống như rất nhiều người Cộng Sản tồi tệ khác. Những người Cộng Sản theo đúng lý thuyết của Marx phải không có lòng tham, không tư hữu, nhưng những kẻ tham lam lại tận dụng nó cho chiến lược độc chiếm của công. Và nếu số đông là những người hoạt động dân chủ không biết trân trọng các giá trị con người, không hiểu các vấn đề nền tảng của dân chủ, thì cho dù họ là trí thức hay cần lao, một tương lai xa cho những vụ án như Cải cách ruộng đất, Nhân Văn – Giai Phẩm, Xét lại chống Đảng… là điều có thể nhìn thấy trước.

Vậy thì, vấn đề không phải chuyện ai đó là Cộng sản hay Dân chủ, cũng giống như việc họ là tín đồ tôn giáo hay kẻ vô thần, là người thích giao đãi hay là người khép kín…v…v… Phân biệt như vậy dễ khiến chúng ta bị rơi vào thứ tâm lý bầy đàn bị định hình bởi cái nhãn mác mà ta khoác lên. Các mô hình đều có lý ở một khía cạnh nào đó, và đương nhiên sẽ bộc lộ ra tất cả các yếu kém khi được đưa vào thực tế. Và các mô hình sẽ sụp đổ trong một thời điểm nào đó, rồi sẽ lại trỗi dậy. Thế nên, vấn đề không nằm ở mô hình, mà nằm ở con người. Chính việc con người của chúng ta có để chúng ta trở thành con người hay không, hay là suy thoái như loài zombie, hay là những cỗ máy huyễn hoặc mình là thần thánh, mới mang tính quyết định xem một xã hội có thật sự tốt hay không? Trong bất cứ mô hình xã hội nào, bất cứ cộng đồng được định danh nào, nếu không phải con người đang cầm quyền mà là những con zombie hay những cỗ máy huyễn hoặc kia nắm ưu thế thì sẽ vẫn là hết tệ hại này chất chồng tệ hại khác mà thôi.

Trong các mối quan hệ xã hội của mình, tôi không nhìn vào việc họ là người Cộng sản hay người Dân chủ, họ theo tôn giáo hay vô thần, họ là trí thức hay người lao động ít học…v…v… để đánh giá họ có đáng để mình mất thời gian cho một mối quan hệ bằng hữu hay không. Tôi dựa vào cách họ tôn trọng con người, cách họ tư duy về vấn đề có độc lập hay không, cách họ chịu trách nhiệm về công việc của mình, cách họ tận hưởng cuộc sống…v…v… Có những người luôn đưa ra những tuyên ngôn rất hùng hồn, rất thần thánh, chạy theo những lý tưởng rất cao đẹp, sẵn sàng dấn thân đấu tranh vì một cộng đồng…v…v…, thế nhưng họ không thể suy nghĩ độc lập, họ có thể xót thương cho cả dân tộc nhưng lại không thể thông cảm được với nỗi đau của những người thân thiết, họ có thể nói chuyện về quyền con người nhưng không biết cách đối xử với người khác theo cách của con người, họ có thể đeo đuổi các lý tưởng cao vời nhưng không thể mó tay vào để làm những việc nhỏ nhặt có thể giúp thế giới tốt đẹp hơn…v…v… Những người như thế, tôi không đủ kiên nhẫn để tiếp xúc. Dè bỉu không khiến họ tỉnh ngộ, chỉ khiến họ bám sâu hơn vào những ảo tưởng ấy mà thôi. Vậy thì coi như họ chưa từng tồn tại trước mắt mình là điều tốt nhất, cho tôi và cho họ.

Như tôi đã nói ở trên, một xã hội sẽ tệ hại khi có những con zombie hoặc những cỗ máy ảo tưởng rằng mình là thần thánh nắm quyền. Vậy thì việc đầu tiên để có một xã hội tốt đẹp hơn đó là chúng ta đừng biến mình thành những con zombie hay những cỗ máy (việc chửi bới sẽ khiến chúng ta nhanh chóng trở thành zombie, việc cắm mặt đi theo lý tưởng sẽ biến ta thành cỗ máy). Việc thứ hai, chúng ta là con người, mà con người thì luôn khôn ngoan, phải nắm quyền cai trị bằng việc thiết lập lại các tiêu chuẩn của một xã hội mà con người có thể ở được. Việc thứ ba, với tư cách con người, chúng ta hãy hiện thực hóa tiêu chuẩn ấy bằng mồ hôi và nhiệt huyết chứ không phải bằng những lời hô hào. Và con người phải đấu tranh để mình là con người, được sống trong thế giới con người… Đó là một cuộc hành trình dài không biết đến bao giờ mới là hồi kết.

Hà Thủy Nguyên