Chiều lịch sử

Tôi đã đi dọc đường lịch sử

Chẳng bóng người

Chẳng đáp lời ai

Chỉ những quân cờ tung tóe

Bàn cờ toang hoác lỗ

Những hố chôn người nào biết sử xanh

Nào những ai lưu danh

Đã ố màu kim cổ

 

Tôi lạc đường giữa muôn vàn trang sách

Vàn sự thật đều dối trá như nhau

Mờ mờ nỗi đau tiền kiếp

Hỏi ai, đáp ai

Muôn đời câm nín

Chỉ đau thương lên men ly rượu chiều

Và trăng sao cũng thôi định mệnh

 

Những gương mặt đi qua ai nhớ ai quên

Trôi nổi dòng sông máu

Sông thời gian

Chẳng hạn nào ngăn được

Những anh hùng đã nguôi cơn giông bão

Cuộc chiến nào có nghĩa gì đâu

Khi tất thảy là quân cờ định mệnh

Bàn cờ kia ta đã hất tung rồi

Và những vì sao mệnh số

Cũng chẳng còn lấp lánh

Sẽ chẳng ai hiến tế cho ngươi

Để lưu danh kim cổ

 

Nơi đây

Gò xác mủn đất bùn

Xác khô hờn thế giới

Khát thèm gì đây sau những mùa đổ máu

Khát thèm một phút vĩnh hằng thôi

Chìm trong ly rượu chiều cô độc

 

Tôi xoay một vì sao mệnh số

Cơn điên thôi dài

Lời thôi dối trá

Chỉ có tang thương

Bể dâu vần vũ

 

Rũ tay áo

Tôi lại bước đi

Trong chiều lịch sử

 

Hà Thủy Nguyên

Soi trọc phú (1): Họ là ai và tại sao lại là họ?

Lưu ý khi đọc chùm bài “Soi trọc phú”:

–  Người nhà giàu không nhất thiết là trọc phú và trọc phú không nhất thiết phải rất nhiều tiền

–  Giàu có là tốt nhưng trọc phú thì lố bịch

–  Trọc phú không đáng ngại bằng Tính trọc phú lây lan rộng trong xã hội qua các môi trường doanh nghiệp, truyền thông, ẩm thực, du lịch…

Thử định nghĩa lại trọc phú

Từ điển Hán Việt của Nguyễn Quốc Hùng định nghĩa “trọc phú” là nhà giàu nhưng lòng dạ bẩn thỉu. Đây là cách định nghĩa rất sát với từ “trọc phú” trong tiếng Hán ( 濁富). “Trọc” có nghĩa là bẩn thỉu, “Phú” có nghĩa gốc là dồi dào và thêm một nghĩa nữa là giàu có. Như vậy, định nghĩa của ông Nguyễn Quốc Hùng là chính xác, nhưng không đủ rõ nghĩa. Bởi vì, thế nào là “lòng dạ bẩn thỉu”?

Sự bẩn thỉu hay xấu xa trong tâm ở mỗi thời đại lại có cách hiểu khác nhau. Sự sạch sẽ, trong sáng thì chỉ có một kiểu thôi nhưng sự xấu xa thì muôn cách thể hiện, biến đổi không ngừng. Ở đây, tôi sẽ không bàn về cách hiểu của người xưa, bởi vì tôi không sống ở thời đại đó, không biết rõ các cách thức xấu xa của các bậc tiền bối trong làng trọc phú. Tôi chỉ bàn về trọc phú ngày nay, ở thời đại tôi đang sống mà thôi.

Từ “trọc” được sử dụng rất hay, bởi trọc phú thì bẩn toàn diện, bẩn từ trong ra ngoài, bẩn từ lòng dạ đến thói quen, cho dù có khoác lên những chiếc áo hạng sang và chải chuốt bóng bẩy.

Về căn bản, một trọc phú không kiếm tiền bằng tài năng và sự nghiêm túc trong nghề nghiệp đâu, mà bằng lối làm ăn chộp giật, trục lợi, bất chấp thủ đoạn. Mặc dù không đủ tay nghề nhưng để kiếm tiền nhanh, họ cứ thế nhận việc mà không quan tâm đến các hậu quả có thể xảy ra; hoặc sẽ trí trá tìm cách cướp công của người khác để nhận về mình. Kiếm được một mớ tiền rồi, lòng thấy sung sướng, rồi đâm ra kiêu ngạo, tự nghĩ mình là tài giỏi hơn người. Họ tự gạt mình rằng trước kia mình kiếm tiền được là nhờ họ giỏi giang về nghề, tự cho tay nghề của mình là nhất, rồi khinh miệt những người có tài nhưng chưa (hoặc không) có nhiều tiền như họ.

Bởi vì của cải họ kiếm được là bất chính nên họ cần phải tìm mọi cái mã để đắp lên mình, để tự che đậy quá khứ làm ăn bẩn thỉu của mình. Vậy là họ học làm sang. Buồn cười thay, sẽ có một hệ thống những trọc phú khác cũng chộp giật và trục lợi như vậy, cung cấp những cái vỏ để từng phần tử trọc phú khác khoác lên người. Những cái vỏ ấy thôi thì đủ loại: hàng hiệu, dịch vụ sang chảnh, thờ bái quỷ thần, tu thiền học đạo nửa vời… Và bởi vì họ đã quen cái thói “chộp giật”, nên những cái vỏ mà họ chọn cũng rởm lắm. Những cái vỏ ấy cũng được tạo ra bởi các… trọc phú như họ. Thế nên, không chỉ ăn chơi, tiêu dùng là dịch vụ mà ngay cả thần thánh, tu thiền học đạo, hoạt động tri thức, với họ cũng chỉ là dịch vụ, và được vận hành theo đúng cái lối của trọc phú. Tóm lại, một hệ sinh thái trọc phú được tạo ra để cung cấp vỏ cho trọc phú.

Tại sao tôi lại viết về họ?

Tôi biết các trọc phú lười đọc lắm, chưa chắc họ đã đọc bài của tôi. Nhưng thôi, để phù hợp với nhận thức của họ, tôi sẽ gạch đầu dòng cho tiện:

Thứ nhất, bởi vì họ chiếm đa số trong xã hội Việt Nam hiện nay (có thể là cả trên thế giới), nên họ là những kẻ nhân rộng virus “trọc phú” qua cách thức kinh doanh, cách đào tạo nhân viên, cách truyền thông. Đó là còn chưa kể lây lan qua con cháu, anh em họ hàng, bạn bè, đồng hương… blah blah blah…

Thứ hai, họ là những kẻ tàn phá môi trường tự nhiên, văn hóa và đạo đức xã hội nhất nhưng vẫn vênh vang rằng mình tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Thứ ba, lý do cá nhân thôi, tôi rất khó ở mỗi khi phải tiếp xúc với các trọc phú và các trọc phú cũng rất ngứa mắt với sự kênh kiệu và vô lễ của tôi.

Thứ tư, tôi thực sự lo ngại vì hệ sinh thái trọc phú đang ngày càng lan rộng với một niềm tin chắc chắn được lan truyền trên truyền thông đại chúng rằng cần phải giàu có, cần phải đẳng cấp theo cái cách rất… trọc phú.

Tóm lại, tôi viết bài này và cả các bài khác trong chùm bài SOI TRỌC PHÚ, không phải để các bạn khinh rẻ các trọc phú hay những ai có tính trọc phú, mà mong sao ai đó bị nhiễm virus trọc phú rồi thì cố chữa trị, để cuộc sống của chúng ta bớt dối trá và phù phiếm hơn.

Hà Thủy Nguyên