Home 2018 Tháng Mười Một

Niệm thu

Có những mùa mây nổi nước trôi

Thu nấn ná đợi bài thơ ứa hứng

Và tôi nữa đợi lòng mình đến độ

Trời còn thu

… vì tôi còn thu

 

Thả bóng câu thời gian ngưng đọng

Vạn cầu mong

Nhân loại đã úa tàn

Lá lá rụng

Và nhịp trăng mờ mịt

Cây khô cành

Ngúc ngoắc vệt thời gian

Mây trời rạn vỡ

Tim tôi máu loang

 

Những dòng sông đã cạn dòng

Khô kiệt đời nặng khổ đau

Chẳng thể tới mênh mông

Chỉ im lìm nước đọng

Ai có khóc cho sông

Giọt lệ ngàn thế kỷ

Thời gian lớp lớp cằn

 

Tôi nghe cái chết nhoẻn miệng cười

Khắc khắc thời thời

Nơi mùa thu tàn tận

Nơi mặt trời dịu hận

Ánh màu bi tráng

Rớt tay tôi

Tôi nghe cái chết bên mình

Sợi đời mong manh đến vậy

Muôn duyên nghiệp chỉ trong nhất niệm

Cũng héo tàn dưới ánh thu

 

Ô kìa thu

Những khắc si mê

Ôm chấp niệm níu một phần tươi trẻ

Níu vàng rộ những chia ly quyến luyến

Níu yêu đương nay đã nhạt màu

Và níu ta nguyên một nụ cười

Khi tận cùng đang tới

Thu ơi

Thu cạn ngày chưa

Ta cạn đời đi

 

Ta buông lòng thu

Thời gian đã cạn

Ta chết chiều nay

Niệm niệm tiêu hồn

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 Tháng Mười Một

Chiều lịch sử

Tôi đã đi dọc đường lịch sử

Chẳng bóng người

Chẳng đáp lời ai

Chỉ những quân cờ tung tóe

Bàn cờ toang hoác lỗ

Những hố chôn người nào biết sử xanh

Nào những ai lưu danh

Đã ố màu kim cổ

 

Tôi lạc đường giữa muôn vàn trang sách

Vàn sự thật đều dối trá như nhau

Mờ mờ nỗi đau tiền kiếp

Hỏi ai, đáp ai

Muôn đời câm nín

Chỉ đau thương lên men ly rượu chiều

Và trăng sao cũng thôi định mệnh

 

Những gương mặt đi qua ai nhớ ai quên

Trôi nổi dòng sông máu

Sông thời gian

Chẳng hạn nào ngăn được

Những anh hùng đã nguôi cơn giông bão

Cuộc chiến nào có nghĩa gì đâu

Khi tất thảy là quân cờ định mệnh

Bàn cờ kia ta đã hất tung rồi

Và những vì sao mệnh số

Cũng chẳng còn lấp lánh

Sẽ chẳng ai hiến tế cho ngươi

Để lưu danh kim cổ

 

Nơi đây

Gò xác mủn đất bùn

Xác khô hờn thế giới

Khát thèm gì đây sau những mùa đổ máu

Khát thèm một phút vĩnh hằng thôi

Chìm trong ly rượu chiều cô độc

 

Tôi xoay một vì sao mệnh số

Cơn điên thôi dài

Lời thôi dối trá

Chỉ có tang thương

Bể dâu vần vũ

 

Rũ tay áo

Tôi lại bước đi

Trong chiều lịch sử

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 Tháng Mười Một

Soi trọc phú (1): Họ là ai và tại sao lại là họ?

Lưu ý khi đọc chùm bài “Soi trọc phú”:

–  Người nhà giàu không nhất thiết là trọc phú và trọc phú không nhất thiết phải rất nhiều tiền

–  Giàu có là tốt nhưng trọc phú thì lố bịch

–  Trọc phú không đáng ngại bằng Tính trọc phú lây lan rộng trong xã hội qua các môi trường doanh nghiệp, truyền thông, ẩm thực, du lịch…

Thử định nghĩa lại trọc phú

Từ điển Hán Việt của Nguyễn Quốc Hùng định nghĩa “trọc phú” là nhà giàu nhưng lòng dạ bẩn thỉu. Đây là cách định nghĩa rất sát với từ “trọc phú” trong tiếng Hán ( 濁富). “Trọc” có nghĩa là bẩn thỉu, “Phú” có nghĩa gốc là dồi dào và thêm một nghĩa nữa là giàu có. Như vậy, định nghĩa của ông Nguyễn Quốc Hùng là chính xác, nhưng không đủ rõ nghĩa. Bởi vì, thế nào là “lòng dạ bẩn thỉu”?

Sự bẩn thỉu hay xấu xa trong tâm ở mỗi thời đại lại có cách hiểu khác nhau. Sự sạch sẽ, trong sáng thì chỉ có một kiểu thôi nhưng sự xấu xa thì muôn cách thể hiện, biến đổi không ngừng. Ở đây, tôi sẽ không bàn về cách hiểu của người xưa, bởi vì tôi không sống ở thời đại đó, không biết rõ các cách thức xấu xa của các bậc tiền bối trong làng trọc phú. Tôi chỉ bàn về trọc phú ngày nay, ở thời đại tôi đang sống mà thôi.

Từ “trọc” được sử dụng rất hay, bởi trọc phú thì bẩn toàn diện, bẩn từ trong ra ngoài, bẩn từ lòng dạ đến thói quen, cho dù có khoác lên những chiếc áo hạng sang và chải chuốt bóng bẩy.

Về căn bản, một trọc phú không kiếm tiền bằng tài năng và sự nghiêm túc trong nghề nghiệp đâu, mà bằng lối làm ăn chộp giật, trục lợi, bất chấp thủ đoạn. Mặc dù không đủ tay nghề nhưng để kiếm tiền nhanh, họ cứ thế nhận việc mà không quan tâm đến các hậu quả có thể xảy ra; hoặc sẽ trí trá tìm cách cướp công của người khác để nhận về mình. Kiếm được một mớ tiền rồi, lòng thấy sung sướng, rồi đâm ra kiêu ngạo, tự nghĩ mình là tài giỏi hơn người. Họ tự gạt mình rằng trước kia mình kiếm tiền được là nhờ họ giỏi giang về nghề, tự cho tay nghề của mình là nhất, rồi khinh miệt những người có tài nhưng chưa (hoặc không) có nhiều tiền như họ.

Bởi vì của cải họ kiếm được là bất chính nên họ cần phải tìm mọi cái mã để đắp lên mình, để tự che đậy quá khứ làm ăn bẩn thỉu của mình. Vậy là họ học làm sang. Buồn cười thay, sẽ có một hệ thống những trọc phú khác cũng chộp giật và trục lợi như vậy, cung cấp những cái vỏ để từng phần tử trọc phú khác khoác lên người. Những cái vỏ ấy thôi thì đủ loại: hàng hiệu, dịch vụ sang chảnh, thờ bái quỷ thần, tu thiền học đạo nửa vời… Và bởi vì họ đã quen cái thói “chộp giật”, nên những cái vỏ mà họ chọn cũng rởm lắm. Những cái vỏ ấy cũng được tạo ra bởi các… trọc phú như họ. Thế nên, không chỉ ăn chơi, tiêu dùng là dịch vụ mà ngay cả thần thánh, tu thiền học đạo, hoạt động tri thức, với họ cũng chỉ là dịch vụ, và được vận hành theo đúng cái lối của trọc phú. Tóm lại, một hệ sinh thái trọc phú được tạo ra để cung cấp vỏ cho trọc phú.

Tại sao tôi lại viết về họ?

Tôi biết các trọc phú lười đọc lắm, chưa chắc họ đã đọc bài của tôi. Nhưng thôi, để phù hợp với nhận thức của họ, tôi sẽ gạch đầu dòng cho tiện:

Thứ nhất, bởi vì họ chiếm đa số trong xã hội Việt Nam hiện nay (có thể là cả trên thế giới), nên họ là những kẻ nhân rộng virus “trọc phú” qua cách thức kinh doanh, cách đào tạo nhân viên, cách truyền thông. Đó là còn chưa kể lây lan qua con cháu, anh em họ hàng, bạn bè, đồng hương… blah blah blah…

Thứ hai, họ là những kẻ tàn phá môi trường tự nhiên, văn hóa và đạo đức xã hội nhất nhưng vẫn vênh vang rằng mình tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Thứ ba, lý do cá nhân thôi, tôi rất khó ở mỗi khi phải tiếp xúc với các trọc phú và các trọc phú cũng rất ngứa mắt với sự kênh kiệu và vô lễ của tôi.

Thứ tư, tôi thực sự lo ngại vì hệ sinh thái trọc phú đang ngày càng lan rộng với một niềm tin chắc chắn được lan truyền trên truyền thông đại chúng rằng cần phải giàu có, cần phải đẳng cấp theo cái cách rất… trọc phú.

Tóm lại, tôi viết bài này và cả các bài khác trong chùm bài SOI TRỌC PHÚ, không phải để các bạn khinh rẻ các trọc phú hay những ai có tính trọc phú, mà mong sao ai đó bị nhiễm virus trọc phú rồi thì cố chữa trị, để cuộc sống của chúng ta bớt dối trá và phù phiếm hơn.

Hà Thủy Nguyên

 

Home 2018 Tháng Mười Một

Cà phê chiều nguội anh hùng

Nghe tin Stan Lee qua đời

Chuyện đời lướt qua

Kẻ cao giong rít lên điều nhạt nhẽo

Những lời vô nghĩa vãi vương

Ly cà phê đã nguội

Ai thương đâu buổi chiều đang cạn

Ai thương đâu một kẻ ơ hờ

Thèm phút giây vắng lặng

Thèm im ắng

Như mây

 

Tôi đã ngồi đây

Đầu thế kỷ điêu tàn

Ếch nhái đầy đường, anh hùng vắng bóng

Cuồng nhân rêu rao cứu thế

Tội đồ điên loạn vênh vang

Ôi những thế kỷ kiêu binh đốt toà thành đổ hận

Tàn tích còn đâu, dòng sử đã mờ

Ly cà phê đã nguội

Lòng tôi chẳng như mây

Và những bóng cây tích oán hờn đô thị

Đêm đêm quỷ mị

Vọng trường mộng điên rồ

 

Tôi đang đi đang đi trong nhà thương điên vô hạn

Chẳng bức tường nào ngăn giữ

Ai cũng như ai

Bệnh nhân ư?

Bác sĩ ư?

Tất thảy hồn đã cạn

Người điều trị người cho trầm trọng cơn điên

Những triền miên ma mộng

Ly cà phê nguội ngắt

Những thiên thần không mặt

Cuộn đói khát yêu thương

 

Có ai nghe gió thở dài

Tôi hoài thai điều cũ

Xác anh hùng ủ rũ tượng đài

Máu chẳng khô lòng đất

Ly cà phê dang dở

Chẳng đóng nổi câu thơ

Hay tôi đang nói mơ

Trại tâm thần điên loạn

Đời có thôi náo động

Tôi bao giờ hóa mây?

 

Ly cà phê chẳng hết

Vàn câu chuyện chẳng tan

Trại điên tường chẳng dựng

Anh hùng tàn

Ai than

Một thế kỷ màn khép dở

Kịch mới ai đoái hoài

Còn tôi ước làm mây

Nơi góc nhà chật hẹp

 

Hà Thủy Nguyên

 

 

Home 2018 Tháng Mười Một

Đêm vô định

Tự bao giờ, một bàn tay vô hình đã tài tình kết vô vàn giọt lệ thành những bông hoa. Đêm nay, một bông hoa rụng cánh xuống mặt bàn gỗ xù xì, uế tạp, xỉn màu thời gian. Đêm nay, có loài hoa rưng rưng bật khóc. Hoa được sinh ra từ nước mắt để rồi cả cuộc đời chỉ biết khóc than.

Ta không nhặt những cánh hoa rơi đem liệm trong túi vải như nàng Lâm Đại Ngọc, ta lại càng không nỡ để những nhát chổi vô tình biến chúng thành rác rưởi. Thả xuống với cánh hoa từng lọn tóc của một thời xuân sắc, những mong có thể khiến nỗi đau ngấm vào lòng đất! Nhưng không, mặt đất vẫn yên bình…

Mái tóc cũng là dòng lệ. Ta chỉ biết giấu nỗi đau trong mái tóc cứ dài mãi, dài mãi tựa bóng đêm! Một ngày kia nước mắt sẽ cạn. Tóc đã bạc rồi! Còn ý nghĩa gi đâu những nỗi đau khi loài người sinh ra bằng tiếng khóc.

Đêm nay, trăng đã rụng, sao đã tan tác giữa không trung. Cơn mưa lạnh đã cướp hết trăng sao của những kẻ đa tình. Rả rich! Rả rich! Trời khóc như một thiếu phụ mất chồng. Nàng sẽ đánh đổi những giọt nước mắt ấy lấy tính mạng của người chồng quá cố? Không! Nàng chọn nước mắt! Nỗi sầu ngàn kiếp đôi khi có ý nghĩa hơn cả niềm hạnh phúc.

Đêm qua đi trên từng cánh hoa. Gió tuyệt vọng thở dài tiễn biệt nỗi đau vào lòng đất. Thật bất hạnh cho những bông hoa “bất tử”, chúng không bao giờ rụng cánh, nghĩa là chúng cũng chẳng bao giờ biết khóc.

Có những con trai kết đớn đau thành ngọc quý, có những bông hoa được kết bằng giọt lệ, có những con người kết đêm thành kiệt tác… Còn ta chỉ biết kết cơ man nào là tóc rối thành một nụ cười thả cho gió cuốn trôi.

Hà Thủy Nguyên

Ảnh đại diện là bức tranh “Vô” do Hà Thủy Nguyên vẽ bằng màu Acrylic.

Home 2018 Tháng Mười Một

Ru mặt trời

Ru mặt trời

Mặt trời ơi

Ngủ ngủ thôi

Buông tay lơi nắng

Lơi ngự trị trần ai

Bằng niềm vui giả dối

Ta cần một chút buồn tê tái

Lẩn sương mây

Lô xô lạnh lẽo sóng hồ

Nắng kia ơi

Xin lịm tắt

Lịm

Im

Chìm đáy

 

Ta lang thang lang thang

Lê bước chân con đường cũ

Nụ cười mau tan

Rượu buồn không cạn

Ngửa tay xin một chút đau thương

Người đời ơi

Người đời ơi

Có rủ lòng…

Xin một chút cô đơn

Chút mây mưa mờ vạn dặm hoang liêu

Ai có chăng ai?

Nghèo cả rồi sao?

 

Ta bày tâm khản trên mây

Bố thí nỗi buồn cho ai đây

Mưa gió mù trời

Riêng ta một góc thành tây

Ru mặt trời ngủ lịm

 

Đêm nay ai buồn

Vong hồn thất thểu

Oan nghiệp giải rồi

Còn lại buồn thôi

Chuông chùa khàn hoen gỉ

Ừ thì sinh ly

Ừ thì tử biệt

 

Một tiếng than dài

À ơi

Mặt trời

Nắng hãy phai…

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 Tháng Mười Một

Về lại cuối thu

Ta hát bài ca

Ngợi hoa tàn

Ô mùa héo úa

Đã sang trang

Trầm hương ai thắp chờ trăng sáng

Chờ ta nhàn

Tản cả nhân gian

 

Ta hát bài ca

Tụng chinh phu

Mùa trận mạc dậy hồn thu đã tận

“Anh hùng hữu hận” (*)

Lá lá rụng

Mịt mùng

Lửa bập bùng tuý ca biên tái

 

Ta về lại mùa hoa bướm cũ

Động hoàng hoa đã rủ tro tàn

Mưa giọt giọt đã khô

Rượu đổ tràn hơi bay

Chẳng mùi cố nhân lai vãng

Ta đã quên ta rồi ư

Ai đã quên ta rồi ư

 

“Mải mê theo sự nghiệp

Quá trớn lỡ giàu sang” (**)

Oán vọng thán

Mây ơi dằng dặc đến

Kéo mưa lưa thưa báo thu tàn

Ta đã quên giàu sang

Ta cũng quên sự nghiệp

Động hoa vàng còn ướp hồn ta

Chăng?

 

Nhấp ngụm say sưa mưa tiền kiếp

Kìa non đã kiệt, nước đã cùng

Ta trọn vẹn riêng chung

Gom xác hoa thiêu lửa

Ánh suy tàn chín cõi

Điệu thê lương mờ dâu bể

Cõi tang thương còn sót một chút sầu

Tựa hoa nơi kẽ núi

 

Hà Thủy Nguyên

 

(*) Lấy ý từ câu “Kim cổ vô cùng giang mạc mạc/Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu” trong bài thơ “Vãn hứng” của Nguyễn Trãi

(**) Hai câu này trích từ bài “Đời tàn ngõ hẹp” của Vũ Hoàng Chương

Home 2018 Tháng Mười Một

Ngạo ca nổi gió

Ta nghêu ngao hát khúc dài luồn gió luồn chênh vênh đá núi

Bóng hà sa phong trần mây lồng lộng

Ta thổi dài cơn say

Say mùa mạt thế về đây

Dáng thần liêu xiêu điệu vũ

Ta sẽ say cho bay hết đền đài

Muôn bức tượng sứt đầu chẳng nuôi thiện ác

Chỉ gỗ đá trơ trơ chờ mục nát

Gió ta thổi qua và lả tả tro tàn… mây tan… tâm can xô lệch

Cố nhân vắng lặng

Băng tuyết đông trời

 

Ta lại thổi sao trời cơn ba đào rung rinh thế sự

Thế thời thời thế vạn sự là không

Ta khóc ai lạc giữa mênh mông

Ta khóc ta ôm mênh mông vào lòng đúc khối sầu vạn kỷ

Ta khóc mưa rơi mưa rơi

Bầy hạn bạt ngông cuồng nhất niệm biến thiên

Sẽ chìm trong hồng thủy

Nước mắt ta tẩy uế hồng trần

Ngươi nhất niệm

Ta vô niệm nơi nỗi buồn mênh mông mênh mông

Ai nghêu ngao cùng ta khúc ngông đầu nguồn ngọn gió

Nỗi băng hà lan lan

Ồ ta đã ngủ giấc miên man

 

Ta du ca giữa đại ngàn thông reo

Suối đóng băng ký ức

Lẽ thịnh suy trong vắt

Ta ướp thời gian

 

Ta hát ngạo ca bắn bỏ mặt trời

Mặt trời hồng cúi mình khiếp sợ

Ôi thế gian triệu năm quỳ gố

Sợ hắn ư? Tiếc hắn ư?

Mạng sống có ra gì!

Hắn – mặt trời vô nghĩa

Tên bạo chúa bất tài

Không nắng khi ai cần

Không lặn khi ai nguyện

Kìa ta… kìa ta… là một mặt trời buồn

Sẽ dâng lên cuối đại dương

Thay nỗi buồn cho cơn giận

Nhóm lửa chờ gió loang

 

Và đêm…

Ta lại hát ngạo ca

Rũ tay áo mặc thời thời thế thế

Ta lại du ca đỉnh gió

Chỉ giương cung chĩa phía mặt trời hồng

Khi hắn lên cơn điên

Giữa bầy hạn bạt

Ta

Cung tựa gió, tên hồ băng

Bật tung dây vô thường

Và khép lại mênh mông

Giữa điệu buồn vũ trụ

 

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 Tháng Mười Một

VĂN CAO – CHÔNG CHÊNH GIỮA TIÊU DAO VÀ TRÁCH NHIỆM

Người ta oán trách Văn Cao vì đã từng làm sát thủ, từng viết những ca khúc đầy ngôn từ bạo lực; người ta cũng từng đấu tố Văn Cao vì tư tưởng lung lạc của ông dưới thời Cộng Sản; và cũng không ít người nghiêng mình thán phục tài năng âm nhạc của ông cho dù ông viết ca khúc cổ động hay  ca khúc trữ tình. Tôi cho rằng Văn Cao là một người bị giằng xé giữa nhiều lựa chọn – mối mâu thuẫn giữa con người cá nhân và con người trách nhiệm; và điều siêu tuyệt của Văn Cao đó là ông hết mình trong mâu thuẫn ấy, hết mình tới nỗi cực đoan, tới nỗi ông không chắc chắn về con người thật của mình. Dường như ông cũng nhận thức được sự mâu thuẫn của mình, và khi âm nhạc không thể chuyển tải được mâu thuẫn đó, ông đã viết trong thơ:

Buổi sáng nay không phải mình thức dậy
Một người nào trong tôi đang thở
Trước mặt tôi
Buồn nửa đêm nửa ngày len lỏi
Nửa phố mặt trăng nửa phố mặt trời
Từ khi ấy chúng tôi, hai người suy nghĩ
Hai kẻ thù nhau
Hai thái cực tâm hồn
Hai người ấy trong một người chịu đựng
Mưu hại lẫn nhau
Không biết ngày đêm, không biết giả thật
Từ phút ấy, tôi không còn thật nữa.

(Trích “Năm buổi sáng không có trong sự thật” – Văn Cao)

Đoạn thơ này phần nào giúp tôi lý giải các nghịch lý của Văn Cao. Một phần của ông là những trách nhiệm với dân tộc, với bạn bè, đồng đội; một phần khác lại ước mơ một đời sống tự do, thoát tục, thoát khỏi mọi phận vị. Tôi cho rằng đó là tâm sự chung của phần lớn văn nghệ sĩ lãng mạn trưởng thành trong giai đoạn 30-45 ở Việt Nam. Ban đầu, khi Việt Nam còn chịu dưới ách đô hộ của thực dân Pháp thì khao khát tự do cá nhân được đồng nhất với tự do cho dân tộc, nhưng khi dân tộc đã dành được độc lập và chính quyền Cộng Sản thực hiện chính sách văn hóa theo Đề cương văn hóa năm 1943 của Trường Chinh vềđềcao tính đại chúng và giai cấp thì tự do cá nhân đã mâu thuẫn với thứ được gọi là “quyền lợi của nhân dân”. Có lẽ, Văn Cao và nhiều người bạn của ông không sớm nhận thức được điều này như Phạm Duy, họ chọn ở lại để thực hiện trách nhiệm của mình với chính quyền mới để rồi sa lầy giữa hai con người “mưu hại lẫn nhau”.

Văn Cao (1923 – 1995) là nhạc sĩ thủ lĩnh trong phong trào tân nhạc ở Hải Phòng. Ông vốn là con của  giám đốc nhà máy nước Hải Phòng. Ông bắt đầu học âm nhạc tại trường dòng Saint Josef ở bậc trung học. Do gia đình sa sút, Văn Cao bỏ học  ở năm thứ hai bậc thành trung, rồi đi làm điện thoại viên ở sở Bưu điện Hải Phòng nhưng được một tháng thì bỏ việc.

Con người tự do của Văn Cao

Văn Cao viết ca khúc đầu tiên là “Buồn tàn thu” khi mới 16 tuổi, lúc này ông đã tham gia nhóm Đồng Vọng của nhạc sĩ Hoàng Qúy. Thời điểm Văn Cao viết “Buồn tàn thu” trùng với những ngày tang lễ của nhà văn Vũ Trọng Phụng, do đó, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha sau này đã viết:  “16 tuổi, một ngày mùa thu, khi cả Hà Nội tiễn đưa nhà văn yểu mệnh nhưng cực kỳ nổi tiếng Vũ Trọng Phụng về cõi vĩnh hằng, nhạc phẩm đầu tiên – “Buồn tàn thu” của Văn Cao – đã ra đời. Bài hát với hơi hám của ca trù, phong vị Đường thi ở lời ca, đã mang một tiếc nuối về những sự ra đi không trở lại: “Đêm mùa thu chết – Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng …”

Ngay sau “Buồn tàn thu” là “Thiên Thai”. Có thể nói “Thiên Thai” thể hiện rõ ràng nhất giấc mơ thoát tục của Văn Cao. Qua câu chuyện hai chàng Lưu – Nguyễn tới cõi tiên Thiên Thai cùng với nét nhạc bay bổng, ta có thể thấy ẩn sâu trong tâm trí của Văn Cao là giấc mơ một cuộc sống thong dong tự tại. Khi viết bài này, ông mới 18 tuổi và phỏng theo thơ Hoàng Thoại. Ca khúc “Thiên Thai” là ca khúc có nhiều biến tấu phức tạp với 100 ô nhạc và các biến cảnh tuần tự như trong trường ca. Trong hồi ký của mình, Phạm Duy cho chúng ta biết thêm về ca khúc này: “Văn Cao đã thú nhận rằng mình bị ảnh hưởng sông nước của hai truyện Đào nguyên, Thiên Thai cho nên đã soạn ra một bài hát. Một bài hát, theo tôi thật là tuyệt diệu ! Nó vừa có tính chất trường ca, vừa có tính chất nhạc cảnh. Nếu hình thức ca khúc trong Tân Nhạc Việt Nam cho tới năm 1944 này vẫn còn nằm trong khuôn khổ một đoản khúc được ước định trong một số khuôn nhạc nào đó, với một lối chuyển cung, chuyển điệu công thức nào đó… thì “Thiên Thai” của Văn Cao đã vươn lên một thức rất lớn, chia ra nhiều đoạn, nhiều cảnh, gồm tới con số chín mươi bốn khuôn nhạc, chan chứa những giai điệu thần tiên và những lời ca thần diệu…”

“Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm
Nhớ quê chiều nào xa khơi Chắc không đường về
Tiên nữ ơi!
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao ?
Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên.”

Sau thành công của “Buồn tàn thu” và “Thiên Thai”, Văn Cao viết “Suối mơ” trong một lần đến thăm dòng suối bên đền Cấm tại thị trấn Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn. Cảnh sắc tại đền Cấm giờ đây không còn có được vẻ đẹp nguyên sơ nhưng ta vẻ đẹp của “Suối Mơ” thì vẫn còn mãi. Phần lời của ca khúc này cũng thể hiện giấc mơ về một cảnh sống lánh đời:

“Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối .
Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát.
Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi .

Tơ đàn chùng theo với tháng năm,
Rừng còn nhớ tới người.

Trong chiều nào giữa chốn đây,
Hồn cầm lắng tiếng đời.”

Tại Hải Phòng, Văn Cao làm quen với Phạm Duy, khi đó là ca sĩ trong gánh hát Đức Huy. Phạm Duy hát và gẩy guitar bài “Buồn tàn thu” khiến Văn Cao cảm thấy như gặp được tri kỷ. Hai ông nhanh chóng thân thiết và chính Văn Cao đã khuyến khích cũng như hướng dẫn Phạm Duy sáng tác. Văn Cao và Phạm Duy viết chung với nhau bài “Bến xuân”, có lẽ đây là bài hát đầu tiên có không khí mùa xuân mà Văn Cao viết (những ca khúc trước đó thường lấy cảm hứng từ mùa thu). “Bến xuân” được Văn Cao sáng tác để thể hiện tình yêu của mình với ca sĩ Hoàng Oanh khi nhớ lại ký ức Hoàng Oanh tới thăm nhà ông tại đò Rừng:

“Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hoà!
Chim ca thương mến, Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất trầm vương,
Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
Tới đây chân bước cùng ngập ngừng
Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.”

Phạm Duy đặc biệt rất thích ca khúc “Trương Chi” của Văn Cao và cho rằng đây là ca khúc nói tên tiếng lòng của ông. Trương Chi được viết theo lối trường ca, mượn câu chuyện tình tuyệt vọng của chàng ca sĩ Trương Chi, Văn Cao đã thể hiện những vẻ đẹp của âm nhạc một cách tuyệt diệu. Trong hồi ký của mình, Phạm Duy đã viết về “Trương Chi” như sau: “vào lúc tân nhạc mới chập chững biết đi mà Văn Cao đã viết được những câu nhạc diễn tả giọt mưa tài tình như vậy, thật là hiếm có.” Trong phần lời của ca khúc có những câu thơ tuyệt đẹp thể hiện con người tiêu diêu giữa cõi âm nhạc:

“Ngồi đây ta gõ ván thuyền

Ta ca Trái Đất còn riêng ta”

Cho đến nay, “Trương Chi” vẫn là ca khúc khó thể hiện nhất trong số các ca khúc của Văn Cao. Tôi xin được chọn phần trình bày của ca sĩ Thái Thanh. Mặc dù Thái Thanh chưa hoàn toàn thể hiện được tinh thần của “Trương Chi” nhưng cũng chỉ có bà có thể thể hiện được những độ khó trong khúc thức và luyến láy của ca khúc.

Nếu Văn Cao khuyến khích Phạm Duy sáng tác thì chính Phạm Duy đã khuyến khích Văn Cao ra Hà Nội. Văn Cao thuê một căn hộ nhỏ tại 171 phố Mongrant (nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền). Ông đã theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Lúc này, ông sáng tác nhiều thơ, truyện ngắn đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy. Trong 2 năm 1943 và 1944, ông đã xuất hiện tại các cuộc triển lãm hội họa ở nhà Khai Trí Tiến Đức với các bức tranh sơn dầu “Cô gái dậy thì”, “Sám hối”, “Nửa đêm”và đặc biệt là bức “Cuộc khiêu vũ những người tự tử”. Tranh của ông được báo chí đánh giá cao nhưng lại không bán được nên những ngày sống ở Hà Nội là những ngày thiếu thốn của ông. Cũng trong thời gian này, Việt Minh đã tiếp cận ông và thuyết phục ông tham gia phong trào Cách mạng.

Con người với các trách nhiệm và phận vị

Ngay từ ngày đầu trong sự nghiệp âm nhạc của mình Văn Cao đã tham gia nhóm nhạc Đồng Vọng (1930), tập hợp các nhạc sĩ ở Hải Phòng mà đứng đầu là Hoàng Qúy và Tô Vũ để tạo giọng nhạc hùng tráng, khích lệ tinh thần dân tộc phục vụ các hoạt động hướng đạo sinh. Trong quãng thời gian này, ông sáng tác các ca khúc cổ động như “Gió núi”, “Gò Đống Đa”, “Anh em khá cầm tay”. Nhưng chỉ đến khi chính thức tham gia Việt Minh, âm nhạc phục vụ Cách mạng của ông mới đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật.

Năm 1944, Vũ Qúy (1914 – 1945), nhà hoạt động cách mạng, Quyền Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội đã tới thuyết phục Văn Cao tham gia Cách mạng ngay tại nhà riêng của Văn Cao ở Nguyễn Thượng Hiền. Ngay hôm ấy, Văn Cao đã sáng tác ca khúc “Tiến quân ca” và được Vũ Qúy gửi đăng trên báo “Độc lập” trong tháng 11 năm 1994. Về sau, chính Hồ Chí Minh đã ký duyệt “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Không chỉ sáng tác các ca khúc Cách mạng, ông còn tham gia nhiệt tình các hoạt động của Việt Minh, đặc biệt là những nhiệm vụ đòi hỏi sự mạo hiểm. Văn Cao thực hiện 2 vụ ám sát và cảm hóa những người chỉ điểm là vụ Võ Văn Cầm ở Hà Nội (cảm hóa) và vụ Đỗ Đức Phin tại Hải Phòng (ám sát). Đồng thời, ông cũng tổ chức dạy võ thuật cho các đồng đội của mình vì từ nhỏ ông đã được học võ và giỏi võ, đã từng tham gia biểu diễn võ thuật thời niên thiếu. Đến năm 1946, Văn Cao tham gia áp tải vũ khí và tiền mặt vào miền Nam. Lúc này, ông được phân làm Ủy viên Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc, phụ trách Tổ điều tra của Công an Liên khu 3 và viết các bài cho báo Độc Lập. Năm 1947, ông lại được cử vào đội điều tra đặc biệt lên biên giới phía Bắc để tìm cách thực hiện liên minh với Vua Mèo nhằm ngăn chặn sự tràn sang của Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Sau khi nhiệm vụ thành công, Văn Cao đã từ chối chức vụ được đề xuất cho ông trong ngành Công an với lý do “Công việc này không thích hợp với tôi”. Trong 3 năm từ 1947 đến 1949, ông sáng tác nhiều ca khúc Cách mạng quan trọng như “Làng tôi, “Tiến về Hà Nội”, “Ngày mùa” và đặc biệt là “Trường ca Sông Lô”.

Mặc dù hết mình cho các nhiệm vụ của Việt Minh nhưng cảm hứng lý tưởng Cách mạng này không tồn tại lâu với Văn Cao. Ông đã sớm nhận thức được các nhiệm vụ ấy khiến mình đau đớn như thế nào. Theo như lời nhạc sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao kể lại thì ông đã rất hối hận với hành vi giết người của mình: “Với Văn Cao việc phải trừ khử một người là điều ông không hề muốn. Nhưng vì nhiệm vụ cách mạng, vì sự sống của muôn người nên bắt buộc ông phải ra tay tiêu diệt những tên Việt gian ngoan cố. Ta có thể hiểu ông qua những câu thơ ông để lại: “Giữa sự sống và cái chết/ Tôi chọn sự sống/ Để bảo vệ sự sống/ Tôi chọn sự chết”. Trong Văn Cao có hai con người. Con người của nghệ thuật và con người làm cách mạng. Nhiều người muốn tìm hiểu phần con người thứ hai của ông. Nhất là những sự kiện mọi người gọi là “thành tích phi thường” ông đã làm trong thời gian phụ trách Đội trừ gian. Ông thường né tránh và ít khi nhắc đến. Có lần ông tâm sự với tôi: “… Bố đã từng giết một con người… Ông ta nhìn vào họng súng, nhìn bố với đôi mắt ngơ ngác như muốn hỏi – Sao lại giết tôi. Cho đến giờ, bố vẫn bị ám ảnh vì đôi mắt ấy…”.” Trong bài thơ “Mùa xuân trong đời tôi”, Văn Cao cũng thể hiện một tâm trạng chán ghét chiến tranh tột độ:

Cả mùa xuân đời tôi
Đã qua cuộc chiến tranh tàn khốc
Anh hùng và man rợ
Thần thánh và quỷ dữ
Tỉnh giấc ngủ buổi sáng đầy tiếng bom đạn nổ
Sâu những mơ mộng buổi chiều là từng tiếng xe xa
Những đêm đi trong những ngọn lửa đốt nhà dài từng cây số
Bước lên những xác người và lao mình vào những lỗ châu mai lô cốt
Tôi đã nhìn thấy chung quanh tất cả
Những con người và con vật
Dũng cảm và hèn nhát
Cao quý và ti tiện
Trung thực và bất lương
Trong cả mùa xuân đời tôi
Trong cả một cuộc chiến tranh giữ nước
Tôi đã mất sắc da tuổi trẻ
Nhưng một tôi đã rắn chắc lại rồi
Mùa xuân không kịp nở
Mãi trong tôi
Những tháng ngày khát khao hy vọng.

Năm 1956, Văn Cao viết một bài thơ có tên là “Anh có nghe thấy không”. Bài thơ thể hiện nhiều tâm sự thất vọng với các chính sách của chính quyền Cộng Sản sau thời gian đấu tố, diệt văn hóa phong kiến và tư sản trong Cải cách Ruộng đất. Bài thơ thậm chí còn bị Xuân Diệu lên án là “lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt, tuy nhiên công chúng cũng hiểu nó muốn nói gì”:

Cửa đóng lại từ chín giờ
Không một cuốn sách chờ đợi
Dù những ngôi sao đang nở trên trời
Dù đêm mùa xuân bắt đầu trở lại

Tất cả hướng về biển
Bọt cứ tan trên bãi cát xa
Mà cửa bể vẫn im lìm chưa mở

Bao giờ nghe được bản tình ca
Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật
Bao giờ
Bao giờ chúng nó đi tất cả

Những con người không phải của chúng ta
Vẫn ngày ngày ngày ngang nhiên sống

Chúng nó còn ở lại
Trong những áo dài đen nham hiểm
Bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người

Chúng nó còn ở lại
Trong những tủ sách gia đình
Ở điếu thuốc trên môi những em bé mười lăm
Từng bước chân các cô gái
Từng con đường từng bãi cỏ từng bóng tối
Mắt quầng thâm còn nhỡ mãi đêm

Chúng nó còn ở lại
Trong những tuổi bốn mươi
Đang đi vào cuộc sống
Như nấm mọc trên những thân gỗ mục

Người bán giấy cũ
Đã hết những trang tiểu thuyết ế
Những trang báo ngày xưa
Đang bán đến những trang sách mới
Những bài thơ mới nhất của anh

Anh muốn giơ tay lên mặt trời
Để vui da mình hồng hồng sắc máu
Mấy năm một điệu sáo
Như giọng máy nước thâu đêm chảy

Chung quanh còn những người khôn ngoan
Không có mồm
Mắt không bao giờ nhìn thẳng

Những con mèo ngủ yên trên ghế
Trong một cuộc dọn nhà

Những con sên chưa dám ló đầu ra
Những cây leo càng ngày càng, tốt lá

Một nửa thế giới
Một nửa tâm hồn
Một nửa thế kỷ
Chưa khai thác xong

Bây giờ không còn những tiểng nổ to
Nhưng còn những tiếng rạn vỡ
Có thể thu hết những khẩu súng phản động
Nhưng vẫn còn
Những khẩu súng đưa người tự tử.

Anh có nghe thấy không
Chỗ nào cũng có tiếng
Chưa nói lên

Những người của chúng ta
Đang mờ mờ xuất hiện
Le lói hy vọng
Trên những cánh đồng lầy

Nghìn năm cũ phủ mất nhiều giá trị
Đốt nghìn kinh chưa thắp sáng cuộc đời

Vào một cuộc đấu tranh mới
Với những người không phải của chúng ta
Anh có nghe thấy không

Vào một cuộc đấu tranh mới
Để mở tung các cánh cửa sổ
Mở tung các cửa bể
Và tung ra hàng loạt hàng loạt
Những con người thật của chúng ta.

Khi hai tờ Nhân Văn và Giai Phẩm bị đình bản, Văn Cao cũng giống như nhiều nghệ sĩ khác bị bắt đi học tập cải tạo chính trị vào năm 1958. Từ đó cái tên của Văn Cao không còn được nhắc đến trên báo chí nữa. Mặc dù ông vẫn kiếm sống bằng việc viết nhạc cho các vở kịch, các chương trình kỷ niệm, vẽ sân khấu, vẽ trang trí hộp diêm… nhưng các ca khúc của ông bị cấm biểu diễn chính thống tại miền Bắc dưới chế độ của nhà nước Cộng Sản. Tuy nhiên, các ca khúc của ông lại được biểu diễn rất phổ biến ở miền Nam bởi Thái Thanh, Ngọc Hạ, Hoàng Oanh… dù chưa có sự cho phép của tác giả. Thậm chí, ca khúc “Không quân Việt Nam” còn được lấy làm nhạc hiệu của lực lượng không quân Việt Nam Cộng Hòa.

Sau thắng lợi năm 1975, Văn Cao đã sáng tác ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”, nhưng ca khúc bị cho là đi ngược lại đường lối và chính sách của Đảng, do đó không được biểu diễn và phát hành. Nhưng nhờ ca khúc được dịch phần lời sang tiếng Nga và được phổ biến ở Nga mà ca khúc không bị quên lãng.

Phải đến năm 1980, nhờ chính sách Đổi mới của Nguyễn Văn Linh, các ca khúc của Văn Cao bắt đầu được biểu diễn trở lại. Năm 1981, một cuộc thi sáng tác Quốc ca được tổ chức nằm gạt “Tiến quân ca” của Văn Cao ra khỏi vị trí quan trọng trong lễ nghi của nhà nước Cộng Sản, tuy nhiên sau cùng, kết quả không được công bố và “Tiến Quân Ca” vẫn tiếp tục là Quốc ca cho đến ngày nay. Năm 1988, khi Hội nhà văn Việt Nam phục hồi tư cách cho nhiều văn nghệ sĩ trong vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm, ông mới chính thức được xuất hiện trở lại. Ông xuất bản tập thơ “Lá” và các ấn phẩm âm nhạc cũng dần dần được in ấn trở lại.

Mặc dù là nhạc sĩ vĩ đại nhất trong số các nhạc sĩ gắn bó với chính quyền Cộng Sản nhưng Văn Cao chưa từng có một buổi biểu diễn toàn bộ các nhạc phẩm của riêng mình. Ước mơ của ông rất nhỏ nhoi, đó là được có được buổi biểu diễn ấy. Nhạc sĩ Đinh Tiến Dũng đã mở đầu bộ phim tư liệu về Văn Cao làm năm 1992 bằng chính ước mơ nhỏ nhoi ấy của ông.

Đến năm 1995, Văn Cao mất do căn bệnh ung thư phổi. Ông đã sống một cuộc đời với nhiều thăng trầm, chông chênh giữa những thái cực để rồi nhận ra điều bất biến đích thực chính là tình yêu, thứ tình yêu vừa khoảnh khắc lại vừa vĩnh cửu. Trong một bài thơ viết năm 1994, trong cơn bệnh nặng, trước khi qua đời, ông đã viết:

Không có hai mùa xuân
trong một đời người
Ôm những cây đời thay lá
Một mùa xuân trong những chuỗi ngọc
Sâu những tháng năm
những giấc mơ khát vọng
những niềm tin
Không bao giờ thay đổi
Sự vĩnh cửu của con người
chỉ khao khát tình yêu
Giữa anh và em
Không gian nhỏ lại
Thời gian khép lại
Một mùa xuân
Không có hai lần.

Hà Thủy Nguyên

Home 2018 Tháng Mười Một

NHÀ XUẤT BẢN CỦA GS CHU HẢO VÀ MỘT Ý TƯỞNG TRUYỀN BÁ TRI THỨC…

Ngay khi thông tin về việc Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật vì những cuốn sách có tư tưởng chính trị do NXB Tri Thức ấn hành thì lập tức một đợt sóng truyền thông rầm rộ trên Internet và người ta đua nhau đi ôm sách NXB Tri Thức về nhà. Họ khoe nhau những tủ sách ngập sách NXB Tri Thức, những bức ảnh chụp bác Chu Hảo. Có lẽ các siêu sao Việt Nam chẳng ai có bộ sưu tập ảnh nhiều góc độ như bác Chu Hảo đâu. Âu cũng là một chuyện thú vị! Điều ấy cho thấy xã hội ta đã “tự diễn biến” từ lâu rồi, và theo quy luật lượng chất thì có lẽ sắp có thay đổi về “chất” đến nơi. 😊

Người ta ca ngợi bác Chu Hảo nhiều cũng như tiếc nuối NXB Tri Thức, chen lẫn sự lo lắng về một tương lai không có sách “nghiêm túc” và “tiến bộ” để đọc nữa. Nhưng sau tất cả, tôi nghĩ, đó không phải điều bác Chu Hảo mong đợi.

Khi giáo sư Chu Hảo rủ Book Hunter về tổ chức sự kiện tại NXB Tri Thức, giáo sư đã tâm sự với tôi về ý tưởng của NXB. NXB được lấy ý tưởng từ tinh thần “khai dân trí” của cụ Phan Châu Trinh, và không chỉ có vậy, còn của cả hội Khai Trí Tiến Đức. Nếu so sánh về cách thức hoạt động của NXB Tri Thức thì tôi thấy rằng, bên trong, NXB tạo nên một hội Khai Trí Tiến Đức kiểu mới, và bên ngoài thì thực hiện “khai dân trí” theo cách cụ Phan. Có thể nhiều độc giả chưa hẳn đã đọc và hiểu hết các ý tưởng từ sách của NXB Tri Thức, nhưng tinh thần tri thức mà các đầu sách của NXB truyền tải thì vẫn ảnh hưởng một cách đáng kể. Nói một cách thị trường hơn, NXB Tri Thức đã tự định hình một phân khúc trong trị trường sách Việt Nam. Và hơn cả thế, điều đáng quý của NXB Tri Thức, đó là từ lâu, nơi đây trở thành một nơi tập trung những người ham mê tri thức, cùng làm việc để duy trì và truyền bá tri thức, và tôi tự hào là một người trong số ấy. Bởi vì để gìn giữ tinh thần tri thức không phải đơn giản là một công việc mà là một cuộc chiến, cuộc chiến chống lại một xã hội đang ngày càng coi rẻ tri thức, cuộc chiến để lấy lại vị thế cho những gì đã từng bị vùi dập bởi một thời mông muội. Đó chính là tinh thần của Khai Trí Tiến Đức và Phan Chu Trinh, cũng là tinh thần của nhiều thế hệ trí thức, và của rất nhiều trí thức độc lập đang nỗ lực hiện thực hóa trong xã hội.

Tôi quen nhiều nhóm trí thức độc lập có cùng phương châm hoạt động với NXB Tri Thức, nhưng NXB Tri Thức là một ví dụ điển hình cho sự thành công, dù rằng NXB cũng… nghèo lắm. À không, nói theo một cách khác, NXB Tri Thức giàu lắm, cái gì cũng có… trừ tiền. Những cuốn sách bị cấm tái bản không phải tất cả những gì quý báu nhất của NXB Tri Thức mà chỉ là… một phần nhỏ trong gia tài quý báu ấy. Thậm chí đó cũng không phải là giá trị cốt lõi mà NXB Tri Thức muốn truyền tải mà chỉ là một phần nhỏ trong các  hệ thống tư tưởng mà NXB Tri Thức muốn giới thiệu với bạn đọc. Thế nên, tại sao phải lo lắng cho số phận của NXB Tri Thức hay cho số phận của việc truyền bá tri thức?

Bởi vì sau tất cả, NXB Tri Thức vẫn sẽ tiếp tục in các cuốn sách có chất lượng cao về học thuật để làm cơ sở nền tảng cho Việt Nam. Mà nếu chẳng may NXB Tri Thức bị đóng cửa thì các trí thức vẫn còn đó, họ sẽ vẫn tiếp tục viết sách, dịch sách, truyền bá tri thức theo cách này hay cách khác, và biết đâu lại chẳng lan rộng tới mức chẳng ban bệ nào trong chính quyền có thể kiểm soát được. Như thế, thứ quan trọng mà NXB Tri Thức để lại cho sau này chính là tinh thần tri thức chứ không phải những cuốn sách.

Tôi cũng chẳng biết làm gì để thể hiện sự ủng hộ của mình với NXB Tri Thức lúc này, bởi vì tôi không quen hô hào hay kêu gọi cho NXB Tri Thức, cũng không thể đổ xô chạy đến để ôm sách của NXB Tri Thức về tích trữ bởi vì trước nay Book Hunter vẫn làm thế. Tôi chỉ có thể tự hứa với bản thân là sẽ tiếp tục duy trì tinh thần trí thức ấy cho dù NXB Tri Thức trong tương lai có còn hoạt động nữa hay không. Và tôi tin, vẫn có rất nhiều trí thức trước giờ vẫn luôn  nung nấu tinh thần ấy.

Hà Thủy Nguyên

– Giáo sư có thể chia sẻ bí quyết để có được hạnh phúc trong cuộc sống?
– Để cuộc sống thanh thản, tôi thường có 3 điều nhớ và 3 điều quên. Nhớ mình là người bình thường và mình có thể sai, không phải lúc nào mình cũng đúng. Mình luôn là mình, không sống bon chen với người khác.
Điều đầu tiên phải quên là quên tuổi tác. Tôi năm nay đã 70 tuổi nhưng cố quên là mình đã già. Thỉnh thoảng tôi vẫn đi lại nhanh nhẹn như thanh niên. Các cụ dạy rằng: “70 tuổi vẫn chưa già, 60 tuổi vẫn còn là trung niên”, tôi nghĩ mình vẫn đang ở độ tuổi trung niên. Điều thứ hai là quên bệnh tật, vì tôi quan niệm có quên bệnh tật mới sống vui vẻ được. Thứ ba là quên thù hận. Nếu có xích mích thù oán gì thì càng gỡ ra bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu.
Tôi nghĩ ai hay nghĩ xấu về người khác thì rất bất hạnh. Tôi là người nghiêm túc về giờ giấc, nhưng nếu ai đã hẹn với tôi mà đến trễ thì tôi nghĩ đơn giản rằng họ bận đột xuất nên lỡ hẹn với mình. Nghĩ vậy tôi thấy lòng mình thanh thản hơn.
Xin chúc các bạn có sự an lạc trong tinh thần để cảm thấy mình hạnh phúc!
(Trích GS Chu Hảo
trả lời phỏng vấn VnExpress, 8.1.2011)